` Giúp đỡ người có khó khăn tâm lý - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Giúp đỡ người có khó khăn tâm lý

1. Quan tâm đúng cách

Thật khó để bày tỏ sự lo ngại của bạn về sức khoẻ tinh thần của một ai đó. Nếu hành động và lời nói của họ khiến bạn nghĩ rằng họ có thể đang phải vật lộn với một bệnh tâm thần nào đó, điều này có thể khiến bạn rơi vào tình huống khó xử. Bạn quan tâm đến họ nhưng lại không muốn làm họ khó chịu. Vậy bạn có thể làm gì?

Họ đang nói gì hoặc làm điều gì đó làm bạn bận tâm??

Ta rất dễ đưa ra kết luận rằng ai đó có thể đang mắc phải một bệnh tâm thần. Vấn đề là, bạn không thực sự biết chắc chắn. Bạn có thể không phải là bác sĩ hay chuyên gia trị liệu, và ngay cả khi bạn làm nghề này, thì bạn cũng sẽ khó mà đưa ra chẩn đoán cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Thay vào đó, hãy tập trung vào những lời nói và hành vi mà bạn lo lắng. Hãy nói điều gì đó như, “này, khi bạn nói rằng ước gì như bạn đã chết rồi, điều đó khiến mình tự hỏi liệu bạn có đang ổn không. Bạn có thực sự cảm thấy ổn không? ” hoặc, “này, mình nhận thấy gần đây bạn vắng mặt trong lớp rất nhiều. Mình muốn hỏi để biết chuyện gì đang xảy ra.”

Bằng cách tập trung vào lời nói và hành vi của họ, bạn tránh được việc gán ghép cho người đó. Điều cần chú ý là những quan sát của bạn và cảm nhận của bạn về chúng. Điều đó giúp người khác chấp nhận dễ dàng hơn. Nó giúp họ tin tưởng rằng bạn sẽ không phán xét nếu họ quyết định mở lòng.

Thực tế có thể họ không thực sự mắc một bệnh tâm thần có thể chẩn đoán được. Điều đó không có nghĩa là sự quan tâm của bạn không có ích. Không phải tất cả mọi người đều bị bệnh tâm thần, nhưng tất cả mọi người đều có sức khỏe tinh thần. Và sức khỏe tinh thần của mọi người có thể được cải thiện.

  • Hãy ủng hộ và động viên

Nếu họ muốn mở lòng với bạn, việc đầu tiên của bạn chỉ là hiện diện ở đó và lắng nghe. Những gì họ nói với bạn có thể không thoải mái hoặc thậm chí là đáng sợ. Nhưng bằng cách lắng nghe những điều đó mà không phán xét, bạn đang cho họ biết rằng việc cảm thấy như vậy là bình thường và việc cần được giúp đỡ cũng là bình thường.

Khi cảm thấy họ đã sẵn sàng, bạn có thể đưa ra đề xuất về việc tìm kiếm sự trợ giúp. Nếu họ dễ chấp nhận, nên trao đổi với bác sĩ hoặc nhà trị liệu trước tiên. Họ sẽ có thể chẩn đoán bệnh, hoặc giới thiệu bệnh nhân cho một người nào đó có chuyên môn. (Nếu người thân của bạn không muốn gặp chuyên gia, một đề nghị dễ dàng hơn cho họ là làm một bài sàng lọc sức khoẻ tâm thần trực tuyến.. Đây không phải là chẩn đoán, nhưng đó là điểm khởi đầu để họ quen với ý tưởng này.)

Điều quan trọng là đưa ra đề xuất chứ không phải là yêu cầu. Giải thích cho họ lý do tại sao bạn nghĩ rằng tìm kiếm một hình thức trợ giúp cụ thể sẽ hữu ích cho họ. Cũng nên ủng hộ: đề nghị đi cùng họ đến buổi hẹn đầu tiên, hoặc cùng nhau tìm kiếm thông tin về sức khỏe tinh thần.

  • Làm những gì bạn có thể. Chấp nhận những gì bạn không thể.

Họ có thể không muốn lắng nghe mối bận tâm của bạn. Họ có thể phủ nhận về việc mắc bệnh tâm thần. Họ có thể từ chối việc tìm kiếm cách điều trị. Bản năng của bạn lúc này có thể là cố gắng “cứu” họ, một cách vồ vập và kiểm soát. . Hầu hết mọi trường hợp, điều đó sẽ phản tác dụng. Các phương pháp điều trị sức khỏe tinh thần có hiệu quả tốt nhất với người sẵn sàng điều trị. Và việc trở nên cứng nhắc có thể khiến họ không muốn nhận sự giúp đỡ của bạn trong tương lai. Hãy để họ đi theo con đường của riêng họ, ngay cả khi họ đưa ra lựa chọn cho những hướng đi khiến bạn thất vọng.

Tất nhiên, nếu hành vi của họ ảnh hưởng đến bạn, bạn cũng phải có trách nhiệm chăm sóc bản thân. Nếu người kia từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ và hành vi của họ tiếp tục tác động tiêu cực đến bạn hoặc mối quan hệ của bạn, bạn có thể đặt ra ranh giới và lùi lại một bước. Và nếu hành vi của họ đang khiến họ hoặc ai đó gặp nguy hiểm, bạn có thể mạnh mẽ hơn một chút.

  • Worksheet: Bắt đầu cuộc trò chuyện với ai đó về sức khỏe tinh thần của họ

Trong khi 1/5 người sẽ trải qua một tình trạng tâm thần có thể chẩn đoán được trong cuộc đời của họ, 5 trong số 5 người sẽ trải qua một thời gian khó khăn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Có những điều đơn giản mà mỗi người có thể nói hoặc làm để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống của họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

  • Thực hành lắng nghe tích cực.

Lắng nghe tích cực khác với việc chỉ nghe những gì một người nói. Một người lắng nghe tích cực tốt sẽ:

Gạt mọi thứ sang một bên và hoàn toàn chú ý đến người đang nói chuyện.

Đặt câu hỏi mở để biết thêm chi tiết về chủ đề đang được thảo luận (ví dụ như thêm vào “Và điều đó khiến bạn cảm thấy thế nào?”)

Dành thời gian trong suốt cuộc trò chuyện để tóm tắt những gì họ đã được nói và đảm bảo rằng họ đang hiểu đúng vấn đề.

  • Đừng so sánh.

Nếu một người bạn hoặc người thân của bạn đang trải qua một tình huống khó khăn và họ tìm đến bạn để được hỗ trợ, bạn có thể cảm thấy bị thôi thúc khi kể cho họ nghe về điều gì đó đã xảy ra với bạn và cách bạn có thể vượt qua nó. Bạn có thể chia sẻ về những kinh nghiệm tương tự, nhưng hãy cẩn thận để đừng so sánh. Nó có thể khiến ai đó cảm thấy như nỗi đau của họ không có giá trị. Ví dụ, nếu họ đang nói với bạn về việc chia tay, đừng đề cập đến việc bạn đã phải ly hôn khó khăn hơn như thế nào. Tập trung vào những gì bạn đã làm để đối phó với cảm giác mất mát hoặc cô đơn.

  • Hỏi rằng bạn có thể làm gì để giúp họ.

Có thể bạn sẽ bị hấp tấp khi cho rằng điều gì đó sẽ hữu ích cho một người đang gặp khó khăn, nhưng tốt hơn hết là bạn nên hỏi họ xem họ cần gì ở bạn. Nếu bạn hỏi và nhận được câu trả lời như “không có gì, tôi ổn”, hãy đưa ra một số gợi ý về những việc bạn sẵn sàng làm (mà không có ý thúc ép). Ví dụ, bạn có thể đề nghị đến ngồi với họ và xem phim, nấu cho họ một bữa ăn hoặc mua cho họ một vài thứ ở cửa hàng.

  • Hãy giữ lời.

Nếu bạn đã đề nghị hỗ trợ ai đó và nói với họ rằng bạn sẽ làm điều gì đó, hãy giữ lời. Khi một người gặp khó khăn, điều cuối cùng họ có thể chịu đựng là cảm thấy bị người khác bỏ rơi. Nếu bạn hoàn toàn không thể thực hiện lời hứa của mình, hãy đưa ra lời xin lỗi chân thành và tìm một thời điểm khác để bạn có thể làm những gì bạn đã nói.

  • Đừng phán xét.

Để thực sự giúp đỡ ai đó, bạn cần gạt ý kiến ​​và thành kiến ​​cá nhân của mình sang một bên. Họ có thể đang gặp khó khăn vì một sai lầm mà họ đã mắc phải, hoặc bạn có thể nghĩ rằng họ đang phản ứng thái quá, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác thực sự của người đó trong thời điểm này và những lời chỉ trích không giúp ích gì cho việc họ phục hồi.

  • Đề nghị tham gia cùng họ.

Khi ai đó đang trải qua một thời gian buồn bã hoặc không chắc chắn, cảm xúc của họ có thể lấn át khiến họ cảm thấy tê liệt và không thể đảm đương các vai trò trong cuộc sống. Đề nghị đi cùng ai đó để giúp họ thực hiện các nhiệm vụ như dắt chó đi dạo, đến cửa hàng tạp hóa, đi khám bác sĩ hoặc đến cửa hàng giặt là có thể giúp họ cảm thấy đã hoàn thành nhiệm vụ và lên tinh thần.

  • Biết khi nào sẽ cần sự trợ giúp nghiêm túc hơn.

Đôi khi sự hỗ trợ mà bạn có thể đưa ra sẽ không đủ. Nếu bạn nhận thấy bạn bè hoặc người thân của bạn vẫn tiếp tục vật vã sau nhiều tuần hoặc vài tháng, họ có thể đang có dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tinh thần và có thể cần sự trợ giúp của chuyên gia. Đừng ngại khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tinh thần và đề nghị giúp họ tìm một chuyên gia nếu cần. 

Nếu ai đó mà bạn quan tâm có nguy cơ thực hiện hành động tự sát, ngay lập tức, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhân viên tư vấn về khủng hoảng được đào tạo sẵn sàng 24/7 bằng cách gọi đến tổng đài 111.

2. Những phương pháp hỗ trợ cơ bản

Nếu ai đó mà bạn quan tâm đang trải qua khó khăn với bệnh tâm thần, bạn có thể không biết nên giúp họ thê nào. Bạn có thể thấy hành vi của họ khó hiểu hoặc khó chịu, và không phải lúc nào họ cũng có thể phản ứng lại với sự giúp đỡ của bạn như bạn mong đợi. Dưới đây là một số điều bạn có thể ghi nhớ để giúp họ tốt nhất có thể, đồng thời tự chăm sóc bản thân.

  • Tìm hiểu thêm về sức khỏe tinh thần

Tìm hiểu thêm kiến thức về sức khỏe tinh thần là một điều tuyệt vời để bắt đầu. Có rất nhiều thông tin trên trang web này và các nơi khác trên mạng. Đảm bảo rằng bạn đang xem các nguồn đáng tin cậy, và mới được cập nhật. Nếu bạn biết rằng người thân của bạn đã được chẩn đoán mắc một loại bệnh tâm thần cụ thể, hãy tìm kiếm thông tin cụ thể về vấn đề đó, và cả về sức khỏe tinh thần nói chung.

Ngoài thông tin về bệnh tâm thần là gì và cách điều trị, hãy tìm kiếm những câu chuyện từ những người đã từng trải qua căn bệnh này. Các mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến và các blog là những nơi tuyệt vời để tìm hiểu thêm về thực tế sống chung với bệnh tâm thần.

  • Lắng nghe kinh nghiệm và nhu cầu của người thân của bạn

Mỗi người có những trải nghiệm với bệnh tâm thần khác nhau. Cách duy nhất để thực sự hiểu những gì người thân yêu của bạn đang trải qua là nói chuyện với họ về điều đó. Nếu họ chưa sẵn sàng để nói chuyện đó ngay lập tức, hãy kiên nhẫn và cho họ biết rằng bạn luôn có mặt khi họ sẵn sàng.

  • Hỏi họ xem bạn có thể làm gì để giúp đỡ họ 

Đôi khi điều đó là chỉ cần ở đó với họ, hoặc lắng nghe khi họ trút bầu tâm sự. Giúp đỡ những công việc nhỏ nhặt như rửa bát đĩa, đi chợ hoặc đón con có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Một số người có thể cảm thấy an ủi khi được ôm hay vỗ về. Hoặc, họ có thể chỉ muốn được ở một mình.

Hãy cẩn thận khi đưa ra lời khuyên, đợi cho đến khi họ đề nghị, hoặc ít nhất hãy hỏi để đảm bảo rằng họ sẵn sàng tiếp nhận. Bạn có thể đưa ra đề xuất về các phương pháp điều trị mà họ có thể thử và bạn có thể làm những việc hỗ trợ như đưa họ đến buổi hẹn trị liệu đầu tiên hoặc nhắc họ uống thuốc. Nhưng đừng đòi hỏi họ phải tuân theo một kế hoạch điều trị cụ thể. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn biết những gì họ cần, việc điều trị sức khỏe tinh thần sẽ hiệu quả nhất khi người nhận nó sẵn sàng.

Nếu bản thân từng trải qua bệnh tâm thần, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp họ cởi mở và cảm thấy được hỗ trợ. Nhưng đừng cho rằng trải nghiệm của họ cũng giống như của bạn.

  • Chăm sóc bản thân

Việc hỗ trợ ai đó có thể khiến bạn mất rất nhiều thời gian. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị kiệt sức. Điều đó không tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn, và nó cũng khiến bạn khó đồng hành cùng những người thân yêu của bạn được lâu dài.

Hãy chắc chắn để dành thời gian cho chính mình như: nghỉ ngơi, làm những điều bạn thích, đảm bảo rằng bạn không tự cô lập mình với những người khác, thừa nhận những cảm giác mà bạn đang gặp phải ở tình huống này và giải quyết chúng. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, bực bội hoặc sợ hãi. Những cảm giác đó đưa ra thông tin mà bạn có thể áp dụng để xác định loại ranh giới mà bạn cần thiết lập.

Bạn có thể cần trò chuyện với người thân về ranh giới của mình. Hãy cởi mở để bàn bạc. Hãy coi đó là sự cố gắng của cả nhóm: bạn và người thân của bạn đang làm việc cùng nhau để tìm ra cách tốt nhất để hỗ trợ họ mà bạn cũng không bị kiệt sức. Khi bạn đã xác định ranh giới của mình sẽ là gì, hãy đi theo với điều đó.

Điều quan trọng nhất, hãy đối xử với họ như một người bình thường. Bệnh tâm thần của họ là một điều gì đó họ mắc phải; nó không định nghĩa họ là ai. Hầu hết những điều bạn có thể làm để hỗ trợ họ là một phần trong tất cả các mối quan hệ bất kỳ: giao tiếp, lòng trắc ẩn và sự tôn trọng.

3. Điều cần ghi nhớ

Đầu tiên, bạn ở đó để giúp đỡ. Bạn không ở đó để đưa ra quyết định cho họ. Các phương pháp điều trị sức khỏe tinh thần hoạt động tốt nhất khi người được điều trị sẵn sàng. Việc ép buộc điều trị cho người không muốn thường không hiệu quả, và thậm chí có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Và ngay cả khi nó giúp ích cho sức khỏe tinh thần của họ thì điều đó có thể sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ này của bạn.

Thứ hai, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Là một người chăm sóc, bạn có một góc nhìn khác. Bạn có thể tập trung hơn vào các khía cạnh của bệnh tâm thần mà bạn đang thấy, như hành vi tự làm hại bản thân hoặc các hành vi tự hoại khác. Trong khi đó, người thân của bạn có lẽ tập trung hơn vào cảm giác của họ. Đôi khi việc thay đổi hành vi sẽ giúp một người cảm thấy tốt hơn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy và ngay cả khi điều đó xảy ra, họ có thể không nhận ra điều đó lúc đầu.

Luôn nghĩ về những quyết định mà bạn đưa ra cùng nhau sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Ví dụ, nếu bạn đang xem xét một loại thuốc, họ là người sẽ phải dùng nó hàng ngày và đối phó với các tác dụng phụ. Nếu bạn đang nói về trị liệu, họ là người sẽ phải mở lòng với một người lạ về những suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm nhất, đen tối nhất của họ.

4. Quá trình ra quyết định

Với ý nghĩ đó, hãy xem xem bạn có thể giúp đưa ra những quyết định này như thế nào, từng bước một.

  • Đánh giá trên cùng góc nhìn. 

Hỏi người thân của bạn về hy vọng và mục tiêu của họ. Những lựa chọn điều trị nào họ đang nghĩ tới? Tại sao hoặc tại sao không? Họ nghĩ gì khi tưởng tượng về sự hồi phục? Họ sẽ phải hy sinh những gì?

  • Đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. 

Khi ai đó bắt đầu điều trị, việc phục hồi hoàn toàn khó có thể hứa hẹn chắc chắn được. Chia nhỏ mọi thứ thành những mục tiêu nhỏ và dễ quản lý hơn. Đảm bảo rằng mục tiêu có thể đạt được và đo lường được. Chúng có thể đơn giản như đi ra ngoài ít nhất một lần mỗi ngày, hoặc ra khỏi giường vào một giờ nhất định. Hoàn thành những việc đơn giản như vậy có thể tạo động lực cho quá trình phục hồi.

  • Duy trì việc họ cần có trách nhiệm. 

Khi bạn đã giúp họ đặt mục tiêu, hãy cùng họ kiểm tra tiến trình thực hiện. Hãy nhẹ nhàng và đừng hành động như một người giao việc và đừng khiến họ cảm thấy tội lỗi nếu họ không hoàn thành mục tiêu của mình. Việc đó không phải là dấu hiệu của sự thất bại, đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó chưa tốt và kế hoạch cần được điều chỉnh. Điều quan trọng không phải là người thân của bạn cần phục hồi thật nhanh mà là bạn đang giúp họ đi đúng hướng.

  • Hãy linh hoạt. 

Con đường phục hồi không phải là một đường thẳng. Các sự ưu tiên sẽ thay đổi, cuộc sống luôn tiếp diễn và bạn sẽ cần phải thực hiện các điều chỉnh trong suốt quá trình đó. Đặt ra các mục tiêu mở: thử nhiều thứ khác nhau để xem điều gì hữu ích, điều gì không, và đừng ngại bỏ qua điều gì đó có vẻ không hữu ích (tốt nhất là nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia y tế).

  • Ghi nhớ vai trò của bạn. 

Mục tiêu của bạn là cung cấp sự hỗ trợ, không phải chịu trách nhiệm. Người thân của bạn sẽ thành công hơn trong quá trình hồi phục khi họ có ý thức kiểm soát và tích cực tham gia. Và ý tưởng về sự phục hồi của họ có thể khác với bạn.

Chuẩn bị cho những giây phút khủng hoảng. Hãy chắc chắn rằng bạn lên kế hoạch cho những việc cần làm nếu họ gặp một thời điểm khủng hoảng. Cân nhắc điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thể tự đưa ra quyết định.

Câu hỏi thường gặp

1. Làm sao để tôi giúp ai đó đưa ra quyết định về sức khỏe tinh thần của họ?
Thật khó để đưa ra quyết định về sức khỏe tinh thần. Giúp một người thân yêu đưa ra những quyết định này có thể giảm bớt gánh nặng cho họ. Nhưng nếu bạn không ở cùng hoàn cảnh, bạn có thể khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Ghi nhớ một số điều sau, có thể khiến bạn trở thành người chăm sóc hiệu quả hơn và đảm bảo rằng bạn đang thực sự giúp đỡ được họ.

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần