` Sống chung với loạn thần - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Sống chung với loạn thần

1. Nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thực

Tôi nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có ở thực tại

Nếu bạn đang nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có ở thực tại, hãy tự hỏi bản thân những câu sau để tìm hiểu xem có điều gì nghiêm trọng đang xảy ra hay không.

Vấn đề này có xảy ra thường xuyên không?

Nó có gây phiền hà cho bạn không?

Bạn có chắc là không ai khác nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ đó không? (Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng bạn cần phải kiểm tra thực tại của mình.)

Bạn có còn trải nghiệm những điều kỳ lạ hoặc khó giải thích nào khác nữa không? Ví dụ: có cảm giác như mọi người đang dõi theo bạn mọi lúc mọi nơi?

Nếu câu trả lời cho các câu hỏi trên là “có”, thì có lẽ bạn đang phải vật lộn với những dấu hiệu ban đầu của loạn thần.

Tôi nên làm gì tiếp theo?

Tình trạng loạn thần có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn phải chịu căng thẳng tột độ, ngủ không đủ giấc hoặc không liên hệ để được điều trị. Nhận được sự trợ giúp càng sớm thì càng tốt cho bạn.

Dưới đây là một số điều cần cân nhắc thực hiện nếu bạn đang vật lộn với loạn thần:

Khám sàng lọc sức khỏe tâm thần. Sau đó, bạn có thể chia sẻ kết quả với người mà bạn tin tưởng để thảo luận về những việc cần làm tiếp theo.

Quản lý sự căng thẳng của bạn. Bạn có nhận thấy những điều gì sẽ khiến cho các triệu chứng của mình tồi tệ hơn không? Bạn có thể làm gì để tránh những tình huống đó hoặc giảm bớt tác động tiêu cực của chúng? Tiếp tục tình trạng căng thẳng sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Bạn có ngủ đủ giấc không? Ngủ không đủ giấc (đặc biệt là thiếu ngủ trong nhiều ngày) có thể là dấu hiệu cho thấy rằng bạn đang gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như Rối loạn lưỡng cực.

Bắt đầu điều trị: Thông qua điều trị, các dấu hiệu sớm của loạn thần có thể được giải quyết. Hãy lựa chọn hướng điều trị  toàn diện để đạt được hiệu quả tốt hơn. Sẽ có các nhà chuyên môn hỗ trợ bạn trong các vấn đề liên quan đến học tập, công việc, cuộc sống gia đình, thuốc men và các mối quan hệ. Hướng điều trị này được gọi là Chăm sóc Chuyên khoa Phối hợp (Coordinated Specialty Care). Loạn thần cũng đáp ứng với thuốc tương đối nhanh (trong vòng một tuần). Nếu bạn quan tâm đến việc dùng thuốc, bạn sẽ cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra loại thuốc điều trị phù hợp với mình.

Đừng chiến đấu một mình và cũng đừng chờ đợi. Thực hiện một số bước đi sớm chính là chìa khóa để cải thiện tình trạng của bạn.

2. Không thể ngừng suy nghĩ về những điều tồi tệ sẽ diễn ra

Tôi không thể ngừng suy nghĩ về những điều tồi tệ có thể xảy ra

Đôi khi bạn có thể cảm thấy như tâm trí đang muốn chống lại bạn. Trong khi bạn đang cố gắng tận hưởng cuộc sống, thì bộ não của bạn lại không ngừng tập trung vào những điều tồi tệ có thể xảy ra. Cho dù những viễn cảnh đó có thực sự xảy ra hay không thì những luồng suy nghĩ này vẫn có thể khiến bạn phiền muộn và mệt mỏi. Việc lo lắng thường xuyên làm bạn tiêu hao rất nhiều sức lực!

Cảm xúc mà bạn cảm thấy khi lúc nào cũng lo lắng được gọi là lo âu. Cơ thể của bạn căng cứng, còn tâm trí thì bị dán chặt vào điều bạn đang lo lắng. Và thật khó để tập trung vào bất cứ điều gì khác. Lo âu cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của bạn và khiến bạn khó ngủ.

Một ít sự lo lắng có thể hữu ích cho bạn. Ví dụ: nếu bạn thấy lo lắng về kỳ thi sắp tới, sự lo lắng này có thể thúc đẩy bạn ôn tập bài vở và giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn. Nhưng tình trạng lo âu có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu bạn trở nên lo âu đến mức không thể tập trung vào việc học thì sự lo lắng lúc này không còn hữu ích nữa.

Giảm lo âu tức thời

Nếu sự lo âu của bạn vượt khỏi tầm kiểm soát, điều đầu tiên bạn cần làm là giảm nó xuống mức kiểm soát được. Điều này có thể dễ nói hơn là làm, nhưng với sự luyện tập, bạn có thể tìm được một vài kỹ năng ứng phó hữu ích cho mình. Một vài cách đơn giản bạn có thể thử là hít thở sâu, tập thể dục và viết nhật ký.

Khi mức độ lo âu của bạn đã giảm đi một chút, bạn có thể bắt đầu nghĩ về những gì đang thực sự diễn ra: Nỗi lo âu này đang muốn nhắn nhủ với bạn điều gì?

Bạn đang lo lắng về các vấn đề trong đời sống thực

Việc cảm thấy lo lắng về điều gì đó thực sự có thể xảy ra là chuyện rất tự nhiên. Ví dụ: nếu bạn sắp chuyển đến một thành phố mới, tất nhiên bạn có thể cảm thấy lo lắng — toàn bộ cuộc sống của bạn sắp thay đổi! Nhưng một khi bạn đã đến đó và có một khoảng thời gian để thích nghi và ổn định lại, sự lo lắng này sẽ qua đi.

Còn trong lúc này, hãy dành cho mình một khoảng thời gian nhất định — có thể là nửa giờ đồng hồ — để ngồi với nỗi lo lắng của bạn. Hãy lập một danh sách bao gồm mọi thứ bạn có thể làm để chuẩn bị cho điều bạn đang lo lắng về. Lần tới khi cơn lo lắng lại trỗi dậy, bạn có thể áp dụng các kỹ năng ứng phó để giảm mức độ lo lắng xuống mức kiểm soát được, sau đó lướt qua danh sách bạn đã lập và xem thử bạn có thể làm được việc nào trong đó không. Nếu chẳng có việc nào bạn có thể làm được lúc này thì sao? Vậy thì hãy áp dụng một kỹ năng ứng phó lo âu hữu hiệu hơn để vượt qua cơn lo lắng ấy.

Bạn đang có những lo lắng phi lý

Khi bạn lo lắng về một điều gì đó rất khó có thể xảy ra, hay khi nỗi lo lắng của bạn trở nên quá lớn đối với một vấn đề tương đối nhỏ, lúc này sự lo lắng của bạn được coi là phi lý. (“Phi lý” là một cách diễn đạt khác của “không thực tế.”) Thỉnh thoảng, khi người ta nhận ra nỗi lo sợ của họ là phi lý, họ sẽ ngừng lo lắng về những vấn đề đó. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể xảy ra, đặc biệt là khi bạn có Rối loạn lo âu. Nếu bạn cho rằng mình có thể đang mắc Rối loạn lo âu, hãy làm bài kiểm tra lo âu miễn phí của chúng tôi. May mắn thay, Rối loạn lo âu có thể điều trị được.

Các kiểu suy nghĩ xâm nhập

Bạn đang thực hiện các công việc hằng ngày của mình, thì đột nhiên một suy nghĩ kỳ lạ, khó chịu — thậm chí gây sốc, lóe lên trong đầu bạn . Có thể là bạn đang nói chuyện với ai đó và bạn đột nhiên hình dung ra cảnh mình đang đấm vào mặt họ. Hoặc bạn không thể ngừng mường tượng hình ảnh một người lạ nào đó trong tình trạng khỏa thân. Bạn không hề muốn nghĩ về những thứ này, nhưng tại sao chúng vẫn cứ tiếp tục xuất hiện?

Đây được gọi là những suy nghĩ xâm nhập, và hầu như ai cũng thỉnh thoảng có chúng. Thông thường, người ta có thể bỏ qua những suy nghĩ này và tiếp tục hoạt động của mình. Nhưng đôi khi, những suy nghĩ xâm nhập có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu những suy nghĩ của bạn đang khiến bạn gặp nhiều khó khăn hoặc cản trở cuộc sống hàng ngày của bạn, thì đây có thể là một dấu hiệu của rối loạn tâm thần. Việc tìm kiếm điều trị có thể giúp bạn học được cách quản lý các suy nghĩ của mình.

Hãy cùng nhau xem xét một số kiểu suy nghĩ xâm nhập khác nhau cũng như ý nghĩa của chúng.

Suy nghĩ về việc làm tổn thương bản thân hoặc người khác

Đôi khi những suy nghĩ xâm nhập có mang yếu tố bạo lực. Có thể bạn đang nghĩ đến việc làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Thông thường thì bạn không hề có chủ ý đằng sau những suy nghĩ đó — bạn không thực sự muốn làm những việc như trên; chỉ là chúng ngẫu nhiên nảy ra trong đầu bạn. Nhưng có thể bạn cũng đang sợ rằng sâu thẳm bên trong con người mình, một phần nào đó thực sự muốn làm như thế, và đó là lý do vì sao bạn suy nghĩ quá nhiều về chúng.

Những suy nghĩ dạng này có thể là dấu hiệu của Rối loạn lo âu, chẳng hạn như Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Những người bị Trầm cảm sau sinh cũng có thể có những suy nghĩ xâm nhập về việc làm hại đứa con mới sinh của họ.

Nếu bạn thực sự có ý định tiến hành những hành động gây tổn thương, hoặc bạn đã thực hiện chúng rồi, thì đó không còn đơn thuần là những suy nghĩ xâm nhập nữa. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi gây hấn của mình, thì bạn cần học cách quản lý cảm xúc theo hướng có tính xây dựng hơn.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc tự sát, bạn có thể liên hệ Suicide & Crisis Lifeline (tạm dịch: Đường dây cứu trợ Tự sát và Khủng hoảng) bằng cách gọi điện hay nhắn tin cho số 988, hoặc sử dụng hộp thoại tại 988lifeline.org. Bạn cũng có thể nhắn tin theo cú pháp “MHA” gửi đến 741-741 để liên hệ với Crisis Text Line (tạm dịch: Đường dây tin nhắn Khủng hoảng). Đường dây ấm (warmlines) là một phương tiện đắc lựa để bạn có thể nhận được hỗ trợ cho các vấn đề phi khủng hoảng của mình.

Suy nghĩ xâm nhập liên quan đến tình dục

Hầu hết mọi người - bất kể giới tính của họ là gì - đều nghĩ về tình dục khá nhiều. Đó là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng nếu bạn cảm thấy xấu hổ về những suy nghĩ này, hoặc bạn nghĩ rằng việc có chúng khiến bạn trở thành một người xấu, thì bạn có thể bị mắc kẹt với chúng. Hãy nhớ rằng suy nghĩ chỉ là những ý tưởng — ngay cả khi những suy nghĩ đó gây sốc hoặc xuất hiện quá thường xuyên, chúng cũng không định nghĩa nên con người bạn.

Mọi người cũng thường có những suy nghĩ xâm nhập về bản dạng giới tính hoặc tính dục của họ. Xác định bản dạng có thể là một quá trình lâu dài và khó khăn. Việc đó có thể gây căng thẳng và cũng dễ hiểu nếu vấn đề này khiến bạn suy nghĩ nhiều. Nhưng những người mắc OCD lại thường bị ám ảnh bởi những suy nghĩ dường như không phù hợp với bản dạng của họ. Ví dụ như: bạn có thể xác định bản thân là đồng tính nữ, nhưng lại có những suy nghĩ xâm nhập về tình dục với nam giới.

Những cuộc độc thoại tiêu cực

Suy nghĩ tiêu cực về bản thân là một triệu chứng phổ biến ở Trầm cảm. Khi tâm trạng chùng xuống, bạn sẽ dễ bị mắc kẹt với những suy nghĩ như "Tôi là một kẻ thất bại" hoặc "Tôi sẽ chẳng bao giờ sánh bằng được ai cả." Cảm xúc đằng sau những suy nghĩ này có thể mạnh mẽ đến mức khiến bạn cảm thấy như thể những phát biểu trên là sự thật về bản thân mình, chứ không phải chỉ là những suy nghĩ xâm nhập.

Những suy nghĩ tiêu cực thường rơi vào một vài khuôn mẫu phổ biến, được gọi là bẫy tư duy. Đây là những lối tắt tinh thần mà chúng ta thường đi theo để rồi mắc kẹt trong những  suy nghĩ tiêu cực của mình. Một cách để đối phó với chúng là tái cấu trúc nhận thức. Nghĩa là tìm những cách suy nghĩ mới, tích cực hơn về những tình huống tương tự. Bạn có thể tìm thấy danh sách các bẫy tư duy phổ biến và cách điều chỉnh chúng tại đây.

Suy nghĩ hoang tưởng

Nếu suy nghĩ của bạn mang tính kỳ quái hoặc hoang tưởng, đó có thể là dấu hiệu của chứng loạn thần. Ví dụ về những suy nghĩ kỳ quái bao gồm: bạn cảm thấy như FBI đang theo dõi mọi việc bạn làm, hoặc có ai đó đang cố đầu độc bạn. Thậm chí, bạn có thể nhìn hoặc nghe thấy những thứ mà không ai khác nhìn/nghe được. Loạn thần có thể là dấu hiệu của một rối loạn tâm thần như Tâm thần phân liệt hay Rối loạn lưỡng cực. Đôi khi thuốc cũng có thể gây ra các triệu chứng loạn thần.

Những suy nghĩ xâm nhập khác

Trên đây chỉ là một vài kiểu suy nghĩ xâm nhập phổ biến nhất. Có rất nhiều kiểu suy nghĩ xâm nhập khác nhau. Điều quan trọng cần nhớ là những suy nghĩ xâm nhập là một thứ xảy đến với bạn, nó không nói lên bạn là người như thế nào. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đang gặp một rối loạn tâm thần nào đó trong số những rối loạn đã được đề cập trong loạt bài viết này, hãy thực hiện các bài kiểm tra sàng lọc sức khỏe tâm thần của chúng tôi để đánh giá nguy cơ của bạn.

3. Tâm trí như đang chơi khăm tôi

Tâm trí như đang chơi khăm tôi

Tất cả chúng ta đều mong muốn có thể tin tưởng vào bộ não của chính mình. Mọi tín hiệu mà ta nhận được từ thế giới bên ngoài đều phải qua xử lý của não bộ. Vậy nên khi tâm trí bắt đầu đánh lừa bạn, nó có thể khiến bạn vô cùng bất an, thậm chí đôi khi còn rất sợ hãi. Tâm trí người bình thường thỉnh thoảng vẫn gặp trục trặc. Nhưng nếu bạn cảm thấy tình trạng này diễn ra với mình thường xuyên, liên tục, thì đây có thể là dấu hiệu của một rối loạn tâm thần cần được chú ý và điều trị.

Tâm trí có thể đánh lừa bạn theo nhiều cách khác nhau. Chúng được chia thành những khuôn mẫu nhất định. Mỗi khuôn mẫu lại có thể tương ứng với một hoặc vài rối loạn khác nhau:

Sang chấn và lo âu: Khi đã trải qua sang chấn, não bộ của bạn sẽ trở nên siêu nhạy cảm với tất cả các mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh. Bạn có thể nghe thấy một âm thanh rùng rợn hoặc thoáng thấy thứ gì đó đáng sợ vụt qua. Để rồi khi nhìn kỹ lại, bạn nhận ra đó chỉ là một thứ vô hại (ví dụ như một chiếc lá bị gió thổi tung lên). Bạn có thể có cảm giác lo âu liên tục nhưng không thể xác định được chính xác là thứ gì đang làm mình lo lắng. Tình trạng lo âu cũng khiến bạn bỏ qua những thứ mà bình thường bạn có thể chú ý đến.

Bị bạo hành: Có thể bạn đã được cha mẹ hay người yêu dạy rằng cảm xúc hoặc ký ức của bạn không đáng tin. Khi bạn liên tục phải nghe những câu như “Làm gì có chuyện đó xảy ra!”, “Sao phải buồn? Chuyện có gì to tát đâu”, bạn có thể cảm thấy như tâm trí mình không được bình thường.

Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD): Những người mắc ADHD thường gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung và chú tâm vào việc gì đó. Bạn có thể chật vật khi cố gắng nhớ lại các cuộc trò chuyện đã qua. Hoặc bạn có thể loay hoay mãi vì cứ quên mất mình đang định đi đến đâu hay làm việc gì.

Loạn thần: Đối với những người đang trải qua các triệu chứng loạn thần, cảm giác tâm trí phản bội mình còn dữ dội hơn nhiều. Bạn có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có thực. Bạn không thể chắc chắn được đâu là thật đâu là giả. Bạn cũng có thể có cảm giác mơ hồ rằng mọi thứ có gì đó kỳ kỳ hoặc không được bình thường, nhưng lại không thể xác định được vì sao mình lại cảm thấy như vậy.

Các thủ thuật mà chứng loạn thần có thể dùng để chơi đùa với bộ não của bạn

Câu nói “tôi cảm thấy như tâm trí đang đùa giỡn với tôi/đánh lừa tôi” rất phổ biến ở những người mắc loạn thần. Thế nên nó đã được đưa vào một trong các triệu chứng cần phải hỏi khi thân chủ có những dấu hiệu sớm của loạn thần. Loạn thần rất phổ biến: 3% dân số có thể trải qua các triệu chứng của nó. Đối với một số người, tình trạng này có thể bị kích hoạt bởi các biến cố lớn trong cuộc đời. Các triệu chứng này có thể đến rồi đi. Điều đó có nghĩa là bạn có thể trải nghiệm nó trong một giai đoạn và rồi không bao giờ tái phát nữa. Còn với những người khác, các triệu chứng vẫn tiếp diễn, trở nên ngày một tồi tệ, và khiến họ cảm thấy sợ hãi hơn. Đến một thời điểm nhất định, họ nhận ra có gì đó không ổn đang diễn ra, và rằng mình cần phải làm gì đó trước khi tình trạng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Đối với 1% dân số (cứ 3 người mắc loạn thần thì có 1 người rơi vào nhóm này), các triệu chứng trên sẽ trở nên tồi tệ hơn và cuối cùng phát triển thành các rối loạn như Tâm thần phân liệt.

Dưới đây là một số câu hỏi mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần dùng để hỏi thân chủ khi họ nói rằng "tôi cảm thấy như tâm trí đang đùa giỡn với tôi/đánh lừa tôi":

1. Bạn có cảm giác rằng có điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra hoặc có điều gì đó không ổn mà bạn không thể giải thích được không?

2. Bạn có bao giờ cảm thấy hoang mang rằng không biết điều mình vừa trải qua là thực hay chỉ là tưởng tượng?

3. Có bao giờ bạn thấy những người quen quanh mình hay môi trường xung quanh trở nên lạ lẫm/ khiến bạn hoang mang/như thể không có thực/không thuộc về thế giới có sự sống/thuộc hành tinh khác/không phải con người/độc ác?

4. Bạn có thấy cảm nhận về thời gian của mình có gì thay đổi không? Nó có nhanh hơn một cách bất thường, hay chậm hơn một cách bất thường không?

5. Bạn có cảm thấy rằng bạn không còn nắm quyền kiểm soát các ý tưởng hoặc suy nghĩ của mình nữa hay không?

6. Bạn có bao giờ cảm thấy rằng thính giác như đang đánh lừa mình?

7. Bạn có bao giờ nghe thấy những âm thanh bất thường như tiếng va đập đồ đạc, tiếng lách cách, tiếng gió rít, tiếng vỗ tay, tiếng chuông reng trong tai mình không?

8. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng mình nghe thấy gì đó nhưng rồi nhận ra chẳng có thứ gì xung quanh để phát ra âm thanh đó cả?

9. Bạn có bao giờ nghe thấy những suy nghĩ của chính mình như thể chúng phát ra từ bên ngoài đầu bạn?

10. Bạn có bao giờ nghe giọng nói mà người khác dường như không nghe thấy hoặc chẳng thể nghe được? Nó có rõ ràng như thể ai đó đang nói với bạn giống như tôi đang nói với bạn lúc này không? Đó chỉ là suy nghĩ trong đầu bạn hay nó rõ ràng như một giọng nói từ bên ngoài?

11. Bạn có bao giờ cảm thấy như thể thị giác đang đánh lừa mình không?

12. Bạn có bao giờ nhìn thấy những thứ mà người khác dường như không nhìn thấy hoặc không thể thấy được không ?

13. Bạn có cảm thấy mình nhạy cảm hơn với ánh sáng, hay những thứ mà bạn thấy có sự khác biệt về màu sắc, độ sáng hoặc độ mờ so với người khác? Hay chúng bị còn biến đổi theo cách khác nữa?

14. Bạn đã bao giờ nhìn thấy những thứ khác thường như tia chớp, ngọn lửa, những bóng dáng mờ ảo hoặc bóng đen từ khóe mắt mình chưa?

15. Bạn có bao giờ nghĩ rằng bạn nhìn thấy ai đó, con gì hoặc thứ gì đó, nhưng sau đó nhận ra hình như nó không thực sự có ở thực tại?

Nếu bạn trả lời “có” với một số câu hỏi này, bạn nên làm thử bài kiểm tra sàng lọc miễn phí tại đây. Thông tin bạn cung cấp trong bài kiểm tra sẽ được giữ bảo mật.

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, hãy liên hệ với người mà bạn tin tưởng để kể về những trải nghiệm này. Xác định được giải pháp càng sớm thì càng tốt cho bạn.

4. Không còn cảm giác

Tôi không còn cảm giác gì nữa

“Tôi cảm thấy như mình không còn cảm giác gì nữa” là một trải nghiệm phổ biến đối với những người đang phát triển chứng loạn thần hoặc trầm cảm, cũng như những người đang hồi phục sau một trải nghiệm sang chấn. Việc mất khả năng cảm nhận hoặc thể hiện cảm xúc có thể khiến bạn vô cùng lo lắng.

Khi chúng ta gặp sang chấn, cú sốc từ sự kiện ấy có thể khiến ta cảm thấy tê liệt. Trong trầm cảm, tình trạng tê liệt thường đi kèm với cảm xúc buồn bã hoặc cảm giác nặng nề, chậm chạp trong cơ thể. Còn những người trải qua triệu chứng loạn thần thường cảm thấy họ mất đi cảm xúc trong khi vẫn nghe hoặc nhìn thấy những thứ không có thực.

Các tình trạng sức khỏe tâm thần như trên khá phổ biến. 70% dân số sẽ gặp sang chấn trong cuộc đời [1]. 10% sẽ trải qua trầm cảm [2], và 3,5% sẽ trải nghiệm các triệu chứng loạn thần [3].

Khi bạn không còn khả năng cảm nhận hoặc thể hiện bất kỳ cảm xúc nào, bạn đang ở trong tình trạng cảm xúc phẳng lặng (flat affect). Nếu bạn chỉ cảm thấy tê liệt trước những cảm xúc tích cực, nhưng vẫn có thể cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực, thì tình trạng này được gọi là anhedonia (tạm dịch: tê liệt cảm xúc tích cực). Anhedonia là một triệu chứng phổ biến của trầm cảm và cũng xuất hiện trong rất nhiều rối loạn tâm thần khác. Cảm xúc phẳng lặng ít phổ biến hơn, nhưng nó là một triệu chứng thường gặp ở loạn thần.

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể đang có các triệu chứng của Rối loạn trầm cảm hoặc Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (thường gặp ở những người đã từng trải qua sự kiện sang chấn), hãy thử làm bài kiểm tra Trầm cảm hay bài kiểm tra PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) của chúng tôi. Các bài kiểm tra được cung cấp miễn phí cho bạn và các thông tin bạn chia sẻ đều được bảo mật.

Mất cảm xúc trong loạn thần

Một vài triệu chứng của loạn thần được gọi là “triệu chứng dương tính”, trong khi những triệu chứng khác được gọi là "triệu chứng âm tính". Điều đó không có nghĩa là các triệu chứng dương tính thì tốt, còn các triệu chứng âm tính là xấu. Triệu chứng dương tính chỉ những hiện tượng bắt đầu diễn ra khi một người mắc loạn thần, và những hiện tượng này không được xem là “bình thường”. Nó bao gồm việc nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có ở thực tại. Còn triệu chứng âm tính chỉ những hiện tượng thường diễn ra ở người bình thường, nhưng ngừng diễn ra khi loạn thần xuất hiện. Cảm xúc phẳng lặng, việc một người ngưng cảm nhận cảm xúc, được xem là một triệu chứng âm tính.

Dưới đây là một số câu hỏi mà chúng tôi hỏi thân chủ về những triệu chứng âm tính trong các cơn loạn thần của họ [4]:

1. Có ai từng nói với bạn rằng bạn đã trở nên ít cảm xúc hơn hoặc ít gắn kết với mọi người hơn trước không?

2. Nhìn chung, cảm xúc của bạn có trở nên yếu ớt hơn trước không? Bạn có từng cảm thấy tê liệt cảm xúc chưa?

3. Bạn có thấy mình gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phân biệt các cảm xúc/cảm giác khác nhau không?

4. Bạn có cảm thấy cảm xúc của mình phẳng lặng không?

5. Bạn có bao giờ cảm thấy mất cảm nhận về bản ngã, hoặc cảm thấy mất kết nối với bản thân hay cuộc sống của mình không? Bạn có thấy bản thân giống như một khán giả đang từ bên ngoài nhìn vào cuộc sống của chính mình?

6. Bạn có cảm thấy khó tìm động lực để làm việc?

7. Bạn có gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày không? Đôi khi? Thường xuyên? Việc hối thúc có tác dụng với bạn không? Thỉnh thoảng có tác dụng hay không bao giờ?

8. Bạn có cảm thấy rằng người khác phải thúc giục thì bạn mới hoàn thành được công việc không? Bạn có ngưng làm một việc gì đó mà mình thường làm không?

9. Có khi nào bạn thấy khó khăn trong việc hiểu ý của người khác vì bạn không hiểu được họ đang nói gì không?

10. Bạn có cảm giác rằng mọi người đang dần sử dụng những từ ngừ mà bạn không hiểu được?

Nếu bạn trả lời “có” với một vài trong số những triệu chứng này, bạn nên làm bài kiểm tra sàng lọc miễn phí tại đây. Các thông tin bạn cung cấp trong bài kiểm tra sẽ được giữ bảo mật.

Các triệu chứng âm tính của loạn thần có thể điều trị được. Nhưng bạn cần phải được điều trị càng sớm càng tốt. Bằng cách điều trị sớm chứng loạn thần, bạn có thể ngăn chặn được “cơn khởi phát” (“first break”) của mình. Trong cơn bùng phát loạn thần (psychotic break), bạn sẽ không còn phân biệt được đâu là thật còn đâu là giả, hoặc bạn có thể cảm thấy mình không còn kiểm soát được những trải nghiệm của bản thân nữa. Tại thời điểm này, chẩn đoán Tâm thần phân liệt có thể được đưa ra. Nếu nhận được sự trợ giúp trước khi lần bùng phát đầu tiên xuất hiện, bạn sẽ đỡ chật vật hơn trong việc kiểm soát các triệu chứng về sau.

Nếu bạn cho rằng mình có thể đang mắc loạn thần, hãy tiếp tục đọc thêm các bài viết trên trang web này để tìm hiểu sâu hơn. Đồng thời, bạn có thể tìm đến người mà bạn tin tưởng để chia sẻ về những trải nghiệm này. Tìm được giải pháp càng sớm thì càng tốt hơn cho tình trạng của bạn.

5. Giữ ý thức ở thực tại

Tôi có thể làm gì để giữ ý thức ở thực tại (stay grounded in reality)?

“Trong những những năm đầu của cuộc đời mình, đã có những thời điểm mà tôi cảm thấy như thể mình không có thật, loài người không có thật, không hề có thế giới thực… Bất cứ khi nào tôi cảm thấy như vậy, dù cho nguyên nhân là gì, tôi không thể rời khỏi nhà .”

Bạn có nhìn thấy mình trong câu chuyện ấy? Những trải nghiệm tương tự như trên không chỉ xuất hiện do loạn thần hay do những cơn bùng phát. Một số triệu chứng trong các rối loạn tâm thần khác cũng nghiêm trọng đến mức có thể gây khó khăn cho bạn trong việc phân biệt những gì đang diễn ra xung quanh mình. Có rất nhiều tình huống có thể khiến bạn mất kết nối với thực tại, chẳng hạn như:

đang trong quá trình phục hồi sau sang chấn

trầm cảm nặng

các cơn hoảng loạn

giai đoạn hưng cảm

loạn thần

các triệu chứng sức khỏe tâm thần khác

Giữ ý thức ở thực tại (be grounded in reality) có nghĩa là nhận thức được môi trường xung quanh mình và biết được sự khác nhau giữa những thứ có thực với những thứ không có thực. Nó có nghĩa là sống trong giây phút hiện tại. Khi bạn không thể phân biệt được giữa ảo giác với ý nghĩ thoáng qua, bạn sẽ khó thực hiện các hoạt động hàng ngày với một tâm trí minh mẫn. Các kỹ thuật neo giữ ý thức (grounding techniques) có thể đưa bạn trở lại thực tại để có cuộc sống chất lượng hơn.

Ngủ đủ giấc và duy trì một lịch trình cụ thể

Đối với nhiều người mắc rối loạn tâm thần, khi các vấn đề về giấc ngủ xuất hiện cũng là lúc họ biết rằng, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cuộc sống của họ đang có quá nhiều căng thẳng, và rằng họ đang ở trong một giai đoạn nào đó của rối loạn tâm thần của mình. Tình trạng thiếu ngủ có thể khiến bạn gần như không thể giữ ý thức ở thực tại và làm cho tâm trí chống lại bạn. Hãy cố gắng giữ một lịch trình cố định bằng cách đi ngủ đúng giờ và thức dậy vào buổi sáng để bắt đầu ngày mới. Nghỉ ngơi đầy đủ là một trong những yếu tố quyết định để có sức khỏe tinh thần tốt.

Neo giữ ý thức tại thời điểm hiện tại

Trò chuyện với một người bạn

Trò chuyện với ai đó có thể giúp bạn phân tán sự tập trung khỏi những cảm xúc hoặc triệu chứng kéo bạn xa rời thực tế. Bạn có thể hỏi những người thân thiết nhất với mình xem họ có nghe thấy hoặc nhìn thấy những điều mà bạn nghe/nhìn thấy không. Bằng cách nhờ người mà bạn tin tưởng làm “người kiểm tra thực tế”, bạn có thể bàn luận về những gì bạn đang cảm thấy và phân biệt được giữa thực tế với tưởng tượng.

Bạn bè và gia đình, những người biết rõ về bạn, cũng có thể giúp bạn tìm ra các mẹo để cải thiện tình trạng của mình. Nếu bạn nghĩ rằng vấn đề mình gặp phải có liên quan đến một tình trạng y khoa nào đó, bạn có thể tìm hiểu về các loại thuốc hoặc liệu pháp chuyên sâu. Các phương pháp này có thể giúp bạn xây dựng kỹ năng và giảm bớt trải nghiệm đau buồn.

Kết nối với môi trường xung quanh bạn

Nếu bạn cảm thấy mình đang bị mắc kẹt trong một trạng thái tựa như trong mơ (dream-like state), thì việc áp dụng các kỹ thuật neo giữ ý thức có thể hữu ích. Hãy quan sát mọi thứ xung quanh bạn. Cảm nhận mặt đất bằng đôi chân của bạn. Chạm tay vào mặt tường. Nhặt các vật nhỏ lên và quan sát từng chi tiết của chúng. Hoặc ăn một món gì đó, uống một thức uống ấm để kết nối với vị giác của bạn. Mục tiêu của bài tập này là để bạn nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình.

Các bài tập giúp bạn neo giữ ý thức

Hít thở và thiền định

Thiền định là một cách để bạn dọn sạch tâm trí và tập trung vào những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại:

1. Ngồi tại một không gian yên tĩnh.

2. Đặt tay ở một vị trí thoải mái, chẳng hạn như trên ngực trái, đầu gối, hoặc trên mặt đất.

3. Dọn sạch những suy nghĩ trong tâm trí của bạn, hoặc tập trung vào một vài suy nghĩ nhất định. Cứ để tâm trí được tự do đi bất kỳ đâu.

4. Để ý lồng ngực đang phồng lên và xẹp xuống theo từng nhịp thở sâu và chậm rãi của bạn.

Tâm trí bạn cũng sẽ được xoa dịu rất tốt nếu bạn lắng nghe những âm thanh của tự nhiên, và hướng những suy nghĩ của bạn về chúng. Hãy ngồi ở ngoài trời, trên một chiếc ghế hoặc thảm cỏ xanh mát, và chỉ tập trung vào việc lắng nghe những âm thanh xung quanh bạn mà thôi.

Vận động cơ thể và gập duỗi các cơ

Việc luyện tập thể dục thể thao giúp chúng ta hòa nhịp với cơ thể, để ta thấy mình được kết nối với nó nhiều hơn. Việc này có thể kéo bạn ra khỏi cảm giác sợ hãi và mang lại cho bạn những cảm xúc tích cực. Khi bạn cần neo giữ ý thức của mình, hãy vận động cơ thể bằng các bài tập như đi bộ nhanh, bật nhảy, hoặc bất kỳ động tác nào khác đòi hỏi sự tập trung.

Các bài tập ép duỗi cơ thể cũng có thể giúp giảm căng thẳng trong cơ và mang lại sự thư giãn. Hãy tìm một vị trí thoải mái để ngồi và duỗi dài các phần cơ thể bị căng nhiều nhất của bạn. Bạn có thể thực hiện các động tác giãn cơ nhẹ nhàng trong khi chú tâm vào từng chuyển động và cảm giác mà nó mang lại cho bạn.



 

Tâm trí và cơ thể bạn có mối liên kết mạnh mẽ với nhau (và với thức ăn và thuốc)

Tâm trí và cơ thể của bạn có mối liên kết với những trải nghiệm mà bạn có — thực phẩm bạn ăn hoặc thuốc bạn uống có thể tăng hoặc giảm kết nối với thực tại của bạn. Ví dụ, đường hoặc đồ ngọt ăn rất ngon, nhưng nó có thể dẫn đến tình trạng sương mù não (brain fog) nhiều hơn. Ngược lại, ăn những thực phẩm bổ dưỡng và giàu vitamin có thể giúp bạn cảm thấy gắn kết hơn với môi trường xung quanh.

Điều đó cũng tương tự với chất giải trí và thức uống chứa cồn. Nếu bạn đang sử dụng các loại chất kích thích/ức chế thần kinh để cảm thấy dễ chịu, bạn có thể nhận ra những gì mà bộ não của mình muốn. Nhưng việc này cũng mang lại hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như: cần sa có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và thư thái, nhưng đối với một số người, nó có thể làm tăng triệu chứng hoang tưởng và ảo giác, từ đó khiến họ ngày càng xa rời thực tại.

Có rất nhiều cách mà bạn có thể làm theo để neo giữ ý thức của mình ở thực tại, và lấy thực tại làm cơ sở nền tảng cho nó. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp và chia sẻ về những gì mình đang gặp phải, từ đó học thêm các cách thức hiệu quả hơn nhằm quản lý triệu chứng của mình. Hãy đọc lại và chọn những mẹo phù hợp nhất, có khả năng mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm lý thú nhất để thử ngay nhé!

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần