` Hiểu biết về sức khỏe tâm thần - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Hiểu biết về sức khỏe tâm thần

A. Khái niệm bệnh tâm thần

Bệnh Tâm thần là những trạng thái về não ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Bởi vì tất cả chúng ta đều có bộ não cho nên việc gặp một số vấn đề về sức khỏe tâm thần trong cuộc sống thực sự khá phổ biến.

Đối với những người mắc bệnh tâm thần, não của họ thay đổi theo hướng mà họ không thể suy nghĩ, cảm nhận hoặc hành động  theo ý mình. Đối với một số người, điều này có nghĩa là tâm trạng sẽ có những thay đổi cực đoan và ngoài ý muốn như cảm thấy buồn bã hay lo lắng hơn bình thường. Với những người khác thì không thể suy nghĩ sáng suốt, giao tiếp với người đang nói chuyện với mình hoặc có những suy nghĩ kỳ quái nhằm giúp giải thích những cảm giác kỳ lạ mà họ đang gặp phải.

Không như các bệnh thể lý thông thường khác, bệnh tâm thần liên quan đến những vấn đề xuất phát từ não bộ. Não bộ là một cơ quan. Cũng giống như bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể chúng ta, nó có thể trải qua những thay đổi dựa trên trải nghiệm sống như căng thẳng, sang chấn, thiếu ngủ và thiếu dinh dưỡng. Nói chung, khi một người nào đó có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, nghĩa là một thứ gì đó của não bộ đã thay đổi và cách thức hoạt động của nó cũng thay đổi theo.

Bạn có cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực không có nghĩa là bạn bị bệnh tâm thần. Để được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, những thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và cảm xúc phải:

  • Ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm những việc bạn muốn (bác sĩ gọi là sự lan tỏa)
  • Thời gian kéo dài hơn bình thường (bác sĩ gọi là dai dẳng).

Cảm xúc tiêu cực có thể đến từ những thay đổi trong cuộc sống như vào đại học, mất bạn bè hoặc có tang chế. Những thay đổi tâm trạng này không phải là bệnh tâm thần, đây chỉ là cơ chế đương đầu với hoàn cảnh cuộc sống. Đối với một số người có hoàn cảnh sống khắc nghiệt (như sang chấn g hoặc căng thẳng nghiêm trọng) mà không được giải quyết có nguy cơ làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, trở thành bệnh tâm thần.

B. Triệu chứng của bệnh tâm thần

Cuối cùng bệnh tâm thần đã trở thành một vấn đề đương đại, nó là một chủ đề nóng trên các trang tin tức và mạng xã hội. Có thể bạn đã từng nghe nói về nó. Và bạn cũng đang trải qua… điều gì đó. Nhưng làm thế nào để xác định liệu những gì bạn đang trải qua có phải là dấu hiệu của bệnh tâm thần hay không?

Tìm triệu chứng

Bệnh tâm thần chỉ là một căn bệnh. Bạn nên nghĩ về sức khỏe tâm thần như cách bạn nghĩ về sức khỏe thể chất của mình. Dưới đây là ý nghĩa của chúng:

Tất cả chúng ta đều trải qua những thăng trầm về sức khỏe thể chất của mình. Trong một số ngày bạn có thể cảm thấy hơi đau, mệt mỏi hoặc sụt sịt. Điều đó không có nghĩa là bạn chắc chắn bị “ốm”. Bạn biết mình bị ốm khi nhận thấy:

• Có điều gì đó đột ngột thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Hôm qua bạn cảm thấy ổn nhưng hôm nay nhiệt độ cơ thể hơi cao và bạn bị mất giọng. Hay…

• Một điều gì đó cản trở bạn hoạt động như bình thường. Những điều bình thường dễ dàng nay lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí nó còn tồi tệ đến mức bạn không thể đi học hay đi làm.

Bệnh tâm thần cũng vậy. Sự khác biệt duy nhất là thay vì tìm kiếm các triệu chứng về thể chất như sổ mũi hay đau bụng thì bạn phải nhìn vào suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình. Dưới đây là một số ví dụ có thể hữu ích cho bạn:

• Bạn đã từng thực sự vui vẻ và hướng ngoại, nhưng gần đây tất cả những gì bạn muốn làm là ngồi trong phòng của mình.

• Những thứ bạn từng yêu thích nay đã mất đi sự hấp dẫn. Thức ăn không còn thấy ngon như trước và những bản nhạc bạn yêu thích giờ đây nghe có vẻ nhàm chán.

• Bạn hay ngủ gật trong lớp. Bạn khó tập trung và học tốt ở trường.

• Bạn của bạn đang nói và bạn cố gắng lắng nghe nhưng không thể tập trung. Tất cả những gì bạn nghĩ đến là điều tồi tệ nào đó có thể xảy ra với mình.

• Gần đây, bạn bắt đầu nghe thấy những giọng nói mà dường như không ai khác nghe thấy.

• Bạn không thể ra khỏi nhà mà không kiểm tra tất cả các ổ khóa nhiều lần. Bạn thực hiện việc này nhiều đến mức khiến bạn đi làm muộn.

• Bạn hay tức tối và không ngừng cáu gắt với mọi người

Tất nhiên không phải tất cả những triệu chứng này đều xảy ra với bạn, nhưng chúng đều có điểm chung: có một số thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc hay hành vi khiến bạn khó có cuộc sống bình thường hơn.

C. Chẩn đoán bệnh tâm thần

Từ chuyên môn mà chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng để đề cập đến một bệnh tâm thần cụ thể được gọi là chẩn đoán. Một ví dụ về chẩn đoán như là “rối loạn lo âu lan toả” hay “rối loạn lưỡng cực II”. Có rất nhiều loại bệnh tâm thần khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là “trầm cảm”. Nếu bạn chắc rằng mình đang trải qua một căn bệnh tâm thần nào đó nhưng không chắc đó là bệnh gì thì bạn sẽ bắt đầu từ đâu?

  1. Tôi có nên tự chẩn đoán không?

Bạn không nhất thiết phải có chẩn đoán để tìm sự trợ giúp. Một số nhà trị liệu thực sự không muốn chẩn đoán bệnh của thân chủ họ. Ngay cả những người không mắc bệnh tâm thần cũng nhận được lợi ích từ trị liệu tâm lý hoặc các phương pháp điều trị sức khỏe tâm thần khác. Điều quan trọng nhất cần nhận ra rằng bản thân đang trải qua một điều gì đó và nên cần một số sự trợ giúp.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ tốt hơn nếu xác định một cái tên cho những gì bạn đang trải qua. Dán nhãn tên bệnh để giúp bạn chứ không phải giới hạn bạn hoặc đặt bạn vào một bệnh cụ thể. Việc chẩn đoán chính xác sẽ giúp bạn:

• Tìm được thông tin trực tuyến  hữu ích

• Kết nối với những người đã có trải nghiệm tương tự

• Có phương pháp điều trị phù hợp

Ví dụ, nếu bạn biết mình mắc chứng rối loạn lưỡng cực thì bạn có thể tìm kiếm trên Google những thông tin về bệnh “rối loạn lưỡng cực” và sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin về nó. Có một số diễn đàn trực tuyến, nơi mọi người thảo luận về chứng rối loạn lưỡng cực một cách cụ thể. Ngoài ra có một số loại thuốc có tác dụng đối với chứng rối loạn lưỡng cực nhưng không có tác dụng đối với các bệnh tâm thần khác như lo âu hoặc trầm cảm.

2. Vậy làm thế nào để bạn tìm ra những triệu chứng?

Đôi khi một người có thể hiểu rõ tình trạng mà bản thân mắc phải khi đọc về nó trên mạng hay nói chuyện với những người đã từng có trải nghiệm tương tự. Nhưng nó cũng dễ khiến ta mất bình tĩnh. Bạn đã bao giờ sử dụng WebMD để kiểm tra các triệu chứng về thể chất và nghĩ rằng mình phải mắc một số bệnh hiếm gặp chưa? Bệnh tâm thần cũng giống như vậy.

Một việc có thể làm là kiểm tra sức khỏe tâm thần trực tuyến. Các công cụ sàng lọc trên trang web này giống như những công cụ được sử dụng trong nhiều văn phòng của bác sĩ. Chúng được xác thực một cách khoa học và chính xác hơn nhiều so với việc chỉ đọc về một thứ gì đó và phỏng đoán. Bạn có thể sử dụng kết quả này để báo với gia đình, bạn bè hoặc sử dụng chúng để theo dõi tiến trình của bệnh theo thời gian.

Cuối cùng, nếu bạn muốn được chẩn đoán chính thức về khả năng bị bệnh tâm thần thì bạn nên đi gặp bác sĩ hoặc nhà trị liệu. Họ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi dựa trên quá trình đào tạo và kinh nghiệm làm việc để xác định xem các triệu chứng của bạn có khớp với một bệnh tâm thần cụ thể hay không. Nếu có thể bạn nên gặp chuyên gia về sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần hay nhà trị liệu. Các bác sĩ gia đình thông thường có thể chẩn đoán các tình trạng bệnh phổ biến như trầm cảm hoặc lo âu. Hay họ cũng có thể giới thiệu cho bạn một chuyên gia trong lĩnh vực này..

Ngay cả các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng có thể không  hoàn hảo. Nếu bạn đã được chẩn đoán về bệnh gì đó nhưng nghĩ nó  không chính xác thì bạn có thể hỏi thêm ý kiến thứ hai. Tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng: chẩn đoán không xác định bệnh của bạn, đó chỉ là một cách kết nối bạn với sự hỗ trợ mà bạn cần.

D. Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần

Hầu hết các bệnh tâm thần không có một nguyên nhân duy nhất mà nó có rất nhiều nguyên nhân được gọi là các yếu tố nguy cơ.  Càng có nhiều nguy cơ bạn càng có nhiều khả năng mắc bệnh tâm thần. Đôi khi bệnh tâm thần phát triển từ từ, nó không xuất hiện cho đến khi có căng thẳng kích hoạt nó.

Có nhiều nguy cơ và nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần, dưới đây là một số ví dụ:

Di truyền. Bệnh tâm thần do di truyền trong gia đình.

Môi trường sống. Sống trong môi trường căng thẳng khiến bạn dễ mắc bệnh tâm thần như sống trong cảnh nghèo đói hoặc một gia đình hay ngược đãi khiến não bộ của bạn căng thẳng và thường gây ra bệnh tâm thần.

• Sang chấn thời thơ ấu. Ngay cả khi bạn không còn ở trong một môi trường căng thẳng, những điều đã xảy ra với bạn khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến tương lai.

• Các sự kiện căng thẳng: như mất người thân, hoặc bị tai nạn xe hơi.

Những suy nghĩ tiêu cực. Thường xuyên đặt bản thân vào những tình huống tồi tệ nhất khiến bạn mắc kẹt trong giai đoạn trầm cảm hoặc lo lắng.

• Các thói quen không lành mạnh: như ngủ không đủ giấc, hoặc bỏ ăn.

• Lạm dụng ma túy và rượu: Lạm dụng ma túy và rượu có thể gây ra bệnh tâm thần. Nó cũng có thể làm cho việc phục hồi sau bệnh tâm thần khó khăn hơn.

• Chất hóa học trong não. Bệnh tâm thần liên quan đến sự mất cân bằng của các chất hóa học tự nhiên trong não và cơ thể của bạn.

Những nguy cơ này không chỉ tác động đến những người đã có bệnh tâm thần ngay từ đầu mà chúng còn làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng và khi họ trải qua các triệu chứng đó.

Bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của mình bằng cách hành động để giảm  thiểu các nguy cơ như tìm ra cách điều trị thông qua thuốc hay trị liệu.

Câu hỏi thường gặp

1. Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi không?
Bất kể cá nhân đang phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần nào thì vẫn luôn có thể trở nên tốt hơn. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang trải qua một căn bệnh tâm thần, hãy cố gắng tìm cách hỗ trợ nào đó sớm. Giống như các bệnh khác, điều trị bệnh tâm thần sớm sẽ giúp bạn nhanh hồi phục hơn.
2. Tôi nên làm gì khi biết bản thân đang mắc bệnh tâm thần?
Nếu bạn nghĩ rằng mình có khả năng mắc bệnh tâm thần thì có một số việc bạn có thể làm. Thà là làm gì đó còn hơn là không làm gì, vì vậy hãy bắt đầu với bất kỳ hành động nào mà hữu ích nhất đối với bạn như: 1, Bạn nên thực hiện một vài cuộc kiểm tra sức khỏe tâm thần khác nhau ngay cả khi bạn biết chắc chắn rằng mình bị bệnh tâm thần nhưng có thể không rõ mình bị bệnh gì. Có một cái tên cụ thể về những gì bạn đang trải qua sẽ có thể giúp ích. 2, Hãy nói chuyện với người mà bạn tin tưởng về những gì đang trải qua, sẽ tốt hơn nếu đó là một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình. 3, Tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về bệnh tâm thần. Việc phát hiện ra bạn bị bệnh tâm thần có thể khá khó khăn. Vì vậy, cho dù bạn định làm gì ở bước kế tiếp thì cũng nên dành chút thời gian để lắng nghe cảm xúc của mình. Có thể bạn sẽ thấy choáng ngợp hay nản lòng. Nhưng cũng có lý do chính đáng bạn có thể hy vọng vì bệnh tâm thần là điều phổ biến và có khả năng phục hồi.
3. Có nhiều người mắc bệnh tâm thần không?
Câu trả lời ngắn gọn: nó phổ biến hơn bạn nghĩ. Câu trả lời cụ thể: • Gần 1/5 người Mỹ sống chung với một vấn đề sức khỏe tâm thần tại bất kỳ thời gian nào; • Gần một nửa dân số Mỹ sẽ trải qua một tình trạng liên quan đến sức khỏe tâm thần tại một thời điểm nào đó trong đời. Một nửa trong số đó sẽ mắc một bệnh tâm thần vào năm 14 tuổi; • Nhìn chung bệnh tâm thần phổ biến hơn với phụ nữ, người da màu và các thành viên của cộng đồng LGBTQ; • Hầu hết những người trải qua các bệnh tâm thần không được điều trị; • Nhiều người thậm chí không biết mình mắc bệnh tâm thần. Có thể trải qua nhiều năm kể từ lúc có dấu hiệu bệnh tâm thần cho đến khi nó được chẩn đoán (nếu được thăm khám và chẩn đoán).
4. Tại sao tôi mắc bệnh tâm thần?
Điều đầu tiên bạn nên ghi nhớ việc mắc bệnh tâm thần không phải là lỗi của bạn. Không ai “đáng” mắc bệnh tâm thần. Nó chỉ là một cái gì đó xảy ra giống như bất kỳ căn bệnh nào khác. Trên thực tế, không có nguyên nhân duy nhất nào gây ra bệnh tâm thần. Đó là sự kết hợp giữa cấu tạo của não bộ của bạn và môi trường bạn lớn lên. Những thứ này cũng không phải là điều bạn có thể kiểm soát. Hãy dành chút thời gian và cho phép bản thân được buồn bã. Bạn cảm thấy buồn khi mắc bệnh tâm thần và sợ hãi, việc mắc bệnh tâm thần là không công bằng, nó thật tồi tệ, bạn cảm thấy không có cách nào để giải quyết vấn đề đó, điều đó không sao cả. Mặc dù vậy, trên thực tế, những người mắc bệnh tâm thần thường sống thọ và thành công trong cuộc sống. Bệnh tâm thần chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống của bạn, nó là thứ bạn đang sống cùng chứ không phải là con người bạn. Bệnh tâm thần có thể điều trị và mọi thứ hoàn toàn có khả năng trở nên tốt hơn. Hơn nữa, có khá nhiều người khác ngoài xã hội cũng đang sống với bệnh tâm thần và đang phải vật lộn với những câu hỏi tương tự. Tìm cách kết nối với mọi người và tìm hiểu thêm bệnh tâm thần là gì, phương pháp điều trị bệnh là những cách hữu ích bạn nên bắt đầu.
5. Bệnh tâm thần có di truyền không?
Di truyền là một trong nhiều yếu tố góp phần gây ra bệnh tâm thần. Gen của bạn được truyền lại từ cha mẹ và tổ tiên, và chúng quy định sự phát triển về cơ thế và não bộ của bạn như thế nào. Các yếu tố di truyền khá phức tạp và bệnh tâm thần cũng vậy. Không có gen đơn lẻ nào xác định chắc chắn bạn có bị bệnh tâm thần hay không, (ngay cả những thứ đơn giản như màu mắt của bạn cũng được xác định bởi 16 gen khác nhau). Thay vào đó có nhiều gen ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ của bạn, và điều này khiến bạn ít nhiều có khả năng mắc bệnh tâm thần sau này. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác tác động gây ra bệnh tâm thần như môi trường sống, thói quen của bạn và sự căng thẳng hoặc sang chấn. Nếu các thành viên trong gia đình bạn đã được điều trị bệnh tâm thần, sẽ rất hữu ích nếu bạn biết những phương pháp điều trị nào có hiệu quả hoặc không hiệu quả với họ. Tuy nhiên cần nhớ rằng dù sao bạn là một người riêng biệt, cho nên không có gì hợp lý hơn việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với bạn. Biết về tiền sử gia đình cũng giúp bạn có những quyết định tốt hơn về lối sống của bản thân. Chẳng hạn: trong gia đình bạn nếu có ai đó nghiện ngập thì bạn nên cẩn thận về việc sử dụng ma túy và rượu. Có một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng cần sa có khả năng kích hoạt chứng loạn thần nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh tâm thần phân liệt. Cuối cùng, bạn không thể làm gì với gen của mình nhưng bạn có thể làm gì đó với các nguy cơ tiềm ẩn khác của mình. Bạn nên tránh những môi trường độc hại, thực hành các thói quen lành mạnh hơn, đồng thời tìm cách điều trị và sự hỗ trợ.
6. Làm sao để tôi tìm được thông tin chính xác về sức khỏe tâm thần?
Có rất nhiều thông tin. Một số thông tin phổ biến và hữu ích, nhưng một trong số đó có thể gây hiểu lầm, lạc hậu hoặc thậm chí sai mục đích. Một số cách để bạn kiểm tra độ chính xác của thông tin có thể kể đến như: • 1, Xem xét tác giả hay nhà xuất bản của thông tin. Ai đã viết hoặc công bố thông tin đó? Nếu đó là một trường Đại học, một tổ chức phi lợi nhuận hay chính phủ, thì tổ chức đó có “lịch sử làm việc” không? Họ đến từ đâu và đang làm công việc gì? • 2, Nếu là một cá nhân đăng bài trên blog hoặc trên diễn đàn Internet, thì người đó cũng có phần “giới thiệu bản thân” giúp bạn xác định xem họ có lịch sử làm việc hay có đủ chuyên môn để bàn về chủ đề này không? • 3, Kiểm tra bất kỳ nguồn nào hoặc hỏi mọi người xem họ lấy thông tin từ đâu • 4, Xem các bài viết được cập nhật gần đây hoặc trang web đã được tạo. Ví dụ: PTSD từng được phân loại là rối loạn lo âu nhưng bây giờ nó được phân loại vào một bệnh lý khác. Thông tin cũ không nhất thiết là sai, nhưng mọi thứ rất dễ trở nên lỗi thời trên Internet, do đó nguồn tin càng cũ thì khả năng trang web đó không có thông tin mới càng lớn. • 5, Nếu bạn phân vân hay không chắc chắn về thông tin nào đó bạn tìm thấy, bạn nên kiểm tra thêm một hoặc hai nguồn khác. Chỉ cần đảm bảo các nguồn trích dẫn và nghiên cứu của họ là đúng sự thật. • 6, Biết cách nhận diện các quảng cáo: quảng cáo không hẳn là nội dung xấu, chúng được trả phí để làm nổi bật hay được xếp hạng cao hơn và chúng thường chỉ tập trung vào góc nhìn của cá nhân hoặc tổ chức đã đặt quảng cáo. • 7, Tin tưởng vào lập trường của bản thân. Nếu một số thông tin hoặc lời khuyên có vẻ lạ lẫm hoặc không phù hợp với bạn, hãy đặt câu hỏi và xác minh thông tin đó trước khi bạn thực hiện theo.

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần