` Điều trị và phục hồi loạn thần - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Điều trị và phục hồi loạn thần

1. Loạn thần được điều trị như thế nào?

Giống như các rối loạn tâm thần khác, việc điều trị chứng loạn thần phụ thuộc vào loại triệu chứng mà bạn có và mức độ nghiêm trọng của chúng. Kết quả tốt nhất sẽ đến từ việc kết hợp nhiều cách tiếp cận điều trị khác nhau. Bao gồm thay đổi thói quen ăn uống, trị liệu tâm lý, quản lý việc học và việc làm, kết hợp dùng thuốc. Hãy thử nghĩ xem mỗi cách tiếp cận trên đây có thể được áp dụng vào cuộc sống của bạn như thế nào, và chúng có thể phối hợp, bổ trợ cho nhau như thế nào. Khi cả não bộ và cơ thể bạn đều khỏe mạnh, bạn sẽ có nền tảng vững chắc hơn để quản lý các triệu chứng của mình.

Thay đổi lối sống

Căng thẳng

Loạn thần và các triệu chứng tâm thần khác có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn phải trải qua nhiều căng thẳng. Căng thẳng có thể đến từ những thay đổi lớn như chuyển chỗ ở hay bắt đầu lên đại học. Nhưng ngay cả những tác nhân nhỏ như làm bài tập về nhà cũng có thể gia tăng mức độ căng thẳng và các triệu chứng của bạn.

Hãy chú ý đến những điều khiến bạn căng thẳng. Và để ý xem các triệu chứng thay đổi hoặc trở nên tệ hơn như thế nào khi bạn căng thẳng. Đừng quên chăm sóc bản thân và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Và nếu bạn biết rằng có một biến cố lớn sắp diễn ra, hãy cố gắng chuẩn bị trước cho nó.

Giấc ngủ

Sức khỏe của não bộ phụ thuộc vào việc ngủ đủ giấc. Một số người cảm thấy rằng giấc ngủ trở thành một thách thức thực sự sau khi họ trải qua các triệu chứng loạn thần. Bạn có thể ngủ quá nhiều, hoặc khó ngủ đến mức không thể chợp mắt. Hoặc bạn muốn ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm (tình trạng này được gọi là đảo ngược ngày/đêm).

Điều quan trọng nhất cần đảm bảo là bạn có đủ số giờ ngủ chất lượng. Nếu bạn ngủ không ngon, hãy chia sẻ với bác sĩ để được cung cấp giải pháp.

Hãy chú ý đến vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene) của bạn — các hành vi liên quan đến giấc ngủ. Bạn có thể tạo ra các nghi thức để giúp cơ thể bạn sẵn sàng đi vào giấc ngủ. Và cũng cần để ý xem liệu thời gian ăn uống, tập thể dục, hay thậm chí thể loại nhạc mà bạn nghe, có đang ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn không.

Nhiều người dùng thuốc bổ sung melatonin để hỗ trợ giấc ngủ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ melatonin thấp với loạn thần, đây có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng đảo ngược ngày/đêm. (Chú ý: trước khi thêm một thực phẩm bổ sung mới vào chế độ ăn uống của mình, bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.) 

Dinh dưỡng và luyện tập

Việc ăn uống các thực phẩm lành mạnh sẽ giúp ích cho bộ não của bạn. Cụ thể là, ăn nhiều rau xanh và chất béo tốt như axit béo omega-3 (bạn có thể tìm thấy chúng trong cá hồi, hạt lanh hoặc các thực phẩm chức năng) có thể giúp giảm triệu chứng loạn thần. Tập thể dục — kể cả đi bộ nhanh — cũng giúp giảm thiểu tình trạng viêm, hỗ trợ điều trị loạn thần và nâng cao sức khỏe tâm thần nói chung. Vận động cơ thể thường xuyên có thể tác động tích cực đến sức khỏe não bộ cũng như sức khỏe toàn diện của chúng ta.

Nguồn lực hỗ trợ

Khi bạn được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần, việc tìm thêm các nguồn lực hỗ trợ thực sự rất hữu ích. Vì tình trạng căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đến loạn thần, nên những người đang trải qua các dấu hiệu ban đầu của loạn thần cần được hỗ trợ và điều chỉnh các hoạt động học tập và làm việc. (Một trong các dấu hiệu sớm của loạn thần là nghe/nhìn thấy những thứ không có thực, nhưng vẫn nhận thức được rằng chúng chỉ là giả.)

Tương tự như với bất kỳ rối loạn sức khỏe tâm thần nào khác, sự hỗ trợ từ bạn bè hoặc gia đình cũng rất hữu ích đối với người mắc loạn thần. Bạn cũng có thể cân nhắc tham gia một nhóm hỗ trợ dành cho những người có những trải nghiệm tương tự. Trò chuyện cởi mở về những trải nghiệm của mình có thể giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn và được gắn kết nhiều hơn.

Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý có thể là một phương pháp hữu hiệu để thay đổi hành vi, xây dựng sự tự tin, học các kỹ năng mới và là cơ hội để trò chuyện với ai đó một cách cởi mở và chân thành. Có nhiều trường phái trị liệu khác nhau. Đối với những người mắc loạn thần, liệu pháp tâm lý có thể mang đến những lợi ích sau:

1. Hồi phục sau sang chấn

2. Học cách lắng nghe và thấu hiểu những điều mà giọng nói kia đang muốn nhắn nhủ và ý nghĩa mà chúng có đối với cuộc đời của bạn

Đối với hầu hết mọi người, hai lĩnh vực trên có mối liên hệ với nhau. Các giọng nói thường xuất hiện như để đáp lại, hoặc có liên quan đến, các nỗi sợ và nhu cầu phát triển từ các trải nghiệm sang chấn trong cuộc đời. Dành thời gian để lắng nghe chúng có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn, cũng như công cụ để kiểm soát các trải nghiệm của bản thân.

Thuốc

Thuốc dùng để điều trị loạn thần được gọi là thuốc chống loạn thần. Có những loại thuốc cũ và những loại thuốc mới. Các loại thuốc chống loạn thần mới có ít tác dụng phụ hơn.

Đối với chứng loạn thần, thuốc chống loạn thần sẽ hiệu quả hơn nếu dùng để điều trị các giọng nói và hình ảnh không có thực (được gọi là triệu chứng dương tính) so với dùng để điều trị những thay đổi trong cảm xúc, cảm nhận và biểu lộ cảm xúc (được gọi là triệu chứng âm tính).

Thuốc chống loạn thần đáp ứng tương đối nhanh hơn so với các loại thuốc tâm thần khác như thuốc chống trầm cảm. Thân chủ thường cảm nhận được sự thay đổi chỉ trong vòng vài ngày sau đợt dùng thuốc đầu tiên. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn ngừng sử dụng thuốc chống loạn thần — các triệu chứng thường trở lại chỉ sau vài ngày. Trước khi trao đổi với bác sĩ, bạn có thể chuẩn bị trước những việc sau.

1. Xác định những triệu chứng bạn muốn loại bỏ và những triệu chứng bạn muốn giữ lại. Một số thân chủ tìm được niềm an ủi trong các giọng nói mà họ nghe thấy. Bạn có thể chia sẻ với bác sĩ rằng: "Tôi muốn giọng nói này dừng lại, nhưng tôi không muốn giọng nói kia biến mất."

2. Xác định xem bạn muốn làm gì trong cuộc đời mình. Mục tiêu trong học tập hoặc công việc của bạn là gì? Bác sĩ nên cho bạn những loại thuốc giúp bạn đạt được những mục tiêu đó. Quá trình điều trị không nên gây thêm khó khăn cho bạn trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình.

3. Hãy theo dõi và ghi nhận lại các tác động tiêu cực và tích cực của thuốc — ví dụ: các triệu chứng, tác dụng phụ, tình trạng giấc ngủ, căng thẳng và cảm xúc của bạn vào từng thời điểm khác nhau trong ngày.

Nếu bạn chưa chắc chắn liệu mình có nên dùng thuốc hay không, hãy đọc bài viết này.

2. Những thay đổi lối sống giúp kiểm soát chứng loạn thần

Những thay đổi lối sống nào có thể giúp tôi kiểm soát chứng loạn thần?

Loạn thần có thể làm cho bạn cảm thấy như mình không còn nắm quyền kiểm soát tâm trí nữa. Việc thực hiện các hoạt động cơ bản hằng ngày cũng khiến bạn mệt mỏi. Nhưng bằng cách thay đổi lối sống để đem lại những cải thiện tích cực trong cuộc sống hằng ngày, bạn có thể quản lý các triệu chứng tốt hơn - đôi khi bạn còn có thể ngăn chặn một cơn loạn thần tái phát.

Đối với những cá nhân lựa chọn không dùng thuốc hay điều trị tâm lý để kiểm soát các triệu chứng, việc thay đổi lối sống là điều thiết yếu. Bên cạnh đó, lựa chọn lối sống tốt hơn cũng bổ trợ rất nhiều cho tiến trình điều trị của bạn nếu bạn đang dùng thuốc hoặc đang điều trị tâm lý

Nhận biết các yếu tố kích hoạt của bạn

Loạn thần có thể bị kích hoạt bởi các yếu tố như sức khỏe kém, hút thuốc và thiếu ngủ. Các yếu tố kích hoạt khả dĩ khác bao gồm trầm cảm, lo âu và căng thẳng cường độ cao kéo dài. Những thói quen không lành mạnh có thể góp phần phát triển các triệu chứng tâm thần, từ đó kích hoạt cơn loạn thần. Bằng cách nhận biết các yếu tố kích hoạt, bạn có thể thay đổi lối sống để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện triệu chứng loạn thần.

Thay đổi lối sống như một hình thức điều trị

Ngủ và thiền

Trong khi ngủ, cơ thể chúng ta được phục hồi sau một ngày dài và được chữa lành. Tình trạng thiếu ngủ khiến tinh thần bạn trở nên nhạy cảm trước tác động của các loại bệnh tâm thần, như trầm cảm và ảo giác. Ngủ không đủ giấc cũng khiến bạn khó kiểm soát căng thẳng, từ đó có thể kích hoạt cơn loạn thần. Hãy đảm bảo mình có một giấc ngủ từ ít nhất 6 đến 8 tiếng mỗi tối để não bộ được hoạt động tối ưu.

Tôi thấy rằng lịch trình sinh hoạt đều đặn đã giúp tôi trở nên khỏe hơn. Lịch trình ấy bao gồm 8 tiếng để ngủ, và các hoạt động gây mất tập trung đều được giảm thiểu.

Biren, 39 tuổi

Thiền định cũng có thể giúp bạn thư giãn. Việc dọn sạch những suy nghĩ khiến tâm trí đi lang thang có thể giúp ngăn ngừa các cơn loạn thần. Hãy tìm một nơi yên tĩnh, sau đó nhắm mắt lại và để tâm trí tĩnh lặng. Bạn có thể thực hiện mỗi ngày để giải tỏa bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào xuất hiện.

Dinh dưỡng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống bao gồm các loại thực phẩm tự nhiên, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và thịt nạc, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của rối loạn tâm thần. Thực phẩm chế biến với nhiều thành phần không tự nhiên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của chúng ta, gây tổn hại đến quá trình tư duy diễn ra trong não. [1]

Hãy bổ sung nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn trong bữa ăn của bạn, cũng như tránh các món ăn vặt chứa nhiều chất béo bão hòa và đường. Ngoài ra, bạn nên ăn sáng để cơ thể được ở trong trạng thái hài lòng cho đến bữa trưa. Cảm giác đói có thể khiến bạn khó chịu và cản trở quá trình xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh.

Sở thích và nguồn lực hỗ trợ

Các biện pháp toàn diện để kiểm soát chứng loạn thần cũng bao gồm những hoạt động mang lại niềm vui và sự khỏe mạnh về mặt tinh thần. Thông qua các hoạt động như vẽ tranh, tô màu, chơi nhạc, đọc sách, bạn vừa có thể tận hưởng, vừa có thể khám phá thêm về bản thân. Hãy dành một ít thời gian mỗi ngày cho sở thích của bạn. Nếu bạn vẫn chưa biết mình thích gì thì hãy thử một vài hoạt động khác nhau, rồi sau đó chọn thứ phù hợp nhất với mình.   

Trò chuyện, tâm sự với những người đồng cảnh ngộ cũng có thể giúp bạn tìm thấy sự thoải mái và bớt đi cảm giác đơn độc. Những người mắc loạn thần nói rằng việc chia sẻ với người khác về trải nghiệm của họ giúp họ ứng phó tốt hơn với tình trạng tâm thần của mình. Hãy tìm đến bạn bè, người thân, hoặc các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng của bạn để tâm sự và được lắng nghe.

Yoga và vận động ngoài trời

Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe tâm thần của mình là vận động cơ thể! Đi bộ giữa thiên nhiên giúp làm giảm các triệu chứng tiêu cực như trầm cảm và lo âu. Việc này cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn. Vận đồng ngoài trời vừa mang lại sự thư thái vừa giúp bạn giảm căng thẳng. Các hoạt động thể chất cũng làm tăng các chất cần thiết trong não để cải thiện quá trình tư duy, đồng thời ngăn ngừa sự mất cân bằng hóa học vốn có thể gây ra loạn thần. [3]

Hãy dành 20 đến 30 phút mỗi ngày để thực hiện hoạt động thể chất mà bạn yêu thích, duy trì ít nhất 5 ngày/tuần để mang lại hiệu quả tối ưu. Bạn có thể kết hợp nhiều hoạt động khác nhau, cũng như có thể tham gia vào một đội thể thao để có thể cùng luyện tập với người khác nhằm mang lại trải nghiệm thú vị hơn. Khi bạn yêu thích môn thể thao mà mình chơi, và có cả đồng đội để chơi cùng, khả năng duy trì hoạt động thể chất của bạn cũng sẽ cao hơn.

Câu chuyện của Ashley

Thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát chứng loạn thần của mình tốt hơn bằng cách ngăn ngừa các yếu tố kích hoạt như trầm cảm hay lo âu.

Ashley mắc rối loạn phân liệt cảm xúc và đã trải qua các cơn loạn thần theo từng chu kỳ, nhưng cô ấy chưa muốn dùng đến thuốc. Trong một giai đoạn loạn thần có những suy nghĩ kỳ quái và hoang tưởng, nhà trị liệu tâm lý của Ashley đã gợi ý áp dụng yoga như một kỹ thuật điều trị.

Yoga bao gồm các bài tập thở, kéo giãn cơ và nâng cao sức bền, thúc đẩy sự thư giãn trong suốt quá trình rèn luyện thân thể. Ashley bắt đầu tập yoga đều đặn, xen kẽ với các bài tập tim mạch (cardio) và nâng tạ với tần suất 5-6 ngày/tuần. Cô ấy không chỉ cảm thấy hạnh phúc hơn, mà giấc ngủ của cô cũng được cải thiện. Bên cạnh đó, các cơn ảo giác đã được giảm thiểu và tình trạng lo âu cũng được kiểm soát tốt. 

Có nhiều cách thức khác nhau để kiểm soát chứng loạn thần và duy trì một cuộc sống có ý nghĩa. Nếu bạn đang dùng thuốc và trị liệu tâm lý, thì việc xây dựng thêm các thói quen sống tốt có thể bổ trợ cho quá trình điều trị và cho sức khỏe toàn diện của bạn. Còn nếu bạn muốn tự mình quản lý tình trạng loạn thần của bản thân, bạn nên thử các gợi ý trên đây để có thể kiểm soát các triệu chứng cũng như có thêm các hoạt động mang lại niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống của mình.

3. Dùng thuốc điều trị loạn thần - nên hay không?

Tôi có cần phải dùng thuốc điều trị loạn thần không?

Quyết định về việc có nên dùng thuốc cho bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào hay không đều tùy thuộc vào bạn, bao gồm cả chứng loạn thần. Không ai nên ép buộc bạn phải chấp nhận một phương pháp điều trị nào đó nếu như bạn cảm thấy không thoải mái với nó. Có người chấp nhận việc điều trị bằng thuốc, trong khi cũng có người nói “không”. Và bạn cũng có thể thay đổi quyết định theo thời gian khi các triệu chứng và hoàn cảnh đã thay đổi.

Cảm thấy lo lắng khi phải dùng thuốc là một cảm xúc hoàn toàn hợp lý. Nhưng phương pháp điều trị bằng thuốc vẫn rất hữu ích đối với nhiều cá nhân. Đặc biệt là những người gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày vì các triệu chứng của mình.

Quyết định có nên thử dùng thuốc hay không

Hãy nghĩ về các loại giọng nói, ảo giác hoặc những suy nghĩ xâm nhập của mình. Sau đó tự hỏi bản thân:

Chúng có gây phiền hà cho bạn không?

Bạn có muốn chúng biến mất không?

Các giọng nói/hình ảnh/suy nghĩ đó có dễ chịu không?

Có phải một số giọng nói hay hình ảnh đang muốn nhắn nhủ với bạn điều gì đó không?

Bạn có thể học được điều gì từ chúng không?

Chúng có khiến việc sinh hoạt hằng ngày của bạn trở nên khó khăn hơn không?

Bạn có thể nhận biết được sự khác biệt giữa thế giới bên ngoài với những gì đang diễn ra bên trong tâm trí mình không?

Một số người diễn giải rằng các giọng nói và ảo giác là cách mà họ giao tiếp với ma hoặc các linh hồn. Hoặc cũng có người xem chúng như là phần tâm trí vô thức của mình, và nếu biết cách lắng nghe, bạn có thể nhận được những thông tin hữu ích. Một vài người có khả năng phản ứng lại các linh hồn để kiểm soát tính xâm nhập của những lời họ nói. Hoặc họ chỉ cho phép giọng nói xuất hiện khi họ muốn trò chuyện với chúng.

Nếu mô tả trên giống với trường hợp của bạn, thì có lẽ bạn sẽ không muốn loại bỏ hoàn toàn triệu chứng của mình. Bạn có thể học cách ứng phó mà không cần dùng đến thuốc, hoặc có thể dùng thuốc với liều lượng thấp để kiểm soát những trải nghiệm này dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn đang mất kết nối với thực tại, gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, hoặc cảm thấy sợ hãi, bị quấy rầy bởi những điều bạn đang trải qua, thì có lẽ bạn cần cân nhắc đến việc điều trị bằng thuốc.

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn dùng thuốc?

Có lẽ bạn đang cân nhắc đến việc dùng thuốc, nhưng vẫn đang đắn đo, lo lắng. Nguyên nhân có thể vì bạn chưa từng dùng thuốc bao giờ và không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Hoặc cũng có thể vì bạn đã từng có một trải nghiệm tồi tệ với việc dùng thuốc trong quá khứ.

Thường người ta không thể biết thuốc sẽ tác động đến họ như thế nào cho đến khi họ dùng thử. Thông thường, thuốc chống loạn thần sẽ có tác dụng nhanh hơn các loại thuốc khác, ví dụ như thuốc chống trầm cảm. Trong vòng khoảng một tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc, bạn sẽ thấy chúng có hiệu quả như thế nào đối với các triệu chứng của mình, cũng như những tác dụng phụ mà bạn sẽ trải qua.

Bạn có thể phải thử nhiều loại thuốc với nhiều liều lượng khác nhau trước khi tìm được thứ phù hợp với mình. Trong trường hợp này, bạn nên tìm một bác sĩ chuyên về sức khỏe tâm thần nếu có thể. Họ thường là bác sĩ tâm thần. Bên cạnh đó, một số điều dưỡng (nurse practitioners) hoặc trợ lý bác sĩ (physician assistants) cũng có chuyên môn về sức khỏe tâm thần.

Một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt sẽ biết cách trao đổi với bạn về các triệu chứng gây đau khổ cũng như các triệu chứng không gây phiền muộn khác, tác dụng phụ của thuốc, các mục tiêu trong cuộc sống của bạn, và cách mà liệu pháp hóa dược sẽ được kết hợp hài hòa vào tiến trình điều trị tổng quan của bạn. Họ không nên chỉ bàn về cách xóa bỏ triệu chứng. Bạn sẽ không đạt được nhiều lợi ích từ một người bác sĩ chỉ tập trung xử lý vấn đề trước mắt mà không để tâm đến việc thuốc men sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào.

Các loại thuốc mới được cho ra đời liên tục. Chúng thường có ít tác dụng phụ hơn hoặc tập trung hiệu quả hơn vào một số triệu chứng khác nhau. Nếu trước đây việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả cho bạn, thì có thể trong số những lựa chọn mới, sẽ có loại thuốc phù hợp hơn với bạn.

Ngay cả khi dùng thuốc, một số người thấy rằng các triệu chứng vẫn còn tồn tại, nhưng giọng nói, hình ảnh hoặc suy nghĩ xâm nhập đã trở nên ít dữ dội hơn — từ đó họ bắt đầu ứng phó tốt hơn với chúng.

Thuốc tâm thần dạng tiêm là gì?

Một số người không ngại việc dùng thuốc mỗi ngày. Nếu bạn là một trong số đó, thì bạn có thể dùng thuốc viên (hoặc thuốc uống). Nhưng nếu bạn hay quên uống thuốc, hoặc thấy việc uống thuốc hằng ngầy rất phiền phức, thì thuốc tâm thần dạng tiêm có thể là một lựa chọn tốt cho bạn.

Việc dùng thuốc tâm thần dạng tiêm cũng tương tự như việc phụ nữ chọn cách đặt vòng tránh thai thay vì phải uống thuốc tránh thai hằng ngày. Một tên gọi khác của thuốc tâm thần dạng tiêm là thuốc tiêm tác dụng kéo dài (long-acting injectables hay LAI). Thuốc LAI phổ biến nhất là thuốc chống loạn thần.

Cơ chế hoạt động của thuốc tiêm

Thuốc tiêm hoạt động bằng cách giải phóng thuốc từ từ vào cơ thể của bạn. Một số loại thuốc sẽ bám vào tế bào mỡ và chầm chậm giải phóng thuốc. Các loại thuốc khác thì lại có một chuỗi carbohydrate bao bọc xung quanh. Khi chuỗi carbohydrate này bị phá vỡ dần dần, nó sẽ giải phóng thuốc. Cũng có các loại thuốc sử dụng vi cầu (microspheres) hoặc tinh thể nano (nanocrystals) có khả năng hòa tan từ từ và sau đó giải phóng thuốc.

Đối với thuốc tiêm, bạn không thể tự tiêm cho mình. Nếu bạn quan tâm đến thuốc LAI, hãy đến gặp một chuyên gia y tế để được tiêm thuốc hằng tháng.

Các phản ứng đối với thuốc tiêm

Trước khi sử dụng thuốc tiêm, bác sĩ tâm thần sẽ cho bạn sử dụng thuốc uống/thuốc viên trong một khoảng thời gian vừa đủ. Việc này nhằm để kiểm tra xem liệu bạn có gặp bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào từ loại thuốc bạn sẽ dùng hay không. Khi đã bắt đầu chuyển sang thuốc tiêm, bác sĩ sẽ theo dõi phản ứng của bạn trong vòng 1 tuần đầu tiên để xác định thêm bất kỳ vấn đề phát sinh nào khác. Không nên có sự khác biệt nào trong sự hỗ trợ mà bạn nhận được cũng như cảm nhận của bạn (về lợi ích tích cực hay tác dụng phụ) giữa việc sử dụng thuốc viên và thuốc tiêm.

Sự không ổn định của các triệu chứng

Một lợi ích khác của thuốc tiêm là tác dụng thuốc ổn định hơn. Nếu bạn đang sử dụng thuốc viên và bạn quên uống hoặc bỏ thuốc, bạn sẽ nhận thấy có sự thay đổi về cảm xúc của mình hay các triệu chứng (giọng nói, hình ảnh, hoang tưởng). Các trải nghiệm tiêu cực của loạn thần có thể sẽ trở lại và thuốc viên sẽ cần có thêm thời gian để đạt được hiệu quả như trước khi dừng thuốc.

Tính không ổn định này của thuốc viên có thể gây ra nhiều khó khăn. Ngược lại, khi sử dụng thuốc tiêm, bạn sẽ có được một lộ trình điều trị nhất quán hơn. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một tác dụng phụ nào đó khi sử dụng thuốc viên/thuốc uống (ví dụ như mệt mỏi hay tăng cân), thì khi sử dụng thuốc tiêm, có khả năng bạn vẫn sẽ phải gặp lại chúng. Bạn cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ mà mình gặp để xem họ có giải pháp gì để cải thiện chúng không. Giải pháp có thể bao gồm việc thay đổi liều lượng thuốc - có thể được thực hiện cho cả thuốc uống và thuốc tiêm.

Nếu tôi không thích liều lượng thuốc mà mình đang dùng thì sao?

Thuốc tiêm cũng có nhiều liều lượng khác nhau. Vậy nên, trước tiên bạn nên thử thuốc viên, xác định các tác dụng phụ mà mình gặp, sau đó đổi sang thuốc tiêm, tìm liều lượng phù hợp, và tiếp tục theo dõi các tác dụng phụ. Để tìm đúng loại thuốc cũng như liều lượng phù hợp với mình là cả một quá trình dài.

Tiêm thuốc có đau không? Tôi có khả năng bị ép tiêm thuốc không?

Nếu bạn mắc một rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, và bạn bị đưa đến bệnh viện trái với ý muốn của mình, nhân viên tại bệnh viện có thể sẽ cho bạn một liều thuốc tiêm cưỡng chế. Quá trình này có thể gây ra sang chấn. Nếu đây là lần duy nhất bạn được dùng thuốc tiêm, việc cảm thấy sợ hãi là bình thường. Điều quan trọng cần làm lúc này là trò chuyện với ai đó về trải nghiệm sang chấn của bạn. Và khi được tiêm tại bệnh viện, bệnh nhân cũng không kiểm soát được loại thuốc mà mình được tiêm. Bác sĩ có thể tiêm cho bạn một loại thuốc chống loạn thần đời cũ hoặc thuốc giúp an thần. Trải nghiệm này hoàn toàn khác biệt so với khi bạn trao đổi cùng bác sĩ trong phòng khám và đồng ý với việc tiêm thuốc. Liệu pháp điều trị tối ưu nhất không nên mang tính cưỡng chế. Việc tiêm hay không tiêm thuốc nên do bạn lựa chọn - bạn được quyền đặt câu hỏi và khám phá các lựa chọn của mình.

Thông tin trong bài viết này đã qua tham khảo ý kiến của các bác sĩ tâm thần.

Tôi đã cảm thấy ổn hơn rồi; tôi có nên ngừng sử dụng thuốc hay không?

Bắt đầu, tiếp tục hoặc ngừng sử dụng thuốc là một quyết định mang tính cá nhân. Có rất nhiều người vẫn kiểm soát được rối loạn tâm thần của mình mà không cần dùng đến thuốc. Những người khác thì dùng thuốc ở giai đoạn đầu để khởi động quá trình hồi phục, và giảm dần khi bắt đầu thấy kết quả từ tâm lý trị liệu và việc thay đổi lối sống. Và cũng có một số người muốn tiếp tục duy trì việc sử dụng thuốc sau khi tình trạng đã cải thiện, bởi vì phương pháp này đã giúp cuộc sống của họ trở nên dễ quản lý hơn và các triệu chứng nghiêm trọng cũng được loại bỏ.

Hãy so sánh việc dùng thuốc để điều trị bệnh tâm thần với quá trình phục hồi sức khỏe thể chất. Đối với một vài người, thuốc men giống như một cặp nạng. Bạn có thể sử dụng chúng cho đến khi bạn đủ khỏe để tự mình bước đi. Còn đối với những người khác, thuốc lại giống như một chiếc xe lăn. Bạn sẽ sử dụng nó trong một thời gian dài hoặc trong suốt phần đời còn lại của mình. Điều này cũng tùy thuộc vào loại thuốc mà bạn sử dụng.

Nếu đột nhiên cảm thấy ổn hơn sau một thời gian dài ủ dột, bạn nên cân nhắc kỹ về việc có nên ngưng sử dụng thuốc hay không. “Cảm thấy ổn” có thể là một dấu hiệu cho thấy thuốc đang hoạt động tốt! Nếu bạn đang trải qua các tác dụng phụ khó chịu từ thuốc, bạn có thể cân nhắc đến việc thử một loại thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng của loại thuốc hiện tại.

Thực hiện các thay đổi liên quan đến việc sử dụng thuốc một cách an toàn

Sẽ có thể rất nguy hiểm nếu bạn đột ngột ngừng sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Bất kỳ thay đổi nào trong việc dùng thuốc, cho dù là tăng, giảm, hay ngưng sử dụng, điều chỉ nên được thực hiện khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, nhóm điều trị của bạn cần có tư tưởng cởi mở về vấn đề này. Nếu họ không sẵn sàng trao đổi với bạn về việc thay đổi hoặc ngừng sử dụng thuốc, hãy cân nhắc đến việc tìm một nhà chuyên môn khác.

Nếu bạn vẫn quyết định tự ý ngưng sử dụng thuốc, hãy bắt đầu với việc giảm liều dần dần — ví dụ: bẻ đôi từng viên thuốc hoặc uống cách ngày thay vì mỗi ngày. Cách này sẽ giảm thiểu triệu chứng cai (withdrawal effects). Và hãy đảm bảo rằng bạn vẫn tiếp tục duy trì các kỹ năng ứng phó khác của mình. Chẳng hạn như trị liệu tâm lý, viết nhật ký, ngủ đủ giấc và giữ liên lạc với hệ thống hỗ trợ của bạn.

Không có giải pháp nào là đúng với tất cả mọi người. Tiến trình hồi phục của bạn sẽ bao gồm những giải pháp phù hợp nhất với bạn cùng với những công cụ hỗ trợ để bạn có cuộc sống tốt nhất có thể.

4. Những cách thức khác để ứng phó với loạn thần

Những cách khác để ứng phó với loạn thần

Hóa dược không phải là liệu pháp duy nhất để điều trị loạn thần. Chúng ta còn có những kỹ năng ứng phó khác như:

Thay đổi phong cách sống để kiểm soát căng thẳng

Trị liệu tâm lý để xử lý các sang chấn từ quá khứ

Trò chuyện trực tiếp với các giọng nói để học hỏi từ chúng hoặc quản lý chúng

Dù bạn có sử dụng thuốc để điều trị hay không, thì việc áp dụng các kỹ năng trên cũng sẽ giúp ích cho bạn. Câu hỏi được đặt ra là, liệu những kỹ năng ứng phó này tự thân nó có thể mang lại hiệu quả một cách độc lập hay không?

Nếu các triệu chứng của bạn đã quá nghiêm trọng, thì bạn có nguy cơ mắc bệnh nhưng không nhận thức được rằng mình đang mang bệnh. Đối với một số cá nhân, những thứ họ nhìn thấy, nghe thấy, và những ý nghĩ xâm nhập trở nên vô cùng chân thực - mặc dù chúng vẫn chỉ tồn tại trong trí óc của họ. Trải nghiệm này có thể khiến bạn sống trong lo sợ và tác động tiêu cực đến đời sống công việc, gia đình và các mối quan hệ của bạn. Sẽ rất hữu ích nếu bạn có một người đáng tin cậy để làm người kiểm tra thực tại cho mình. Nếu người này nói với bạn rằng “có gì đó không ổn,” hãy lắng nghe họ thay vì trở nên phòng vệ. Hãy trao đổi với họ về những gì cần làm để giúp bạn cải thiện tình trạng của mình.

Hãy xây dựng một bản kế hoạch đảm bảo an toàn (safety plan) để áp dụng khi rơi vào khủng hoảng. Sau đó chia sẻ bản kế hoạch này với hệ thống hỗ trợ của bạn - bao gồm cả người kiểm tra thực tại của bạn. Có những tình huống nào bạn chấp nhận sử dụng thuốc nếu tình trạng loạn thần trở nên quá nghiêm trọng hay không? Bạn có thể liệt kê chúng ra cùng với các phương pháp điều trị ưu tiên khác trong bản Chỉ thị soạn trước về điều trị tâm thần (psychiatric advance directive).

5. Có cần đến bệnh viện để điều trị loạn thần?

Tôi có cần đến bệnh viện không?

Thông thường người ta vẫn hay đến bệnh viện nếu mắc rối loạn sức khỏe tâm thần. Đôi khi họ đến vì những dịch vụ mà bệnh viện cung cấp. Những lúc khác họ đến chỉ vì đó là nơi đầu tiên họ nghĩ tới khi rơi vào khủng hoảng. Tìm hiểu về những gì diễn ra sau cánh cửa bệnh viện sẽ giúp bạn quyết định được rằng liệu đó có phải là lựa chọn tối ưu cho bạn lúc này hay không.

Bệnh viện có thể làm gì với rối loạn tâm thần?

Có rất nhiều lý do để người ta đến bệnh viện vì rối loạn tâm thần. Sau đây là một vài lý do chính:

Để được giám sát. Đôi khi những người mắc rối loạn tâm thần cảm thấy như họ không thể tin tưởng chính mình. Có thể vì bạn không thể ngừng làm tổn thương bản thân, hay bạn sợ rằng mình có thể gây tổn thương cho người khác. Còn khi ở trong bệnh viên, bạn sẽ được theo dõi, giám sát bởi những người đã qua đào tạo. Họ sẽ bảo đảm sự an toàn cho bạn và những người xung quanh.

Để nghỉ giải lao trong vài ngày. Thời gian nằm viện đối với các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường khá ngắn (từ vài ngày đến một hoặc hai tuần). Nhưng nếu cuộc sống hàng ngày đang khiến bạn căng thẳng, thì một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn cũng có thể giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tâm thần của bạn. Khi bạn nhập viện, sẽ có người nấu ăn và giặt giũ thay cho bạn, y tá cũng sẽ đưa thuốc cho bạn theo giờ. Bạn không cần lo lắng về những chuyện ấy. Bạn sẽ có thời gian để suy nghĩ về những việc mình sẽ làm sau khi trở lại thế giới thực… hoặc, bạn cũng có thể dành thời gian đó để nằm nghỉ trên giường và xem ti-vi.

Để được chăm sóc y tế nhanh chóng và toàn diện. Việc đáp ứng tất cả các nhu cầu về sức khỏe tinh thần có thể khiến bạn cảm thấy như đang chơi trò tung hứng. Nào là thuốc men, trị liệu tâm lý, điều chỉnh lối sống,… chưa kể đến việc duy trì sức khỏe thể chất nữa. Khi ở bệnh viện, bạn có thể gặp các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực trên trong cùng một ngày! Ở thế giới thực, việc lên lịch các cuộc hẹn với từng chuyên gia có thể rất phức tạp, và đôi khi bạn phải ngồi chờ rất lâu mới tới lượt mình. Trong môi trường bệnh viện, tất cả nhu cầu của bạn có thể được đáp ứng cùng một lúc.

Để thiết lập các dịch vụ chăm sóc sau khi xuất viện. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo sau khi bạn xuất viện? Bạn sẽ được giải đáp trong những lần nhập viện của mình. Nếu bạn cần thuốc điều trị, bạn sẽ được cung cấp thuốc và thậm chí cả phiếu giảm giá khi mua thuốc, nhằm giúp bạn duy trì việc dùng thuốc ổn định hơn. Bệnh viện cũng có thể giúp bạn giới thiệu tiệm thuốc tây, nhà trị liệu tâm lý hay bất kỳ chuyên gia nào khác mà bạn cần. Thông thường, bệnh viện cũng có thể hỗ trợ thanh toán các cuộc hẹn tái khám nếu bạn không được bảo hiểm chi trả.

Tôi còn có những lựa chọn nào khác?

Nhập viện có thể hữu ích trong nhiều tình huống, nhưng nó cũng có những mặt hạn chế. Đó không phải là giải pháp lâu dài tốt nhất - bạn không thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn tâm thần dù đã có thể xuất viện. Nhưng nhập viện có thể là bước khởi đầu tốt cho quá trình điều trị của bạn. Ở Mỹ, chi phí tại bệnh viện có thể khá tốn kém. May mắn thay, vẫn có nhiều cách để bạn nhận được hỗ trợ tài chính. Vì vậy, bạn không cần để chi phí trở thành rào cản nếu nhập viện là lựa chọn tốt nhất để bạn bảo vệ bản thân.

Cho dù bạn quyết định có đến bệnh viện hay không, hãy nhớ rằng bạn vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác. Nếu bạn đang gặp khủng hoảng, bạn có thể liên hệ Suicide & Crisis Lifeline (tạm dịch: Đường dây cứu trợ Tự sát và Khủng hoảng) bằng cách gọi điện hay nhắn tin cho số 988, hoặc sử dụng hộp thoại tại 988lifeline.org. Bạn cũng có thể nhắn tin theo cú pháp “MHA” gửi đến 741-741 để liên hệ với Crisis Text Line (tạm dịch: Đường dây tin nhắn Khủng hoảng). Đường dây ấm (warmlines) là một phương tiện đắc lựa để bạn có thể nhận được hỗ trợ cho các vấn đề phi khủng hoảng của mình.

Nếu muốn tìm giải pháp mang tính lâu dài hơn, bạn có thể đặt lịch hẹn với nhà trị liệu tâm lý hoặc trao đổi về việc dùng thuốc với bác sĩ tâm thần. Tham gia một nhóm hỗ trợ cũng có thể giúp ích cho bạn. Bạn cũng có thể tự mình cải thiện sức khỏe tâm thần bằng cách tìm hiểu thêm thông tin về rối loạn tâm thần, chia sẻ cởi mở với người bạn tin tưởng và thực hiện các thay đổi tích cực trong lối sống.

Ai là người quyết định tôi có nên đến bệnh viện hay không?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ là người cần phải đưa ra quyết định cho chính mình. Tùy theo luật pháp của từng tiểu bang, nhưng thông thường bạn chỉ có thể bị cưỡng chế nhập viện nếu bạn thể hiện một mối nguy hiểm rõ ràng ở hiện tại đối với bản thân hoặc những người xung quanh. Nói cách khác, nếu bạn không được đưa đi bệnh viện, có nguy cơ là bạn sẽ gây tổn thương cho bản thân hay người khác. Trong trường hợp đó, bạn sẽ được bạn bè, người thân hoặc nhà chuyên môn về sức khỏe tâm thần (như tâm lý gia hay bác sĩ) giúp làm thủ tục nhập viện. Nhưng trong các trường hợp thường gặp hơn, nếu bạn bè hoặc người thân lo ngại về sức khỏe tâm thần của bạn, họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn tự nguyện đăng ký thăm khám tại bệnh viện.

Trong một số trường hợp, trước khi đến bệnh viện, bạn nên cân nhắc việc soạn thảo một bản Chỉ thị soạn trước về điều trị tâm thần (psychiatric advance directive). Đây là một văn bản pháp lý thể hiện mong muốn của bạn về loại phương pháp điều trị, dịch vụ và những hỗ trợ mà bạn muốn được nhận hoặc không muốn nhận, được sử dụng trong trường hợp bạn gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc đưa ra quyết định. Bạn cũng có thể chỉ định cơ sở y tế mà mình muốn được đưa đến.

6. Tôi có thể chia sẻ với ai về chứng loạn thần?

Tôi có thể chia sẻ với ai về chứng loạn thần của mình?

Khi bạn phải trải qua các triệu chứng của loạn thần, rất dễ để cảm thấy cô đơn. Bạn có thể cảm thấy rằng dường như chẳng có ai hiểu được những gì bạn đang phải đương đầu. Ngay cả bản thân bạn có lẽ còn chưa hiểu hết được nữa mà! Việc tìm đến người khác để chia sẻ nghe thật đáng sợ, nhưng bạn không cần phải chiến đấu một mình với chứng loạn thần.

Ngay lúc này, có hàng triệu người trên khắp thế giới cũng đang sống với loạn thần — hoặc đã từng trải qua các triệu chứng của nó trong quá khứ. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trong số đó cũng có những người mà bạn quen biết. Và còn rất nhiều người khác, dù chưa từng có những trải nghiệm tương tự, cũng sẵn sàng lắng nghe để thấu hiểu.

Và tất nhiên, vẫn sẽ có một số người không hiểu, nhưng bạn không có nghĩa vụ phải thuyết phục họ - bạn chỉ cần tiếp tục cố gắng tìm kiếm một hệ thống hỗ trợ phù hợp với mình. Sau đây sẽ là một số gợi ý cho bạn. Và vì là gợi ý, nên chúng chỉ có giá trị tham khảo, bạn không nhất thiết phải thực hiện tất cả mọi thứ. Hãy bắt đầu với bất kỳ lựa chọn nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất ở hiện tại. Bạn luôn có thể mở rộng thêm những lựa chọn của mình về sau.

Bạn bè và gia đình

Nếu bạn bè và gia đình bạn đã sẵn sàng hỗ trợ, thì việc mở lòng với họ có thể là một cách khởi đầu tuyệt vời để xây dưng hệ thống hỗ trợ cho bạn. Bạn có thể cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi thấy rằng mình có thể mở lòng với những người thân thiết nhất trong cuộc sống của mình, vì bạn không cần phải che giấu cảm nhận của bản thân nữa. Bạn cũng có thể tâm sự với huấn luyện viên, giáo viên, hay các giáo chức nơi bạn ở (như cha xứ, sư cô…) - hoặc bất kỳ ai mà bạn cảm thấy gần gũi trong đời sống cá nhân của mình.

Các nhà chuyên môn

Những nhà chuyên môn mà bạn có thể chia sẻ về sức khỏe tâm thần của mình bao gồm bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý hoặc những chuyên viên hỗ trợ đồng đẳng (peer supporters). Nếu bạn đang gặp bác sĩ để điều trị, bạn có thể bắt đầu từ họ. Họ có thể giúp bạn tìm kiếm nhà trị liệu tâm lý hoặc những nhà chuyên môn khác mà bạn cần gặp. Nếu bạn còn đang đi học thì tham vấn viên học đường tại trường của bạn có thể hỗ trợ bạn trong việc này.

Các nhóm hỗ trợ

Các nhóm hỗ trợ được hợp thành từ những cá nhân có trải nghiệm tương đồng với nhau. Họ có thể gặp nhau trực tiếp hoặc trực tuyến. Chủ đề mà họ chia sẻ bao gồm cuộc sống hằng ngày, những khó khăn, trở ngại cũng như các chiến lược mà họ đã sử dụng để ứng phó với chúng và để phát triển bản thân. Thật tốt khi giờ đây bạn có thể cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng, cũng như được nghe về những trải nghiệm tương đồng từ các cá nhân khác.

Đường dây trợ giúp ẩn danh

Đường dây nóng, đường dây ấm, nền tảng hỗ trợ trực tuyến hoặc đường dây tin nhắn cũng có thể hữu ích cho bạn. Những hoạt động này thường được điều hành bởi các tình nguyện viên hoặc chuyên viên đã qua đào tạo để lắng nghe chia sẻ của những người tìm đến họ. Trò chuyện với một người lạ có thể giúp bạn cảm thấy an toàn hơn khi chia sẻ những điều khó nói. Bên cạnh đó, người lạ cũng có thể đưa ra những phản hồi khách quan hơn so với những người có liên quan mật thiết đến cuộc sống của chúng ta.

Tôi nên chia sẻ những gì?

Nếu bạn vẫn chưa rõ mình nên chia sẻ điều gì, hãy thử viết những suy nghĩ của mình ra trước. Việc này có thể giúp bạn sắp xếp và hệ thống những ý nghĩ của bản thân để từ đó diễn đạt tốt hơn. Thậm chí bạn cũng có thể viết một bức thư cho người mà mình muốn tâm sự nếu bạn thấy việc đó dễ dàng hơn so nói chuyện trực tiếp. Hãy thử sử dụng đường dây cứu trợ hoặc nhóm hỗ trợ để “thực hành” chia sẻ trước, sau đó mới mở rộng sang các mối quan hệ thân thiết hơn như bạn bè, gia đình hay các nhà chuyên môn đang hỗ trợ bạn - những đối tượng mà có lẽ bạn dễ cảm thấy lo lắng hơn khi mở lòng.

Ai sẽ đưa ra các quyết định về sức khỏe tâm thần cho tôi nếu tôi không còn khả năng?

Có thể sẽ có những lúc bạn không thể tự mình đưa ra quyết định về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì lý do liên quan đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của bản thân. Trong những trường hợp này, việc ai sẽ là người đưa ra quyết định thay cho bạn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Mỗi tiểu bang đều có bộ luật riêng và không phải lúc nào chúng cũng nhất quán. Một khả năng có thể xảy ra là những người không biết hoặc không tôn trọng nguyện vọng của bạn sẽ thay bạn đưa ra quyết định chỉ vì họ là người thân của bạn. Bạn có thể tránh trường hợp đó bằng cách chỉ định một người đáng tin cậy đảm nhiệm việc ra quyết định khi bạn không thể tự mình thực hiện.

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần