` Hiểu về Trầm cảm - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Hiểu về Trầm cảm

1. Khái niệm trầm cảm

Buồn là một cảm xúc tự nhiên của con người, tuy nhiên có quá nhiều nỗi  buồn sẽ mang lại đau khổ và rắc rối trong cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy quá buồn bã và điều đó đang ảnh hưởng lên nhiều mặt trong cuộc sống thì có thể bạn đang mắc phải chứng trầm cảm.

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần thuộc rối loạn khí sắc. Các rối loạn khí sắc thể hiện qua sự thay đổi lên xuống về tâm trạng quá mức so với sự thay đổi mà tất cả chúng ta đều trải qua hàng ngày. Các giai đoạn trầm cảm thường kéo dài ít nhất 2 tuần/giai đoạn, đôi khi có thể lên tới hàng tháng hoặc hàng năm. 

Trầm cảm không chỉ đơn giản là cảm thấy buồn. Một số triệu chứng mà người trầm cảm có thể sẽ trải qua bao gồm:

  • Cảm thấy hoặc có biểu hiện buồn chán, trống rỗng hoặc cáu kỉnh hầu hết thời gian trong ngày và diễn ra mỗi ngày.
  • Mất hứng thú với các hoạt động mà thường ngày vẫn quan tâm đến.
  • Thay đổi về khẩu vị hoặc cân nặng - ăn nhiều hoặc ít hơn; tăng hoặc giảm cân.
  • Thay đổi về giấc ngủ - khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Thay đổi về hành vi - cảm thấy bồn chồn hoặc uể oải.
  • Cảm thấy kiệt sức ngay cả khi có vẻ như đã ngủ đủ giấc.
  • Nói chuyện hoặc di chuyển một cách chậm chạp, đứng ngồi không yên hoặc đi đi lại lại.
  • Cảm thấy vô giá trị hoặc mặc cảm tội lỗi.
  • Khó khăn trong việc suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra các quyết định.
  • Có những suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát.

Bạn không cần phải có đầy đủ những biểu hiện trên để được xem là có trầm cảm. Trải nghiệm của mỗi người đều có một chút gì đó khác nhau.

2. Cuộc sống của người mắc trầm cảm

Đối với những người mắc chứng trầm cảm, các triệu chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng lên cuộc sống của họ. Chẳng hạn như khiến cho họ ngừng kết nối với gia đình, bạn bè và người yêu. Họ có thể gặp khó khăn ở trường học hoặc tại nơi làm việc, ví dụ như quên làm bài tập, khó tập trung trong công việc, cảm thấy quá tải trước mọi hoạt động, thậm chí hoàn toàn không thể đến trường hoặc đi làm.

Stress và lo âu

Người mắc trầm cảm cũng có thể cảm thấy stress hoặc lo âu. Một số người trở nên lo lắng khi nghĩ về chứng trầm cảm của họ. Họ có thể cảm nhận được khi nào cơn trầm cảm sẽ đến cũng như lo lắng rằng nó sẽ không biến mất. Nhiều người mắc trầm cảm còn trải qua một dạng rối loạn tâm thần khác chính là lo âu. Lo âu đặc trưng bởi lo lắng và stress cực độ, liên tục.

Trầm cảm ở người có rối loạn lưỡng cực

Những người có rối loạn lưỡng cực thường trải qua các giai đoạn xen kẽ giữa trầm cảm và hưng cảm. Một giai đoạn hưng cảm được đặc trưng bởi cảm giác phấn khích và vui vẻ tột độ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Trầm cảm ở người có rối loạn lưỡng cực cũng giống với trầm cảm “đơn thuần”. 

Suy nghĩ về cái chết

Những người mắc trầm cảm thường suy nghĩ về cái chết, tuy nhiên không phải suy nghĩ nào cũng liên quan đến việc tự sát. Rất nhiều người suy nghĩ về việc không còn tồn tại nữa hoặc tự hỏi liệu thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu không có họ trên cuộc đời này. Nếu bạn có những suy nghĩ về việc tự sát hoặc đã lên kế hoạch tự sát, bạn sẽ cần tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài.

3. Nguyên nhân gây ra trầm cảm

Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tinh thần được gây ra bởi những thay đổi trong não bộ. Thay đổi này có liên quan đến cách mà bộ não của chúng ta sản sinh và hấp thụ các chất dẫn truyền thần kinh, cách mà chúng vận hành, tiêu thụ, thậm chí cách mà chúng được tạo ra (từ chất xám). Những thay đổi về mặt sinh học này có thể diễn ra nếu bạn có tiền sử gia đình về trầm cảm hoặc có những thay đổi/yếu tố gây stress xảy đến trong cuộc sống của bạn.

Có những người cảm thấy buồn bã nhưng lại không biết vì sao, như kiểu “Chẳng có chuyện gì để buồn cả nhưng tôi cứ thấy buồn mà không cách nào kiểm soát được”. Nếu có những cảm giác ấy, có thể bạn có gien di truyền về trầm cảm (các thành viên khác trong gia đình có thể cũng mắc trầm cảm). Cũng có thể trường hợp của bạn các chuyên gia sẽ gọi là “trầm cảm lâm sàng” (clinical depression). Chúng ta không thể lý giải nó theo yếu tố môi trường, tuy nhiên não bộ của con người sẽ thay đổi và gây ra những triệu chứng trầm cảm.

Với những người khác, họ sẽ cảm thấy suy sụp hoặc buồn bã sau những sự kiện hay thay đổi nào đó trong cuộc sống. Buồn vì những chuyện không may xảy ra là một điều rất đỗi bình thường, cảm thấy đau khổ vì mất đi một người quan trọng với mình là một điều vô cùng dễ hiểu. Buồn bã vì chia tay người yêu hay phải chuyển trường cũng vậy. Thế nhưng, nếu bạn buồn bã suốt một khoảng thời gian dài dù mọi thứ đã dần tốt đẹp hơn, thì có lẽ bạn đã mắc trầm cảm bệnh lý. Lý do có thể xuất phát từ một sự việc nào đó thôi nhưng dần nó đã phát triển thành một thứ gì đó hơn.

Cuối cùng, một cuộc đời đầy khó khăn, sang chấn và căng thẳng cũng có thể gây ra trầm cảm. Có thể bạn luôn bị bắt nạt, cuộc sống gia đình đầy áp lực và không mấy vui vẻ, chuyện trường lớp cũng vậy, và chẳng có dấu hiệu gì là sẽ tốt lên. Mặc dù đúng là bạn nên cảm thấy buồn, những tình huống đó thậm chí có thể khiến bạn có nguy cơ mắc trầm cảm. Điều này càng dễ xảy ra hơn nếu không có gì thay đổi và bạn không hiểu được thế nào là một cuộc sống không có nỗi buồn. 

Yếu tố sinh học (bẩm sinh) và môi trường xung quanh đều có ảnh hưởng lên nhau cả.

Mặc cho trầm cảm có nhiều lý giải mang tính khoa học, nếu bạn cảm thấy có những biểu hiện của trầm cảm, nếu bạn biết bản thân đang buồn và đó không phải là cảm xúc mà bạn muốn có thì hãy tin vào trực giác của mình nhé. Bạn có thể giải quyết những đau khổ đó và hoàn toàn trở nên tốt hơn.

4. Phân loại các dạng trầm cảm

Ai cũng có lúc buồn, nhưng trầm cảm không phải chỉ là buồn thông thường. Trầm cảm là một rối loạn khí sắc - rối loạn này ảnh hưởng chủ yếu lên tâm trạng của chúng ta. Mỗi người sẽ có những biểu hiện của trầm cảm khác nhau, tuy nhiên chúng vẫn được chia thành nhiều dạng trầm cảm nhất định. Thường thì chúng ta gọi chung là “trầm cảm”, tuy vậy việc nhìn ra những điểm khác nhau sẽ giúp bạn thấu hiểu trải nghiệm cá nhân của mình nhiều hơn.

Rối loạn trầm cảm chủ yếu (Major depressive disorder (MDD)

Những người rối loạn trầm cảm chủ yếu thường có biểu hiện trầm buồn gần như cả ngày và diễn ra hầu hết mọi ngày. Một giai đoạn trầm cảm chủ yếu thường kéo dài ít nhất 2 tuần và có thể lên đến 6 tháng, thậm chí nhiều năm.

Trong những người đã từng trải qua một giai đoạn trầm cảm, khoảng một nửa sẽ tiếp tục trải qua thêm ít nhất một giai đoạn tương tự về sau. Rất nhiều người trong số đó sẽ trải qua nhiều giai đoạn trầm cảm khác nhau trong suốt cuộc đời của họ, đặc biệt nếu như họ không được điều trị.

Trầm cảm có loạn thần không được tính là một dạng trầm cảm riêng biệt. Tuy nhiên, có người sẽ trải qua một giai đoạn trầm cảm nặng đến mức có thể có các triệu chứng loạn thần.

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (Persistent depressive disorder (PDD)

Rối loạn trầm cảm dai dẳng không nghiêm trọng như trầm cảm chủ yếu nhưng nó kéo dài lâu hơn. Những người có rối loạn trầm cảm dai dẳng thường sẽ có triệu chứng trầm cảm hầu hết các ngày trong tối thiểu 2 năm, tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian đó họ không trải qua một giai đoạn trầm cảm chủ yếu nào. Nếu bạn đang mắc dạng rối loạn này, bạn có thể đã trải qua sự trầm buồn kéo dài lâu đến mức gần như không còn nhớ cảm giác “không trầm buồn” là như thế nào!

Rối loạn trầm cảm dai dẳng từng được gọi là “Trầm cảm nhẹ/trầm cảm mãn tính (Dysthymia)”. 

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều thông tin về nó nếu tìm kiếm cụm từ “dysthymia”.

Trầm cảm sau sinh (Post-partum depression)

Có rất nhiều người mắc trầm cảm sau khi sinh con. Trầm cảm sau sinh kéo dài trong khoảng từ 2 tuần đến 1 năm. Nó có thể gây ra rất nhiều đau khổ, bởi lẽ họ cảm thấy đáng lý ra mình phải hạnh phúc khi chào đón một đứa bé vào đời mới đúng. Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh là một điều dễ hiểu và phổ biến, trầm cảm khi mang thai cũng vậy.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Pre-menstrual dysphoric disorder - PMDD)

Đây là một dạng nghiêm trọng của “Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)”. Những người trải qua rối loạn này thường có những triệu chứng trầm cảm nặng trong 1 tuần trước kỳ kinh nguyệt. 

Rối loạn trầm cảm theo mùa (Seasonal affective disorder (SAD)

Có rất nhiều người có cảm xúc dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Việc dễ mắc các triệu chứng của trầm cảm hơn vào một thời điểm trong năm được gọi là rối loạn trầm cảm theo mùa. Hầu hết họ sẽ mắc phải rối loạn này vào mùa đông, tuy nhiên cũng có một số người thường gặp vào mùa hè.

Trầm cảm và rối loạn lưỡng cực

Những người có rối loạn lưỡng cực thường trải qua các giai đoạn xen kẽ giữa trầm cảm và hưng cảm. Hưng cảm là một giai đoạn kéo dài, đặc trưng bởi nguồn năng lượng cực độ và tâm trạng tích cực. Điều này sẽ không giống với tâm trạng “thất thường”.

5. Phân biệt trầm cảm và buồn bã đơn thuần

Ai cũng có lúc cảm thấy buồn. Nếu bạn buồn nhiều hơn bình thường, có thể lúc đó bạn đang “trầm cảm”. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta biết thế nào là cực kỳ buồn, thế nào là trầm cảm bệnh lý?

Buồn bã và trầm cảm khác nhau như thế nào?

Trầm cảm tức là buồn - không sai nhưng không chỉ có như vậy. Trầm cảm là một rối loạn tâm thần bao gồm rất nhiều triệu chứng như luôn luôn cảm thấy kiệt sức, mất hứng thú trước các hoạt động đã từng yêu thích, suy nghĩ và cái chết hoặc việc tự sát. Mỗi giai đoạn trầm cảm thường kéo dài ít nhất 2 tuần. Chúng có thể xuất hiện bởi một sự kiện đau buồn nào đó hoặc cũng có thể đến một cách ngẫu nhiên.

Làm sao để tôi biết là mình đang buồn hay trầm cảm?

Buồn vì mất việc, vừa mới chia tay, mất đi ai đó,... là một điều rất bình thường. Buồn dù bình thường hay tột độ cũng là phản ứng rất tự nhiên khi gặp phải các tình huống trên. Vì vậy, một nỗi buồn thông thường cũng có thể biến thành trầm cảm. Nếu cảm xúc của bạn không tốt lên theo thời gian, hoặc nếu tâm trạng của bạn bắt đầu ảnh hưởng lên các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày thì có lẽ bạn đang dần có những biểu hiện của trầm cảm.

Những thay đổi thể chất cũng có thể tác động lên tâm trạng của bạn, chẳng hạn như sự thay đổi về hormone vì dậy thì, một vài loại thuốc điều trị hoặc tình trạng bệnh lý khác. Nếu bạn cho rằng mình đang mắc phải trầm cảm thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để họ có thể đánh giá lại toa thuốc hiện tại, kiểm tra tuyến giáp hoặc nồng độ hormone của bạn.

Nếu bạn vẫn không rõ vì sao mình lại trầm như thế, hoặc trong gia đình có người mắc phải một rối loạn nào đó thì cũng có khả năng nhỏ bạn có thể mắc trầm cảm. Bạn có lẽ nên cân nhắc làm một bài lượng giá trầm cảm.

6. Những suy nghĩ xâm nhập gia tăng căng thẳng

Đó là một ngày rất đỗi bình thường, bỗng dưng trong đầu bạn xuất hiện một suy nghĩ quái dị, khó chịu, thậm chí là làm bạn thấy sốc Có thể bạn đang nói chuyện với ai đó thì bỗng bạn tưởng tượng mình đấm vào mặt họ một cái. Hoặc cũng có thể không thể ngừng hình dung những người ngẫu nhiên xuất hiện trước mặt bạn đang khỏa thân. Bạn không muốn nghĩ về những thứ này, vậy tại sao nó cứ tiếp tục diễn ra?

Những suy nghĩ đó được gọi là suy nghĩ xâm nhập, và tất cả chúng ta đều sẽ có lúc như vậy. Thường thì chúng ta đều có thể làm ngơ và tiếp tục công việc của mình. Tuy nhiên cũng có lúc chúng ta không thể nào kiểm soát chúng được. Nếu những suy nghĩ này khiến cho bạn vô cùng bức bối và ảnh hưởng lên cuộc sống hàng ngày của bạn thì đây có thể là dấu hiệu của một rối loạn tâm thần. Tìm cách các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn học được cách quản lý các suy nghĩ ấy.

Cùng điểm qua một số dạng suy nghĩ xâm nhập và ý nghĩa của chúng nhé!

Suy nghĩ về việc làm đau bản thân hoặc người khác. Đôi khi những suy nghĩ xâm nhập có thể khá bạo lực. Bạn có thể có suy nghĩ tổn thương bản thân hoặc người khác. Thường thì bạn không có chủ đích đó, bạn không thực sự muốn làm vậy mà chỉ là một suy nghĩ ngẫu nhiên xuất hiện mà thôi. Tuy nhiên, bạn có thể sợ rằng trong thâm tâm một phần nào đó mình sẽ thực hiện hành vi ấy, đó chính là lý do vì sao bạn suy nghĩ về nó nhiều như vậy.

Những suy nghĩ này có thể là dấu hiệu của một dạng rối loạn lo âu, chẳng hạn như rối loạn Ám ảnh - cưỡng chế (Obsessive-Compulsive disorder (OCD). Những người mắc trầm cảm sau sinh cũng có thể có những suy nghĩ xâm nhập về việc tổn thương đứa con của mình. 

Nếu bạn cảm thấy mình có ý định sẽ làm theo hoặc đã làm những suy nghĩ đó thì có nghĩa là đó không chỉ là suy nghĩ xâm nhập nữa rồi. Nếu bạn gặp khó khăn kiểm soát những hành vi gây hấn của mình thì bạn sẽ cần phải học cách quản lý cảm xúc hiệu quả hơn. 

Những suy nghĩ xâm nhập về tình dục

Hầu hết chúng ta, bất kể giới nào đều cũng sẽ có lúc nghĩ về chuyện tình dục, điều đó hoàn toàn bình thường. Nếu như bạn cảm thấy xấu hổ hoặc cho rằng mình là một người xấu xa thì bạn sẽ rất dễ bị ám ảnh bởi chúng. Hãy nhớ rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, ngay cả khi chúng có gây sốc hoặc xuất hiện thường xuyên như thế nào thì chúng cũng không thể quyết định con người của bạn được.

Dạng suy nghĩ xâm nhập phổ biến kế tiếp là về xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới. Hiểu được mình là ai có thể là một quá trình dài lâu, khó khăn, đầy áp lực. Việc bạn thường xuyên nghĩ về nó cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với những người có OCD, họ sẽ thường ám ảnh trước những suy nghĩ rất khác so với xu hướng tính dục của họ. Chẳng hạn, có thể bạn là người đồng tính nữ nhưng có những suy nghĩ xâm nhập về việc quan hệ với một người đàn ông.

Độc thoại tiêu cực

Suy nghĩ tiêu cực về bản thân là một trong những triệu chứng của trầm cảm. Khi bạn cảm thấy buồn, sẽ rất dễ để luẩn quẩn trong suy nghĩ “Mình là một kẻ thất bại” hoặc “Mình sẽ chẳng bao giờ thành công”. Cảm xúc đằng sau các suy nghĩ đó có thể mạnh mẽ đến mức bạn xem chúng là sự thật thay vì chỉ là những suy nghĩ xâm nhập.

Suy nghĩ tiêu cực thường phát triển theo những khuôn mẫu phổ biến mà chúng ta gọi là “bẫy tư duy” - lối tắt tinh thần khiến cho chúng ta mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực. Có một cách để đối phó với chúng chính là tái cấu trúc suy nghĩ, tìm những cách suy nghĩ mới và tích cực hơn về tình huống. 

Những suy nghĩ hoang tưởng

Nếu bạn có những suy nghĩ kỳ quái hoặc hoang tưởng thì có lẽ bạn đang trải qua các triệu chứng của loạn thần. Ví dụ, bạn thấy như thể FBI đang theo dõi mọi hành động của mình, có ai đó đang cố gắng đầu độc bạn hoặc bạn nhìn/nghe thấy thứ mà không ai khác cảm nhận được. Loạn thần có thể là một dấu hiệu của rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực. Đôi lúc sử dụng thuốc cũng có thể gây ra loạn thần.

Những suy nghĩ xâm nhập khác

Trên đây chỉ là một số dạng suy nghĩ xâm nhập phổ biến, vẫn còn nhiều dạng khác. Điều quan trọng phải nhận ra là những suy nghĩ đó xuất hiện và xảy đến với bạn chứ không quyết định bạn là ai.

Câu hỏi thường gặp

1. Nếu không phải trầm cảm, những vấn đề tôi đang gặp phải có thể là gì?
Một số biểu hiện có thể khiến bạn hiểu lầm thành trầm cảm, trong khi sự thật không phải như vậy. Ví dụ: • Sử dụng chất hoặc thuốc có tác dụng gây ra cảm giác buồn. • Một số bệnh lý như đau mãn tính hoặc bệnh về tuyến giáp. • Đau buồn vì mất mát hoặc có thay đổi lớn. Lưu ý: Nếu sau đó (hơn 2 tháng) mọi thứ vẫn không khá lên thì có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm.
2. Nếu bị trầm cảm, tôi nên làm gì?
Tin tốt chính là trầm cảm có thể điều trị được. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ bác sĩ hoặc nhà trị liệu, đồng thời có rất nhiều phương pháp mà bạn có thể tự thực hiện. (Ngay cả khi bạn chỉ buồn chứ không phải trầm cảm bệnh lý, có rất nhiều cách tự thực hành để giúp cho tâm trạng của bạn tốt lên). Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm hiểu khái niệm trầm cảm, nguyên nhân cũng như cách điều trị nó.

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần