` Làm gì khi cuộc sống ngoài tầm kiểm soát? - MaCi Care MaCi Care

16 tháng 11, 2022

0

YÊU THƯƠNG TỰ THÂN

Làm gì khi cuộc sống ngoài tầm kiểm soát?

  • Share on Facebook
  • Copy link
Làm gì khi cuộc sống ngoài tầm kiểm soát?

     Trong một ngày sẽ có khá nhiều quyết định mà bạn cần đưa ra. Dù chỉ là những quyết định như sẽ mặc quần áo gì, làm các hoạt động nào hay gặp gỡ ai, thì cuộc sống là những chuỗi ngày quyết định liên tục gần như trong mọi thời điểm. Mặc dù chúng ta có thể đưa ra những chọn lựa và lập kế hoạch cho cuộc sống, nhưng không ai có thể lường trước cho những điều xảy ra bất ngờ. Chính vì nó bất ngờ xảy đến nên chúng ta có nguy cơ dễ rơi vào tình trạng lo lắng thái quá và cảm thấy như cuộc sống đang ngoài tầm kiểm soát. Đây là lý do tại sao chúng ta luôn muốn kiểm soát mọi thứ nhất có thể. Cách tốt nhất để đối diện với tình trạng này là bằng lòng với những gì bản thân không thể kiểm soát. Tất nhiên, điều này nói thì dễ hơn làm, đây là quá trình cần có thời gian, nhưng nó đáng để chúng ta cố gắng.

 

Bài viết này bàn luận về một số nguyên nhân tại sao bạn cảm thấy cuộc sống như ngoài tầm kiểm soát và qua đó đề xuất một số giải pháp giúp bạn làm chủ được những cảm xúc này.

  

Lý do tại sao bạn cảm thấy như cuộc sống ngoài tầm kiểm soát?

 

Có nhiều nguyên nhân tại sao dẫn đến cuộc sống mất kiểm soát, dưới đây là một số yếu tố cụ thể:

 

1. Căng thẳng
 

Căng thẳng thường gây ra cảm giác choáng ngợp và lo âu ở mọi nơi . Một người sẽ thấy quá tải với áp lực phải gánh vác nhiều thứ như gia đình, công việc, tài chính,  tất cả như chồng chất lên nhau. Căng thẳng dẫn đến nhiều tệ hại và nó dễ khiến cuộc sống chúng ta mất kiểm soát. Vì vậy, quản lý căng thẳng là điều tối cần thiết và quan trọng.

 

2. Sức khỏe

 

Con người thường hay lo lắng về cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, đặc biệt là khi họ đang trong tình trạng sức khoẻ dễ bị tổn thương. Bởi vì những vấn đề liên quan đến sức khỏe có thể xảy đến bất chợt. Có nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Chúng có thể là do di truyền, do yếu tố môi trường, hoặc thậm chí là do tình cờ. Đây là điều luôn khiến chúng ta bận tâm khi phải thường xuyên chú ý đến không chỉ sức khỏe của bản thân mà còn cả sức khỏe của những người thân.

 

Yếu tố sức khoẻ có thể dẫn đến căng thẳng trong cuộc sống nhưng ngược lại căng thẳng cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thật khó nếu không lo lắng và bận tâm về sức khỏe nhưng quan trọng là chúng ta đừng nên lo lắng quá mức. Bạn nên tập trung vào những gì trong tầm kiểm soát của bản thân như tiến hành các biện pháp phòng ngừa sức khỏe thích hợp, thực hiện các phương pháp chăm sóc sức khỏe và cố gắng giữ tinh thần lạc quan. 

 

3. Các mối quan hệ

 

Tất cả những mối quan hệ khác nhau mà bạn gắn kết trong cuộc sống đôi lúc cũng cảm thấy phiền toái. Tuy bạn luôn biết ơn về những mối quan hệ đã có này, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không gây ưu phiền cho bạn. Dù bạn đang bận rộn với vai trò của người làm cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, người chăm sóc, v.v., thì các mối quan hệ này đều mang những trách nhiệm khác nhau. Mỗi mối quan hệ gắn liền với những nhiệm vụ, sự thỏa hiệp và có khi đòi hỏi bạn phải đối diện với những cảm xúc và vấn đề của người khác. Khi người thân đang phải trải qua một tình huống khó khăn nào đó cũng khiến bạn lo lắng. Chúng ta không thể thiếu những mối quan hệ trong cuộc sống, nhưng những mối quan hệ này không nên có tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn, nhất là không để nó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn.

 

Ngoài ra, nếu bạn thấy mình đang có một mối quan hệ độc hại (với đối tác, bạn bè hay ngay cả với thành viên trong gia đình), đây có thể là nguyên nhân khiến bạn thấy cuộc sống như vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt khi mọi nỗ lực hàn gắn mối quan hệ đều thất bại.

 

4. Cơn khủng hoảng quốc gia

 

Việc trải qua qua một trận đại dịch, cộng với chứng kiến những thảm họa thiên nhiên và những bất công trong xã hội gây nên cho con người quá khả năng chịu đựng. Nhưng quan trọng là chúng ta cần tìm cách lý giải mọi thứ đang diễn ra trên thế giới bởi nếu thường xuyên nghe về những thảm hoạ không những khiến bạn chán nản mà còn làm cho bạn cảm giác như không thể tự vệ, lo âu, sợ hãi và thậm chí là nổi giận.

 

5. Công việc

 

Nhiều khi công việc của một người chiếm hết thời gian của họ và dường như nó còn chi phối toàn bộ cuộc sống của người đó. Con người có thể bị quá tải bởi những gì họ phải hoàn thành trong và ngoài nơi làm việc. Thi thoảng bạn rơi vào tình trạng thường xuyên bận rộn để công việc đạt hiệu quả, nhưng bạn đừng quên chú trọng đến việc cân bằng sức khỏe.

 

6. Biến cố

 

Nếu bạn vừa trải qua một biến cố bi thảm trong đời (chẳng hạn như người thân trong gia đình qua đời, mất việc, v.v.), thì bạn cảm giác như nó cực kỳ tồi tệ. Biến cố xảy đến thường là bất ngờ, nên nó để lại nhiều tổn thương trong cảm xúc. Vì những tình huống này nằm ngoài khả năng kiểm soát của bản thân nên khiến bạn thấy bất lực và mất mát. Thêm vào đó, những sự kiện bi thảm thường để lại những cảm xúc đau khổ lâu dài dù cho biến cố đã qua đi. Trải qua một biến cố khiến bạn cảm thấy như một cuộc tấn công mà bạn không hề biết nó sắp xảy đến cũng không thể đề phòng. Trên thực tế, một trong những trải nghiệm đau thương phổ biến nhất là người thân yêu đột ngột qua đời và loại tổn thương này được xem là nguyên nhân chính của chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). 

 

Bất kể bản chất của biến cố đau thương là gì, nhưng nhìn chung chúng ta phải trải qua hàng loạt các cảm xúc khác nhau, và dường như thật khó để đối diện với chúng. Khi bị choáng ngợp trước những tình huống không thể kiểm soát như vậy, dường như bạn sẽ thấy khó kiểm soát được cảm xúc của chính mình và phản ứng của bản thân trước bi kịch đó.

 

Làm gì khi bạn cảm thấy cuộc sống ngoài tầm kiểm soát?

 

Một số bước dưới đây có thể hữu ích cho bạn khi cuộc sống bắt đầu ngoài tầm kiểm soát.

 

1. Dừng lại và nghỉ ngơi

 

Thật cần thiết khi thi thoảng chúng ta biết dành thời gian để nghỉ ngơi. Sẽ hữu ích nếu bạn dành thời gian cho bản thân, ngồi thiền, giảm căng thẳng, và luyện tập chăm sóc chính mình. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng những sinh viên y khoa biết cách tự chăm sóc bản thân có khả năng kiểm soát căng thẳng tốt hơn, dẫn đến kết quả chất lượng cuộc sống tốt hơn so với nhóm không biết chăm sóc bản thân.

 

2. Thử thay đổi quan điểm bản thân

 

Thay vì xem cuộc sống của bản thân nằm "ngoài tầm kiểm soát", thì trong thời điểm này ta có thể thay đổi góc nhìn bằng cách chấp nhận mọi thứ xảy đến "như một điều tự nhiên". Điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự tồi tệ, mà qua việc chấp nhận bản thân không thể kiểm soát mọi thứ làm cho bạn hài lòng với cuộc sống hơn.

 

3. Kiểm soát những thứ bạn có thể thay đổi

 

Mặc dù con người không thể kiểm soát tất cả mọi thứ trong cuộc sống, nhưng chúng ta vẫn có khả năng kiểm soát một số thứ. Hãy hành động để thay đổi những điều bạn có thể kiểm soát như đi đến phòng tập thể dục nhiều hơn, ít ăn đồ ngọt hơn hay cắt đứt quan hệ với một người độc hại khỏi cuộc sống của bạn. Ngay cả khi đó là những điều nhỏ nhặt nhất, nó cũng giúp bạn củng cố khả năng kiểm soát và lạc quan trong cuộc sống.

 

4. Tự tin vào những quyết định trong cuộc sống của bạn

 

Cuộc sống đôi khi sẽ mất kiểm soát nếu bạn không ngừng lo lắng và tự chất vấn bản thân liệu mình có đang đưa ra những lựa chọn đúng hay không. Với những điều bản thân có thể kiểm soát, bạn có khuynh hướng muốn chắc rằng mình đang làm đúng, gần như hoàn hảo, tuy nhiên sẽ không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Hãy tự hào về những gì bạn đã tạo nên trong cuộc đời mình, dù cho bạn đã có một vài quyết định sai lầm, hãy học hỏi và nhìn về phía trước. Những sai lầm này sẽ khuyến khích bạn cần hoàn thiện bản thân nhiều hơn và có thêm sự từng trải. Trong đau khổ thường xuất hiện ý chí và quyết tâm để tìm ra những cơ hội khác lớn hơn cho cuộc đời mình. Do đó, nên nhớ rằng, dù bạn quyết định đi con đường nào trong đời, thì cũng đừng lo lắng quá nhiều về mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.

 

Hãy cảm kích những tình huống thử thách đã xảy đến trong cuộc đời bạn vì chúng là động lực thúc đẩy bạn hướng về phía trước để gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp  hơn.

 

5. Nói ra

 

Sẽ rất có lợi nếu bạn có thể nói ra những điều khiến bạn thấy quá tải và căng thẳng. Cho dù đó là với người thân hay có thể là chuyên gia trị liệu, thì cũng giúp ích cho bạn khi có một ai đó lắng nghe những trăn trở và lo lắng của bạn. Họ sẽ giúp bạn nhìn nhận lại cảm xúc của mình và điều chỉnh chúng cho phù hợp hơn.

 

6. Chọn một Sở thích

 

Làm một số thứ bạn thích là cách tốt nhất để hướng tâm trí khỏi những điều không thể thay đổi. Đó có thể là đi dạo hàng ngày hay viết nhật ký, những sở thích sẽ giúp bạn phần nào thoát khỏi những phiền muộn trong cuộc sống. Nói cách khác, sở thích đóng vai trò như lời nhắc nhở bạn là người chèo lái cuộc đời mình vì chính bạn mới là người có quyền lựa chọn cách sử dụng thời gian của bản thân.

 

7. Suy nghĩ tích cực

 

Cố gắng suy nghĩ tích cực. Cuộc sống không phải lúc nào cũng luôn trong trạng thái tồi tệ, nó sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn có niềm tin. Tập trung hướng đến những gì đang diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống của bạn và thực hành lòng biết ơn với những gì bạn đang có.

 

Điều quan trọng, bạn hãy học cách chấp nhận những điều không may lẫn điều tốt xảy đến trong cuộc đời mình. Cố gắng hết mình để vượt qua những tình huống thử thách trong cuộc đời vì chúng có thể là sự khích lệ rất lớn nhằm phát triển bản thân.


Nguồn: What to Do When Life Feels Out of Control - Very Well Mind

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần