` 10 câu hỏi mà bạn có thể hỏi bản thân theo Tâm lý học tích cực - MaCi Care MaCi Care

17 tháng 1, 2023

0

YÊU THƯƠNG TỰ THÂN

10 câu hỏi mà bạn có thể hỏi bản thân theo Tâm lý học tích cực

  • Share on Facebook
  • Copy link
10 câu hỏi mà bạn có thể hỏi bản thân theo Tâm lý học tích cực

     Làm thế nào để giúp tâm trí của chúng ta tập trung vào những điều tích cực lần nữa? Bạn sẽ làm những gì để cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp, trọn vẹn và ý nghĩa hơn? Bạn cảm thấy những điểm mạnh của mình là gì? Tôi để ý là gần như mọi người đều ngập ngừng tại đây, thường thì còn có vẻ khá bất ngờ nữa. Có thể việc một bác sĩ tâm thần hỏi câu hỏi này sẽ gây bất ngờ cho nhiều người. Chúng ta quá quen với việc bác sĩ và các nhà trị liệu tập trung vào những điều xấu trong cuộc sống của mình đến mức trở nên giật mình khi được hỏi về những mong đợi, ước mơ, tài năng và điểm mạnh. Hoặc cũng có thể chúng ta dễ dàng kể về những điều không ổn đang xảy ra thay vì tập trung vào những điều mình làm tốt và đáng tự hào của bản thân. 
 

Bên y học người ta thường bắt đầu hỏi chúng ta “bị” gì. Hầu hết chúng ta đều đi khám bác sĩ vì cho rằng mình đang “bị” gì đó. Tất nhiên chúng ta không được xem nhẹ việc đấy, đau khổ là nguyên nhân chính dẫn con người đến việc tìm kiếm sự trợ giúp mà, mục tiêu quan trọng trong điều trị cũng chính là giảm nhẹ những đau khổ ấy. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu đó, liệu chúng ta có thể hy vọng nhiều hơn không? Chúng ta có thể khám phá về điều gì khiến cho mỗi người lại độc nhất và tuyệt đẹp đến vậy không?

 

Với tôi, đó chính là sức mạnh của tâm thần học tích cực.

 

Tâm thần học vốn là một phần của dược học, tập trung vào nghiên cứu và điều trị các rối loạn tâm thần. Giống như hầu hết ngành dược học Tây Âu, mục tiêu điều trị thường tập trung vào việc giảm triệu chứng và ngăn ngừa triệu chứng trong tương lai mà bỏ qua việc gia tăng sự hạnh phúc và phòng ngừa.

 

Tâm thần học tích cực nghiên cứu về sự gia tăng trải nghiệm hạnh phúc bằng cách tập trung vào những điểm mạnh và nét tính cách, cảm xúc, hành vi tích cực. Việc này không dễ dàng chút nào vì nó đi ngược lại với bản năng của chúng ta. Chúng ta một cách tự nhiên sẽ tập trung vào những sự kiện và đặc tính tiêu cực. Não bộ xử lý những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Chúng ta ngẫm nghĩ về những chuyện xấu và căng thẳng đã xảy ra nhiều hơn là những kỷ niệm vui vẻ. Khuynh hướng này làm cho chúng ta níu giữ những rắc rối mà nhanh quên đi những trải nghiệm vui tươi.

 

Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu chúng ta “lập trình” lại chính mình? Tập trung vào điểm mạnh, lòng trắc ẩn, những kết nối xã hội và cộng đồng giúp chúng ta được chữa lành. Tâm thần học tích cực có thể kết hợp với điều trị truyền thống theo nhiều cách trong đó có trị liệu tâm lý, yoga, thiền, thể dục thể thao và luyện tập tự phản ánh cũng như lòng trắc ẩn, thông qua đó vẫn mang lại sự hạnh phúc giữa những lúc ốm đau. Chúng ta không cần phải ép buộc bản thân phải lạc quan quá mức, tâm thần học tích cực đơn giản chỉ muốn nhắc nhở mọi người hãy nhớ về những điều ý nghĩa trong cuộc sống của mình.


1. Tình yêu

 

Tình yêu là một cảm xúc mạnh mẽ và có tính phát triển, nuôi dưỡng kết nối giữa người với người lẫn với chính chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình được yêu thương thông qua những hành động gì? Chúng ta thể hiện sự yêu thương và chăm sóc của mình đến người khác như thế nào? Có cách nào để kết nối với những người quan trọng xung quanh ta một cách trọn vẹn hơn không? Tự trắc ẩn là một phần rất quan trọng trong tình yêu. Chúng ta cần phải đối xử tốt với bản thân bằng lòng trắc ẩn như thế nào? Chúng ta có nhận ra những lúc mình trở nên tự hà khắc và bỏ qua những lời tự chỉ trích đi được không?


2. Lòng tốt

 

Hành động tốt đẹp có tác động mạnh mẽ lên cả người nhận lẫn người cho đi. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy giúp đỡ người khác có thể gia tăng sự hài lòng trong cuộc sống của chính mình. Có cách nào để bạn đưa những hành động này vào cuộc sống hàng ngày của mình không?

 

3. Sức bật tinh thần

 

Sức bật tinh thần là khả năng thích nghi trước sự biến đổi, là khả năng đứng dậy sau những lần vấp ngã. Nét tính cách này có thể rèn dũa và luyện tập được. Sẽ luôn có những chuyện không may xảy ra, dù là ngoài tầm hay trong tầm kiểm soát của chúng ta đi nữa. Chúng ta có đang nhìn nhận tình huống một cách thực tế không? Những mặt tiêu cực có đang lấn át những mặt tích cực không? Liệu có cách nào để ngồi lại cùng với những cảm xúc tiêu cực? Chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui hoặc ý nghĩa nào đó khi tham gia một số hoạt động?

 

4. Hy vọng

 

Hy vọng là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Theo nhà tâm lý học tích cực Charles R. Synder, hy vọng là một trạng thái có động lực mà tại đó họ vừa có thể đặt ra mục tiêu vừa tìm được những cách thức để đạt được chúng. Bạn có thể xác định từ 2 đến 3 mục tiêu cho chính mình không? Một số cách thức mà bạn sẽ dùng để đạt được chúng là gì?

 

5. Dũng cảm

 

Dũng cảm không đơn giản có nghĩa là không sợ, mà nó là khả năng hành động một cách chân thành và mạnh mẽ trước những thử thách to lớn hoặc thậm chí còn là áp lực đồng đẳng đến từ bạn bè và đồng nghiệp. Trong những tình huống mà bạn cảm thấy sợ hãi, bạn phản ứng ra sao? Điều gì mang lại cho bạn sự dũng cảm - những người bạn ngưỡng mộ, những giá trị hay sự cam kết nào? Có những rào cản gì ngăn cản hành động dũng cảm của bạn lại không?

 

6. Tâm linh/tôn giáo

 

Với rất nhiều người, tâm linh hay tôn giáo là một phần rất quan trọng trong cuộc sống và con người của họ. Tâm linh hay những khía cạnh khác ngoài chúng ta có thể giúp cải thiện ý thức và sự lưu tâm, nó đã được chứng minh có thể cải thiện những căng thẳng tâm lý và các triệu chứng y khoa. Tâm linh/ tôn giáo là gì và nó có vai trò gì đối với bạn?

 

7. Lòng biết ơn

 

Biết ơn là trân trọng những điều tích cực đã xảy ra trong cuộc sống của bạn. Những can thiệp có sự tập trung vào lòng biết ơn đã cho thấy hiệu quả cải thiện sức khỏe và sự hài lòng về cuộc sống. Vậy 3 khía cạnh hoặc 3 người mà bạn cảm thấy biết ơn là gì/ai?

 

8. Bạn bè và gia đình

 

Sự hỗ trợ từ xã hội là một phần quan trọng giúp chúng ta trưởng thành, an toàn và ổn định. Làm sao để nâng cao vòng tròn kết nối với những người xung quanh? Bạn đã dành đủ thời gian ở bên bạn bè và gia đình như mong muốn chưa? Nếu chưa, điều gì đang cản trở bạn lại? Một nghiên cứu kéo dài suốt 75 năm tại Harvard đã chỉ ra rằng những mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.

 

9. Cộng đồng/tập thể

 

Xây dựng một cộng đồng mà tại đó bạn cảm thấy được chấp nhận và ủng hộ sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực. Bạn cảm thấy thoải mái nhất là ở đâu? Có cách nào để mở rộng cộng đồng này hơn nữa không?
 

10. Tính cá nhân

 

Mỗi người trong chúng ta đều có những nét độc lạ và đặc biệt. Dù là hát hay, nhảy giỏi, nhớ được sinh nhật của người khác, quản lý tốt một nhóm người lớn tại nơi làm việc, mỗi người đều sẽ đóng góp được một điều gì đó. Bạn cảm thấy mình giỏi những gì? Khi nào thì bạn cảm thấy mình làm việc hiệu quả nhất hoặc làm việc chuẩn xác nhất?
 

Đây không phải là những câu hỏi dễ, hầu hết chúng ta đều mất nhiều năm trời để hiểu được. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu một cách đơn giản bằng việc suy nghĩ về những câu hỏi này dù chỉ một chút thôi. Sự để tâm nho nhỏ này sẽ ngày càng dẫn bạn đến sự nhận thức toàn diện.


Nguồn: 10 Questions to Ask Yourself From Positive Psychology - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần