` Hỗ trợ người thân mắc chứng loạn thần - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Hỗ trợ người thân mắc chứng loạn thần

1. Người mắc loạn thần không đồng ý điều trị/ đi khám

Bạn bè và gia đình của người mắc loạn thần có thể làm gì cho họ?

Người nhà của tôi từ chối đến bệnh viện thăm khám

Thật khó khăn khi phải chứng kiến một người vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần của họ nhưng từ chối nhận sự giúp đỡ. Nếu họ có dấu hiệu trở thành mối nguy hiểm cho bản thân và người khác thì càng đáng bận tâm hơn nữa. Vậy bạn có thể làm gì để giúp một người cần đến bệnh viện nhưng lại từ chối đi?

Câu hỏi này xuất hiện nhiều nhất khi một người cho thấy có dấu hiệu trở thành mối nguy hiểm cho bản thân và người khác, hoặc khi họ có một cơn bùng phát loạn thần (psychotic break). Một cơn bùng phát loạn thần có thể là hậu quả của việc sử dụng chất gây nghiện, hoặc là một triệu chứng của các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực.

Giải pháp tối ưu nhất là thuyết phục họ tự nguyện đi khám.

Người ta thường có trải nghiệm tốt hơn tại bệnh viện nếu họ là người tự đưa ra quyết định đi khám. Nhân viên bệnh viện khi ấy có thể đối xử với bạn và họ khác hơn. Mặt khác, quá trình thăm khám sẽ khó khăn hơn trong trường hợp nhập viện không tự nguyện. Người thân của bạn có thể cảm thấy như bạn không tôn trọng quyết định của họ, từ đó khiến tiến trình hồi phục bị thụt lùi. Bất cứ khi nào có thể, hãy cùng nhau thảo luận để đưa ra quyết định chung về tiến trình điều trị nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.

Chỉ vì họ đã từ chối một lần không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ đổi ý. Bạn nên tiếp tục cố gắng hỏi han, lắng nghe và phản hồi. Hãy giúp họ cảm thấy được lắng nghe và được quan tâm. Bạn có thể nói những câu như “Tôi thật sự rất lo cho bạn. Tôi nghĩ chúng ta nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem chuyện gì đang diễn ra.” Hãy trấn an rằng bạn vẫn sẽ luôn ở bên cạnh và hỗ trợ họ trong suốt quá trình này. Hãy để ý đến bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy rằng họ đã trở nên sẵn sàng hơn so với trước kia. Lúc ấy, bạn có thể nói với họ rằng, “Được rồi. Tôi sẽ giúp bạn tìm sự trợ giúp. Tôi sẽ đi cùng bạn và ở bên cạnh bạn trong suốt quá trình này.”

Nên làm gì nếu tình trạng cứ ngày một tệ hơn nhưng họ vẫn không muốn đi đến bệnh viện?

Trong trường hợp này, cần lựa chọn địa điểm và thời gian phù hợp để đưa một người đến bệnh viện trái với ý nguyện của họ.

Một người có thể bị buộc nhập viện không tự nguyện nếu họ là mối nguy hiểm cho bản thân, những người xung quanh hoặc trở nên bất lực trầm trọng (gravely disabled). Họ được xem là mối nguy hiểm cho bản thân nếu họ từng nói rằng mình đang chuẩn bị làm hại bản thân. Tương tự, họ được xem là mối nguy cho người xung quanh nếu họ từng khẳng định rằng mình muốn làm hại người khác. Tình trạng bất lực trầm trọng là khi một người bị bệnh và không thể tự đưa ra quyết định cho bản thân. Một cá nhân đang trong cơn loạn thần, dù họ không nói ra thành lời rằng họ muốn hại ai đó, nhưng họ vẫn có thể đáp ứng các tiêu chí của tình trạng bất lực trầm trọng. Điều tương tự cũng được áp dụng với người sử dụng ma túy quá liều.

Làm thế nào để đưa họ đến bệnh viện?

Nhóm xử lý khủng hoảng di động (mobile crisis team) bao gồm các chuyên gia y tế chuyên ứng phó với tình trạng khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại nhà. Đội ngũ của họ gồm có y tá, nhân viên công tác xã hội, bác sĩ tâm thần, hoặc các chuyên gia hỗ trợ đồng đẳng (peer specialists). Các đội xử lý khủng hoảng di động đôi khi cũng hợp tác với bộ phận cảnh sát. Nếu trong thành phố nơi bạn ở có các đội nhóm như thế, bạn có thể liên lạc với họ để họ đến tận nhà và đánh giá. Họ sẽ đặt cho bạn rất nhiều câu hỏi, sau đó giúp bạn đưa người nhà đến bệnh viện nếu cần thiết.

Đôi khi, không có ai để giúp đỡ bạn, và bạn phải tự mình đưa người thân đến bệnh viện hoặc gọi cảnh sát. Tuy nhiên cần nhớ rằng, cảnh sát không được đào tạo bài bản về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Vì vậy, họ có thể hoảng sợ hoặc hoang mang khi nhìn thấy người thân của bạn. Bất cứ khi nào có thể, tốt nhất bạn vẫn nên nhờ đến các hệ thống hỗ trợ bao gồm những người được đào tạo về sức khỏe tâm thần. Nhóm xử lý khủng hoảng di động là sự lựa chọn tốt nhất.

Nếu bạn có cơ hội để chọn một bệnh viện tâm thần nội trú, thì tốt nhất vẫn nên đến để đăng ký trước thay vì để cấp cứu. Các phòng cấp cứu được thiết kế để hỗ trợ cho các trường hợp khẩn cấp về thể lý và không được trang bị tốt để xử lý các trường hợp khẩn cấp về tâm thần.

Nếu người thân của bạn cần được nghỉ ngơi và chăm sóc bởi những người có chuyên môn nhưng không đáp ứng đủ tiêu chí để được nhập viện, thì tại một số cộng đồng, người ta cũng có cung cấp các dịch vụ thay thế được vận hành bởi các chuyên gia đồng đẳng.

2. Điều trị loạn thần tại bệnh viện

Tại bệnh viện

Khi bạn đã đưa người thân đến bệnh viện, hãy nói cho nhân viên biết chuyện gì đang diễn ra - ví dụ như: bạn nghĩ rằng họ đang trải qua một cơn bùng phát loạn thần. Hãy giải thích cụ thể rằng đây có phải là lần đầu tiên tình trạng này diễn ra hay không, nó kéo dài được bao lâu rồi và các triệu chứng mà bạn nhận thấy ở họ là gì. Bệnh viện sẽ muốn chắc chắn rằng người thân của bạn không sử dụng chất gây nghiện trước khi đến khám. Họ cần phải ngưng sử dụng các loại chất trong vòng 72 tiếng trước khi bệnh viện có thể chẩn đoán rõ ràng bất kỳ tình trạng tâm thần nào, chẳng hạn như loạn thần.

Sau khi được nhập viện, người thân của bạn sẽ được theo dõi, giữ an toàn và có thể được cung cấp thuốc.

Sau khi xuất viện

Bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi người thân của bạn giờ đã ổn định lại, nhưng đối với họ, đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu. Đặc biệt nếu đây là trải nghiệm đầu tiên của họ, thì bạn cần ở bên cạnh khi họ học cách chấp nhận tình trạng tâm thần của bản thân. Hãy kiên nhẫn khi họ trải qua quá trình tang chế về sự thay đổi to lớn này trong cuộc sống. Và hơn hết, hãy hỗ trợ tiến trình hồi phục của họ. Bạn cần đảm bảo rằng họ được đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh tình của mình. Bạn có thể sẽ muốn nắm quyền kiểm soát quá trình hồi phục của họ - nhưng điều đó sẽ tước đi quyền tự chủ của người thân bạn, đồng thời khiến cả bạn lẫn người ấy cảm thấy khó khăn hơn để tiến về phía trước. 

Thanh toán phí nằm viện

Chi phí thăm khám tại bệnh viện có thể rất tốn kém. Bạn có thể phải chi trung bình $1,200 đến $1,500 cho một đêm nằm viện - đôi khi còn cao hơn. Nếu bạn có bảo hiểm y tế, hãy tìm hiểu trước mức tiền mà bảo hiểm có thể chi trả cho người thân bạn. Nếu bạn không có bảo hiểm y tế, bệnh viện sẽ cử nhân viên tư vấn cho bạn về việc đăng ký nhận hỗ trợ Medicaid. Tại một số bệnh viện cũng có các chương trình hỗ trợ tài chính cho những người không có bảo hiểm y tế và không có khả năng tự chi trả viện phí. Bạn có thể sẽ cần phải điền đơn đăng ký và cung cấp chứng minh thu nhập. Nếu người mà bạn đưa đến bệnh viện không thuộc diện thành viên gia đình được bảo hiểm chi trả, bạn có thể giúp bằng cách tìm kiếm nguồn hỗ trợ khác phù hợp hơn với họ.

3. Dù là người thân, tôi sợ hãi khi người đó có biểu hiện loạn thần

Hành vi của người thân yêu làm tôi cảm thấy sợ hãi

Khi mọi thứ mất dần đi tính hợp lý, và khi bạn cảm thấy như mình không còn làm chủ được mối quan hệ nữa, việc cảm thấy sợ hãi là bình thường. Bạn có thể cảm nhận rằng tình huống mà mình đang đương đầu là nguy hiểm, là một mối đe dọa, hay sẽ mang lại nỗi đau. Sau đây là một số tình huống liên quan đến rối loạn tâm thần mà người ta thường hay sợ:

Người thân của bạn đang hành xử một cách bạo lực hoặc đầy giận dữ.

Họ đang thể hiện những thay đổi mới và bất thường: nói những điều kỳ lạ, hành động khác thường, có niềm tin kỳ lạ hoặc làm những việc không bình thường so với tính cách của họ.

Họ vẫn luôn chật vật với việc kiểm soát cảm xúc và hành vi, nhưng tình trạng đang dần trở nên tồi tệ hơn và bạn không biết mình nên làm gì.

Bạn biết họ đang vật lộn với rối loạn tâm thần được một thời gian rồi, nhưng dạo gần đây tình trạng đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Họ nghĩ về cái chết hoặc việc tự sát.

Họ bắt đầu thực hiện các hành vi nguy hiểm - như uống rượu bia vô độ, sử dụng chất gây nghiện, hoặc tự cắt, rạch cơ thể mình.

Cho phép bản thân thừa nhận rằng bạn đang sợ hã

Nếu bạn cảm thấy sợ hãi vì hành vi của người thân, ban đầu sẽ rất khó để bạn thừa nhận cảm xúc đó - ít nhất là thừa nhận bằng lời nói. Có rất nhiều lý do cho việc này. Có lẽ vì bạn cảm thấy tội lỗi - cảm xúc mà bạn dành cho họ nên là yêu thương thay vì sợ hãi chứ… phải không? Hoặc vì bạn không muốn nói hay hành xử theo cách khiến người thân mình trở thành người xấu. Bạn lo lắng rằng người xung quanh có thể đánh giá, phán xét họ.

Những nỗi sợ này có thể ngăn cản bạn lên tiếng và tìm kiếm sự trợ giúp. Nhưng nếu không được xử lý từ sớm, nỗi sợ có thể trở nên trầm trọng hơn. Một mình đối diện với nỗi sợ cũng có thể khiến bạn cảm thấy như bị cô lập. Bạn cần có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người khác, và bạn chỉ có thể nhận được bằng cách lên tiếng.

Hãy nhớ rằng tình yêu và nỗi sợ có thể cùng tồn tại song song với nhau. Sợ người mà bạn yêu không có nghĩa là bạn đang nghĩ xấu về họ - điều đó chỉ nói lên rằng bạn lo lắng cho họ nhưng chưa biết nên làm gì để có thể giúp đỡ.

Tôi có thể làm gì?

Cho dù bạn đã ôm nỗi sợ trong một thời gian dài hay chỉ mới gần đây thì những gợi ý sau đây vẫn sẽ hữu ích cho bạn.

Làm việc cùng một nhóm. Bạn không thể đương đầu với tất cả mọi thứ một mình. Vì vậy hãy tìm một “nhóm” để được hỗ trợ. Nhóm có thể bao gồm bạn bè hoặc các thành viên khác trong gia đình cũng quan tâm đến người thân của bạn và cũng muốn giúp đỡ. Đó cũng có thể là một nhóm hỗ trợ trong cộng đồng, hoặc nhà trị liệu tâm lý của riêng bạn. Một hệ thống hỗ trợ có thể giúp bạn xử lý các cảm xúc của mình về tình trạng của người thân. Bạn có thể thảo luận với họ về những việc mình sẽ thử. Hai bên cũng có thể chia sẻ với nhau về những khó khăn, trở ngại và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu chăm sóc người thân mắc rối loạn tâm thần, hệ thống hỗ trợ cũng có thể giúp bạn học cách ra quyết định chung với người thân, cũng như các bước để bạn có thể đóng góp nhiều hơn vào tiến trình hồi phục của họ.

Suy nghĩ về những kỳ vọng của bạn. Bạn mong muốn điều gì từ mối quan hệ với người này? Bạn kỳ vọng gì ở họ? Bạn mong mỏi họ sẽ thay đổi ở những điểm nào? Có thể đối với bạn, những điều mà bạn muốn người ấy làm là những điều tốt nhất cho họ. Nhưng bạn cần phải tôn trọng quyết định và ranh giới của người ấy. Việc giao tiếp và xây dựng lòng tin ở nhau là vô cùng quan trọng. Ví dụ như, nếu họ không muốn dùng thuốc điều trị loạn thần, thì sẽ tốt hơn nếu cả hai ngồi lại với nhau và thảo luận để tìm hiểu nguyên nhân cũng như giải pháp. Bạn không nên đơn phương ép buộc họ phải làm theo ý mình.

Khám phá cảm xúc. Đằng sau những cảm xúc được biết đến phổ biến nhất như tức giận, buồn bã hay hạnh phúc, còn có rất nhiều cảm xúc khác. Các cảm xúc “tiêu cực” như sợ hãi hay tức giận là cách thức để ta tự bảo vệ bản thân. Nếu người thân yêu của bạn hành xử một cách cộc cằn, tức giận, thì đằng sau cảm xúc ấy, họ có thể còn đang cảm thấy có lỗi, thất vọng, lo sợ, buồn bã, xấu hổ hay dễ tổn thương. Cố gắng thấu hiểu những cảm xúc trên có thể giúp bạn hình dung được những gì mà người thân bạn đang trải qua và vì sao họ lại hành xử như thế. Sau khi khám phá ra điều gì đang ẩn sau nỗi sợ hãi, bạn có thể tìm được giải pháp để xử lý chúng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự nhìn sâu và bản thân để tìm hiểu những cảm xúc bên dưới nỗi sợ của mình. Những cảm xúc ẩn tàng ấy có thể là một lời nhắc nhở rằng bạn không thể tự mình giải quyết hết mọi vấn đề, và rằng bạn cũng cần được nghỉ ngơi.

Nắm rõ thông tin. Rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của một con người - cách suy nghĩ, cách cảm nhận, cách phản ứng, khả năng kiểm soát bản thân… Vì vậy, bạn bè và người thân của bệnh nhân cần hiểu rõ cơ chế hoạt động của các rối loạn tâm thần. Việc này sẽ giúp bạn thấu cảm hơn với họ, đồng thời thấu hiểu vì sao họ lại hành xử như hiện tại. Hơn nữa, việc nắm rõ thông tin cũng giúp bạn hình dung được những gì mình có thể làm để hỗ trợ người thân mắc rối loạn tâm thần, cũng như khi nào thì cần nhờ đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

Đặt ranh giới. Việc hỗ trợ người thân mắc rối loạn tâm thần chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ vì bạn đã hiểu được vì sao họ lại trở nên như vậy không có nghĩa là bạn không còn cảm thấy tổn thương vì họ nữa. Là một phần trong hệ thống hỗ trợ của người ấy, bạn có quyền quyết định giới hạn cho những gì mình đặt vào mối quan hệ này, cũng như khi nào thì mình cần thiết lập các ranh giới để bảo vệ bản thân.

4. Tôi nên làm gì để giúp người mắc loạn thần?

Đừng cố thuyết phục họ rằng nó không có thật

Từ góc độ người ngoài, ta có thể thấy rõ rằng những gì mà người ấy nhìn thấy, nghe thấy hoặc nghĩ về là không có thật. Bạn có thể đang tự nhủ rằng, giá mà mình có thể thuyết phục họ rằng tất cả chỉ là hoang tưởng, như vậy thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường như ban đầu.

Nhưng khi một người đang trong cơn loạn thần, những hoang tưởng của họ trở nên cố định, bất biến. Điều này có nghĩa là người ấy không có chút mảy may nghi ngờ rằng những gì mà họ đang nghĩ, đang cảm nhận, đang nhìn thấy hoặc nghe thấy có thể chỉ là tưởng tượng. Bạn sẽ không thể làm gì hoặc nói gì để có thể thuyết phục họ tin vào điều ngược lại… Nhưng mặt khác, việc trò chuyện về những hoang tưởng sẽ không khiến chúng bám sâu hơn vào tâm trí của họ. Thực ra, thảo luận đúng cách khi đề cập đến những hoang tưởng còn có thể giúp ích cho họ.

Xuôi theo dòng hoang tưởng

Nếu người thân yêu của bạn không ngừng kể về những hoang tưởng của họ, tốt nhất là hãy cứ xuôi theo họ cho đến khi bạn tìm ra được cách thức hữu hiệu để giúp đỡ.

Xuôi theo dòng hoang tưởng nghĩa là thảo luận với người thân về những thay đổi, điều chỉnh mà bạn có thể làm để giúp họ giảm bớt căng thẳng. Ví dụ như, nếu họ đang lo lắng rằng có ai đó đang theo dõi họ, thì bạn có thể thực hiện những thay đổi nào về nhà cửa để giúp họ cảm thấy an toàn hơn? Cuộc đối thoại có thể diễn ra như thế này, “Được rồi, vậy là bạn đang cảm thấy ____, điều gì sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn?” Hãy xác định các hành vi, nguồn lực hỗ trợ hoặc những điều chỉnh trong môi trường sống có khả năng giúp họ cảm thấy bình tĩnh hơn.

Hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn là vượt qua giai đoạn này một cách ít căng thẳng nhất có thể, chứ không phải để thuyết phục họ tin rằng những hoang tưởng của họ không có cơ sở thực tế. (Ngược lại, tranh cãi về các hoang tưởng còn có thể khiến họ căng thẳng hơn, và căng thẳng có thể làm cho cơn loạn thần trở nên trầm trọng hơn.)

Song song với việc xuôi theo những hoang tưởng của họ, bạn có thể làm việc với các chuyên gia y tế để xác định mình nên làm gì tiếp theo. Thông thường các giải pháp sẽ bao gồm dùng thuốc hoặc có thể là nhập viện.

Bài học từ cơn loạn thần

Khi người thân của bạn đã hồi phục - họ trở nên ổn định hơn và nhận ra những gì họ trải qua là không có thực - bản năng sẽ mách bảo bạn rằng mình nên tránh đề cập đến những hoang tưởng của họ. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên nếu bạn chỉ muốn quên hết mọi chuyện đã qua và quay lại cuộc sống “bình thường”. Nhưng nếu bạn giả vờ như chưa từng có chuyện gì xảy ra, bạn sẽ bỏ lỡ mất một cơ hội để rút ra bài học từ cơn loạn thần của họ.

Cần hiểu rằng những hoang tưởng và ảo giác cũng chính là hình ảnh phản chiếu của những nỗi sợ và sang chấn có thật trong cuộc đời họ. Vì sao họ lại có hoang tưởng cụ thể này, và vì sao chúng lại ảnh hưởng đến cuộc sống của họ theo cách này, tất cả đều có nguyên nhân sâu xa đằng sau. Khi cơn loạn thần đã qua, và người thân của bạn đã phân biệt được đâu là thật đâu là giả, việc tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng bên dưới những hoang tưởng có thể giúp họ hồi phục tốt hơn.

Thay vì phớt lờ những trải nghiệm đã qua, hãy hỏi người thân xem họ nghĩ những hoang tưởng và ảo giác ấy đang xoay quanh chủ đề gì, chúng đang muốn nhắn nhủ điều gì. Bên cạnh đó, hãy đánh giá lại kế hoạch bảo đảm an toàn của họ (hoặc soạn một bản nếu như họ chưa có), và trao đổi về các lựa chọn trong việc dùng thuốc hoặc nguồn lực hỗ trợ khác. Bạn cũng có thể chia sẻ về cảm xúc và trải nghiệm của chính bản thân mình. Những cuộc đối thoại cởi mở, an toàn và liên tục chính là yếu tố quyết định để một tiến trình hồi phục thành công.

Trong bài diễn thuyết của mình tại TED Talk, Eleonor Longden đã chia sẻ về việc tìm kiếm ý nghĩa biểu tượng đằng sau những ảo giác đã giúp cô hồi phục sau chứng loạn thần như thế nào.

Mạng lưới hỗ trợ Giọng nói trong đầu (Hearing Voices Network) có cung cấp một nguồn tài nguyên thông tin dồi dào để bạn học cách lắng nghe các hoang tưởng và ảo giác thay vì chống lại chúng.

Người thân của tôi có các cử động kỳ lạ

Thật đáng lo khi nhìn thấy người thân thể hiện những hành vi khó hiểu. Nếu dạo gần đây bạn thấy họ có những cử động kỳ lạ, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng hơn. Ví dụ về các cử động kỳ lạ bao gồm việc thể hiện những nét mặt kỳ quái, hoặc không thể giữ yên tay.

Bạn bè và người thân luôn đóng một vai trò nhất định trong việc chăm sóc và hỗ trợ người mắc rối loạn tâm thần. Và vai trò đó càng trở nên quan trọng hơn khi người ấy xuất hiện các cử động kỳ lạ. Lý do thứ nhất là vì thông thường, chính bạn bè và người thân là những người đầu tiên nhận ra các cử động bất thường này. Người mắc rối loạn đôi khi còn ngạc nhiên khi bạn nói cho họ biết về những dấu hiệu ấy. Lý do thứ hai chính là: các cử động không chủ ý này thường khiến cho người bệnh cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ. Vì vậy những người xung quanh cần tinh tế khi đề cập đến vấn đề này. Hãy trấn an họ rằng bạn sẽ không vì những triệu chứng đó mà thay đổi cách nhìn về họ, và đề nghị họ cho phép bạn giúp đỡ tìm kiếm giải pháp.

Tìm hiểu nguyên nhân

Việc tìm ra nguyên nhân chính xác đằng sau hiện tượng này rất khó khăn. Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người xuất hiện các cử động không kiểm soát.

Đó có thể là do chứng co giật cơ (nervous tic), hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một trong rất nhiều các rối loạn vận động (movement disorders) có căn nguyên trong não. Có thể bạn đã nghe qua một số cái tên quen thuộc như bệnh Parkinson’s. Nhưng nhiều trong số chúng với những cái tên rất khó hiểu mà có lẽ bạn chưa từng nghe qua. Bạn có thể tìm tòi thêm trên mạng, nhưng sẽ rất khó để thu hẹp lại phạm vi kết quả. Tốt nhất là hãy đưa người thân của bạn đến gặp một chuyên gia chăm sóc sức khỏe - càng sớm càng tốt.

Nếu người thân của bạn đã có một bác sĩ để thăm khám định kỳ, thì bạn có thể bắt đầu từ đây. Không phải bác sĩ nào cũng biết những kiến thức mới nhất về rối loạn vận động, nhưng họ vẫn có thể giúp bạn giới thiệu một chuyên gia phù hợp hơn. (Dù sao thì một số gói bảo hiểm tế cũng không cho phép bạn gặp chuyên gia nếu như bạn không có giấy giới thiệu từ một bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu.) Chuyên gia mà bạn được giới thiệu đến thường sẽ là bác sĩ thần kinh - chuyên điều trị các bệnh lý liên quan đến não.

Tuy nhiên, vẫn còn một thách thức khác nữa: các buổi thăm khám tại văn phòng của bác sĩ thường khá ngắn - chỉ khoảng 15 phút. Nhiều bệnh nhân có thể giấu triệu chứng của mình lâu hơn khoảng thời gian trên. Họ có thể làm việc đó một cách vô thức. Hoặc triệu chứng của họ chỉ xuất hiện trong một số tình huống nhất định - có thể là họ chỉ biểu hiện chúng tại một số nơi cụ thể, hoặc chỉ khi họ cảm thấy rất mệt mỏi. Điều này có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong việc tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Thật không may, đôi khi bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe xem xét triệu chứng của họ một cách nghiêm túc trong những tình huống như thế này. Nếu có thể, bạn hãy đi cùng người thân đến phòng khám để giúp họ mô tả các triệu chứng. Tốt hơn nữa, bạn có thể ghi hình các cử động kỳ lạ của người thân cho bác sĩ xem để họ có thể hình dung rõ hơn.

Chuyển động không kiểm soát và sức khỏe tâm thần

Đôi khi các cử động không kiểm soát có mối liên hệ với rối loạn tâm thần:

Những người mắc tâm thần phân liệt thường di chuyển, cử động theo những cách khiến người khác cảm thấy kỳ lạ hoặc lo ngại — hoặc họ không cử động trong một khoảng thời gian dài.

Những người mắc trầm cảm thường chuyển động rất chậm, gần giống như họ đang đi bộ dưới nước.

Rối loạn lo âu có thể khiến bạn khó ngồi yên.

Những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có thể lặp lại một số cử động nhất định, như nheo mắt thật mạnh hoặc co giật.

Rối loạn vận động cũng có thể xuất hiện như một tác dụng phụ của thuốc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Một ví dụ phổ biến là rối loạn vận động muộn (tardive dyskinesia - TD), một tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần. Những người mắc rối loạn vận động muộn sẽ có các cử động không chủ ý, giật bắn, bất thường ở lưỡi, môi, mặt, thân mình, cánh tay, cẳng chân, bàn tay và/hoặc bàn chân. Nếu người thân của bạn biểu hiện các triệu chứng trên sau khi dùng thuốc, hãy khuyến khích họ trao đổi với bác sĩ kê đơn để xin lời khuyên. Rối loạn vận động muộn, cũng như nhiều rối loạn vận động khác, có thể điều trị được!

Câu hỏi thường gặp

Tôi có thể tìm hiểu về chứng loạn thần tại nguồn thông tin nào?
Bạn có thể truy cập đường link: https://macicare.vn/blog/suc-khoe-tinh-than để tìm hiểu kỹ hơn về chứng loạn thần.

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần