` Đồng hành cùng người mắc rối loạn lưỡng cực - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Đồng hành cùng người mắc rối loạn lưỡng cực

1. Tôi có người thân/ bạn bè mắc rối loạn lưỡng cực?

Tôi có thể giúp người thân mắc chứng rối loạn lưỡng cực bằng cách nào?

Nếu người bạn yêu thương đang sống chung với rối loạn lưỡng cực thì có thể bạn sẽ khó biết cách để giúp đỡ họ. Dưới đây là một số phương pháp để trợ giúp và những điều cần lưu ý khi hỗ trợ người bị rối loạn lưỡng cực.

Học. Có rất nhiều sách, bài báo và video về rối loạn lưỡng cực. Nghiên cứu và lắng nghe những người sống chung với rối loạn lưỡng cực bàn luận về trải nghiệm của họ có thể hữu ích trong việc hiểu rõ về căn bệnh này. Bạn càng có nhiều thông tin thì sẽ càng tốt, dù đó là về chẩn đoán, phương pháp điều trị hay các lựa chọn khác, những điều này có thể giúp bạn hiểu biết tốt hơn để hỗ trợ người thân của mình.

Nghe.  Khi chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, hầu hết chúng ta đều mong muốn chia sẻ với người khác về những gì chúng ta đang gặp phải. Vật lộn với hưng cảm và trầm cảm cũng không có gì khác nhau, chúng thường có những tác động nghiêm trọng đến cuộc sống, mối quan hệ và khả năng làm những điều họ muốn hoặc quan tâm. Một phần quan trọng của việc hỗ trợ ai đó có thể chỉ cần lắng nghe. Bạn có thể cho người thân của mình biết bạn luôn ở bên họ, cho dù họ muốn trút bầu tâm sự hay đang tìm kiếm lời khuyên. Điều quan trọng là khi lắng nghe bạn không nên dán nhãn những gì người đó nói hoặc cảm thấy "đó chỉ là một triệu chứng" của rối loạn. Bất cứ điều gì họ đang trải qua và mô tả đều là trải nghiệm của họ và bất kể chẩn đoán đó là gì.

Hỏi. Nếu nghi ngờ người thân của mình bị rối loạn lưỡng cực, bạn luôn có thể hỏi họ xem bạn có thể làm gì để giúp đỡ họ không. Hãy hỏi về cách mà ta có thể giúp họ tự đối phó với một tình huống cụ thể hay một yếu tố kích hoạt. Những công việc nhỏ nhặt như rửa bát, đi đến cửa hàng tạp hóa hay đưa đón con dường như là điều không thể đối với một người đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Vì vậy, hãy đề nghị giúp đỡ họ những công việc nhỏ nhặt này để giúp họ giảm bớt áp lực.

Đặt ra ranh giới nếu bạn cần. Dù bạn muốn ở bên ai đó nhiều như thế nào đi nữa, nhưng nếu bạn bắt đầu cảm thấy không ổn, đừng ngại lùi lại một bước và đánh giá xem những gì bạn có thể giải quyết được. Nếu điều mà người thân yêu của bạn đang trải qua trở nên quá nhiều và bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chính bạn thì bạn có thể đặt ra ranh giới đối với họ.

Chăm sóc bản thân. Bạn rất dễ đánh mất bản thân trong khi chăm sóc và hỗ trợ người thân của mình. Bạn có thể cảm thấy áp lực khi sắp xếp mọi thứ cùng một lúc, đặc biệt nếu đó là một thành viên trong gia đình bạn. Sức khỏe tinh thần của bạn nên được ưu tiên hàng đầu ngay cả khi người thân của bạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Sau tất cả, bạn sẽ không thể giúp ai đó nếu bạn không tự giúp mình trước.

2. Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em

Con tôi có bị rối loạn lưỡng cực không?

Thật khó để giúp một đứa trẻ vượt qua những thăng trầm bình thường của tuổi mới lớn. Nếu con bạn cũng mắc chứng rối loạn lưỡng cực thì điều này có thể còn gây áp lực hơn - nhưng bước đầu tiên là bạn cần tìm hiểu xem con bạn có bị rối loạn lưỡng cực ngay từ đầu hay không.

Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó một người trải qua các giai đoạn thay đổi khí sắc, được gọi là hưng cảm và trầm cảm. Khi một người nào đó bị hưng cảm, họ có thể có rất nhiều năng lượng, cảm thấy không thể dừng lại và có hành vi bốc đồng. Nhưng khi bị trầm cảm, họ có thể cảm thấy mình vô dụng hoặc trống rỗng, khó rời khỏi giường và có những suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát.

Ở người trưởng thành, các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm thường kéo dài trong vài tuần, thậm chí vài tháng. Giữa các giai đoạn này, người bị rối loạn lưỡng cực sẽ cảm thấy tương đối “bình thường”.

Đối với trẻ em thì khác hơn một chút. Trẻ bị rối loạn lưỡng cực thì chu kỳ giữa hưng cảm và trầm cảm thường diễn ra nhanh hơn - đôi khi vài lần trong vòng một ngày. Trẻ em cũng thường trải qua các giai đoạn hỗn hợp: là khi chúng trải qua các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm cùng một lúc.

Rối loạn lưỡng cực ở trẻ em cũng thường bị nhầm lẫn với các rối loạn khác, chẳng hạn như rối loạn hành vi, lo âu hay trầm cảm. Nhưng sự tranh cãi phổ biến nhất là giữa rối loạn lưỡng cực và ADHD. (Cũng có khả năng một đứa trẻ mắc nhiều hơn một trong những rối loạn này cùng một lúc.)

Rối loạn lưỡng cực hay ADHD?

Rối loạn lưỡng cực và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có chung một số triệu chứng trùng nhau:

Dễ bị phân tâm.

Có khoảng thời gian chú ý ngắn.

Cảm thấy cáu kỉnh.

Gặp khó khăn khi ngồi yên.

Nói quá nhanh, khó để làm theo những gì họ đang nói.

Một trong những chìa khóa để phân biệt giữa hai chứng rối loạn này là tìm kiếm các triệu chứng chỉ thường gặp ở rối loạn lưỡng cực mà không gặp ở ADHD:

Cảm thấy cực kỳ phấn khích hoặc hạnh phúc.

Tư duy dồn dập

Tự làm hại bản thân hoặc có ý định tự tử.

Có các triệu chứng loạn thần, như nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật.

Chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm và không cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. (Những đứa trẻ không bị rối loạn lưỡng cực có thể khó ngủ, nhưng ít nhất chúng sẽ cố gắng ngủ nhiều hơn và chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau.)

Sự tự cao: hành động như thể các quy tắc không áp dụng cho chúng, hoặc như một nhân vật có thẩm quyền đối với những đứa trẻ khác hoặc thậm chí cả giáo viên.

Tăng hoạt động tình dục: quan tâm đến tình dục nhiều hơn hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi - như một cách để tìm kiếm niềm vui và không chỉ vì tò mò.

Hoạt động đạt mục tiêu mãnh liệt: vẽ những bức tranh phức tạp, viết những câu chuyện dài, xây dựng các cấu trúc phức tạp bằng đồ chơi.

Được chẩn đoán

Bạn có thể tìm các dấu hiệu cảnh báo về rối loạn lưỡng cực ở trẻ, nhưng bạn không thể tự mình chẩn đoán. Nếu bạn nghĩ rằng con mình có thể bị rối loạn lưỡng cực, điều quan trọng là bạn phải đưa trẻ đến bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để có thể đánh giá. Người thực hiện đánh giá sẽ nói chuyện với bạn và con bạn - cha mẹ và con cái thường đưa ra những mô tả rất khác nhau về các triệu chứng nhưng cả hai mô tả đó đều hữu ích. Người chẩn đoán cho con bạn cũng sẽ có thể giúp bạn tìm ra các phương pháp điều trị.

Bạn có thể thấy hữu ích nếu thực hiện bài kiểm tra rối loạn lưỡng cực trực tuyến của chúng tôi hoặc để con bạn tự làm bài kiểm tra này. Chỉ chuyên gia sức khỏe tâm thần mới có thể chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, nhưng đây có thể là một điểm khởi đầu tốt để nói chuyện với con bạn về những gì chúng đang trải qua. Bạn cũng có thể in kết quả ra và mang theo khi nói chuyện với chuyên gia.

3. Người mắc rối loạn lưỡng cực có biết mình mắc bệnh này?

Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có biết họ mắc bệnh này không?

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần khá phổ biến, khoảng 1 trong số 40 người trưởng thành ở Mỹ sống chung với nó. Bệnh này phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng nó thường không được chẩn đoán cho đến khi chúng trưởng thành - có thể mất đến mười năm kể từ khi một người trải qua các triệu chứng cho đến khi họ thực sự được chẩn đoán!

Không phải tất cả những ai bị rối loạn lưỡng cực đều biết mình mắc bệnh. Có rất nhiều lý do tại sao một người bị rối loạn lưỡng cực có thể không nhận ra nó - hoặc tại sao họ có thể phủ nhận việc mắc chứng bệnh này ngay cả khi họ biết mình đang mắc phải. Nếu bạn nghĩ ai đó mà bạn biết có thể bị rối loạn lưỡng cực nhưng chưa được điều trị, bạn có thể làm một số điều để giúp đỡ người đó.

Nó tương tự như các tình trạng sức khỏe tâm thần khác

Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán mắc những bệnh khác trước - trầm cảm và ADHD là một số bệnh phổ biến nhất. Trầm cảm là một phần của rối loạn lưỡng cực và hầu hết mọi người quen thuộc với trầm cảm nhiều hơn là hưng cảm. ADHD cũng có thể có những triệu chứng rất giống với rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là ở trẻ em.

Khi một người phát hiện ra họ bị rối loạn lưỡng cực thì có thể họ đã có những chẩn đoán nào trước đó hoặc họ có thể mắc nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần cùng một lúc. Nếu bạn biết ai đó đang được điều trị bệnh tâm thần, nhưng họ vẫn phải vật lộn với các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực thì có thể vẫn còn nhiều điều khác đang xảy ra.

Thật khó để chấp nhận việc mắc bệnh tâm thần

Ngay cả khi một người biết rằng họ mắc chứng rối loạn lưỡng cực thì cũng thật khó để họ chấp nhận được sự thật. Sống chung với bất kỳ bệnh tâm thần nào cũng có thể rất khó khăn… và rối loạn lưỡng cực cũng vậy. Đôi khi mọi người cảm thấy rằng nếu họ từ chối cái nhãn “rối loạn lưỡng cực” của mình thì họ có thể tránh được một số khó khăn đó, nhưng rối loạn lưỡng cực sẽ không tự nhiên biến mất nếu bạn phớt lờ nó.

Thực tế thì những cái nhãn thực sự có thể giúp bạn. Được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực giúp bạn hiểu được những gì mình đang gặp phải. Nó mở ra các lựa chọn điều trị có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, nó còn giúp bạn có thể kết nối với hàng triệu người khác tương tự trên khắp thế giới, và nhiều trong số những người bị rối loạn lưỡng cực đó đã làm được những điều đáng kinh ngạc.

Mặt khác, đôi khi nhiều người không biết sử dụng từ ngữ gì tốt hơn từ "lưỡng cực" để mô tả một người thực sự chỉ đang buồn vui thất thường. Hãy cẩn thận việc dán nhãn cho người khác khi bản thân bạn không phải là một chuyên gia. Nếu bạn cho rằng bạn mình đang bị rối loạn lưỡng cực, hãy khuyến khích họ đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần, người có thể đánh giá và chẩn đoán họ. Bạn cũng có thể chỉ cho họ bài kiểm tra lưỡng cực trực tuyến của chúng tôi, đây là bước khởi đầu dễ dàng hơn so với việc trực tiếp đến tìm chuyên gia.

4. Người mắc rối loạn lưỡng cực không muốn được giúp đỡ?

Phải làm gì khi họ không muốn được giúp đỡ

Việc nhìn thấy người thân yêu của mình đau khổ thật khó chịu và việc muốn giúp đỡ cho họ là điều hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Việc ở bên cạnh họ cũng có thể sẽ rất khó khăn, vì việc chăm sóc ai đó sẽ có thể khiến bạn kiệt sức. Vì vậy, cần sớm để thay đổi điều gì đó - nếu không, bạn cũng không chắc mình có thể giúp họ thêm được bao nhiêu nữa.

Nếu bạn đang cố gắng giúp đỡ một người không muốn được giúp đỡ, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đáng sợ… và những điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Mọi người thường có xu hướng muốn kiểm soát các khía cạnh trong cuộc sống của họ. Điều này đúng với bạn và những người thân trong gia đình bạn. Đôi khi, chúng ta càng thúc ép, người kia càng có nhiều khả năng rút lui hoặc từ chối quyền kiểm soát cuộc sống của chính họ. Hãy nghĩ về thời điểm mà bạn muốn thay đổi gì đó, có thể đó là việc giảm cân hoặc ăn nhiều hơn. Khi ai đó càng hỏi nhiều về thói quen ăn uống của ta hoặc hỏi ta có tập luyện vào ngày hôm đó hay không, thì ta sẽ càng trở nên khó chịu… và chúng ta sẽ có nhiều khả năng phản đối việc đưa ra những lựa chọn tốt.

Đấu tranh để phục hồi là một trải nghiệm tự nhiên. Thật hữu ích khi sử dụng những trải nghiệm này như những khoảnh khắc để chúng ta học hỏi, nhưng nó cũng lộn xộn và mất nhiều thời gian. Đôi khi những lựa chọn tốt được đưa ra, nhưng đôi lúc cũng có những lựa chọn thực sự rất tệ. Hy vọng rằng với sự hỗ trợ phù hợp, chúng ta sẽ giúp họ vượt qua được những khó khăn đó.

Dưới đây là một số điều cần cân nhắc khi làm việc với người thân của bạn, người mà không muốn được giúp đỡ:

Lắng nghe và ghi nhận

Nếu mối quan hệ của bạn và người đó không thân thiết, thì bạn chỉ cần lắng nghe. Hãy hỏi họ chuyện gì đang xảy ra và chỉ phản hồi những gì họ nói, hãy giúp họ cảm thấy như mình đang được lắng nghe. Bạn có thể hỏi, "Bạn có khỏe không?" và nói “Vâng, điều đó nghe có vẻ khó khăn hay điều đó nghe có vẻ tuyệt vời nhỉ”. Mọi người rất khó thực hiện hành động trừ khi họ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu.

Đặt câu hỏi

Hãy hỏi người thân của bạn xem họ muốn gì! Bạn không thể thúc ép ai đó làm điều gì đó trừ khi họ cũng muốn làm điều đó. Nhưng bạn có thể tìm hiểu họ muốn gì và tìm cách hỗ trợ họ hướng tới mục tiêu theo cách mà cả hai có thể đồng ý. Nếu người thân của bạn cởi mở với điều đó, bạn cũng có thể hỏi họ cảm thấy thế nào về việc bạn muốn họ thực hiện. Thuốc là một ví dụ phổ biến. Hãy hỏi, "bạn cảm thấy thế nào khi dùng loại thuốc đó." Rất khó để đối phó với các tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn hoặc tăng cân, và điều này cũng dễ hiểu nếu mọi người không muốn dùng các loại thuốc mà khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.

Chống lại sự thôi thúc muốn giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên

Hãy cho lời khuyên chỉ khi người khác hỏi. Nếu họ chưa yêu cầu, hãy hướng tới sự hỗ trợ. Có những lúc bạn thậm chí có thể đồng ý với họ: “Vâng, căn bệnh tâm thần này thật tệ hại, nhưng việc dùng thuốc cũng không tốt”. Một khi bạn cho một người không gian để họ cảm thấy mình được lắng nghe thì phòng vệ của họ sẽ giảm xuống và họ sẽ cởi mở hơn trong cuộc trò chuyện.

Cùng nhau khám phá các lựa chọn

Nếu ai đó nói “Tôi không muốn làm điều này” thì có thể bạn sẽ tự gây khó khăn cho chính mình (và cho họ) nếu bạn yêu cầu họ làm điều đó. Bạn có thể nói, “Ok. Đừng làm điều đó nữa… vậy bạn muốn làm gì?” Đối với một số người không chắc chắn hay họ chưa sẵn sàng giải quyết bệnh tâm thần của mình thì đừng sử dụng những từ ngữ đó ngay lập tức. Hãy thoải mái bắt đầu với công việc, mối quan hệ, cuộc sống, stress, ngủ,... hoặc bất cứ điều gì khác - và đề cập đến “bệnh tâm thần” sau cũng được.

Hãy tự chăm sóc bản thân và tìm sự hỗ trợ của riêng bạn

Chúng ta sẽ không thể giúp người khác trừ khi chúng ta ổn. Thật khó để kiên nhẫn khi ta mệt mỏi và thất vọng. Hãy tìm những người khác có thể chăm sóc bạn, tìm một người mà bạn có thể trút bầu tâm sự, người luôn ở bên bạn và có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Có người để trò chuyện cũng có thể giúp bạn tìm ra khi nào và làm thế nào để có thể vượt qua, và khi nào thì có thể quên đi (việc này cũng khó khăn và có thể gây tổn thương).

Cuối cùng, nếu ai đó thực sự không muốn giúp đỡ, ép buộc họ có thể là một lựa chọn… nhưng dường như nó không hiệu quả lắm. Trong nhiều trường hợp, khi chúng ta ép buộc mọi người làm những điều mà chúng ta muốn họ làm, nó chỉ kết thúc bằng sự chống đối và oán giận. Hãy để mọi người đưa ra lựa chọn của riêng họ, ngay cả khi lựa chọn đó là sai và dẫn đến đau đớn hơn nhưng nó không làm cho bạn thất bại (với tư cách là gia đình, bạn bè hoặc bất kỳ loại người thân yêu nào).

Tuy nhiên, cần có thời gian và địa điểm để đưa ai đó đến bệnh viện khi họ chưa muốn được giúp đỡ. Nếu người thân của bạn gây nguy hiểm trực tiếp cho bản thân hoặc người khác, hoặc nếu họ đang bị loạn thần hay sử dụng chất kích thích quá liều thì việc nhập viện là điều cần thiết.

5. Thành viên gia đình tôi từ chối đến bệnh viện

Thành viên gia đình tôi từ chối đến bệnh viện

Khó có thể thấy một người nào đó đang vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần mà từ chối nhận sự giúp đỡ. Nếu có vẻ như họ có thể trở thành mối nguy hiểm cho chính họ hoặc người khác, thì điều đó càng trở nên khó khăn hơn. Vậy làm thế nào để bạn có thể giúp một người cần đến bệnh viện, nhưng họ lại không muốn đi?

Câu hỏi này xuất hiện nhiều nhất nếu một người tự gây nguy hiểm cho bản thân mình hoặc cho người khác, hoặc nếu họ đang bị loạn thần. Tình trạng loạn thần có thể là kết quả của việc sử dụng chất kích thích, hoặc đó là một triệu chứng của bệnh tâm thần khác như tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực.

Điều tốt nhất là bạn nên khiến họ tự nguyện đến bệnh viện

Mọi người có xu hướng có trải nghiệm tốt hơn trong bệnh viện nếu họ tự mình lựa chọn. Nhân viên bệnh viện có thể đối xử với họ hoặc bạn theo cách khác nhau, và quá trình này có thể khó khăn hơn đối với một không tự nguyện điều trị. Người thân của bạn có thể trải qua cảm giác như bạn không tôn trọng quyết định của họ và điều này có thể khiến họ mắc bệnh trở lại. Bất cứ khi nào có thể, tốt nhất là bạn và họ nên đưa ra quyết định điều trị cùng nhau.

 

Khi người thân của bạn đã từ chối một lần thì không có nghĩa là họ sẽ không suy nghĩ lại. Hãy tiếp tục cố gắng, đặt câu hỏi, lắng nghe và phản hồi, hãy giúp họ cảm thấy như mình được lắng nghe và đáp trả lại và tiếp tục nói những điều như, “Tôi thực sự lo lắng cho bạn. Tôi nghĩ chúng ta nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem chuyện gì đang xảy ra.” Hãy đảm bảo với họ rằng bạn sẽ ở lại với họ và giúp họ trong suốt quá trình, và khi theo dõi các tín hiệu, bạn sẽ thấy họ có thể sẽ đồng ý với việc điều trị nhiều hơn trước đây. Khi điều đó xảy ra, hãy nói với họ những điều như, “Được rồi. Tôi sẽ giúp bạn tìm sự giúp đỡ. Tôi sẽ đưa bạn đến bệnh viện và ở bên bạn trong suốt quá trình điều trị”.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và chúng vẫn không đi đến đâu?

Cần có thời gian và địa điểm để đưa ai đó đến bệnh viện khi họ chưa muốn được giúp đỡ.

Một người có thể cam kết không tự nguyện đến bệnh viện nếu họ gây nguy hiểm cho bản thân, cho người khác hay bị tàn tật nặng. Họ bị coi là mối nguy hiểm đối với chính bản thân mình nếu họ nói rằng mình đang có kế hoạch tự làm hại bản thân. Tương tự như vậy, họ có thể gây nguy hiểm cho người khác nếu họ tuyên bố rằng họ có ý định làm hại người khác. Tình trạng khuyết tật nghiêm trọng là khi ai đó bị bệnh và không thể tự mình đưa ra quyết định. Một người nào đó đang bị loạn thần có thể không nói ra ý định làm hại bất cứ ai, nhưng họ có thể đáp ứng đủ các tiêu chí về khuyết tật nghiêm trọng, điều này cũng tương tự với những người đang sử dụng chất kích thích quá liều.

Hãy đưa họ đến bệnh viện

Nhóm xử lý khủng hoảng di động là một nhóm các chuyên gia y tế ứng phó với các cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại nhà của người dân. Nhóm có thể bao gồm y tá, nhân viên công tác xã hội, bác sĩ tâm thần hay các chuyên gia đồng đẳng. Các nhóm xử lý khủng hoảng di động đôi khi cũng kết hợp cùng với các sở cảnh sát. Nếu thành phố của bạn có đội xử lý khủng hoảng di động, bạn có thể gọi cho họ và họ sẽ đến nhà bạn để đánh giá. Họ sẽ hỏi bạn rất nhiều câu hỏi, và sau đó giúp bạn đưa người nhà bạn đến bệnh viện khi cần thiết.

Đôi khi không có ai để giúp đỡ, và bạn phải tự mình đưa họ đến bệnh viện hoặc gọi cảnh sát. Hãy nhớ rằng cảnh sát không được đào tạo về sức khỏe tâm thần, và việc nhìn thấy cảnh sát có thể khiến mọi người sợ hãi. Bất cứ khi nào có thể, tốt nhất bạn nên dựa vào hệ thống hỗ trợ bao gồm những người có nền tảng về sức khỏe tâm thần, và nhóm xử lý khủng hoảng di động là lựa chọn tốt nhất cho việc này.

Nếu bạn có sự lựa chọn để đến một bệnh viện sức khỏe tâm thần nội trú, tốt nhất là bạn nên đến khám tại đó trước và sau đó nhập viện thay vì đến thẳng phòng cấp cứu. Các phòng cấp cứu được thiết kế cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe thể chất và không được trang bị tốt để xử lý các trường hợp khẩn cấp về tâm thần.

Nếu thành viên gia đình bạn cần một số loại giường và dịch vụ chăm sóc thay thế nhưng gia đình bạn không đáp ứng đủ tiêu chí thì một số cộng đồng cũng sẽ cung cấp dịch vụ tương tự để có thể thay thế cho việc nhập viện.

Tại bệnh viện

Khi bạn đưa người nhà của mình vào bệnh viện, hãy nói cho nhân viên biết chuyện gì đang xảy ra, ví dụ như bạn nghĩ rằng họ đang bị loạn thần. Hãy giải thích cho nhân viên biết đây có phải là lần đầu tiên điều này xảy ra, hay nó đã diễn ra trong bao lâu và bạn đã thấy những triệu chứng nào. Bệnh viện sẽ muốn chắc chắn rằng người thân của bạn không sử dụng chất kích thích. Người bệnh sẽ phải ngừng sử dụng chất kích thích trong 72 giờ trước khi bệnh viện có thể chẩn đoán rõ ràng bất kỳ loại bệnh tâm thần nào, chẳng hạn như loạn thần.

Khi người thân của bạn được nhập viện, họ sẽ được theo dõi, giữ an toàn và có thể được cấp thuốc.

Sau khi họ ở lại bệnh viện

Bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi người thân của bạn ổn định, nhưng đối với họ, đây có thể chỉ là sự khởi đầu. Đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên của họ, hãy ở bên họ khi họ đối mặt với căn bệnh tâm thần của mình. Hãy kiên nhẫn khi họ trải qua quá trình đau buồn về sự thay đổi này trong cuộc sống. Và hơn hết, hãy ủng hộ quá trình phục hồi của chính họ và đảm bảo rằng họ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tật của chính mình. Thật hấp dẫn khi cố gắng và nắm quyền kiểm soát bản thân, nhưng điều đó có thể làm họ cảm thấy tiêu cực và sẽ khó khăn hơn trong việc tiến lên phía trước.

Thanh toán viện phí

Khám bệnh tại bệnh viện có thể rất tốn kém. Trung bình chi phí khám bệnh có thể có giá từ $1,200 đến $1,500 một đêm hoặc có thể cao hơn. Nếu bạn có bảo hiểm y tế, hãy chắc chắn rằng bạn biết trước số tiền sẽ được bảo hiểm chi trả. Nếu không, bạn hãy nói chuyện với nhân viên trong bệnh viện về việc đưa người thân của bạn vào Medicaid (trợ cấp y tế). Nhiều bệnh viện cũng có các chương trình hỗ trợ tài chính cho những người không có bảo hiểm y tế và không có khả năng tự chi trả tiền. Bạn có thể phải điền đơn và xuất trình bằng chứng thu nhập. Nếu người bạn đang đưa đến bệnh viện không phải là thành viên của gia đình bạn thì hãy đề nghị sự giúp đỡ để tìm cách thanh toán cho thời gian nằm viện của họ.

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần