` Rối loạn lưỡng cực: điều trị và phục hồi - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Rối loạn lưỡng cực: điều trị và phục hồi

1. Tình trạng bệnh

Liệu rằng tôi sẽ luôn bị rối loạn lưỡng cực?

Khi bạn ở trạng thái tồi tệ nhất, thật khó để tưởng tượng khi nào bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Đôi khi bạn thậm chí có thể không nhớ cuộc sống của bạn như thế nào trước khi bắt đầu bị rối loạn lưỡng cực. Thật dễ để cảm thấy tuyệt vọng và tự hỏi rằng: "Tôi sẽ mãi mãi như thế này sao?"

Trải nghiệm của những người bị rối loạn lưỡng cực thường khác nhau. Một số người chỉ trải qua một vài giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm, trong khi những người khác lại trải nghiệm chúng lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời. Thực sự không có cách nào để biết bạn sẽ trải qua những giai đoạn nào. Tất cả những gì bạn có thể làm là tập trung vào cách giải quyết các triệu chứng mà bạn đang gặp phải.

2. Tổng quan điều trị và phục hồi

a. Điều trị và tự giúp đỡ

Thật không may, vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm cho chứng rối loạn lưỡng cực và không có cách nào để đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ tái phát. Nhưng vẫn có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả bao gồm nhiều điều bạn có thể tự làm. Nhiều người có thể tìm thấy sự kết hợp giữa các phương pháp điều trị và các kỹ năng đối phó, điều này làm cho họ bình phục.

Nếu bạn có một số nghi ngờ về việc tìm kiếm phương pháp điều trị, điều này không sao cả. Hoàn toàn tự nhiên nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi mở lòng với người khác về bệnh tâm thần của mình. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đọc thêm nhiều bài báo trên trang này và các trang web khác để tìm hiểu thêm về rối loạn lưỡng cực. Hãy tìm người mà bạn tin tưởng, một người mà bạn có thể tâm sự, nhưng đừng đợi đến khi chứng rối loạn lưỡng cực tự biến mất, nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu không có sự can thiệp.

b. Phục hồi

Vì rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến mỗi người khá khác nhau thì sự phục hồi của mỗi người cũng khá đặc trưng. Một số người có thể loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng. Nhưng thường thì mọi người có thể giảm các triệu chứng đến mức có thể kiểm soát được và có thể ngăn chứng rối loạn lưỡng cực kiểm soát cuộc sống của mình.

Nhiều người thậm chí còn cảm thấy biết ơn những gì họ đã học được khi sống chung và hồi phục sau chứng rối loạn lưỡng cực. Sẽ không sao nếu bạn không bao giờ đạt đến mức đó - bạn chỉ cần chấp nhận nó và làm những gì bạn cần làm để chăm sóc bản thân.

Phục hồi sau rối loạn lưỡng cực có thể là một quá trình lâu dài và nó có thể là công việc khó khăn… Nhưng điều này rất xứng đáng!

3. Các bước điều trị cụ thể

a. Làm thế nào để điều trị rối loạn lưỡng cực?

Đối với hầu hết mọi người, một số sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, trị liệu tâm lý, dùng thuốc và có sự hỗ trợ sẽ hữu hiệu cho việc điều trị rối loạn lưỡng cực. Tuỳ từng người, một trong các phương pháp này có thể hiệu quả hơn phương pháp còn lại. Có thể bạn mất khá nhiều thời gian để khám phá những phương pháp phù hợp với bạn, nhưng điều này thật sự rất cần thiết.

b. Thay đổi lối sống

Nhiều thói quen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đều đặn, ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, những điều này có thể giúp ích rất nhiều. Một số người đạt được nhiều lợi ích từ việc giảm hoặc loại bỏ việc sử dụng caffeine, rượu bia hoặc chất kích thích. Thiền, yoga và thực hành tâm linh cũng có thể hữu ích. Hãy chú ý đến những điều đơn giản, như dành thời gian chăm sóc bản thân, thử các hoạt động mà bạn yêu thích và dành thời gian cho những người hoặc môi trường mà bạn cảm thấy được hỗ trợ.

Điều quan trọng là bạn phải biết được các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm của bạn như thế nào. Bằng cách đó, bạn có thể tự mình nhận ra và can thiệp trước khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.

c. Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý có thể là một phương pháp tuyệt vời để bạn học cách kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực và trò chuyện với ai đó cởi mở và trung thực. Hãy tìm một nhà trị liệu có kinh nghiệm và kiến ​​thức về rối loạn lưỡng cực hay bất cứ điều gì khác mà bạn có thể cần được giúp đỡ. Điều này có thể bao gồm sang chấn, nghiện hoặc các vấn đề gia đình. Các loại trị liệu tâm lý có thể trợ giúp là Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT), Liệu pháp Hành vi Biện chứng (DBT) và các liệu pháp gia đình. Trị liệu nhóm cũng là một sự lựa chọn.

d. Thuốc

Một lựa chọn khác là dùng thuốc. Các loại thuốc được thiết kế để điều trị rối loạn lưỡng cực được gọi là thuốc ổn định cảm xúc và công dụng của thuốc cũng như chính tên gọi - ổn định cảm xúc, do đó các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm của bạn được giảm bớt hoặc loại bỏ. Một số người bị rối loạn lưỡng cực cũng dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc lo âu.

Thuốc ảnh hưởng đến mỗi người theo nhiều cách khác nhau, vì vậy không phải loại thuốc nào cũng hiệu quả với bạn và nhiều loại thuốc cũng sẽ có tác dụng phụ. Bạn sẽ cần làm việc với bác sĩ để tìm ra một loại thuốc phù hợp với mình. Việc dùng nhiều loại thuốc là để điều trị các triệu chứng khác nhau hoặc để chống lại các tác dụng phụ của thuốc.

e. Nguồn lực hỗ trợ

Điều quan trọng là tìm sự hỗ trợ từ những người khác. Điều này có thể đến từ gia đình, bạn bè, chuyên gia hoặc các nhóm hỗ trợ. Các nhóm hỗ trợ được tạo ra từ những cá nhân có cùng trải nghiệm, họ thường xuyên gặp nhau để thảo luận về những điều mà họ đã trải qua. Trò chuyện với những người trải qua những điều tương tự có thể khiến bạn cảm thấy bớt cô đơn và được kết nối nhiều hơn. Nó cũng tạo ra một không gian, nơi mà mọi người có thể chia sẻ về những phương pháp đã mang lại hiệu quả cho họ và trò chuyện với những người hiểu về những điều mà họ đã trải qua.

4. Thuốc điều trị

a. Điều trị rối loạn lưỡng cực bằng thuốc gì?

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực. Những loại thuốc phổ biến nhất thường được gọi là thuốc ổn định cảm xúc. Chúng hoạt động bằng cách khôi phục sự cân bằng hóa học trong não của bạn.

Thuốc ổn định cảm xúc hoạt động tốt nhất nếu bạn sử dụng chúng liên tục. Đôi khi nhiều người ngừng sử dụng chúng trong giai đoạn hưng cảm bởi vì họ cảm thấy tuyệt vời trong giai đoạn này và họ không muốn bỏ lỡ điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn ngừng uống thuốc, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thuốc có tác dụng lại sau khi một đợt trầm cảm khác ập đến.

Dưới đây là một số loại thuốc ổn định cảm xúc phổ biến nhất:

b. Lithium

Lithium là loại thuốc lâu đời nhất được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả đối với nhiều người, nhưng bạn sẽ cần phải lấy máu thường xuyên để đảm bảo nó không tích tụ trong mạch máu của bạn. Nó cũng không phải là lựa chọn tốt đầu tiên nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú hay có thể sắp mang thai.

c. Thuốc chống co giật

Lamictal (lamotrigine)

Depakote (divalproex)

Nhiều loại thuốc lần đầu tiên được phát triển để điều trị chứng động kinh (co giật) cũng có tác dụng hiệu quả đối với rối loạn lưỡng cực. Nhiều loại trong số những thuốc này có thể có tác dụng phụ như chóng mặt và thường không được khuyến khích khi đang mang thai hoặc cho con bú.

d. Thuốc chống loạn thần

Risperdal (risperidone)

Seroquel (quetiapine)

Abilify (aripiprazole)

Latuda (lurasidone)

Vraylar (cariprazine)

Những loại thuốc này đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn ngừa các giai đoạn hưng cảm. Đôi khi chúng cần được dùng kết hợp với thuốc chống trầm cảm để điều trị cả hai triệu chứng hưng cảm và trầm cảm của rối loạn lưỡng cực. Chúng thường hiệu quả hơn các loại thuốc rối loạn lưỡng cực khác, nhưng cũng có thể làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn.

Nhiều người bị rối loạn lưỡng cực cũng dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu. Chúng có thể được kết hợp với thuốc ổn định cảm xúc hoặc sử dụng riêng lẻ.

Một số người chuyển sang sử dụng rượu bia hoặc ma túy để kiểm soát các triệu chứng của họ - thậm chí họ không nhận ra những gì mà mình đang làm. Nó được gọi là tự điều trị. Uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích khi bị trầm cảm có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong chốc lát, nhưng những chất kích thích này không có hiệu quả lâu dài trong việc điều trị rối loạn lưỡng cực.

5. Từng bước tự phục hồi

a. Làm thế nào tôi có thể tự phục hồi sau rối loạn lưỡng cực?

Trị liệu tâm lý và thuốc không phải là cách duy nhất để điều trị rối loạn lưỡng cực. Có rất nhiều cách bạn có thể tự điều trị cho mình!

b. Tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể về rối loạn lưỡng cực.

Bạn có thể tìm thấy rất nhiều thông tin hữu ích trên internet, trên trang web này hay nhiều trang web khác. Hãy đọc tất cả những gì bạn có thể về rối loạn lưỡng cực - rối loạn lưỡng cực là gì và nó hoạt động như thế nào. Càng hiểu rõ về rối loạn lưỡng cực thì bạn càng có thể kiểm soát được các triệu chứng của nó.

Việc tìm hiểu về rối loạn lưỡng cực cũng giúp bạn biết được những câu chuyện của những người đã từng sống với nó. Bạn có thể đọc các bài đăng trên blog hoặc hồi ký, xem video hay truy cập các diễn đàn như Chữa lành Trầm cảm và các cộng đồng trực tuyến khác. Nghe về những trải nghiệm của người khác sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn, xác định chính xác những gì bạn đang gặp phải và có được những ý tưởng hay về những phương pháp phù hợp với bạn.

c. Tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể về bản thân mình!

Sức khỏe tinh thần của bạn gắn liền với suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Đó là một phần của con người bạn, và thật khó để cải thiện sức khỏe tinh thần nếu bạn không tìm hiểu thêm về bản thân mình.

Bạn có thể cảm thấy như bạn đã biết khá rõ về bản thân mình, nhưng tất cả chúng ta đều có những điều mà chúng ta không biết - hoặc quá khó để chấp nhận. Dưới đây là một số cách để hiểu rõ hơn về bản thân:

  • Theo dõi tâm trạng của bạn. Mỗi ngày bạn hãy viết ra cảm xúc của mình. Nếu bạn có thể xác định điều gì đã khiến bạn cảm thấy như vậy, hãy viết điều đó ra giấy. Sau một thời gian, bạn sẽ có thể xác định được nguyên nhân. Có thể trầm cảm ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn vào những ngày trời âm u… hoặc có thể ngủ không đủ giấc sẽ gây ra cơn hưng cảm. Càng dự đoán trước được tâm trạng của mình, thì bạn sẽ càng ít ngạc nhiên hơn - và bạn có thể ứng phó với chúng tốt hơn. Hãy làm điều này khi bạn đang cảm thấy hưng cảm lẫn trầm cảm.
  • Chú ý đến suy nghĩ của bạn. Suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của bạn. Hãy hạn chế nói điều tiêu cực về bản thân và những niềm tin phi lý.
  • Xác định các kỹ năng đối phó của bạn. Tất cả chúng ta đều có những cách khác nhau để đối phó với cảm xúc của mình. Bạn có ăn uống khi áp lực không? Bạn có uống rượu bia khi buồn không? Bạn có chạy bộ, chơi game, nghe nhạc hay gọi điện cho bạn bè không? Đây đều là những kỹ năng đối phó, và chúng đều có ưu và khuyết điểm riêng. Cố gắng không dán nhãn kỹ năng đối phó nào của bạn là “tốt” hoặc “xấu”. Thay vào đó, hãy nghĩ xem chúng hoạt động như thế nào - ngắn hạn hay dài hạn.
  • Nhận phản hồi từ những người bạn tin tưởng. Khi bạn cảm thấy tồi tệ nhất, có lẽ bạn sẽ cần sự hỗ trợ và động viên hơn bất cứ điều gì. Nhưng khi bạn đã có thể giải quyết được nó thì bạn sẽ mong muốn nhận được một số phản hồi mang tính xây dựng hơn. Hãy tìm những người sẽ cung cấp phản hồi đó một cách nhạy cảm… và hãy chuẩn bị tinh thần để nghe một số điều có thể không thoải mái.
  • Thực hiện những thay đổi nhỏ theo thời gian. Khi bạn tìm hiểu thêm về bản thân, có thể bạn sẽ nhận thấy một số suy nghĩ, niềm tin và hành vi mà bạn muốn thay đổi. Hãy chọn một hoặc hai việc để làm cùng một lúc và hãy bắt đầu với những việc thực sự dễ dàng. Khi bạn đã đạt được tiến bộ, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tự tin hơn và cuối cùng bạn sẽ có thể giải quyết những việc lớn hơn. Nếu bạn cố gắng thực hiện quá nhiều thay đổi cùng một lúc thì có thể bạn sẽ bị choáng ngợp.
  • Giữ một tâm trí cởi mở. Khi bạn đang đưa ra quyết định những điều cần thử, hãy giữ một tâm trí cởi mở về những gì có thể hiệu quả. Đôi khi những thứ bạn khó chịu nhất lại là những thứ có thể mang lại lợi ích cho bạn!

Thỉnh thoảng hãy xem lại những gì bạn đang thực hành. Ghi lại những gì hiệu quả và những gì không. Khi bạn trưởng thành và hoàn cảnh của bạn thay đổi, bạn có thể cần thử những cách khác nhau để giữ cho tinh thần khỏe mạnh.

6. Những nguồn có thể chia sẻ

a. Tôi có thể nói chuyện với ai về chứng rối loạn lưỡng cực của mình?

Khi bị rối loạn lưỡng cực, bạn sẽ rất dễ cảm thấy cô đơn. Có thể cảm thấy như không ai hiểu những gì bạn đang trải qua. Bạn thậm chí có thể không hoàn toàn hiểu rõ mình! Việc kêu gọi trợ giúp có thể đáng sợ, nhưng bạn không cần phải tự mình trải qua chứng rối loạn lưỡng cực.

Hiện tại, hàng triệu người trên khắp thế giới cũng đang sống chung với rối loạn lưỡng cực. Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên khi có bao nhiêu người trong số đó là những người bạn đã biết. Nhiều người khác cũng sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu.

Sẽ có một số người không hiểu, nhưng bạn không cần phải thuyết phục họ - bạn chỉ cần tiếp tục cố gắng tìm một hệ thống hỗ trợ phù hợp với bạn. Những đề xuất dưới đây chỉ là những gợi ý. Hãy bắt đầu với bất kỳ lựa chọn nào bạn cảm thấy thoải mái nhất ngay bây giờ. Sau này, bạn cũng có thể mở lòng với nhiều người hơn.

  • Bạn bè và gia đình

Nếu bạn đã có bạn bè và gia đình ủng hộ thì việc mở lòng với họ có thể là một nơi tuyệt vời để bắt đầu. Đó có thể là một sự hỗ trợ lớn khi bạn mở lòng với những người gần gũi nhất với bạn, vì bạn không còn phải che giấu những cảm xúc mà bạn đang có. Bạn cũng có thể mở lòng với các huấn luyện viên, giáo viên hoặc các nhà lãnh đạo tôn giáo - bất kỳ ai trong cuộc sống của bạn mà bạn thân thiết.

  • Chuyên gia

Các chuyên gia mà bạn có thể mở lòng về sức khỏe tinh thần của mình bao gồm bác sĩ, nhà trị liệu hoặc những người hỗ trợ đồng đẳng. Nếu bạn đã gặp bác sĩ, đó có thể là một nơi tuyệt vời để bắt đầu - và họ có thể giúp bạn tìm một nhà trị liệu hoặc bất kỳ chuyên gia nào khác mà bạn có thể cần gặp. Nếu bạn đang đi học, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường có thể giúp bạn điều này.

  • Nhóm hỗ trợ 

Nhóm hỗ trợ được tạo ra từ những người đã trải qua những điều tương tự. Họ có thể gặp gỡ offline hoặc online. Họ nói về cuộc sống hàng ngày, về những cuộc đấu tranh và những chiến thuật mà họ đã sử dụng để đối phó và phát triển. Thật tuyệt vời khi bạn cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng và nghe về những người khác cũng trải qua những điều tương tự như bạn.

  • Đường dây trợ giúp ẩn danh

Đường dây nóng, warmlines, hỗ trợ trực tuyến hoặc dòng văn bản cũng có thể hữu ích. Những hoạt động này thường được điều hành bởi các tình nguyện viên hoặc nhân viên được đào tạo với công việc là lắng nghe những người cần giúp đỡ. Nói chuyện với một người lạ có thể giúp bạn cảm thấy an toàn hơn về những gì bạn đang chia sẻ và những người lạ có thể đưa ra phản hồi khách quan hơn những người có liên quan đến cuộc sống của chúng ta.

b. Tôi nên nói gì?

Nếu bạn không chắc phải nói gì, hãy thử viết ra giấy những suy nghĩ của mình trước. Điều này có thể giúp bạn hiểu rõ lời nói của mình để bạn biết cách thể hiện bản thân. Bạn thậm chí có thể viết một lá thư cho một người nào đó, nếu bạn thấy điều đó dễ dàng hơn khi nói chuyện với họ. Hãy thử sử dụng một đường dây trợ giúp hoặc một nhóm hỗ trợ như một “phương pháp” để mở lòng với bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia mà bạn có thể cảm thấy lo lắng hơn khi trò chuyện cùng.

7. Nếu tôi thích cơn hưng cảm?

Tôi thích hưng cảm

Nhiều người cảm thấy mâu thuẫn khi được điều trị rối loạn lưỡng cực. Một mặt, họ cảm thấy thật tuyệt khi cuối cùng cũng kiểm soát được cuộc sống của mình, mặt khác họ lại không thích cảm giác buồn bã. Nhưng còn hưng cảm thì sao? Hưng cảm có thể làm cho bạn cảm thấy vui vẻ và thú vị. Ý nghĩ phải từ bỏ việc điều trị có thể làm cho các triệu chứng khác của rối loạn lưỡng cực có vẻ dễ chịu hơn rất nhiều. Bạn thậm chí có thể bị cám dỗ để ngừng điều trị và cơn hưng cảm của bạn sẽ quay trở lại.

Vì vậy, làm thế nào bạn có thể chấp nhận việc điều trị - và bạn có thể làm gì nếu bạn bắt đầu cảm thấy đã bỏ qua cơn hưng cảm của mình?

Bạn thích điều gì về hưng cảm?

Đầu tiên, hãy xác định chính xác điều mà bạn thích là gì. Nó có thể hữu ích khi ta tạo ra một danh sách. Hưng cảm có khiến bạn cảm thấy làm việc hiệu quả, hấp dẫn, sáng tạo và được kết nối hơn không? Bạn có cảm thấy hưng cảm là “phiên bản tốt nhất” của mình không? Bạn đã học cách xác định bản thân về những gì bạn làm khi hưng cảm chưa?

Mặt trái của hưng cảm là gì?

Mặc dù hưng cảm có thể mang lại nhiều niềm vui, nhưng hưng cảm cũng có mặt trái của nó. Bạn có gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những gì mình đã làm khi bị hưng cảm không? Và sự kiên định đó có cho phép bạn hoàn thành những điều mà cơn hưng cảm và trầm cảm nghiêm trọng đã kìm hãm bạn trong quá khứ không! Bạn có tiêu tiền mà bạn không có chứ? Bạn có mất kết nối với thực tế không (loạn thần)?

Hãy liệt kê ra danh sách những câu hỏi trên đây. Và bây giờ, bạn đã có một danh sách "ưu và nhược điểm", nó có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt nhất cho việc điều trị của mình.

Tìm những cách mới để mang đến những gì tuyệt vời nhất.

Khi cơn hưng cảm của bạn giảm đi hoặc bị loại bỏ, không có nghĩa là bạn không còn có khả năng sáng tạo, làm việc hiệu quả hay kết nối với người khác. Có thể bạn sẽ mất nhiều công sức để tự mình làm những việc đó mà không cần tới sự giúp đỡ của hưng cảm… Nhưng một khi bạn học được cách làm, bạn sẽ có thể thực hiện nó một cách tốt hơn. 

Cho phép bản thân đau buồn.

Có thể có một số điều về hưng cảm mà bạn sẽ phải bỏ lại hoàn toàn, điều này thật khó để chấp nhận. Hãy cho phép bản thân cảm thấy buồn về những điều này. Nhiều người đã phục hồi được một thời gian dài vẫn thỉnh thoảng nhớ đến cơn hưng cảm - nhưng họ cũng đã học được cách để sống một cuộc sống ổn định và hạnh phúc hơn sau này.

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần