` Sống chung với pha trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực - MaCi Care MaCi Care
background-image

Sức khỏe tinh thần A-Z

Sống chung với pha trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực

1. Nguyên nhân

Tôi không có lý do gì phải trầm cảm

Khi một nhạc sĩ, diễn viên hài hoặc tác giả mất vì tự tử, những người hâm mộ sẽ phải đối mặt với những cú sốc và đau buồn khi mất đi một nhân vật có tầm ảnh hưởng như vậy. Giữa sự bối rối và đau buồn ấy, một số nguồn tin truyền thông đã đưa tin một cách vô cảm về những gì đã xảy ra. Các phóng viên đặt những câu hỏi như "Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Anh ấy đã có một gia đình yêu thương như vậy mà. Anh ấy đã phải trầm cảm về điều gì? Tại sao một người có rất nhiều tiền và sự ngưỡng mộ lại làm điều này? Cô ấy có vẻ rất hạnh phúc mà. ” Không chỉ những câu hỏi và câu phát biểu này là thiếu hiểu biết, mà nó còn không giúp được những người đang vật lộn với bệnh tâm thần cảm thấy được an ủi hay hỗ trợ. Điều này củng cố quan niệm rằng "Làm sao tôi có thể bị trầm cảm nếu tôi không có gì để trầm cảm?" Nhưng trầm cảm phức tạp hơn nhiều so với những gì mà các phương tiện truyền thông khiến bạn tin, và tất cả mọi người từ mọi tầng lớp xã hội đều có thể mắc bệnh tâm thần, bất kể người có địa vị, tài chính hay người nổi tiếng.

Bạn có thể cảm thấy an toàn trong các mối quan hệ với bạn bè, nhưng đôi lúc bạn cũng có thể cảm thấy trống trải, lo lắng hay tội lỗi vì đã không trân trọng thời gian khi ở bên họ. Bạn có thể cảm thấy an toàn trong vai trò là một sinh viên hoặc nhân viên, nhưng bạn cũng cảm thấy khó khăn trong việc tự ghi nhận thành tích của mình. Hoặc cũng có thể bạn không cảm thấy gì. Nếu bề ngoài cuộc sống diễn ra tốt đẹp, nhưng cảm xúc của bạn lại không cảm thấy như vậy thì có thể bạn đang bị trầm cảm.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh trầm cảm, chẳng hạn như di truyền, sang chấn, thuốc hoặc điều kiện y tế. Khó có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra trầm cảm, bởi vì đôi khi không chỉ có một nguyên nhân gây kích động tâm trạng của bạn. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, và dù hoàn cảnh sống của bạn như thế nào, thì bạn vẫn luôn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cảm thấy như mình không còn là chính mình nữa. Càng sớm tìm kiếm sự giúp đỡ thì bạn sẽ càng quản lý trầm cảm tốt hơn. Bạn có thể cảm thấy không cần sự giúp đỡ hoặc bạn nghĩ người khác còn trải qua cuộc sống còn tồi tệ hơn mình, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không có quyền cảm nhận những cảm xúc mà bản thân bạn vốn có.

Thật khó chịu khi bạn không thể xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trầm cảm, nhưng tìm kiếm sự giúp đỡ là điều tốt nhất bạn có thể làm để giải quyết nó. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn giải thích lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy. Và hơn hết, cô ấy có thể làm việc với bạn để xác định những phương pháp giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Trị liệu tâm lý và thuốc đều là những lựa chọn cần cân nhắc khi thảo luận về việc điều trị với chuyên gia sức khỏe tâm thần. 

Học cách sống chung với trầm cảm sẽ không dễ dàng, nhưng tìm kiếm sự giúp đỡ có thể cho bạn biết những công cụ cần thiết để bạn trân trọng và tận hưởng những gì cuộc sống mang lại.

2. Cảm giác tội lỗi

Tôi cảm thấy tội lỗi khi bị trầm cảm

"Những người khác còn gặp bao nhiêu chuyện tồi tệ hơn nhiều." "Gia đình tôi đã trải qua khó khăn nhiều hơn và họ vẫn ổn." "Tôi không có điều gì để trầm cảm cả." "Hãy đối mặt với nó đi."

Đây chỉ là một số thông điệp chúng ta nhận được và lặp đi lặp lại với chính mình về trầm cảm. Tuy nhiên, suy nghĩ rằng phải có một điều gì đó đặc biệt xảy ra với bạn, hoặc bạn không có điều gì tích cực trong cuộc sống thì mới bị trầm cảm là không đúng. Trầm cảm ảnh hưởng đến mọi người từ mọi tầng lớp và mọi hoàn cảnh.

Mặc dù những điều như phân biệt đối xử, nghèo đói, bạo lực và lạm dụng có thể khiến một người có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn, nhưng không có danh sách nào để xác định rằng ai có “quyền” được trải qua trầm cảm hoặc ai là người đáng được giúp đỡ và hỗ trợ.

Tội lỗi là một cảm giác thường có liên quan đến trầm cảm. Cảm giác ấy dễ rơi vào vòng xoáy vì bạn luôn tập trung vào nó. Bạn cảm thấy tội lỗi khi mắc chứng trầm cảm (vì tạo gánh nặng cho người khác hoặc vì chưa được "hoàn thiện"), điều này khiến bạn lại cảm thấy tồi tệ hơn. Và vì bạn cảm thấy mình giống như một gánh nặng nên bạn càng cảm thấy tội lỗi hơn.

Đó không phải là lỗi của bạn. Hầu hết mọi người - và bất kỳ ai từng bị trầm cảm - sẽ hiểu rằng không ai chọn trầm cảm hoặc nghĩ khi bị trầm cảm thì mình sẽ tốt hơn. Với cách mà hầu hết chúng ta được dạy để suy nghĩ về sức khỏe tinh thần thì cũng thật dễ hiểu khi bạn có những phản ứng như vậy. Nhưng hãy biết rằng bạn không có lỗi, không có gì phải cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ cả, và bạn luôn xứng đáng được hỗ trợ và phục hồi.

3. Không thể... rời khỏi giường

Tôi không thể rời khỏi giường

Đôi khi thế giới bên ngoài dường như quá choáng ngợp, đặc biệt là khi bạn cảm thấy có quá nhiều khó khăn trong đầu của mình. Nó có thể khiến bạn cảm thấy như có điều gì đó ngăn cản bạn di chuyển hay không có gì đáng để rời khỏi giường cả. Có thể có quá nhiều việc cần phải làm, thế giới quá ồn ào hay bạn nghĩ mình không thuộc về nơi này. Sự xấu hổ, nghĩa vụ, công việc, học tập hay các mối quan hệ có thể khiến bạn muốn không tham gia vào tất cả. Khi bạn đang cảm nhận và suy nghĩ về những điều này thì bạn sẽ muốn ở trong phòng và cảm thấy không thể rời khỏi giường của mình.

Cô lập, kiệt sức và thiếu động lực hay mất hứng thú trong cuộc sống là những trải nghiệm phổ biến của những cá nhân đang đấu tranh với stress, trầm cảm, lo âu và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Hầu hết mọi người đều trải qua những điều này ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng giúp ích hoặc làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

Ngay cả khi những suy nghĩ và cảm giác ấy là điều duy nhất ngay lúc này, hãy nhớ rằng cuối cùng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua. Bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi vì đã có một trải nghiệm rất con người hay đã vật lộn với những khó khăn đó. Đôi khi điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tận hưởng từng phút một dưới chiếc chăn trong phòng của mình.

Những bí quyết để đối phó với cảm giác không thể rời khỏi giường:

  • Liên hệ với một người bạn. Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy nhắn tin hoặc gọi điện cho bạn bè hay một người mà bạn quan tâm để lên kế hoạch giúp đỡ bạn. Ngay cả khi bạn không muốn chia sẻ những khó khăn mà bạn đang gặp phải thì việc gặp gỡ bạn bè cũng có thể giúp bạn bước ra khỏi những khó khăn. Bạn cũng có thể mời bạn bè hoặc gia đình đến chơi với bạn.
  • Nhắn tin hoặc gọi điện để được hỗ trợ. Việc kết nối với mọi người là điều rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang gặp khó khăn. Bạn có thể liên hệ để chia sẻ những gì đang xảy ra với bạn. Có rất nhiều người không tìm kiếm sự giúp đỡ vì họ cảm thấy mình như một gánh nặng, nhưng cũng có nhiều người nói rằng họ rất muốn hỗ trợ ai đó đang gặp khó khăn. Nếu bạn không muốn chia sẻ về những gì bạn đang gặp phải, điều này cũng không sao cả! Ngay cả việc chia sẻ video hay meme không liên quan đến những gì bạn đang trải qua thì chúng vẫn có thể hữu ích.
  • Làm việc vặt hoặc hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ. Khi thật khó để rời khỏi phòng của bạn, các nhiệm vụ nhỏ sẽ ngày càng chồng chất lên nhau khiến chúng ta muốn ở lại phòng của mình lâu hơn nữa. Hãy nghĩ về một số việc bạn có thể làm như giặt giũ, dọn phòng, đi mua đồ ăn, gửi email, đặt hàng trực tuyến,... Bạn có thể đặt khung thời gian cụ thể (5 phút, 30 phút, một tiếng) để làm điều gì đó có thể khó khăn nhưng thực tế. Một khi bạn đã bắt đầu thì việc tiếp tục các công việc khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Liên hệ với nhóm hỗ trợ của bạn hoặc một chuyên gia. Nếu bạn thấy mình không thể rời khỏi giường trong một thời gian dài, hãy nghĩ đến việc liên hệ với những người trong mạng lưới kết nối của bạn hoặc một chuyên gia để chia sẻ về những điều mà bạn đang gặp phải.

4. Mất kiểm soát giấc ngủ

Tôi không thể ngừng ngủ

Trầm cảm thường đi kèm với những thay đổi trong giấc ngủ. Đối với một số người, điều này có nghĩa là ngủ quá nhiều. Mọi người cho biết rằng dù có ngủ bao nhiêu thì họ vẫn cảm thấy kiệt sức. Có thể cảm thấy cơ thể nặng như chì và có một thứ gì đó đang kéo bạn xuống về mặt vật lý. Không có một chất kích thích hay cà phê nào có thể giúp bạn được.

Điều quan trọng là bạn phải nói chuyện với bác sĩ để chắc chắn rằng đây không phải là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe khác, ngay cả khi bạn có các triệu chứng khác hoặc tiền sử về trầm cảm.

Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy chia sẻ với bác sĩ về điều này. Một số loại thuốc có thể khiến bạn mệt mỏi. Điều này có thể được giải quyết bằng cách giảm liều lượng của thuốc, thay đổi thời gian dùng thuốc, thêm một loại thuốc khác để giải quyết tình trạng mệt mỏi hoặc thử dùng một loại thuốc khác.

Một số điều mà những người đang vật lộn với giấc ngủ và trầm cảm thấy hữu ích là:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Tránh hay giảm việc sử dụng chất kích thích hoặc rượu bia;
  • Trao đổi với bác sĩ về thuốc;
  • Tập thể dục, ngay cả khi chỉ bắt đầu với mười phút đi bộ mỗi ngày;
  • Tránh ngủ trưa;
  • Tuân thủ thời gian biểu
  • Lập kế hoạch cùng với những người khác.

Cũng giống như tất cả các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, các bước chúng ta thực hiện để giải quyết tình trạng ngủ quá nhiều trong trầm cảm có thể mất nhiều thời gian trước khi bắt đầu nhận ra sự khác biệt. Nếu bạn tiếp tục thực hiện và tìm bạn bè để hỗ trợ cho các việc nhỏ, những thay đổi lớn cuối cùng cũng sẽ đến.

5. Cảm thấy cuộc đời đã kết thúc

Cuộc đời tôi đã kết thúc

Có rất nhiều lý do khiến bạn cảm thấy cuộc đời mình như đã chấm dứt. Có thể bạn vừa kết thúc một mối quan hệ và dường như đó là lỗi của bạn. Có thể bạn đang gặp khó khăn trong học tập hoặc thậm chí bạn đã bỏ học. Có thể bạn đang đẩy bạn bè và các thành viên trong gia đình ra xa. Và thậm chí là những gì nghe có vẻ nhỏ đối với người khác nhưng lại cảm thấy rất lớn đối với bạn.

Nếu bạn đang nghĩ đến việc tự tử, bạn có thể liên hệ với Đường dây nóng trợ giúp Tự tử & Khủng hoảng bằng cách gọi điện hoặc nhắn tin 988 hoặc sử dụng hộp trò chuyện tại 988lifeline.org. Họ có thể giúp bạn chia sẻ về những gì bạn đang trải qua. Bạn cũng có thể nhắn “MHA” gửi 741-741 để liên hệ với Đường dây nhắn tin khủng hoảng. Warmlines là một nơi tuyệt vời hỗ trợ giải quyết khủng hoảng.

Cuối cùng, khi bạn cảm thấy cuộc đời mình như kết thúc, có hai bước quan trọng bạn cần thực hiện để tìm lại sức mạnh để tiếp tục: hãy để bản thân đau buồn và sau đó tìm cách vực dậy bản thân.

Hãy để bản thân đau buồn

Hãy cho bản thân thời gian để đau buồn về những điều mà bạn đã đánh mất. Mất đi một mối quan hệ, một ước mơ hay một hệ thống niềm tin, khoảng thời gian này có thể khiến bạn trải qua một thời kỳ tăm tối. Hãy cho phép bản thân cảm thấy buồn về những gì đã xảy ra.

Đôi khi điều bạn phải đau buồn nhất chính là những kỳ vọng của bạn. Có thể cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ như những gì bạn nghĩ. Thành thật mà nói, cuộc sống của hầu hết mọi người không diễn ra theo cách họ mong đợi. Tuy nhiên theo thời gian, bạn có thể học được từ những điều từng khiến bạn tổn thương và tạo ra cho mình một giá trị sống. Con người vô cùng kiên cường - chúng ta đứng lên từ những thất bại mà ta không bao giờ nghĩ rằng mình có đủ sức mạnh để vượt qua.

Vực dậy từ tro tàn

Làm thế nào để bạn đưa cuộc sống của mình trở lại sau khi bạn kết thúc việc đau buồn? Dưới đây là một số câu hỏi để bạn tự hỏi bản thân và bắt đầu:

  • Bạn còn giữ lại nỗi buồn không? Nghe có vẻ buồn cười, nhưng hãy dành thời gian suy nghĩ về những nỗi buồn mà bạn có và hãy biết ơn chúng, vì điều đó có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của bạn.
  • Bạn vẫn có thể giữ lại những gì? Có thể bạn định nghĩa bản thân mình như một điều gì đó mà bạn đã đánh mất, điều này có thể thực sự khiến bạn mất phương hướng. Nhưng dù gì đi nữa thì nó cũng không phải là toàn bộ cuộc sống của bạn. Bạn vẫn ở đây - điều đó trông như thế nào, và nó nói lên điều gì về bạn?
  • Điều gì làm cho bạn cảm thấy tốt hơn? Bạn hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ về việc chăm sóc bản thân. Những gì làm cho bạn cảm thấy thoải mái? Bạn thích làm gì? Bạn có muốn dành nhiều thời gian hơn để làm việc, nhìn, nghe, nếm hay trải nghiệm không? Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và trong tầm tay của bạn.
  • Bạn đã học được gì? Việc mắc sai lầm - thậm chí là những sai lầm thực sự lớn - là cách để chúng ta trưởng thành. Không một ai có thể thành công mà không bao giờ mắc sai lầm. Dù bạn dự định làm lại những việc đó một lần nữa hay tìm một mục tiêu mới để theo đuổi thì bạn cũng sẽ tiếp tục mắc sai lầm, bạn sẽ học được nhiều kiến ​​thức mới và có nhiều kinh nghiệm hơn.
A ceramic bowl, broken and repaired with gold.

                                                        Nguồn ảnh: Wikimedia Foundation

Bức ảnh này cho thấy một chiếc đĩa sứ đã bị vỡ - và được hàn gắn lại bằng vàng. (Đây là một kỹ thuật của Nhật Bản được gọi là kintsugi.) Các vết nứt tượng trưng cho sự mất mát vĩnh viễn… nhưng chúng lại làm cho các món ăn đẹp hơn và thú vị hơn rất nhiều. Nhặt lại từng mảnh vỡ có thể không mang lại cho bạn cuộc sống mà bạn mơ ước, nhưng bạn có thể ngạc nhiên về những gì mà bạn có thể tạo nên.

6. Suy nghĩ tự sát

"Tôi muốn chết"

Cuộc đời của bạn thu nhỏ lại thành một ý nghĩ duy nhất: Tôi muốn chết. Đôi khi không đến nỗi là bạn muốn chết mà vì bạn không còn muốn chịu đựng nỗi đau trong cuộc sống nữa. Khi bạn ở mức thấp nhất, tâm trí của bạn có thể bị chi phối bởi những suy nghĩ vỡ mộng ngăn cản bạn có cảm giác hy vọng. Nó giống như một hố đen, nhưng không phải vậy. Những suy nghĩ này đang tạo ra tầm nhìn hình ống. Có những điểm mù trong nhận thức của bạn và bạn chỉ có thể nhìn thấy những gì ở ngay trước mắt, đó chính là nỗi đau.

Tôi đã từng ở đó. Rất nhiều người đã ở đó. Bạn không đơn độc, và khoảnh khắc tuyệt vọng hoàn toàn đó sẽ qua đi. Có thể bạn cảm thấy như mình không có lựa chọn nào khác, nhưng thật ra bạn vẫn có, bạn chỉ không thể nhìn thấy chúng khi bạn có tầm nhìn hình ống thôi. Bạn sẽ không được điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần của mình, nhưng bạn vẫn có thể sống sót sau thời điểm đó. Có những ngày bạn cần phải sống từng giờ, thậm chí từng phút, cho đến khi bạn có thể đạt được tiến bộ trong việc chữa lành. Khi những suy nghĩ này xuất hiện, việc duy nhất của bạn là giữ an toàn cho bản thân cho đến khi cơn đau giảm dần.

Có một số điều bạn có thể làm để giữ an toàn cho bản thân. Hãy đặt ra khoảng cách nhất định giữa suy nghĩ và hành động của bạn khi trò chuyện với ai đó (bất kể đó là bạn bè, cha mẹ hoặc người tư vấn) về cảm giác của bạn. Bạn có thể cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác nếu bạn yêu cầu họ giúp đỡ. Có thể bạn không có động lực để hỏi, nhưng khi nói ra cảm xúc của mình có thể giúp bạn thoát khỏi suy nghĩ của bản thân và tìm ra cách ứng phó tốt hơn.

Điều quan trọng là việc nhận ra khi nào bạn bắt đầu cảm thấy buồn để bạn có thể giải quyết những cảm xúc đó trước khi chúng trở nên tồi tệ hơn. Hãy chủ động và lập một kế hoạch an toàn trước khi những tư tưởng đen tối này xảy ra. Hãy tìm một hoạt động khiến bạn cảm thấy thoải mái và tìm một người mà bạn tin tưởng để bạn có thể chia sẻ. Nếu có thể, hãy cung cấp thông tin liên hệ cho nhân viên tư vấn hoặc nhà trị liệu của bạn. 

Trên đây chỉ là những gợi ý, tôi biết bạn có thể có cảm giác như không thể nào thoát ra được những cảm xúc mà bạn đang có. Tuy nhiên những gì bạn đang trải qua là thực - và đây là điều không nên xem nhẹ. Nếu bạn có những khoảnh khắc tối tăm này thường xuyên thì hãy trao đổi với chuyên gia sức khỏe tâm thần về phương pháp điều trị như trị liệu tâm lý hoặc thuốc.

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần