` Hiểu về Lo âu (Phần 1) - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Hiểu về Lo âu (Phần 1)

1. Khái niệm lo âu

Lo âu là một loại trạng thái cảm xúc mà bạn sẽ cảm thấy khi lo lắng về một điều gì đó. Cơ thể bạn căng thẳng, và tâm trí bạn không ngừng nghĩ về điều bạn lo lắng. Điều đó khiến bạn có thể rất khó để tập trung vào bất cứ điều gì khác. Lo âu cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng và khiến bạn khó ngủ.

Một chút ít lo âu có thể mang lại lợi ích. Ví dụ, nếu bạn đang lo lắng về kỳ thi sắp tới, nó có thể thúc đẩy bạn học tập, điều đó khiến bạn có cảm giác đã có sự chuẩn bị tốt hơn. Nhưng lo âu có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu bạn lo lắng đến mức không thể tập trung vào việc học, thì sự lo lắng đó không còn hữu ích nữa.

Khi lo âu vượt quá tầm kiểm soát đến mức nó bắt đầu cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn có thể đã mắc phải rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu là một loại rối loạn tâm thần. Rối loạn lo âu có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn như Rối loạn Ám ảnh cưỡng chế (OCD), Ám ảnh sợ xã hội và PTSD. Nhưng điểm chung của tất cả những rối loạn này là việc nó khiến một người trải nghiệm sự lo lắng không đúng với những gì đang xảy ra xung quanh họ.

2. Các triệu chứng của rối loạn lo âu

Biểu hiện của lo âu ở mỗi người sẽ khác nhau, nhưng một số triệu chứng phổ biến của Rối loạn Lo âu sẽ bao gồm:

Nhiều người mắc rối loạn lo âu cũng đồng thời mắc phải trầm cảm. Bởi vì sự trùng lặp của các triệu chứng, nên đôi khi một số người mắc phải cả hai loại rối loạn nhưng chỉ được chẩn đoán một trong hai.

3. Những ảnh hưởng của lo âu đến đời sống

Đối với những ai mắc phải rối loạn lo âu, thì các triệu chứng này gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống của họ. Khó tập trung có thể gây khó khăn trong việc làm tốt các nhiệm vụ ở trường hoặc ở nơi làm việc. Nhiều người thậm chí sử dụng các biện pháp cực đoan để tránh các tình huống có thể gây ra sự lo lắng cho họ. Họ có thể tự cách ly với người khác, tránh né không gian công cộng hoặc thay đổi thói quen hàng ngày để tránh điều gì đó khiến họ lo lắng.

4. Nhận biết cơn hoảng loạn

Những người mắc phải rối loạn lo âu có thể thường xuyên trải nghiệm các cơn hoảng loạn. Các cơn hoảng loạn có vẻ biểu hiện khác nhau ở mỗi người, nhưng mọi người thường mô tả họ bị khó thở, cảm thấy như họ sắp ngất đi hoặc thậm chí chết, và cảm thấy tách ra khỏi môi trường xung quanh. Các cơn hoảng loạn có thể rất đáng sợ, nhưng chúng không nguy hiểm đến tính mạng và có thể được điều trị.

5. Trải qua sang chấn

Rối loạn lo âu phát triển ở một số người như một cách để bảo vệ chính họ. Nếu bạn đã trải qua một sự kiện sang chấn trong quá khứ, bạn có thể sẽ cảm thấy lo lắng bất cứ lúc nào bạn được nhắc để nhớ về sự kiện này, ngay cả khi bạn đang an toàn. Làm việc với sang chấn của  mình có thể giúp bạn điều trị rối loạn lo âu.

6. Điều trị và phục hồi lo âu

Rối loạn lo âu có thể điều trị được. Nhiều thân chủ đáp ứng với cách điều trị kết hợp giữa liệu pháp tâm lí, thuốc và thay đổi thói quen sống. Lo lâu không kiểm soát cuộc sống của bạn!

7. Phân loại rối loạn lo âu

Đúng vậy, có nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau.

Đầu tiên là cảm xúc lo lắng. Tất cả chúng ta thỉnh thoảng đều có những nỗi lo lắng. Có thể chúng ta sắp phải đối mặt với một kì kiểm tra lớn, hay cảm thấy căng thẳng về kế hoạch đám cưới của chính mình. Chúng ta cảm thấy nhịp tim mình trở nên nhanh hơn, đổ mồ hôi nhiều hơn và suy nghĩ quá mức về một sự kiện sắp tới. 

Bất kỳ ai cũng sẽ có lúc lo lắng. Nhưng có một sự khác biệt giữa việc chúng ta trải qua căng thẳng bình thường, lo lắng, áp lực và việc được chẩn đoán mắc phải rối loạn lo âu.

Và có một số rối loạn lo âu khác nhau mà mọi người có thể được chẩn đoán.

Một số các loại rối loạn lo âu phổ biến bao gồm:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa: Đây là rối loạn lo âu phổ biến nhất và có lẽ hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ đến khi họ nghĩ rằng họ được chẩn đoán mắc phải "rối loạn lo âu". Những người bị Rối loạn Lo âu lan tỏa quát có xu hướng cảm thấy sợ hãi, đau khổ và khó chịu mà không có lý do rõ ràng hoặc theo những cách không tương xứng với hoàn cảnh của họ. Nếu bạn làm một bài kiểm tra sàng lọc về lo âu, in kết quả bài kiểm tra của bạn và mang đến cho bác sĩ thì cũng là một cách tốt để bắt đầu cuộc trò chuyện.
  • Rối loạn lo âu xã hội: Đây là một rối loạn lo âu phổ biến khác, nhưng nó liên quan  đến cách bạn phản ứng trong môi trường ngoài xã hội nhiều hơn. Không chỉ là việc nhút nhát hay hướng nội. Bạn có thể mắc phải rối loạn lo âu xã hội nếu việc suy nghĩ dành thời gian với những người bạn thân nhất của bạn khiến bạn run rẩy hoặc bạn không thể gặp người lạ mà không uống trước một vài ly rượu.
  • Sợ chuyên biệt: Có những nỗi sợ chuyên biệt, điều đó diễn ra khi mọi người sợ hãi hoặc lo lắng về các tình huống cụ thể. Một trong số đó là những nỗi sợ thường thấy, và một số khác thì không. Bạn có thể quen thuộc với arachnophobia (chứng sợ nhện), nhưng bạn có thể không biết rằng coulrophobia là nỗi sợ những chú hề. Tuy nhiên, sợ chuyên biệt không phải chỉ là việc chỉ trở nên sợ hãi, mặc dù việc cảm thấy sợ rắn, nhện hay các chú hề là việc bình thường. Các phản ứng trong sợ chuyên biệt là đau khổ, không mong muốn, và không tương xứng với nỗi sợ hãi thực sự. Những nỗi sợ chuyên biệt thường gặp bao gồm sợ độ cao, sợ không gian mở hoặc đám đông, và sợ máu hoặc kim tiêm.
  • Rối loạn hoảng loạn: Những người bị rối loạn hoảng loạn trải qua các cuộc cơn hoảng loạn, diễn ra nhanh chóng và cực độ. Nếu mọi người tìm ra điều gì kích hoạt các cơn hoảng loạn, họ có thể sẽ tránh được những tình huống đó.
  • Các loại rối loạn lo âu khác: Các loại rối loạn lo âu khác bao gồm rối loạn lo âu chia ly hoặc rối loạn lo âu do tình trạng y khoa khác.
  • Rối loạn stress sau sang chấn: PTSD được coi là một “Rối loạn liên quan đến chấn thương hoặc căng thẳng” nhưng rất nhiều người vẫn để PTSD vào cùng một nhóm với lo âu. Chúng ta thường nghĩ về PTSD như một cái gì đó mà các cựu chiến binh sẽ trải qua, nhưng PTSD có thể hình thành để đáp ứng với cả những sự cố bất ngờ (tai nạn xe hơi, thiên tai, chiến tranh, lạm dụng, hiếp dâm, hoặc các sự cố khác) cũng như sang chấn kéo dài, liên tục (chẳng hạn như bỏ rơi hoặc lạm dụng).
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: nếu bạn là một "kẻ cuồng sự gọn gàng" hoặc bạn thích mọi thứ theo thứ tự, bạn không phải là một người "rất OCD" (và những người bị OCD sẽ hi vọng bạn ngừng nói như vậy). OCD được đặc trưng bởi ám ảnh và/hoặc cưỡng chế. Đây là những suy nghĩ và hành vi xâm nhập rất nghiêm trọng, giống như cảm thấy cần phải rửa tay quá mức hoặc liên tục kiểm tra nhiều lần các ổ khóa, điều này gây ra sự cản trở cho cuộc sống của người mắc phải.

Nếu bạn nghĩ mình có thể mắc phải rối loạn lo âu (hay liên quan đến lo âu), thì bạn nên thử làm bài kiểm tra sàng lọc tại website macicare.vn và dùng nó để trò chuyện với bác sĩ hay nhà trị liệu. Có lẽ sẽ rất khó để bắt đầu cuộc trò chuyện đó. Sẽ khá khó để bắt đầu việc yêu cầu sự giúp đỡ khi điều này gây ra căng thẳng và lo lắng…. Nhưng vẫn có rất nhiều phương pháp điều trị và hỗ trợ hiệu quả cho rối loạn lo âu.

8. Nguyên nhân của rối loạn lo âu

Giống như các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Rối loạn lo âu không chỉ có một nguyên nhân duy nhất. Thay vào đó, chúng có nhiều nguyên nhân khác nhau, được gọi là yếu tố nguy cơ. Bạn càng có nhiều yếu tố nguy cơ, thì càng có khả năng nó sẽ phát triển thành rối loạn lo âu. Đôi khi, lo âu phát triển một cách dần dần. Nhưng mặt khác, nó lại không xuất hiện cho đến khi một sự kiện gây căng thẳng kích hoạt nó.

Có nhiều yếu tố rủi ro và yếu tố kích hoạt, nhưng dưới đây là một vài ví dụ:

  • Di truyền Rối loạn sức khỏe tâm thần thường xuyên xuất hiện trong cùng một gia đình. Nếu gia đình bạn có thành viên mắc phải lo âu hay thậm chí là các loại rối loạn sức khỏe tâm thần khác, bạn có thể có nhiều nguy cơ hơn. 
  • Môi trường. Sống trong một môi trường căng thẳng làm cho chúng ta dễ cảm thấy lo âu hơn. Những thứ như sống trong nghèo đói hoặc lạm dụng trong gia đình gây ra rất nhiều căng thẳng lên não của bạn. Việc này có thể khiến bạn cảm thấy thế giới là một nơi không an toàn. 
  • Đời sống xã hội Cảm thấy xấu hổ hoặc không chắc chắn về bản thân trong các tình huống xã hội có thể dẫn đến lo âu xã hội. Bị cô lập cũng có thể dẫn đến lo lắng, bởi vì là con người nên chúng ta phụ thuộc vào người khác để được đáp ứng nhu cầu của mình.
  • Sang chấn thời thơ ấu Ngay cả khi bạn không còn ở trong một môi trường gây căng thẳng, những điều xảy ra với bạn khi còn nhỏ có thể có tác động đến cuộc sống sau này của bạn. 
  • Các sự kiện gây căng thẳng: Trải qua một cái gì đó sang chấn (như rơi khỏi mỏm đá) có thể dẫn đến nỗi sợ hãi và lo lắng xung quanh trải nghiệm đó (như sợ độ cao).
  • Thói quen không lành mạnh: giống như không ngủ đủ giấc hay nhịn ăn. Não của bạn cần giấc ngủ, chất dinh dưỡng và thói quen lành mạnh để hoạt động đúng cách.
  • Ma túy và rượu: Lạm dụng ma túy và rượu có thể kích hoạt lo âu - đặc biệt là các chất kích thích như thuốc lá và cocaine, khiến não của bạn nhạy cảm hơn với các sự kiện gây căng thẳng. Mọi người thường sử dụng ma túy và rượu để đối phó với lo âu, nhưng về lâu dài, điều đó gây ra nhiều khó khăn hơn để phục hồi nếu bị lo âu.
  • Các chất hóa học trong não bộ Rối loạn lo âu liên quan đến sự mất cân bằng của các chất hóa học tự nhiên trong não và cơ thể của bạn.

Những yếu tố nguy cơ không chỉ ảnh hưởng tới những ai có khả năng mắc phải rối loạn tâm thần ngay từ  đầu. Chúng còn ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và khi  họ  đang có các triệu chứng đó. Có nhiều loại rối loạn lo âu khác nhau và mỗi loại có các yếu tố nguy cơ khác nhau không đáng kể.

Có một cách để kiểm soát sự lo lắng của bạn là thực hiện một số hành động để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ . Điều đó có thể bao gồm tìm kiếm phương pháp điều trị, như thuốc hoặc trị liệu tâm lý .

Câu hỏi thường gặp

Lo âu có phổ biến không?
Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất. Nếu bạn hoặc ai đó bạn yêu thương đang trải qua nó, thì bạn không hề cô đơn! Bởi vì rối loạn lo âu khá phổ biến nên chúng ta có rất nhiều thông tin về nó. Việc sống với lo âu là một thách thức, nhưng nó vẫn có thể điều trị được. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đang mắc rối loạn lo âu, hãy làm thử thang đánh giá lo âu của chúng tôi. Sau đó, hãy tiếp tục khám phá trang web của chúng tôi để tìm hiểu thêm về lo âu, cách thức nó hoạt động và những gì bạn có thể làm để hồi phục.

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần