` Điều trị trầm cảm & phục hồi - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Điều trị trầm cảm & phục hồi

1. Trầm cảm có thể tự hết không?

Trầm cảm ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau. Nó có thể đến rồi đi, cũng có thể nó diễn ra liên tục. Bạn có thể trải qua chỉ một giai đoạn trầm cảm hoặc cũng có thể là vấn đề kéo dài suốt cuộc đời.

Thật khó để dự đoán trầm cảm đối với bạn sẽ như thế nào. Tuy nhiên, trầm cảm càng nặng thì khả năng nó tự biến mất sẽ càng ít và khả năng quay trở lại sẽ càng cao.

Tuy nhiên bạn không phải ngồi một chỗ và chờ cho nó tự biến mất. Giống như các rối loạn tâm thần khác, trầm cảm có thể điều trị được. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ hoặc nhà trị liệu, hoặc bạn cũng có thể tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình.

Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu thêm về trầm cảm và cách điều trị của nó. Sau đó chọn một phương pháp điều trị mà bạn cảm thấy thoải mái, có thể là một cái gì đó đơn giản, như viết nhật ký chẳng hạn. Thử duy trì trong vài tuần và xem liệu bạn có cảm thấy đỡ hơn không. Nếu không, hãy thử một phương pháp khác.

Chủ động cải thiện sức khỏe tinh thần vẫn tốt hơn là chờ đợi mọi thứ tự thay đổi. Một số phương pháp điều trị trầm cảm cũng là những thói quen tốt, lành mạnh nên có. Bạn có thể mất một khoảng thời gian dài để tìm ra sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất với mình nhưng không sao cả, việc tìm cách cải thiện sức khỏe tinh thần vốn đã là một trải nghiệm đáng giá, mang lại những lợi ích không chỉ cho việc kiểm soát trầm cảm.

2. Phương pháp điều trị trầm cảm

Đối với hầu hết chúng ta, sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, trị liệu, thuốc và nguồn hỗ trợ sẽ có lợi trong điều trị trầm cảm. Có kiểu kết hợp sẽ hiệu quả với người này hơn người kia. Bạn có thể mất nhiều thời gian để khám phá sự kết hợp phù hợp nhưng nó rất đáng giá.

Thay đổi lối sống

Một số thói quen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Đảm bảo ngủ đều đặn, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp ích được rất nhiều. Giảm hoặc ngừng sử dụng caffeine, rượu hoặc chất cũng có thể hỗ trợ bạn. Thiền, yoga và thực hành tâm linh cũng vậy. Hãy chú ý đến những điều đơn giản như dành thời gian chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động mà bạn yêu thích, dành thời gian cho những người yêu thương bạn cũng như trong môi trường có thể nâng đỡ bạn.

Trị liệu

Trị liệu cũng là một cách tuyệt vời giúp thay đổi hành vi, tăng sự tự tin, học các kỹ năng mới và giao tiếp một cách cởi mở, trung thực. Có nhiều dạng trị liệu khác nhau. Hầu hết các nhà trị liệu đều sử dụng nhiều kỹ thuật, tùy thuộc vào nhu cầu của thân chủ. Liệu pháp phổ biến nhất cho trầm cảm là Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT). Trong CBT, nhà trị liệu sẽ giúp bạn lật lại những suy nghĩ, niềm tin của mình và cách mà chúng ảnh hưởng lên hành vi của bạn.

Nguồn lực hỗ trợ

Quan trọng là bạn phải tìm được nguồn lực hỗ trợ từ những người khác, chẳng hạn như gia đình, bạn bè, chuyên gia hoặc các nhóm hỗ trợ. Các nhóm hỗ trợ được lập ra từ những cá nhân có trải nghiệm tương tự với bạn, họ sẽ gặp nhau thường xuyên để chia sẻ về trải nghiệm của họ. Trò chuyện với những người cũng đang trải qua câu chuyện tương tự có thể khiến bạn cảm thấy bớt cô đơn và trở nên gắn kết hơn. Nó cũng đồng thời tạo ra một không gian nơi mà mọi người có thể chia sẻ những phương pháp điều trị hiệu quả với họ và những khó khăn của mình với những người có thể hiểu được chúng.

Thuốc

Một lựa chọn khác chính là dùng thuốc. Thuốc điều trị trầm cảm được gọi là thuốc chống trầm cảm và chúng có nhiều loại khác nhau. Thuốc tác động lên mỗi người theo mỗi cách khác nhau, vì vậy không phải loại thuốc nào cũng hiệu quả với bạn và nhiều loại thuốc sẽ có tác dụng phụ. Bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp. Dùng nhiều loại thuốc cùng lúc cũng khá phổ biến. Mục đích là để nhắm đến các triệu chứng khác nhau hoặc để chống lại các tác dụng phụ.

Phương pháp điều trị bằng các thiết bị y khoa

Khi các phương pháp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, chúng ta có thể cân nhắc sử dụng phương pháp điều trị trầm cảm bằng các thiết bị y khoa. Chúng bao gồm liệu pháp sốc điện (ECT), kích thích dây thần kinh phế vị (VNS), kích thích từ xuyên sọ (TMS) hoặc kích thích điện trị liệu sọ (CES). Hầu hết các cách trên được thực hiện trong bệnh viện dưới sự giám sát của bác sĩ. Riêng CES được sử dụng tại nhà và là một thiết bị nhỏ. Bạn sẽ phải trao đổi liệu bên bảo hiểm có chi trả cho bất kỳ phương pháp điều trị nào kể trên không.

3. Bẫy tư duy và cách ứng phó

Bạn thường làm gì khi cảm thấy "bế tắc"? Việc nhìn nhận thế giới qua một lăng kính tiêu cực có thể khiến bạn cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ và không có lối thoát nào cả. Cuộc sống thì khó khăn mà bạn thì không thể giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên bạn vẫn có thể học cách suy nghĩ một cách rõ ràng và tích cực hơn. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng tận hưởng cuộc sống và tìm ra giải pháp cho các vấn đề của mình hơn nhiều!

Suy nghĩ của chúng ta bị “mắc kẹt” như thế nào?

Thế giới này rất phức tạp, cuộc sống luôn thay đổi. Chúng ta gặp phải những tình huống mới mẻ mà tổ tiên ta từ cái thời còn sống trong hang động sẽ không bao giờ phải đối phó, chẳng hạn như tiền thuế, hẹn hò, trường học, lái xe… Thật sự rất khó để tiếp nhận mọi thứ và bộ não bé nhỏ của chúng ta đang làm tốt nhất có thể rồi!

Bộ não của chúng ta có rất nhiều lối tắt. Các lối tắt tinh thần ấy gần như luôn làm tốt nhiệm vụ giúp chúng ta đối phó với cuộc sống mà không bị choáng ngợp bởi từng chi tiết nhỏ. Chúng hoạt động tốt đến mức chúng ta thường không nhận ra chúng.

Nhưng cũng có lúc chúng ta sẽ bị “mắc kẹt” lại. Các lối tắt đã từng giúp giờ đây bắt đầu kìm hãm, khiến chúng ta cảm thấy như thể bị mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực của mình. Chúng ta có thể thấy lo âu, trầm buồn hoặc gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề của mình.

Một ví dụ về lối tắt tinh thần là khái quát hóa quá mức (overgeneralization). Bộ não của bạn dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ để dự đoán tương lai. Nếu bạn thất bại vào lần thử đầu tiên, bạn có thể tự động cho rằng mình sẽ không bao giờ thành công. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta gần như sẽ luôn thất bại khi thử làm những điều mới mẻ. Thử lại một lần nữa chính là cách mà ta có thể trải nghiệm sự hài lòng và tự hào có được từ học hỏi và phát triển. Có điều, thật khó để nhớ điều đó nếu bộ não vẫn luôn cố gắng bảo vệ bạn khỏi cảm giác thất vọng hoặc xấu hổ.

Một số bẫy tư duy phổ biến

Hãy cùng điểm qua một số bẫy tư duy phổ biến, các ví dụ và chiến lược để thoát khỏi chúng:

Bẫy lọc là khi bạn phớt lờ bất cứ điều gì mâu thuẫn với niềm tin của bạn. Nếu bạn nghĩ, “không ai tôn trọng mình”, bạn có thể phớt lờ tất cả những lần mọi người bày tỏ sự tôn trọng của họ đối với bạn (ngay cả khi điều đó không diễn ra thường xuyên như bạn mong muốn). Nếu bạn nghĩ, “Tôi là một kẻ thất bại”, bạn có thể cho rằng mọi điều tồi tệ xảy ra là do lỗi của bạn, còn mọi điều tốt đẹp chỉ là may mắn mà thôi.

  • Cách điều chỉnh: Hãy tìm kiếm những bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin tiêu cực mà bạn đang có về bản thân. Nhớ về một thời điểm mà mọi thứ có vẻ tốt đẹp hoặc tập trung vào một người nào đó thực sự quan tâm đến bạn.
  • Lưu ý rằng không nên chỉ tập trung vào những mặt tích cực. Ví dụ, bạn có thể nhớ lại cảm xúc tuyệt vời sau một đêm tiệc tùng nhưng lại quên đi dư chứng sau say rượu vào buổi sáng hôm sau.

Bẫy tư duy trắng đen là khi bạn chỉ nhìn thấy những khả năng cực hạn của vấn đề: “Hoặc tôi là người giỏi nhất, hoặc tôi là người tệ nhất”. "Tôi sẽ trở nên nổi tiếng, hoặc tôi chẳng là ai cả." “Nếu tôi không đạt điểm A+, tôi sẽ bị điểm F.”

  • Còn được gọi là: Tư duy được cả hoặc mất kết, sự tách ly.
  • Cách điều chỉnh: Hãy nghĩ đến tất cả các khả năng có thể xảy ra giữa hai thái cực. "Hãy tìm các sắc thái khác nhau của màu xám." Cố gắng chấp nhận trở thành một người bình thường - giỏi cái này và cũng dở cái kia!

Bẫy nhảy ngay đến kết luận là khi bạn bỏ qua các bước trong logic của mình. Có thể là bạn đang cố gắng đọc suy nghĩ của người khác, đoán họ đang nghĩ gì dù không thực sự biết rõ. Bạn có thể cá nhân hóa điều mọi người nói dù chúng thực sự không liên quan gì đến bạn. Để biến mọi thứ thành thảm họa, bạn tập trung vào kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra và thuyết phục bản thân rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra.

  • Cách điều chỉnh: Hãy viết ra tất cả các bước cần thiết để đi đến kết luận. Tìm ra những bước bạn đang bỏ qua. Tìm điểm còn sai sót trong logic của bạn. Cố gắng suy nghĩ còn các cách giải thích nào khác có thể xảy ra không.
  • Sau đây là một ví dụ: Giả sử bạn nghĩ là "Anh ấy thậm chí còn không chào tôi khi bước vào. Chắc anh ấy ghét tôi lắm!" Có rất nhiều lý do để họ không chào bạn mà. Có thể anh ấy đang trải qua một ngày tồi tệ. Có thể anh ấy ngại ngùng và mong bạn sẽ nói lời chào trước. Có thể bạn đã nói xin chào, nhưng anh ấy không nghe thấy. Tình huống xấu nhất: Có thể anh ấy thô lỗ!

Bẫy “Tôi nên” đề cập đến việc gây áp lực lên bản thân phải hành động theo một cách nhất định. Vài nhà trị liệu gọi đây là tự gây áp lực cho bản thân với những việc mình cần/nên làm.

  • Cách điều chỉnh: Xác định kỳ vọng của bạn đến từ đâu. Chính xác thì ai bảo bạn nên hành động theo một cách nhất định? Những kỳ vọng của họ có thực tế không? Việc họ nghĩ gì có thực sự quan trọng đến vậy? Bạn muốn gì? Những ưu và khuyết điểm là gì?

Bẫy tầm nhìn đường hầm là khi bạn chỉ tập trung vào một thứ và bỏ qua mọi thứ khác. Bạn cảm thấy tồi tệ vào lúc này, bạn sẽ dễ dàng cảm thấy mọi thứ trước giờ cũng tệ như vậy và sẽ luôn là vậy. Bạn cũng dễ dàng quên rằng hành động của mình sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài.

  • Còn được gọi là: ghi nhớ có chọn lọc, tư duy ngắn hạn
  • Cách điều chỉnh: Hãy nghĩ về thời điểm nào đó khiến bạn cảm thấy tốt hơn so với hiện tại. Tưởng tượng một thời điểm trong tương lai mà bạn có thể cảm thấy như vậy một lần nữa. Nếu được hãy tìm đến một thứ gì đó giúp bạn phân tâm và cảm thấy dễ chịu cho đến khi điều tồi tệ nhất qua đi. Hãy nhớ rằng điều không đổi duy nhất trong cuộc sống này chính là sự thay đổi!

Nếu bạn muốn biết thêm các ví dụ về bẫy tư duy, chỉ cần google "sự méo mó nhận thức".

Thoát khỏi bẫy tư duy

Mỗi người là mỗi cá thể độc nhất, suy nghĩ của chúng ta cũng vậy. Thế nhưng con người thường có xu hướng mắc kẹt trong một số kiểu tư duy giống nhau, hay còn gọi là “bẫy tư duy”. Đôi lúc ai cũng sẽ mắc phải những chiếc bẫy ấy nhưng nếu được trợ giúp thì bạn sẽ học được cách thoát khỏi chúng!

(Nếu bạn đã từng học một lớp tâm lý học nào đó, bạn có thể đã nghe qua về “sự méo mó nhận thức” (cognitive distortions). Các nhà tham vấn trong hệ thống tư pháp hình sự thường nói về “lỗi tư duy”. Một số người thích gọi chúng là “những suy nghĩ tiêu cực tự động” - ANTs. Đây đều là những cách gọi khác của bẫy tư duy!)

Thoát khỏi bẫy tư duy hiểu đơn giản chính là điều chỉnh lại suy nghĩ của bạn. Điều chỉnh lại suy nghĩ tức là tìm ra những cách mới để suy nghĩ về điều đang làm phiền bạn. Bạn sẽ cần luyện tập thường xuyên để làm được điều đó, nhưng dần dần bạn cũng sẽ học được cách không chỉ suy nghĩ tích cực hơn mà còn thực sự thay đổi những niềm tin của bạn về bản thân.

Trong quá trình luyện tập điều chỉnh suy nghĩ, bạn hãy ghi nhớ một số điều sau:

  • Cố gắng đừng chỉ trích bản thân. Ai cũng đều mắc kẹt trong những cái bẫy tư duy cả. Để thoát khỏi chúng sẽ mất nhiều thời gian và sai lầm. Chỉ trích bản thân chẳng khác nào vùng vẫy trong nước khi có ai đó đang cố gắng giải cứu bạn vậy, điều đó sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn thôi!
  • Bạn không cần phải che giấu cảm xúc của mình để điều chỉnh lại suy nghĩ của mình. Nếu bạn đang có những suy nghĩ thực sự tiêu cực về việc chia tay, bạn vẫn có thể vừa kể cho bản thân nghe một phiên bản tích cực hơn của câu chuyện, vừa vẫn cảm thấy buồn vì sự việc đã xảy ra.

Cách 1: Trò chuyện, tâm sự

Đôi khi người khác có thể nhìn ra những cái bẫy tư duy của chúng ta tốt hơn. Đây cũng chính là một trong những lợi ích quan trọng của việc gặp nhà trị liệu: họ được đào tạo để giúp bạn nhận ra các bẫy tư duy và tìm cách thoát khỏi chúng.

Trò chuyện với bạn bè hoặc một thành viên trong gia đình cũng có thể giúp ích. Hãy đảm bảo rằng người đó có thể cho bạn những phản hồi mang tính xây dựng một cách tích cực và đầy quan tâm. Bạn sẽ muốn suy nghĩ của mình được điều chỉnh lại, đồng thời không để cảm xúc bị hạ thấp.

Cách 2: Viết nhật ký không hẳn là “trò chuyện với ai đó”, nhưng cũng có nét tương tự. Bạn có thể ghi những suy nghĩ của mình ra giấy, rồi xem chúng như thể đó là suy nghĩ của người khác. Bạn sẽ nói gì với người đó nếu họ đang nói những điều tiêu cực về bản thân? Bạn sẽ giúp họ tập trung vào những mặt tích cực như thế nào?

Điều quan trọng ở đây là bạn phải duy trì luyện tập điều chỉnh lại suy nghĩ của mình cho đến khi nó trở thành một thói quen!

4. Trầm cảm có thể chữa khỏi không?

Cuộc sống của một người trầm cảm có thể gặp nhiều khó khăn. Rất dễ cảm thấy tuyệt vọng và tự hỏi liệu cảm xúc đó sẽ tồn tại mãi mãi. Thật tốt nếu nó cứ thế mà… biến mất. Đáng buồn là sự thật không phải như thế, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ luôn luôn phải cảm thấy như hiện tại.

“Điều trị” so với “chữa trị”

Được chữa khỏi bệnh có nghĩa là bệnh đó sẽ biến mất vĩnh viễn. Một số bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, chẳng hạn như tiểu đường. Một khi mắc bệnh là họ sẽ mắc đến suốt quãng đời còn lại. Thế nhưng ngay cả một căn bệnh mãn tính như tiểu đường vẫn có thể được điều trị. Những người dùng thuốc thường xuyên và có sự thay đổi trong lối sống có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn. Những loại thuốc ấy cộng với sự thay đổi về lối sống chính là phương pháp điều trị của bệnh tiểu đường.

Trầm cảm cũng giống như vậy. Không có cách chữa trị trầm cảm nhưng có rất nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Chúng ta vẫn có thể phục hồi, sống lâu dài và khỏe mạnh.

Vậy chúng ta cần làm gì?

Điều trị trầm cảm bao gồm việc thay đổi lối sống, tham gia các nhóm hỗ trợ, sử dụng thuốc và trị liệu. Mỗi người đều khác nhau, vì vậy có thể bạn sẽ cần phải tìm một sự kết hợp phù hợp nhất với bản thân. Một số cách như dùng thuốc và trị liệu sẽ yêu cầu bạn làm việc với chuyên gia. Tuy nhiên cũng có rất nhiều thứ bạn có thể tự thực hiện. Bắt đầu tìm hiểu thêm về trầm cảm là một phương pháp tuyệt vời và trang web này của chúng tôi là một địa điểm lý tưởng cho việc đó!

5. Thuốc điều trị trầm cảm

Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm. Chúng hầu hết được gọi là thuốc chống trầm cảm. Chúng hoạt động thông qua việc khôi phục sự cân bằng các chất hóa học trong não của bạn.

Thuốc chống trầm cảm hoạt động như thế nào?

Có nhiều loại (hoặc “nhóm”) thuốc chống trầm cảm khác nhau. Chúng đều có tác dụng khôi phục sự cân bằng của các chất hóa học trong não, tuy nhiên mỗi loại sẽ có tác dụng với mỗi chất hóa học riêng và ảnh hưởng lên chúng một cách khác nhau.

Các chất hóa học trong não ở đây được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Chúng gửi thông điệp từ tế bào não này sang tế bào não kế bên. Các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau sẽ gửi các loại thông điệp khác nhau. Để hiểu về thuốc chống trầm cảm cần lưu ý những điều quan trọng nhất sau đây:

  • Serotonin: ảnh hưởng đến tâm trạng, mức năng lượng, sự thèm ăn và giấc ngủ
  • Dopamine: ảnh hưởng đến động lực và cảm giác hài lòng, đôi khi còn được gọi là "hóa chất hạnh phúc"
  • Norepinephrine: ảnh hưởng đến mức năng lượng, sự tập trung và chú ý. Có liên quan đến adrenaline và có tác dụng tương tự.

Giờ hãy cùng xem xét từng loại thuốc chống trầm cảm và cách mỗi loại ảnh hưởng lên các chất dẫn truyền thần kinh này:

Các chất ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRIs)

Đây là loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn phổ biến nhất. Nếu bạn đi khám và nói rằng bạn đang bị trầm cảm, rất có thể họ sẽ kê cho bạn SSRIs. Các loại thuốc chống trầm cảm khác thường chỉ được kê nếu SSRIs có vẻ như không có tác dụng.

SSRIs giúp cải thiện tâm trạng bằng cách tăng mức Serotonin trong não. Chúng có thể được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). 

Các chất ức chế tái hấp thu Serotonin và Norepinephrine (SNRIs)

SNRIs tương tự như SSRIs, ngoại trừ việc ngoài Serotonin thì chúng còn giúp tăng mức Norepinephrine. Ngoài trầm cảm và lo âu, SNRIs còn có thể điều trị đau mãn tính và ADHD.
 

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs)

TCAs là một loại thuốc chống trầm cảm cũ. Hiện nay chúng ít phổ biến hơn so với SSRIs và SNRIs nhưng vẫn được sử dụng nếu các loại thuốc chống trầm cảm khác không hiệu quả. Chúng cũng có thể được sử dụng cho ADHD.
 

Chất ức chế Monoamine Oxidase (MAOIs)

MAOIs là loại thuốc chống trầm cảm lâu đời nhất trong danh sách này. MAOIs có thể tương tác với thức ăn, vì vậy việc sử dụng chúng thường có sự hạn chế về chế độ ăn uống. Chúng cũng tương tác với rất nhiều loại thuốc khác, vì thế chúng không còn được sử dụng phổ biến nữa.

Tuy nhiên MAOIs vẫn có lợi nếu các loại thuốc chống trầm cảm khác không có tác dụng. Chúng đôi khi còn được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực hoặc các vấn đề về thần kinh như bệnh Parkinson.

Chúng cũng có thể giúp ích cho trầm cảm không điển hình hay “trầm cảm với các đặc điểm không điển hình.” 

Thuốc chống trầm cảm không điển hình

Có một số loại thuốc không phù hợp với bất kỳ danh mục nào kể trên. Chúng thường được sử dụng để nhắm vào một triệu chứng cụ thể nào đó, nhằm tránh các tác dụng phụ; chúng cũng được sử dụng khi các loại thuốc chống trầm cảm khác không hiệu quả. Hầu hết chúng đều ít gây ra các tác dụng phụ về mặt tình dục hơn các loại thuốc chống trầm cảm khác.

Bupropion (tên biệt dược: Wellbutrin, Zyban) tăng mức Dopamine và Norepinephrine. Không giống hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm, Buropion không ảnh hưởng gì đến Serotonin mà thường được kê đơn để nhắm vào các triệu chứng cụ thể như ngủ nhiều, tăng cân, mệt mỏi, khó tập trung hoặc để chống lại tác dụng phụ của các thuốc chống trầm cảm khác.

Trazodone là một loại thuốc chống trầm cảm nhưng cũng thường được kê đơn cho những người khó ngủ hoặc gặp ác mộng do PTSD.

Mirtazapine (tên biệt dược: Remeron) cũng được kê đơn nhằm hỗ trợ giấc ngủ. Nó có thể gây tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân. Đây có thể là một tác dụng phụ tiêu cực hoặc cũng có thể tích cực đối với những người thiếu cân hay mắc rối loạn ăn uống.

Vortioxetine (tên biệt dược: Trintellix, Brintellix) tương tự như các loại thuốc chống trầm cảm khác, hoạt động bằng cách tăng mức Serotonin trong não.

Ketamine và Esketamine chủ yếu được sử dụng để gây mê và giảm đau. Trong những năm gần đây, chúng mới bắt đầu được sử dụng để điều trị trầm cảm nặng hoặc trầm cảm kháng trị (TRD).

Nên sử dụng thuốc chống trầm cảm như thế nào?

Chúng ta nên uống thuốc chống trầm cảm hàng ngày, thường sẽ mất vài tuần mới bắt đầu có những tác dụng đáng chú ý. Bạn không nên thỉnh thoảng mới dùng chỉ vào những ngày bạn cảm thấy đặc biệt chán nản.

Bạn có thể cảm thấy muốn ngừng sử dụng ngay khi đỡ hơn, cho rằng bạn đã được chữa khỏi. Thật không may, thuốc chống trầm cảm không phải là cách để chữa trị trầm cảm, chúng chỉ có thể kiểm soát chứ không làm cho nó biến mất vĩnh viễn được. Cũng có người đến một lúc không cần dùng thuốc nữa, tuy nhiên chẳng có gì phải xấu hổ khi dùng chúng trong một thời gian dài hoặc thậm chí cả đời cả!

Nếu bạn quyết định ngừng dùng thuốc, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ trước. Họ có thể giúp bạn giảm liều dần dần, giúp giảm các triệu chứng cai. (Bạn có thể thực hiện bằng cách giảm nửa viên trong một vài tuần, sau đó giảm còn một phần tư trong vài tuần sau đó.) Họ cũng có thể giúp bạn tìm một giải pháp thay thế với ít tác dụng phụ hơn hoặc hiệu quả hơn.

Tác dụng phụ

Tất cả các loại thuốc chăm sóc sức khỏe tinh thần đều có khả năng gây ra tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm bao gồm:

  • Những thay đổi về giấc ngủ, sự thèm ăn, cân nặng hoặc bản năng tình dục
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc chóng mặt
  • Nhức đầu

Trong một số trường hợp hiếm, thuốc chống trầm cảm có thể khiến bạn cảm thấy chán nản hơn hoặc có ý định tự tử. Nếu điều này xảy ra, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn ngay lập tức. 

Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra hội chứng Serotonin, hiếm nhưng nghiêm trọng. Hội chứng Serotonin xảy ra khi mức Serotonin trong não tăng quá cao, diễn ra khi bạn đang dùng nhiều hơn một loại thuốc hoặc chất bổ sung làm tăng Serotonin, bao gồm các triệu chứng sau:

  • Cảm thấy bối rối và kích động
  • Cơ bắp co giật
  • Đổ mồ hôi hoặc rùng mình
  • Tiêu chảy

Trường hợp nghiêm trọng nhất có thể có các biểu hiện:

  • Co giật
  • Nhịp tim không đều
  • Mất ý thức

Hội chứng Serotonin là một trường hợp cần được cấp cứu. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp hoặc gọi 115.

6. Các phương pháp điều trị trầm cảm khác

Ngoài thuốc chống trầm cảm, có những loại thuốc khác đôi khi cũng có thể giúp điều trị trầm cảm. Một số loại được thiết kế nhằm điều trị các vấn đề như lo âu hoặc rối loạn lưỡng cực. Thuốc chống loạn thần không điển hình là một ví dụ phổ biến. Nhiều người trầm cảm cũng có những triệu chứng của các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần khác. Điều trị chúng cũng có thể hỗ trợ cho điều trị trầm cảm.

Thuốc cũng không phải là phương pháp điều trị trầm cảm duy nhất. Trị liệu đã mang lại lợi ích cho rất nhiều người. Thay đổi lối sống cũng có thể giúp ích như ngủ nhiều hơn, ăn thực phẩm giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và khỏe mạnh, thực hiện các hoạt động vui vẻ và tập thể dục nhiều hơn cũng là những cách hiệu quả.

7. Nếu không có gì có thể giúp tôi giảm trầm cảm?

Ngay cả khi bạn đã làm mọi thứ phải làm, các triệu chứng của trầm cảm vẫn có thể ở đó. Một phần trải nghiệm mà trầm cảm mang lại là cảm giác như thể trầm cảm sẽ kéo dài mãi mãi, là khi bạn cố gắng cải thiện nhưng lại không có bất kỳ một thay đổi nào, rất dễ để cảm thấy vô vọng và không đáng để nỗ lực nữa.

Một số phương pháp điều trị trầm cảm cần nhiều thời gian mới phát huy tác dụng. Thuốc thường có thể mất 4-6 tuần để nhận thấy sự khác biệt. Trị liệu là một quá trình. Thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, tập thể dục hoặc thiền không thay đổi cuộc sống của bạn ngay lập tức được. Nghe thì tuyệt vời đấy nhưng không có phương pháp liền-ngay-lập tức nào cả. Nếu bạn đang thực hiện nhiều phương pháp để phục hồi thì điều quan trọng là hãy kiên nhẫn chờ đợi mọi thứ phát huy tác dụng. Những hành động nhỏ, lặp đi lặp lại cuối cùng cũng sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong cảm nhận của bạn.

Nếu bạn đã cố và không thấy bất kỳ tiến bộ nào thì có thể :

  • Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ về việc thử các loại thuốc khác. Mặc dù có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng cuối cùng thì việc tìm ra loại thuốc hoặc sự kết hợp các loại thuốc phù hợp với bạn vẫn rất đáng để thử.
  • Xác định các yếu tố khác có thể góp phần gây ra trầm cảm. Đối với một số người, các vấn đề thể chất mới là gốc rễ của vấn đề về tinh thần. Chẳng hạn, các nghiên cứu mới đã cho thấy mối liên kết giữa trầm cảm với các bệnh viêm nhiễm hoặc các vấn đề về hệ vi sinh vật (vi khuẩn đường ruột). Hãy cân nhắc nếu bạn chưa kiểm tra sức khỏe thể chất của mình.
  • Nếu bạn đang trị liệu, điều quan trọng là hãy cởi mở về việc bạn có thấy điều này hữu ích hay không. Các phiên trị liệu sẽ trở nên hữu ích hơn nếu bạn cho họ biết những nỗi lo hoặc nản lòng của bạn. Cũng giống như bao mối quan hệ khác, có lúc mọi thứ sẽ không được như ý muốn và bạn có thể cần phải chọn một nhà trị liệu khác. Có rất nhiều người phải gặp gỡ nhiều nhà trị liệu khác nhau mới tìm được người phù hợp.
  • Tìm một nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn bớt cô đơn trong quá trình điều trị và cho bạn cơ hội kết nối với những người có thể chia sẻ kinh nghiệm và hy vọng của họ đến với bạn. Có khá nhiều nhóm hỗ trợ địa phương cho trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất khác.

Với một số người, trầm cảm vẫn tiếp diễn dù đã thử nhiều phương pháp trong khoảng thời gian dài. Thêm một phương pháp để cân nhắc chính là kích thích thần kinh (neurostimulation), bao gồm Kích thích thần kinh phế vị (Vagus Nerve Stimulation), Kích thích từ xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation) và Liệu pháp sốc điện (Electroconvulsive Therapy). Tất cả các phương pháp trên đều sử dụng xung điện hoặc từ trường để tác động vào hệ thần kinh và thường được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.

Dù bạn đang ở đâu trên hành trình này, hãy nhớ rằng hầu hết tất cả mọi người đều hồi phục. Nghiên cứu về các loại thuốc chống trầm cảm mới đang mang lại cho mọi người càng nhiều lựa chọn hơn để tìm cách loại bỏ hoặc giảm các triệu chứng của trầm cảm. Với sự kết hợp các phương pháp phù hợp, chúng ta đều có thể sống trọn vẹn ngay cả khi trầm cảm.

8. Tái phát trầm cảm

Có người bị trầm cảm một lần trong đời rồi biến mất và không tái phát. Một nghiên cứu đã cho thấy: 45% số người bị trầm cảm một lần trong đời, trong khi 55% bị trầm cảm nhiều lần. Với những người bị trầm cảm nhiều lần (được gọi là trầm cảm tái phát), các triệu chứng có lúc thuyên giảm, có lúc trở nên tồi tệ nhưng họ không bao giờ có cảm giác nó đã biến mất cả.

Bộ não của bạn là một cơ, vì vậy cũng giống như các cơ khác, trở nên tốt lên cũng cần có thời gian chứ không thể bật tắt như công tắc đèn được. Những chuyện đã xảy ra càng tồi tệ ra sao sẽ giúp bạn hình dung được cần nỗ lực như thế nào và mất bao lâu để phục hồi.

Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc liệu trầm cảm có quay trở lại hay không (liệu bạn có bị tái phát).

1) Nếu đợt trầm cảm đầu tiên của bạn thực sự tồi tệ, đó có thể là dấu hiệu tình trạng của bạn là mãn tính. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của trầm cảm lên sức khỏe của não bộ và chất lượng cuộc sống của bạn. Trầm cảm càng nặng thì bộ não càng khó hồi phục. Trầm cảm nặng không chỉ là cảm giác u buồn trong một thời gian dài, mà là buồn đến không thể rời khỏi giường, giờ giấc ngủ nghỉ biến động, bạn nghỉ học hoặc nghỉ làm, các mối quan hệ của bạn cũng chịu ảnh hưởng.

2) Nếu trầm cảm đã từng xảy ra với một ai đó trong gia đình, bạn có thể có di truyền trầm cảm lâm sàng. Nếu trầm cảm lâm sàng xuất hiện trong gia đình thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn có thể sẽ cần được can thiệp về thuốc để cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Biết phương pháp điều trị nào hiệu quả hoặc không hiệu quả đối với thành viên ấy sẽ giúp ích cho bạn được rất nhiều.

3) Nếu bạn đáp ứng tốt với điều trị và mọi thứ trở có đỡ hơn trong lần đầu bị trầm cảm thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy não bộ của bạn có thể vẫn tiếp tục đáp ứng một cách tích cực với các phương pháp điều trị. Điều quan trọng duy nhất là phải tìm ra bạn phù hợp với phương pháp gì và duy trì nó.

4) Còn gì khác đang diễn ra trong cuộc sống của bạn. Trầm cảm rất khó chiến đấu nếu bạn liên tục đối đầu với những thứ làm tăng sự căng thẳng, khiến bạn cảm thấy đơn độc, bị tấn công hoặc không có sự hỗ trợ, bảo vệ. Nếu bạn đang gặp các vấn đề trong mối quan hệ hoặc các vấn đề về tài chính, tập trung vào việc cải thiện chúng cũng có thể giúp giải quyết trầm cảm.

9. Trò chuyện về bệnh trầm cảm

Khi trong trạng thái trầm buồn bạn rất dễ cảm thấy cô đơn, như thể không ai hiểu những gì bạn đang trải qua, thậm chí có thể bạn còn không hoàn toàn hiểu nó! Tìm kiếm sự trợ giúp có thể đáng sợ đó, nhưng không có lý do gì để bạn một mình chịu đựng nỗi đau vì trầm cảm cả.

Hiện giờ có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới cũng đang sống chung với trầm cảm hoặc đã từng trải qua nó trong quá khứ. Bạn có thể ngạc nhiên khi nhận ra có bao nhiêu người trong số đó là những người bạn biết đấy. Có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu bạn.

Sẽ có những người chẳng hiểu được đâu, nhưng bạn không có nhiệm vụ phải thuyết phục họ. Chỉ cần tiếp tục cố gắng tìm những nguồn lực hỗ trợ phù hợp với bản thân là được. Những gợi ý sau đây đơn giản chỉ là gợi ý mà thôi. Bạn có thể chọn bất kỳ cách nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất vào lúc này. Nhớ là bạn luôn có thể mở lòng với nhiều người hơn về sau.

Bạn bè và gia đình

Nếu bạn đã có bạn bè và gia đình ủng hộ, mở lòng với họ sẽ là một khởi đầu tuyệt vời. Nó có thể mang lại cho bạn sự nhẹ nhõm khi cởi mở với những người thân thương nhất vì bạn không còn phải che giấu cảm xúc của mình. Bạn cũng có thể mở lòng với các huấn luyện viên, giáo viên, các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc bất kỳ ai trong cuộc sống mà bạn thân thiết.

Các chuyên gia

Các chuyên gia mà bạn có thể mở lòng về vấn đề sức khỏe tinh thần của mình bao gồm bác sĩ, nhà trị liệu hoặc những người hỗ trợ đồng đẳng. Nếu bạn đã gặp bác sĩ, tốt cho bạn! Họ có thể giúp bạn tìm một nhà trị liệu hoặc bất kỳ chuyên gia nào khác cần thiết. Nếu bạn còn đi học, nhà tham vấn học đường có thể giúp bạn điều này.

Các nhóm hỗ trợ

Các nhóm hỗ trợ được tạo thành từ những người có trải nghiệm tương tự với nhau. Họ có thể gặp trực tiếp hoặc online và nói về cuộc sống hàng ngày, những cuộc đấu tranh và phương pháp mà họ đã sử dụng để đối phó và cải thiện tình hình. Thật tốt nếu bạn cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng và được nghe câu chuyện của những người trải qua điều tương tự với bạn.

Đường dây trợ giúp ẩn danh

Đường dây nóng, đường dây ấm, hỗ trợ online hoặc đường dây nhắn tin cũng có thể giúp ích cho bạn. Những hoạt động trên thường được điều hành bởi các tình nguyện viên hoặc nhân viên đã được đào tạo. Công việc của họ là lắng nghe những người có nhu cầu. Trò chuyện với một người lạ có thể giúp bạn cảm thấy an toàn hơn về những gì mà mình muốn chia sẻ. Họ cũng có thể đưa ra những phản hồi khách quan hơn so với những người quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta.

Tôi nên nói gì?

Nếu bạn không chắc nên nói gì, trước tiên hãy thử viết ra giấy những suy nghĩ của bạn. Điều này có thể giúp bạn hiểu rõ câu chuyện của mình để dễ thể hiện bản thân hơn. Bạn thậm chí có thể viết một lá thư cho người đó, nếu bạn thấy làm vậy dễ hơn là nói chuyện với họ. Hãy thử xem việc gọi đường dây trợ giúp hoặc tham gia nhóm hỗ trợ như một “cách luyện tập” để mở lòng với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia về sau, trong trường hợp bạn cảm thấy lo lắng khi trò chuyện cùng với họ ở hiện tại.

10. Làm sao để chia sẻ về tình trạng trầm cảm của bản thân?

Trầm cảm vừa khó khăn vừa khó hiểu. Lại còn phải giữ bí mật với mọi người sẽ không khó để khiến bạn mệt mỏi và bị xa lánh. Khi phải đối mặt với một chuyện gì đó quá khó khăn, bản năng muốn chia sẻ của chúng ta có thể bị kìm hãm lại bởi cảm giác xấu hổ hoặc nỗi sợ hãi về cách mà người khác có thể phản ứng trước câu chuyện của bạn. Đặc biệt nếu chúng ta không hiểu tại sao mình lại cảm thấy như vậy, thì khả năng họ từ chối chúng ta hoặc nói những điều khủng khiếp mà chúng ta vốn đã đang tự nói với bản thân dường như là quá lớn.

Chỉ riêng việc chia sẻ chuyện bình thường đã đáng sợ chứ đừng nói đến chuyện riêng tư. Tuy nhiên, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu người bạn quen cũng đã từng hoặc đang đối mặt với trầm cảm đấy. Nếu họ không có, thì hầu hết các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè của họ vẫn có. Dù không phải ai cũng hiểu, nhưng có rất nhiều người vẫn hiểu điều này.

Bất kể bạn chọn con đường nào, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự trợ giúp của mọi người. Trầm cảm thường thuyết phục bạn rằng người khác sẽ không muốn nghe nỗi đau của bạn hoặc họ không thể giúp bạn được. Trải nghiệm của nhiều người khác lại cho thấy ngược lại đấy. Cho dù đó là bạn bè, thành viên trong gia đình, giáo viên, huấn luyện viên, nhà trị liệu, nhóm hỗ trợ, đường dây nhắn tin, đường dây nóng hay người lạ trên internet, thì việc chia sẻ và thừa nhận cảm giác của mình cho người khác sẽ là một bước đầu cực kỳ quan trọng.

Dù người bạn lựa chọn chia sẻ là ai thì họ cũng sẽ giúp bạn làm rõ trải nghiệm của mình, đặc biệt là khi người kia cũng đã trải qua điều đó, bạn có thể cảm thấy như thể cuối cùng mình không còn cô đơn nữa. Họ thậm chí có thể giúp bạn suy nghĩ về những bước tiếp theo. Tự nghiên cứu về những phương pháp điều trị có thể giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn nếu bạn lo không biết nói gì. Tìm hiểu và chuẩn bị những gì cần nói có thể giúp bạn an tâm chia sẻ trải nghiệm của mình hơn.

Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải nói cho tất cả mọi người trong cuộc sống của bạn nghe, nhưng quan trọng là bạn phải chia sẻ với ai đó. Bạn không cần phải đối phó với chuyện này một mình.

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần