` Điều trị rối loạn tâm thần - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Điều trị rối loạn tâm thần

A. Điều trị rối loạn tâm thần

Đối với hầu hết mọi người, việc kết hợp giữa việc thay đổi lối sống, trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc và nhận được hỗ trợ từ bên ngoài sẽ rất có ích cho việc điều trị các rối loạn tâm thần. Sẽ có những cách mang lại hiệu quả tốt hơn tùy tình trạng và đối tượng. Bạn có thể sẽ tốn khá nhiều thời gian để tìm đúng phương pháp cho mình, tuy nhiên công sức của bạn bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng.

1. Thay đổi về lối sống

Có rất nhiều thói quen có thể gây ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy đảm bảo ngủ đủ giấc, có một chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Giảm hoặc ngừng sử dụng caffeine, rượu và chất gây nghiện cũng có thể mang lại lợi ích. Thiền, yoga hoặc các bài thực hành tâm linh cũng vậy. Hãy chú ý đến những điều đơn giản như chăm sóc bản thân, làm những việc mà bạn thích, dành thời gian với những người hoặc trong các môi trường mà bạn cảm thấy được lắng nghe.

2. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là một cách tuyệt vời giúp thay đổi hành vi, mang lại sự tự tin, học tập những kỹ năng mới và giao tiếp một cách cởi mở, chân thành. Có rất nhiều liệu pháp khác nhau, hầu hết các nhà trị liệu đều sử dụng cùng lúc nhiều kỹ thuật tùy vào nhu cầu của thân chủ. Liệu pháp phổ biến nhất hiện tại là liệu pháp Nhận thức - Hành vi (Cognitive Behavioral Therapy (CBT). Với CBT, nhà trị liệu giúp chúng ta đánh giá lại những suy nghĩ, niềm tin và ảnh hưởng của chúng lên hành vi của mình.

3. Sử dụng thuốc

Một cách điều trị khác chính là sử dụng thuốc. Có rất nhiều thuốc điều trị các bệnh tâm thần khác nhau tuỳ vào triệu chứng. Thuốc tác dụng lên mỗi người mỗi khác nên không phải thuốc nào cũng hợp với bạn, nhiều loại thuốc sẽ còn có tác dụng phụ. Bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp. Sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc nhằm làm giảm nhiều triệu chứng khác nhau hoặc để chống lại tác dụng phụ cũng là một cách phổ biến.

4. Nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài

Có được nguồn lực hỗ trợ từ những người xung quanh là một điều vô cùng quan trọng, trong đó có gia đình, bạn bè, các chuyên gia hoặc các hội nhóm hỗ trợ. Các hội nhóm hỗ trợ là nhóm những cá nhân có cùng trải nghiệm với nhau, họ gặp nhau thường xuyên để chia sẻ câu chuyện của họ. Trò chuyện với những người cũng trải qua những việc giống với mình có thể khiến cho chúng ta cảm thấy bớt cô đơn và được kết nối hơn, đồng thời mang lại một không gian để chia sẻ về những cách điều trị phù hợp với từng người và trao đổi về các khó khăn của mình với những ai có thể hiểu được chúng.

B. Quản lý sức khỏe tinh thần cá nhân

Nếu bạn tìm kiếm thông tin trên mạng về những cách điều trị rối loạn tâm thần, bạn sẽ thấy có rất nhiều thông tin về thuốc và các liệu pháp tâm lý. Chúng tôi cũng nghĩ vậy, dù gì thì thuốc và trị liệu cũng là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên cả hai đều cần sự trợ giúp của các chuyên gia, điều đó có thể khiến cho bạn cảm thấy sức khỏe của mình lại chịu sự kiểm soát của người khác. May mắn là vẫn có nhiều cách để bạn quản lý sức khỏe tinh thần của mình.

1. Lập kế hoạch điều trị

Có rất nhiều cách điều trị đối với các rối loạn tâm thần. Chẳng hạn như:

  • Trị liệu tâm lý (nhóm hoặc cá nhân)
  • Thuốc
  • Hội nhóm hỗ trợ (online hoặc offline)
  • Thay đổi trong lối sống, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, ăn thực phẩm khiến bạn cảm thấy tốt hơn, tập thể dục thường xuyên hơn.
  • Sử dụng các loại thảo dược
  • Viết nhật ký
  • Học cách tái cấu trúc những suy nghĩ tiêu cực 

Một số cách như thuốc và trị liệu sẽ cần sự trợ giúp chuyên nghiệp, một số cách khác bạn có thể tự thực hiện. Hầu hết chúng ta sẽ ổn định nhất khi có sự kết hợp giữa các cách điều trị khác nhau.

Khi đã thử nhiều cách và chọn được cách nào hợp hay không hợp, bạn sẽ lên được một kế hoạch điều trị. Không cần phải hình thức cầu kỳ gì cả, đơn giản là một ghi chú nhỏ về những gì giúp hoặc không giúp được bạn mà thôi. Lộ trình điều trị sẽ tốt nhất khi:

  • Bạn duy trì được nó. Hầu như mọi cách điều trị đều cần thời gian cả. Nếu bạn cảm thấy khó có thể kiên trì thì bạn có 2 lựa chọn: tìm cách nào đó giúp bạn kiên trì hơn (sử dụng ứng dụng theo dõi các thói quen của bản thân), hoặc tìm cách điều trị khác mà bạn dễ duy trì hơn.
  • Bạn tin vào nó. Những người đưa bạn lộ trình điều trị phải giải thích được ý nghĩa của nó cho bạn. Bạn không cần phải biết mọi chi tiết một cách khoa học về cách hoạt động của nó (trừ khi bạn cảm thấy hứng thú), tuy nhiên sẽ rất có lợi nếu bạn nghiên cứu một chút trước khi thử.

Các phương pháp hỗ trợ được cho nhau. Rối loạn tâm thần có rất nhiều nguyên nhân và triệu chứng. Nhiều cách chỉ có thể giải quyết một hoặc hay vấn đề. Kết hợp nhiều phương pháp với nhau sẽ xử lý được nhiều nguồn cơn và triệu chứng sẽ giúp ích cho bạn hơn.

Kế hoạch điều trị của bạn sẽ thay đổi theo thời gian. Phương pháp từng rất hiệu quả có thể dần sẽ không còn nữa, hoặc bạn tìm ra một phương pháp mới và bạn muốn thử. Hãy luôn linh hoạt và mở lòng trước những ý tưởng mới nhé!

2. Tập hợp một đội ngũ điều trị

Bạn không cần phải tự lên kế hoạch điều trị một mình. Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của một chuyên gia sức khỏe tinh thần như bác sĩ, nhà trị liệu hoặc từ hệ thống hỗ trợ của riêng bạn là bạn bè, gia đình hoặc bất kỳ hội nhóm hỗ trợ online/offline nào đó.

Họ có thể cho bạn những lời khuyên mà bạn chưa nghĩ đến, chịu trách nhiệm và động viên bạn duy trì kế hoạch điều trị của mình.

Việc tập hợp này có thể sẽ mất thời gian, có những người sẽ đến rồi đi theo thời gian. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì đội ngũ ấy là của bạn mà, bạn có quyền lựa chọn ai sẽ được tham gia vào. Việc nhớ kỹ điều này có thể tạo ra sự khác biệt cực lớn vì nó sẽ giúp bạn cảm thấy mình đang kiểm soát được sức khỏe tinh thần của bản thân.

3. Làm việc với những chuyên gia biết lắng nghe

Một bác sĩ hoặc nhà trị liệu giỏi sẽ đảm bảo tính bình đẳng trong quá trình trị liệu. Họ sẽ lưu tâm đến những ý kiến và coi trọng mọi tâm tư của bạn. Nếu bạn cảm thấy họ không lắng nghe mình, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm ý kiến của bên thứ hai - một chuyên gia khác.

Các bác sĩ có thể hiểu rõ tác dụng của thuốc và thuốc nào thì phù hợp với bệnh nhân nào, tuy nhiên bạn mới chính là chuyên gia trong chính trải nghiệm của mình. Sức khỏe tinh thần có tính cá nhân rất cao, hợp với người khác không có nghĩa là sẽ hợp với mình.

Các chuyên gia sức khỏe tinh thần có thể là một phần vô cùng giá trị trong đội ngũ điều trị của bạn, chỉ là hãy nhớ rằng đến cuối cùng đó vẫn là đội ngũ của bạn!

C. Vai trò của bệnh viện trong quá trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần

Việc đến bệnh viện để khám về các rối loạn tâm thần là một điều khá phổ biến. Đôi khi họ đến vì mục đích chữa trị, đôi khi vì đó là nơi đầu tiên họ nghĩ đến khi gặp phải khủng hoảng. Việc đến khám và hiểu được vấn đề đang xảy ra với bản thân có thể giúp bạn quyết định liệu đây có phải là cách tốt nhất ở thời điểm này.

1. Bệnh viện có thể hỗ trợ những gì đối với các rối loạn tâm thần?

Có rất nhiều lý do vì sao chúng ta lại chọn đến bệnh viện để điều trị các rối loạn tâm thần, ví dụ như:

  • Để được theo dõi. Một số người cảm thấy không thể tin tưởng vào chính mình. Có thể họ không ngừng được việc làm đau bản thân, có thể họ lo sợ mình sẽ làm đau người khác. Trong bệnh viện, bạn sẽ liên tục được theo dõi bởi những người vốn đã được đào tạo nhằm giữ bạn và mọi người luôn an toàn.
  • Để trốn tránh trong vài ngày. Các vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể được nhập viện trong thời gian khá ngắn (từ vài ngày đến một hoặc hai tuần). Tuy nhiên, nếu cuộc sống mỗi ngày đều khiến bạn áp lực và căng thẳng, nhập viện trong vài ngày sẽ giúp ích được cho sức khỏe tinh thần của bạn. Tại đó, bạn được chuẩn bị sẵn đồ ăn, quần áo, thuốc được các y tá đưa đến đúng giờ, bạn không cần phải lo gì cả. Việc đó sẽ giúp bạn có thời gian suy nghĩ về tương lai nên làm gì khi về lại với thế giới ngoài kia, hoặc bạn chỉ cần nằm xem TV cũng được.
  • Để được trợ giúp nhanh, tổng quát. Điều trị chuyên sâu cùng một lúc nhiều vấn đề có thể khiến cho bạn cảm thấy quá tải. Nào là thuốc, trị liệu tâm lý, thay đổi lối sống,... còn chưa kể đến chính là sức khỏe thể chất của bạn nữa. Trong bệnh viện, bạn có thể sẽ được gặp tất cả các chuyên gia đó chỉ trong một ngày. Bình thường hẹn một buổi thăm khám với bác sĩ đã có nhiều rắc rối rồi, đôi lúc bạn còn phải ngồi chờ đợi nữa. Tuy nhiên, trong môi trường bệnh viện, bạn có thể được trợ giúp về mọi thứ cùng một lúc.
  • Để được chăm sóc hậu thăm khám. Sau khi nhập viện thì chuyện gì sẽ xảy ra? Câu trả lời nằm ở khoảng thời gian nằm viện của bạn. Nếu bạn cần thuốc, bạn sẽ được bổ sung thêm và thậm chí là một vài coupon để bạn duy trì liều thuốc. Bệnh viện có thể chuyển gửi bạn đến một dược sĩ, nhà trị liệu, hoặc các chuyên gia khác tùy tình huống. 

2. Bạn còn những lựa chọn nào khác không?

Nhập viện có thể mang lại lợi ích trong nhiều tình huống nhưng cũng có những bất lợi của nó. Đây không phải phương án lâu dài, bạn sẽ khó có thể được chữa trị hoàn toàn, tuy nhiên nó vẫn là bước đầu tuyệt vời. 

Dù bạn có quyết định thăm khám tại bệnh viện hay không, điều quan trọng bạn cần nhớ chính là bạn có rất nhiều lựa chọn. 

Để có một giải pháp lâu dài, bạn nên gặp một nhà trị liệu hoặc gặp bác sĩ và sử dụng thuốc. Tham gia các hội nhóm hỗ trợ cũng có ích, học hỏi thêm về rối loạn tâm thần của bạn, mở lòng với người bạn tin tưởng, thay đổi lối sống cũng là những cách hữu ích khác.

3. Ai là người quyết định tôi sẽ đến bệnh viện hay không?

Trong một vài trường hợp, bạn nên cân nhắc viết bản “Chỉ thị trước về chăm sóc sức khỏe tinh thần” trước khi đến bệnh viện. Đây là văn bản pháp lý thể hiện mong muốn của bạn về những phương pháp điều trị, dịch vụ và sự hỗ trợ khác mà bạn muốn hoặc không trong trường hợp bạn gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc đưa ra quyết định. Bạn cũng có thể ghi cụ thể cơ sở mà bạn muốn được đưa đến điều trị.

Câu hỏi thường gặp

1. Nếu tôi mắc rối loạn tâm thần, liệu tôi có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?
Rối loạn tâm thần không có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng có rất nhiều phương pháp điều trị. Người mắc rối loạn tầm thần vẫn có thể hồi phục nếu tích cực điều trị và sống một cuộc sống lâu dài, lành mạnh. Một số phương pháp điều trị phổ biến như: sử dụng thuốc, tham vấn trị liệu tâm lý cá nhân hoặc theo nhóm, điều chỉnh lối sống thói quen sinh hoạt... Mỗi người mỗi khác nên bạn sẽ phải tìm ra được phương pháp kết hợp nào là phù hợp với mình nhất.
2. Rối loạn tâm thần có thể tự khỏi không?
Rối loạn tâm thần ảnh hưởng lên từng người theo những cách khác nhau. Với một số người, nó đến rồi đi. Với một số khác, nó diễn ra gần như liên tục. Có thể là một giai đoạn trầm cảm, cũng có thể là một đời đấu tranh với trầm cảm. Có thể là nhiều rối loạn khác nhau theo thời gian, cũng có thể chúng diễn ra cùng một lúc. Việc dự đoán những gì mà bạn sẽ trải qua với căn bệnh không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng của bạn nghiêm trọng hoặc bạn trải qua nhiều dạng rối loạn khác nhau thì sẽ rất khó để bạn có thể tự khỏi và thậm chí nếu có thì nhiều khả năng chúng vẫn sẽ quay lại. Bạn nên bắt đầu bằng cách học hỏi về rối loạn tâm thần và cách điều trị chúng. Sau đó chọn một phương pháp điều trị mà bạn thấy thoải mái nhất, nó có thể là một việc vô cùng đơn giản như viết nhật ký chẳng hạn. Duy trì trong vài tuần để xem liệu bạn có thấy đỡ hơn không, nếu không hãy thử cách khác. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ, nhà trị liệu hoặc tự điều trị.

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần