` Rối loạn ăn uống - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Rối loạn ăn uống

1. Tôi ghét cơ thể mình

Có vẻ như rất dễ để ta ghét cơ thể của chúng ta - để có thể ước muốn có những phần khác đẹp hơn hoặc cảm thấy đặc biệt hơn. Bởi vì mạng xã hội bây giờ có ở khắp mọi nơi, thật khó để không so sánh chúng ta với những người luôn trông có vẻ xinh đẹp và thoải mái về cơ thể của họ.

Có thể bạn ghét cơ thể của mình bởi vì bạn cảm thấy không ổn bên trong cơ thể — chẳng hạn như giới tính bạn mang không phù hợp với cảm giác bên trong mình.

Đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chúng ta có thể ghét cơ thể của mình vì chúng ta thường xuyên phán xét bản thân. Mọi thứ chúng ta làm hoặc nói - và chắc chắn là cả ngoại hình ta trông ra sao - cũng không bao giờ có thể đủ tốt. Thật khó khăn nếu một căn bệnh tâm thần như trầm cảm khiến bạn khó ăn uống tốt hoặc tập thể dục. Sau đó, chúng ta thực sự ghét vẻ ngoài của mình và cảm thấy kinh khủng cùng một lúc.

Tôi có thể làm gì nếu tôi ghét cơ thể của mình?

Một phần của cuộc hành trình là học cách yêu bản thân theo đúng cách bạn đang có ngày hôm nay. Học cách yêu thương bản thân rất khó — cần có thời gian để tìm ra lý do tại sao chúng ta cảm thấy bình thường khi tự tiêu cực với chính mình. Cần có thời gian để chữa lành những điều tồi tệ đã xảy ra khiến chúng ta căm ghét bản thân mình. Cần có thời gian để tìm ra những gì chúng ta cần làm — những bước nhỏ mà chúng ta cần thực hiện để bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Đối với một số người, điều quan trọng là phải hướng vào bên trong và suy nghĩ xem liệu việc ghét cơ thể của bạn có dẫn đến những ý tưởng sai lệch về diện mạo của bạn hay không. Nếu bạn đang suy nghĩ về cơ thể của mình theo cách không lành mạnh hoặc tham gia vào các hành vi không lành mạnh liên quan tới thực phẩm, bạn có thể bị rối loạn ăn uống.

Các dấu hiệu của rối loạn ăn uống có thể bao gồm:

  • ám ảnh về thức ăn
  • giữ lại thức ăn
  • tập thể dục nhiều hơn mức bạn nên
  • tránh gặp bạn bè để họ không thấy cơ thể bạn đã thay đổi như thế nào
  • hình ảnh cơ thể bị bóp méo không phù hợp với những gì đang hiện hữu
  • nhìn thấy những khiếm khuyết hoặc sự không hoàn hảo bị phóng đại trên cơ thể bạn
  • cân đo cơ thể mỗi ngày và cảm thấy hoảng sợ trước những thay đổi nhỏ. (Hoàn toàn bình thường nếu cân nặng của bạn tăng hoặc giảm khoảng 2-5 pound trong vài ngày!)

Rối loạn ăn uống giống như một chứng nghiện. Nó có thể kiểm soát cuộc sống của bạn ngay cả khi bạn cảm thấy như bạn đang giành được quyền kiểm soát. Cuối cùng, chứng rối loạn ăn uống gây nguy hiểm cho tâm trí và cơ thể của chúng ta.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị rối loạn ăn uống hoặc nếu mọi thứ cảm thấy mất kiểm soát, hãy cân nhắc thực hiện Bài kiểm tra Rối loạn Ăn uống trực tuyến miễn phí của chúng tôi. Bạn cũng nên liên hệ với người mà bạn tin tưởng. Chúng tôi không muốn cuộc đấu tranh của bạn tiếp tục — bởi vì bạn chờ đợi càng lâu thì càng khó cải thiện.

2. Rối loạn ăn uống có được phân thành nhiều dạng khác nhau không?

Câu trả lời là có. Các dạng rối loạn ăn uống phổ biến nhất là:

  • Chán ăn tâm thần (Anorexia): chán ăn tâm thần là một dạng rối loạn liên quan đến việc hạn chế lượng thức ăn vào cơ thể, giảm cân đáng kể, sợ tăng cân một cách dữ dội và có nhận thức méo mó về ngoại hình. Rối loạn thường đi kèm với các quy tắc và nghi thức rất cụ thể về thức ăn và sự cô lập xã hội.
  • Cuồng ăn tâm thần (Bulimia): là rối loạn có liên quan đến việc ăn uống vô độ rồi cố gắng loại bỏ lượng thức ăn đó đi. Ăn uống vô độ có nghĩa là ăn một lượng lớn thức ăn một cách bất thường trong thời gian ngắn. Cá nhân thường cảm thấy xấu hổ và mất kiểm soát trong khi ăn. Sau đó là quá trình loại bỏ lượng thức ăn thông qua việc nôn mửa, uống thuốc nhuận tràng, sử dụng thuốc khác, nhịn ăn hoặc tập thể dục quá sức.
  • Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder): rối loạn ăn uống vô độ được chẩn đoán khi cá nhân liên tục tiêu thụ một lượng lớn thức ăn bất thường trong khung thời gian ngắn. Việc này khác với ăn quá nhiều ở chỗ nó gây ra cho họ cảm giác đau đớn, xấu hổ nghiêm trọng và mất kiểm soát.
  • Một số rối loạn ăn uống chuyên biệt khác (OSFED - trước đây còn được biết đến là EDNOS) là một thuật ngữ được sử dụng khi cá nhân có hành vi rối loạn ăn uống nhưng không đáp ứng đủ các tiêu chí của bất kỳ một rối loạn ăn uống cụ thể nào. Ví dụ, một người hạn chế lượng thức ăn vào cơ thể, sợ tăng cân và có nhận thức méo mó về ngoại hình của mình. Họ không được xếp vào nhóm thiếu cân, đồng nghĩa với việc không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chứng chán ăn mặc dù có đầy đủ các dấu hiệu khác. Như vậy, họ sẽ được xếp vào mục OSFED.

Bất kể bạn đang gặp phải rối loạn ăn uống hoặc bất kỳ hành vi ăn uống nào, điều quan trọng là bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Tất cả các rối loạn ăn uống đều có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, ảnh hưởng đến khả năng có một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Việc hồi phục có thể khó nhưng vẫn có thể xảy ra và hoàn toàn xứng đáng.

3. Vì sao các cá nhân thường rất khó hồi phục một khi đã mắc rối loạn ăn uống?

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa sử dụng nước ép để thanh lọc cơ thể, một nền văn hóa của những phòng tập gym hiện đại và các người mẫu trên Instagram. Rối loạn ăn uống sẽ khiến cho bạn quay cuồng trong các quy tắc ấy, còn xã hội thì củng cố chúng trở nên dữ dội hơn. Bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang trong một cuộc chiến khốc liệt, từ việc hạn chế dung nạp thực phẩm, đào thải chúng ra khỏi cơ thể đến việc tập thể dục quá mức hoặc ăn quá nhiều. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hồi phục và bắt đầu sống một cách trọn vẹn trở lại.

Rối loạn ăn uống là một trong những rối loạn tâm thần nguy hiểm nhất

Khi cả tinh thần và thể chất bị tổn thương bởi một rối loạn gây suy nhược đến như vậy, nó có thể sẽ đe dọa đến tính mạng của bạn. Yếu tố chính để những người có rối loạn sử dụng chất vượt qua khó khăn chính là tránh xa những chất gây nghiện với họ. Tuy nhiên, đối với những người có rối loạn ăn uống, cơ thể họ vẫn cần thức ăn để sống, không thể hồi phục bằng cách không ăn được. Đó là một cuộc chiến liên tục, kéo dài mà họ phải đối mặt rất nhiều lần trong ngày.

Có nhiều yếu tố như sang chấn về thể chất, lời nói hay tình dục đều có thể góp phần gây khởi phát rối loạn ăn uống, đồng thời là tác nhân ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau này. Chúng có thể vang lên trong đầu bất cứ khi nào sang chấn được kích hoạt. Tuy nhiên, nếu có định hướng hồi phục sẽ giúp chúng ta không chỉ tồn tại và mà còn bắt đầu sống một cách trọn vẹn.

Mọi người có thể không nhận ra bạn đang gặp khó khăn từ sớm, thậm chí là không bao giờ nhận ra

Những suy nghĩ mà rối loạn ăn uống gây ra thường khiến cho chúng ta mất kiểm soát từ từ, thậm chí có thể không nhận ra điều đó cho đến khi chúng ta thực sự đau khổ về mặt thể chất, cảm xúc lẫn và tâm lý.

Đối với những người có hành vi hạn chế dung nạp thực phẩm hoặc tập thể dục quá mức, người thân của họ có thể cho rằng nếu họ ăn uống lành mạnh hơn hoặc tập thể dục nhiều hơn nghĩa là họ đã sống một cách lành mạnh. Chúng ta khuyến khích việc duy trì những thói quen “lành mạnh” là hợp lý và khen ngợi việc giảm cân. Điều này sẽ chỉ giúp củng cố các hành vi rối loạn ăn uống mà thôi.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, rối loạn ăn uống không đi theo một mô tuýp nhất định nào. Họ có thể nhẹ cân, “bình thường” hoặc thừa cân và họ vẫn phải vật lộn với các mối đe dọa nguy hiểm đến tính mạng do rối loạn ăn uống gây ra. Nếu bạn không trông giống như một người có rối loạn ăn uống theo như cách mọi người nghĩ, bạn sẽ rất dễ bị họ phủ nhận, thậm chí bạn có thể tự phủ nhận chính mình. Việc người khác gạt bỏ những vấn đề của mình có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc tiếp tục duy trì điều trị. Hãy nhớ là bạn không cần phải có ngoại hình thế này thế kia mới xứng đáng được giúp đỡ và hỗ trợ.

Không phải tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần đều thấu hiểu câu chuyện của bạn

Thật không may nhiều chuyên gia sức khỏe tinh thần không có được  trang bị kỹ lưỡng để điều trị rối loạn ăn uống. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tự nghiên cứu để tìm đúng đội ngũ chuyên gia sức khỏe tinh thần cho mình, chẳng hạn như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, chuyên gia dinh dưỡng, mạng lưới bạn bè và gia đình để giúp bạn tập trung phục hồi và giữ sức khỏe ổn định. Hãy nhớ với sự hỗ trợ phù hợp, việc hồi phục là hoàn toàn có thể xảy ra.

4. Bạn vẫn có thể có rối loạn ăn uống dù cơ thể không gầy?

Có.

Hầu hết chúng ta nhìn thấy rối loạn ăn uống có ở những người phụ nữ rất nhẹ cân, nhưng chỉ nhìn vào ai đó là chưa đủ để xác định họ có rối loạn ăn uống hay không.

Việc có các hành vi hạn chế lượng thức ăn vào cơ thể, lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc giảm cân, ép bản thân tập thể dục, ăn uống vô độ cùng các hành vi ám ảnh và cưỡng chế khác liên quan đến thức ăn và tập thể dục không có nghĩa sẽ khiến cho họ trở nên nhẹ cân. Những người có rối loạn ăn uống có thể nhẹ cân, thừa cân hoặc nằm đâu đó ở hai thái cực ấy.

Bất kể cân nặng như thế nào thì các hành vi rối loạn ăn uống đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Chúng cũng có thể làm đổ vỡ các mối quan hệ, công việc, học hành và chất lượng cuộc sống của bạn.

Nếu mối liên kết của bạn với việc ăn uống, tập thể dục và cơ thể đang cản trở chức năng sống, chiếm quá nhiều thời gian và năng lượng của bạn, đồng thời gây ra hoặc khiến bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe thì bạn sẽ cần được hỗ trợ. Dù có nặng bao nhiêu thì bạn vẫn xứng đáng được hỗ trợ trước các vấn đề của bản thân và được bày tỏ cảm xúc của mình.

5. Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống là tình trạng sức khỏe tinh thần có liên quan đến các hành vi không lành mạnh, ám ảnh và cưỡng chế xung quanh việc ăn uống, tập thể dục và ngoại hình. Chúng ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, xuất thân, địa vị kinh tế xã hội, tôn giáo, giới tính và xu hướng tình dục. Chúng có tỉ lệ gây chết người cao nhất trong số các vấn đề sức khỏe tinh thần và có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm loãng xương, vỡ dạ dày và tiểu đường loại II.

Hầu hết chúng ta cho rằng rối loạn ăn uống có liên quan đến nỗi ám ảnh phải gầy nhưng sự thật là chúng phức tạp hơn thế nhiều. Nhìn chung, nguyên nhân của chúng là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội. Nhiều người còn đi kèm với các vấn đề sức khỏe tinh thần khác như trầm cảm, lo âu, PTSD và nghiện. Sang chấn, đặc biệt là sang chấn về tình dục cũng rất phổ biến ở những người có rối loạn ăn uống.

Mặc dù việc ăn kiêng, ăn uống không lành mạnh, lo lắng về hình ảnh cơ thể là những chủ đề thường bị phủ nhận và thậm chí được đề cao trong văn hóa Mỹ, đến cuối cùng chúng cũng sẽ trở thành các rối loạn ăn uống. Điều quan trọng là phải giải quyết các triệu chứng đang để lại những tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Không có quy định nào về cân nặng mà họ phải đạt để xứng đáng được hỗ trợ cả.

Các rối loạn ăn uống phổ biến nhất là: chán ăn, phàm ăn, rối loạn ăn uống vô độ và rối loạn ăn uống chuyên biệt khác (OSFED - trước đây là EDNOS). Các triệu chứng của rối loạn ăn uống bao gồm việc hạn chế ăn uống, vận động quá mức, tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, có những lúc ăn quá nhiều đến mất kiểm soát. Có khá nhiều người hoặc sẽ mắc phải nhiều rối loạn ăn uống khác nhau trong cuộc đời, hoặc sẽ có hành vi trải dài suốt nhiều rối loạn ăn uống.

Mặc dù rối loạn ăn uống là một vấn đề phức tạp, việc hồi phục là hoàn toàn có thể. Họ càng sớm được giúp đỡ thì sẽ càng sớm hồi phục cả về tâm lý lẫn thể chất. Sự hỗ trợ ở đây có thể đến từ nhà trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm thần, các nhóm hỗ trợ, bác sĩ chăm sóc chính. Các cá nhân nhờ đó có thể tiếp tục sống một cách lành mạnh khi đối mặt với các vấn đề về ăn uống và tập thể dục.

6. Tôi ghét cơ thể của mình

Thật dễ để chúng ta cảm thấy ghét ngoại hình của mình và soi mói những đặc điểm mà chúng ta vẫn luôn mong ước có thể trông khác đi. Vì mạng xã hội có ở khắp mọi nơi nên thật khó để không so sánh bản thân với những người trông có vẻ xinh đẹp và thoải mái trước cơ thể của họ.

Có thể bạn ghét cơ thể của mình vì cảm thấy không ổn bên trong, chẳng hạn như giới tính bạn đã được chỉ định không phù hợp với cảm giác bên trong bạn.

Đối với những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần, chúng ta thường ghét cơ thể mình vì chúng ta liên tục phán xét bản thân. Chúng ta có làm gì, nói gì hay trông như thế nào cũng không bao giờ có thể đủ tốt. Càng khó hơn nữa nếu một rối loạn tâm thần như trầm cảm khiến bạn khó có thể ăn uống đầy đủ hoặc tập thể dục. Điều đó khiến chúng ta vừa ghét ngoại hình của mình vừa cảm thấy kinh khủng về cảm giác đó.

Tôi nên làm gì nếu tôi ghét cơ thể của mình?

Một trong những cách cải thiện chính là học cách yêu bản thân, điều này rất khó. Chúng ta cần có thời gian tìm ra lý do luôn chỉ trích bản thân, để chữa lành khỏi những điều tồi tệ đã xảy ra khiến chúng ta chán ghét chính mình, để tìm ra cách cải thiện - những bước nhỏ mà chúng ta cần thực hiện để bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Với một số người, điều quan trọng là họ phải suy nghĩ xem việc ghét cơ thể của chính mình có phải đến từ những ý tưởng sai lệch về ngoại hình hay không. Nếu bạn đang suy nghĩ về cơ thể của mình theo những cách không lành mạnh hoặc có các hành vi không lành mạnh liên quan đến việc ăn uống thì có thể bạn đang có rối loạn ăn uống.

Các dấu hiệu của rối loạn ăn uống bao gồm:

  • Ám ảnh về thức ăn
  • Từ chối thức ăn vào cơ thể
  • Tập thể dục quá mức
  • Tránh những người mà bạn không gặp vào khoảng thời gian gần đây để họ không nhìn thấy cơ thể bạn đã thay đổi như thế nào
  • Hình ảnh cơ thể méo mó không phù hợp với sự thật
  • Nhìn thấy những khuyết điểm hoặc sự không hoàn hảo một cách phóng đại trên cơ thể
  • Đo cân nặng bản thân mỗi ngày và cảm thấy hoảng sợ trước những thay đổi nhỏ. (Hoàn toàn bình thường thôi nếu bạn tăng hoặc giảm 2~3kg trong một ngày!)
  • Rối loạn ăn uống có một số nét khá giống với nghiện. Nó có thể kiểm soát cuộc sống của bạn mặc dù bạn có cảm giác như đang giành được quyền kiểm soát. Cuối cùng, nó sẽ gây nguy hiểm cho tinh thần và cơ thể của chúng ta.

Nếu bạn nghĩ rằng có thể mình đang có rối loạn ăn uống hoặc cảm thấy mọi thứ trở nên mất kiểm soát, vui lòng liên hệ với người mà bạn tin tưởng thật sớm. Chúng tôi không muốn bạn phải tiếp tục vật lộn với nó nữa, chờ đợi càng lâu thì tình trạng sẽ càng khó có thể tốt lên.

7. Tôi nên giải thích rối loạn ăn uống của mình cho người khác như thế nào?

Thật khó để có thể hiểu được những gì mà chính mình đang trải qua, nói chi đến việc giải thích với người khác, cảm giác sẽ bức bối đến như thế nào. Người ta ví cuộc sống của người có rối loạn ăn uống giống như “một cầu thủ bóng đá đang cố gắng huấn luyện một vận động viên bơi lội cách chơi gôn” vậy.

Sống chung với rối loạn ăn uống không phải là một sự lựa chọn. Nó ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, thay đổi cách nhìn nhận về bản thân và thế giới xung quanh. Khi trách nhiệm, nghĩa vụ và các yếu tố gây căng thẳng khác trong cuộc sống phát triển, bạn sẽ thấy mình xử lý mọi thứ thông qua lăng kính của rối loạn ấy. Việc hồi phục sẽ không giống như một cơn cảm lạnh thông thường - thuyên giảm mỗi ngày mà nó là một chuyến tàu lượn lên xuống của những cuộc đấu tranh và sự chiến thắng, có ngày cực kỳ tệ và cũng có ngày ổn hơn các ngày khác.

Hãy tưởng tượng bạn đang nghe nhạc trên laptop. Trong lúc lướt web, bạn truy cập vào một trang có quảng cáo rất ồn. Đột nhiên, có hai nguồn âm thanh được phát cùng một lúc, cả hai đều cầu xin sự chú ý của bạn. Hai nguồn âm thanh đến từ Spotify và quảng cáo OxiClean phát cùng một lúc khiến bạn không thể tập trung một cái nào. Tiếng ồn đó thậm chí còn lớn và hống hách hơn khi bạn đối mặt với một bữa ăn, khi nhìn vào gương hoặc đi bộ trong phòng gym. Nỗi khổ mà mỗi cuộc chiến với rối loạn ăn uống mang lại đều như thể âm lượng của tiếng ồn cứ tăng lên từng bậc vậy. Những người có rối loạn ăn uống phải đối mặt với tiếng ồn này hàng ngày, mỗi khi họ ăn.

Điều quan trọng cần lưu ý là trải nghiệm của mỗi người đều khác nhau, vì vậy hãy cố gắng tìm cách cải thiện theo đúng nhất với bạn. Hướng dẫn những người hỗ trợ bạn về cách sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp khi đề cập đến rối loạn ăn uống. Cởi mở về những khó khăn và hành trình hồi phục của bạn cũng như thiết lập ranh giới sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn rằng họ có thể hỗ trợ bạn như thế nào. Sự hỗ trợ đó có thể là một yếu tố rất cần thiết cho quá trình hồi phục.

8. Chẳng ai thích tôi cả

Tất cả chúng ta đều muốn được yêu thương. Nếu bạn cảm thấy như thể cả thế giới đang chống lại bạn thì bạn sẽ rất dễ cảm thấy cô đơn, vô giá trị hoặc bị từ chối. Những cảm giác này đều rất thật và sâu sắc. Chúng ta sống trong một thế giới nơi mà mọi thứ đều liên kết với nhau, chúng ta phụ thuộc vào nhau để đáp ứng nhu cầu của mình, bộ não của bạn hiểu tầm quan trọng của việc này. Những cảm xúc mạnh mẽ đi kèm với cảm giác không được yêu, không được chấp nhận sẽ thúc đẩy bạn kết nối nhiều hơn với những người khác.

Tuy nhiên cũng chính những cảm xúc đó có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Khi cảm thấy cô đơn và bị từ chối, những cảm xúc đó bắt đầu hình thành niềm tin của bạn về bản thân. “Chẳng ai thích tôi cả” là một trong những niềm tin đó.

Niềm tin này đến từ đâu?

Có rất nhiều lý do khiến bạn tin rằng chẳng ai thích mình:

  • Có thể bạn gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác hoặc kết bạn. Bạn không hiểu được vì sao, ngoài việc cho rằng họ không thích bạn.
  • Có thể bạn đã bị từ chối và điều đó thật đau lòng. Bạn không muốn cảm thấy như vậy lần nào nữa! Nếu bạn cho rằng mọi người đều ghét bạn, bạn sẽ không bao giờ hy vọng được yêu thương, như vậy sẽ không phải chịu tổn thương nữa. Đôi khi chúng ta giữ những niềm tin tiêu cực về bản thân để giữ an toàn cho chính mình.
  • Có thể ai đó đã nói thẳng với bạn rằng chẳng ai thích bạn, có thể là ba hoặc mẹ, một kẻ bắt nạt nào đó, một người bạn. Có thể chuyện đó đã lâu lắm rồi và bạn thậm chí không còn nhớ nữa!
  • Đôi khi những niềm tin như vậy cũng có thể bỗng dưng xuất hiện. Khi tâm trí ở trong trạng thái tiêu cực, bạn có thể bắt đầu tin những điều tiêu cực về bản thân, ngay cả khi không có bằng chứng nào cho thấy những điều đó là sự thật. Những suy nghĩ tiêu cực như thế là triệu chứng phổ biến của trầm cảm và lo âu xã hội.

Nếu bạn có thể xác định được suy nghĩ này đến từ đâu, bạn có thể nhìn ra nguồn cội của nó. Rằng nó không phải là sự thật mà là một niềm tin tiêu cực, mà niềm tin có thể thay đổi!

Tìm kiếm quan điểm trung dung

“Chẳng ai thích tôi” là một ví dụ của suy nghĩ đen trắng. Bộ não của bạn chỉ nhìn thấy hai lựa chọn: hoặc mọi người thích tôi, hoặc không ai thích tôi. Vì vậy chỉ cần ít nhất một người không thích tôi thì có nghĩa là chẳng ai thích tôi cả.

Suy nghĩ đen trắng rất hiếm khi đúng. Hầu hết chúng ta đều được một số người yêu thích và số còn lại sẽ không thích. "Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người" - câu nói đó rất đúng. Sẽ có một số người không thích bạn. Không sao, bạn cũng đâu thích hết tất cả bọn họ!

Tất nhiên, “chấp nhận rằng không phải ai cũng sẽ thích bạn” nói thì dễ hơn làm đấy. "Nhưng tôi muốn ai cũng thích tôi cả!", tôi cũng vậy thôi. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì tôi vẫn có thể sống hạnh phúc và viên mãn dù đâu phải ai cũng muốn trở thành bạn thân nhất của tôi.

Bây giờ chúng ta có hai luồng suy nghĩ thay thế cho suy nghĩ "chẳng ai thích tôi" này:

  • Có người thích tôi, có người không.
  • Tôi có thể sống một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn, ngay cả khi một số người không thích tôi.

Hãy thử nói 2 câu trên với chính mình vào lần tới ngay khi bạn có suy nghĩ chẳng ai thích bạn cả.

Bạn không thể đọc được suy nghĩ của mọi người

“Chẳng ai thích tôi” có thể là điều bạn nói với bản thân sau một cuộc giao tiếp tồi tệ nào đó.

Giả sử bạn đang nói chuyện với ai đó và họ có cái nhìn nheo mắt như thể họ cho rằng những gì bạn kể là nhảm nhí. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, bạn tin chắc rằng họ phải ghét bạn lắm.

Ok cũng có thể đúng là như vậy. Tuy nhiên, hãy thử xem những khả năng khác có thể xảy ra:

  • Có thể bình thường họ đeo kính hoặc đeo lens nhưng hôm nay lại quên mất. Họ gặp khó khăn khi phải nhìn vì vậy họ cứ nheo mắt nhìn mọi người.
  • Có thể họ cực kỳ quan tâm đến những gì bạn đang nói nên họ tập trung cao độ, cố gắng tiếp thu tất cả.
  • Có lẽ đó chỉ là hình dáng khuôn mặt của họ. Một số người vốn sinh ra đã có biểu hiện khuôn mặt trông  như thể đang tức giận.
  • Hoặc cũng có thể bạn nhạy cảm hơn nhiều trước kiểu nhìn đó. Những người từng bị lạm dụng hoặc bị la mắng nhiều khi còn nhỏ thường cảm nhận sự tức giận trên khuôn mặt người khác dù vốn họ không tức giận, tương tự với những người trầm cảm hoặc lo âu xã hội.

Phản ứng đầu tiên của bạn “họ chắc hẳn rất ghét tôi” có thể vô cùng rõ ràng trong khoảnh khắc đó nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu cuộc giao tiếp mà bạn đã hiểu lầm xuất phát từ niềm tin tiêu cực của mình, cũng vì mọi thứ đều được lọc qua ống kính tiêu cực đó. Càng luyện tập nhiều bạn sẽ càng học được cách không tin tưởng vào những suy nghĩ tiêu cực của mình mà bắt đầu xem xét các khả năng khác.

Quá trình thách đấu lại những suy nghĩ của mình có thể khó khăn đặc biệt là trong khoảng thời gian đầu. Nếu bạn có nhiều niềm tin và cảm xúc tiêu cực, hãy cân nhắc gặp một nhà trị liệu, bởi lẽ họ được đào tạo một cách chuyên nghiệp để giúp bạn về vấn đề này đấy!

Cảm thấy được kết nối hơn

Mong là bây giờ bạn đã có thể thấy "chẳng ai thích tôi" là một niềm tin về bản thân mà bạn có khả năng thay đổi. Vậy còn cảm giác cô đơn và cô lập thì sao?

Thay đổi niềm tin của bạn theo cách mà nãy giờ chúng ta đã bàn bạc thực sự sẽ giúp bạn cảm thấy kết nối hơn với mọi người. Khi bớt tập trung vào những niềm tin tiêu cực về bản thân, một cách tự nhiên bạn sẽ trở nên chan hòa hơn và sẵn sàng kết nối với những người khác. Bạn cũng có thể không còn thấy mọi người ghét bạn nhiều như vậy nữa, thậm chí là thấy có một số người còn thích bạn. Những suy nghĩ tích cực ngày càng nhiều hơn: bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân, vì vậy bạn thoải mái tương tác hơn, từ đó bạn có trải nghiệm xã hội tích cực hơn, thế là bạn lại càng cảm thấy tốt hơn về bản thân!

Bạn cũng có thể cố gắng rèn luyện các kỹ năng xã hội. Không một ai có kỹ năng xã hội hoàn hảo cả, vì vậy chúng ta luôn luôn có thể cải thiện. Hỏi một người mà bạn tin tưởng thử xem, có điều gì mà bạn làm khiến họ cảm thấy khó làm bạn với bạn không. Bạn không cần phải thay đổi con người của mình, chỉ cần tìm cách giúp mọi người nhìn thấy những mặt tốt nhất của bạn là được. “Succeed Socially” là một web rất tốt trong việc giúp bạn phát triển các kỹ năng xã hội.

9. Tôi muốn chết

Mọi thứ trong cuộc sống của bạn được thu nhỏ lại thành một suy nghĩ duy nhất - Tôi muốn chết. Đôi lúc không phải vì bạn muốn chết mà là bạn không còn muốn chịu đựng nỗi đau khi phải sống nữa. Khi tinh thần suy sụp nhất, tâm trí của bạn có thể bị chi phối bởi những suy nghĩ vỡ mộng ngăn cản bạn khỏi những hy vọng. Nó giống như một lỗ đen vậy nhưng không phải vậy đâu. Những suy nghĩ này đang tạo ra thứ được gọi là “tầm nhìn đường hầm”. Có những điểm mù trong nhận thức của bạn mà bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì ở ngay trước mắt - nỗi đau mà thôi.

Tôi đã từng như vậy. Rất nhiều người khác cũng vậy. Bạn không đơn độc đâu, và khoảnh khắc tuyệt vọng đó sẽ qua đi. Có thể bạn cảm thấy như thể không còn lựa chọn nào khác nhưng thật ra bạn có đấy. Chỉ là bạn không thể nhìn thấy chúng nếu tầm nhìn đường hầm đang chắn bạn lại. Bạn sẽ không thể khỏi hoàn toàn trước các vấn đề sức khỏe tinh thần của mình nhưng bạn vẫn có thể sống sót khỏi giây phút “Tôi muốn chết đi” đó. Có những ngày bạn cần phải nắm chặt cuộc sống từng giờ, thậm chí từng phút cho đến khi bạn có thể cải thiện và hồi phục. Khi những suy nghĩ đó xuất hiện, công việc duy nhất của bạn là phải giữ an toàn cho bản thân cho đến khi nỗi đau ấy qua đi.

Lưu ý một số điều sau để giữ an toàn cho bản thân. Đặt ranh giới giữa suy nghĩ và hành động của bạn, đồng thời hãy nói chuyện với ai đó như bạn bè, cha mẹ hoặc nhà tham vấn về cảm giác của bạn. Có thể bạn cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác nếu yêu cầu giúp đỡ. Có thể bạn không có động lực để hỏi. Tuy nhiên, chia sẻ những cảm nhận của bản thân có thể giúp bạn thoát khỏi suy nghĩ của chính mình và tìm ra cách giúp bạn đối phó với chúng tốt hơn.

Điều quan trọng là bạn phải nhận biết khi nào bạn bắt đầu cảm thấy tồi tệ để còn giải quyết chúng trước khi chúng trở nên tồi tệ hơn. Hãy chủ động lập kế hoạch an toàn trước khi những suy nghĩ đen tối đó xuất hiện. Xác định một hoạt động nào đó khiến bạn cảm thấy thoải mái và xác định một người mà bạn có thể tin tưởng để gọi. Nếu có thể, hãy cung cấp thông tin liên hệ của bạn cho nhà tham vấn hoặc nhà trị liệu. 

Đây chỉ đơn thuần là những gợi ý, tôi biết là để làm được khi trong bạn có những cảm xúc tồi tệ là gần như không thể. Tuy nhiên, những gì bạn đang trải qua là vô cùng chân thật và không nên xem nhẹ. Nếu bạn thường xuyên có những khoảnh khắc đen tối như vậy, hãy chia sẻ với một chuyên gia sức khỏe tinh thần về các lựa chọn điều trị như trị liệu hoặc sử dụng thuốc.

10. PTSD phức tạp là gì?

Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) thường xuất hiện sau khi cá nhân trải qua duy nhất một sự kiện đau thương ngắn như tai nạn xe hơi, thiên tai hoặc một cuộc tấn công bạo lực. Tuy nhiên, sang chấn có nhiều dạng, những người trải qua sang chấn liên tục trong một thời gian dài có thể phát triển thành một dạng PTSD đặc biệt PTSD phức tạp hoặc C-PTSD.

Các dạng sang chấn lâu dài có thể gây ra C-PTSD bao gồm:

  • Bị lạm dụng thể chất và tình cảm
  • Bị phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bị kỳ thị đồng tính và chuyển giới cùng nhiều hình thức bị gạt ra ngoài lề xã hội khác
  • Mại dâm và buôn người
  • Chiến tranh, bao gồm cả trại tù binh chiến tranh
  • Thanh lọc sắc tộc, có thể bao gồm cưỡng chế di cư và sinh sống trong trại tập trung

Sang chấn kéo dài có thể gây cản trở khả năng đối phó với cuộc sống hàng ngày của một người. Điều này càng đúng nếu sự việc diễn ra trong thời thơ ấu của cá nhân. Não bộ của trẻ vẫn đang phát triển và chúng chưa học được các kỹ năng ứng phó cần thiết để có thể thích nghi với cuộc sống. Vậy nên, trẻ thường nghĩ những gì chúng đang trải qua là bình thường và có thể không nhận ra đó là sang chấn cho đến tận về sau.

Cá nhân có thể bị cả PTSD và C-PTSD, chẳng hạn vừa bị lạm dụng khi còn nhỏ vừa trải qua một tai nạn xe hơi đau thương.

C-PTSD trông như thế nào?

C-PTSD có thể xảy ra qua 7 yếu tố:

  • Sự gắn bó: gặp khó khăn xây dựng những ranh giới lành mạnh, cô lập bản thân, không tin tưởng người khác.
  • Sinh học: bị đau mãn tính và các vấn đề y khoa khác, thiếu sự phối hợp vận động trong các cơ
  • Điều chỉnh cảm xúc: khó gọi tên cũng như thể hiện cảm xúc
  • Phân ly: mất trí nhớ, cảm thấy tách rời khỏi tâm trí hoặc cơ thể, không biết đâu là thật
  • Kiểm soát hành vi: kiểm soát xung động, khó tuân theo các quy tắc hoặc đưa ra quyết định, các vấn đề về sự tức giận, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất và rượu cồn
  • Tư duy: khó tập trung, học tập hoặc hoàn thành nhiệm vụ được giao
  • Khái niệm về bản thân: cảm giác không biết mình là ai, lòng tự trọng/hình ảnh cơ thể thấp/xấu, cảm giác tội lỗi và xấu hổ

Có rất nhiều sự trùng lặp giữa C-PTSD với các triệu chứng điển hình của PTSD. Tuy nhiên, nó cũng trùng lặp với các vấn đề sức khỏe tinh thần khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ và rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD). Những người trải qua sang chấn phức tạp có nguy cơ mắc phải các vấn đề trên cao hơn rất nhiều. Việc điều trị sẽ gặp khó khăn nếu không giải quyết được các sang chấn tiềm ẩn đằng sau.

C-PTSD được điều trị như thế nào?

Giống như các vấn đề sức khỏe tinh thần khác, C-PTSD có thể được điều trị bằng cách kết hợp giữa trị liệu tâm lý, chánh niệm, thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Một số mục tiêu điều trị quan trọng:

  • Phát triển kỹ năng điều tiết cảm xúc
  • Vượt qua sang chấn và xác định cách mà nó ảnh hưởng lên bạn
  • Học phương pháp suy nghĩ và hành động theo những cách mới, lành mạnh hơn
  • Quản lý lo âu và căng thẳng

11. Tôi cảm thấy như thể mình đang mất kiểm soát!

Dù là không thể ngừng cáu gắt với mọi người, không thể ngừng uống rượu hay suy nghĩ về những điều ngu ngốc thì cảm giác mất kiểm soát cũng có thể khiến bạn vô cùng bức bối. Thật đáng sợ mà cũng thật thú vị… cho đến khi chúng ta thức dậy vào ngày hôm sau và nhận ra mình đã làm gì.

Thỉnh thoảng cảm thấy mất kiểm soát là việc rất bình thường. Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm và làm những điều mình hối tiếc. Tuy nhiên, nếu bạn luôn thấy mình mất kiểm soát thì có thể vấn đề không chỉ đơn giản là như vậy.

Thấu hiểu vì sao chúng ta làm những việc đó

Chúng ta có rất nhiều động lực khác nhau, có lúc logic, cũng có lúc cảm tính. Đôi khi chúng sẽ xảy ra mâu thuẫn với nhau. Có thể về mặt cảm xúc bạn muốn đánh ai đó, nhưng logic bạn lại không muốn bị bắt.

Các quyết định logic chiếm nhiều năng lượng hơn các quyết định cảm tính, càng mất tập trung càng khó suy nghĩ một cách logic. Dưới đây là một số điều có thể khiến bạn khó kiểm soát hành vi của mình:

  • Cảm xúc mãnh liệt. Thủ phạm lớn nhất là tức giận, sợ hãi, căng thẳng và đau buồn. Chúng ta thậm chí có lúc còn không nhận thức được những cảm xúc này thế nhưng chúng vẫn ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Hãy tâm sự với một ai đó về cảm xúc của bạn và viết nhật ký. Đây là những cách tuyệt vời để phân loại cảm xúc của bạn và vì sao bạn lại có những cảm xúc đó.
  • Sự bồn chồn. Nếu không hài lòng với cuộc sống của mình, bạn có thể bắt đầu đưa ra những quyết định hấp tấp chỉ vì bạn cảm thấy bế tắc. Có thể đơn giản là vì bạn cảm thấy buồn chán, có thể có điều gì đó bạn muốn có trong cuộc sống của mình nhưng không đạt được. Thay vì hành động một cách ngẫu hứng, hãy cố gắng xác định điều gì còn thiếu và chúng ta có thể thay đổi điều đó như thế nào.
  • Mức năng lượng của bạn. Nếu bạn kiệt sức về thể chất hoặc tinh thần, bạn sẽ có ít năng lượng để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Đôi khi tất cả những gì bạn cần làm chính là ngủ một giấc ngắn, ăn một bữa ăn nhẹ để đầu óc thoải mái hơn.
  • Những người xung quanh bạn. Áp lực đồng đẳng nghe có thể hơi sáo rỗng nhưng nó vô cùng thực tế. Nếu bạn đang đi chơi với những người uống nhiều rượu thì bạn sẽ khó mà cưỡng lại ly rượu đó. Vì vậy hãy cố gắng kết nối với những người bạn ngưỡng mộ hoặc muốn học hỏi.
  • Luyện tập. Thật khó để từ bỏ một thói quen nào đó, tuy nhiên điều này sẽ dễ dàng hơn nếu có sự luyện tập. Rồi bạn cũng sẽ thay thế được những thói quen xấu thành những thói quen tốt. Việc đưa ra quyết định cũng sẽ tốt hơn và diễn ra một cách tự nhiên hơn.
  • Sử dụng chất hoặc rượu. Chất và rượu có thể làm giảm sự ức chế của bạn. Chúng khiến bạn nhận thức kém về môi trường xung quanh và những gì phù hợp với xã hội. Chúng cũng có thể khiến bạn khó ghi nhớ các mục tiêu dài hạn cũng như thực hiện mục tiêu đã đề ra.
  • Sức khỏe tinh thần. Một số vấn đề sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng đặc biệt mạnh mẽ lên hành vi. Nếu bạn có ADHD, rối loạn lưỡng cực hoặc loạn thần, bạn có thể sẽ cần được điều trị chuyên khoa để giúp kiểm soát hành vi của mình hơn.

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần