` Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm - MaCi Care MaCi Care

21 tháng 11, 2022

0

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm

  • Share on Facebook
  • Copy link
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm

     Ai cũng có những lúc chán nản, thường là với những sự việc hoặc trải nghiệm mà mục tiêu không đạt được hay kỳ vọng bị sụp đổ, nhưng những phản ứng như vậy có xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn. Trầm cảm được gọi là một chứng rối loạn khi tâm trạng đi xuống và các triệu chứng khác kéo dài hơn hai tuần. Khó khăn trong việc điều hòa cảm xúc bởi nỗi buồn dai dẳng có lẽ là dấu hiệu rõ nhất của trầm cảm nhưng rối loạn có thể sẽ gây suy giảm chức năng ở hầu hết mọi bộ phận của cơ thể, từ ham muốn tình dục đến khả năng nhận biết cảm giác đau.

 

Những dấu hiệu chính của trầm cảm là gì?

 

Bởi vì trầm cảm rất phức tạp và ảnh hưởng đến rất nhiều vùng trên cơ thể, nên nó có nhiều biểu hiện, và biểu hiện nổi bật nhất cũng khác nhau ở mỗi người. Theo ấn bản mới nhất của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, tài liệu được sử dụng rộng rãi như một tiêu chuẩn chẩn đoán, trầm cảm có thể được coi là một căn bệnh khi có ít nhất năm triệu chứng xảy ra cùng nhau trong ít nhất hai tuần. Các triệu chứng bao gồm:
 

• Cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc tuyệt vọng

• Khó chịu, tức giận bộc phát hoặc khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp

• Mất hứng thú hoặc mất khả năng hứng thú với các hoạt động thông thường, từ quan hệ tình dục đến thể thao

• Rối loạn giấc ngủ,dù là không ngủ được (mất ngủ) hay ngủ quá nhiều (mất ngủ)

• Mệt mỏi và thiếu năng lượng; mọi thứ đều cần phải nỗ lực

• Rối loạn ăn uống, bao gồm chán ăn uống và giảm cân hoặc ăn quá nhiều và tăng cân

• Lo lắng, kích động và bồn chồn

• Suy nghĩ, đi lại hoặc lời nói chậm chạp

• Cảm giác vô dụng và tội lỗi, tập trung vào thất bại trong quá khứ, tự trách bản thân

• Khó tập trung, ghi nhớ mọi thứ và đưa ra quyết định

• Suy nghĩ về cái chết lặp đi lặp lại

• Cơ thể bị đau như đau đầu hoặc đau lưng mà không rõ nguyên nhân.

 

Các tiêu chuẩn chẩn đoán trên cần được kết luận bởi nhà tâm lý lâm sàng. Nếu bạn đọc thấy mình hoặc người thân có một số dấu hiệu ở trên thì hãy tìm đến nhà chuyên môn để được thăm khám và không được tự đưa ra kết luận.

 

Tôi cảm thấy vô vọng và trống rỗng. Tôi có bị trầm cảm không?

 

Trong nhiều trường hợp, biểu hiện trên được coi là trầm cảm. Một trong những dấu hiệu của bệnh trầm cảm là nó khiến cho suy nghĩ tiêu cực xuất hiện không ngừng; làm sai lệch nhận thức, khiến tâm trạng càng chán nản. Không chỉ cảm thấy bị mất đi niềm vui, chúng ta luôn nghĩ rằng mình không thể làm tốt bất cứ điều gì và không thể thay đổi. Người ta thường tin rằng họ sẽ luôn như vậy, mọi chuyện sẽ kết thúc tồi tệ, và không có cách nào thoát ra khỏi việc tinh thần bị giam giữ. Nhưng suy nghĩ đó không phải là sự thật, và nhận thức sai lệch trong trầm cảm có thể được thay đổi bởi các liệu pháp tâm lý.
 

Tại sao tôi không có hứng thú với tình dục?

 

Không phải ai cũng có hứng thú với tình dục mọi lúc, nhưng ham muốn tình dục thấp liên tục là dấu hiệu phổ biến của trầm cảm ở cả nam và nữ. Rối loạn này làm giảm ham muốn tình dục, cũng giống như việc nó gây rối loạn ăn uống. Những dấu hiệu của trầm cảm như thờ ơ, lãnh cảm cũng ảnh hưởng đến việc ham muốn tình dục bị thấp; hơn thế nữa, nó có thể vừa thể hiện vừa góp phần làm tăng khó khăn trong mối quan hệ mà những người đó đang có.

 

Trạng thái kích động có phải biểu hiện của trầm cảm không?

 

Mặc dù trầm cảm thường liên quan đến việc mất năng lượng và biểu hiện bởi việc suy giảm khả năng phản ứng và hoạt động, nhưng đôi khi nó có thể biểu hiện thành kích động và bồn chồn. Trong một số nghiên cứu, có tới 1/3 số người bị rối loạn trầm cảm nặng có các triệu chứng kích động và bồn chồn. Chúng có thể bao gồm việc thường xuyên vặn tay, xiết chân và cả những cơn tức giận bộc phát, cũng như đứng ngồi không yên.

 

Trầm cảm lâm sàng có nghĩa là gì?

 

Thuật ngữ trầm cảm được sử dụng trong khi nói chuyện hằng ngày để chỉ một loạt các cảm xúc hỗn độn, từ buồn bã nhất thời đến tuyệt vọng kéo dài. Trầm cảm lâm sàng là một thuật ngữ y tế được dành riêng cho các dạng rối loạn nghiêm trọng hơn, còn được gọi là trầm cảm nặng. Những người bị trầm cảm lâm sàng gặp một số triệu chứng ngoài nỗi buồn hoặc sự mất hứng thú không ngừng — chẳng hạn như các vấn đề về giấc ngủ và rối loạn ăn uống — và suy nghĩ của họ tiêu cực liên tục đến mức khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày bị suy giảm nghiêm trọng và họ không thể hình dung được một tương lai tươi sáng hơn.

 

Trầm cảm khác với buồn bã như thế nào?

 

Buồn bã là một phản ứng bình thường khi bị thất vọng, thua cuộc hay mất mát. Trầm cảm không phải như vậy. Trầm cảm đi kèm với buồn bã, nhưng nó cũng được phân biệt bởi sự xuất hiện của các triệu chứng khác. Tâm trạng đi xuống một cách âm ỉ, thường không có bất kỳ yếu tố kích hoạt rõ ràng nào, mất đi năng lượng, động lực, ý nghĩa và cảm giác về giá trị bản thân. Nó tồn tại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Nỗi buồn đơn thuần sẽ khiến mọi suy ngẫm nội tâm nhiều hơn, khuyến khích họ tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống hoặc cách thích nghi khác, và sau đó sẽ giảm đi. Trầm cảm cần điều trị; còn nỗi buồn thì không.


Trầm cảm khác với đau buồn như thế nào?

 

Đau buồn là một phản ứng bình thường của một người đối với sự mất mát dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả nỗi buồn và sự khao khát những gì đang thiếu và thường  mất sự quan tâm đến môi trường xung quanh. Đau buồn cấp tính, cũng giống như trầm cảm, nó có thể làm rối loạn ăn uống và giấc ngủ, tạo ra cảm giác tội lỗi, nhưng nó không giống trầm cảm ở chỗ nó xuất hiện theo từng đợt, từng đợt rồi lắng xuống. Thông thường, đau buồn không làm quên đi những trải nghiệm hạnh phúc đã có với người đã khuất và chúng ta vẫn vui hơn khi nhắc đến họ. Những người trầm cảm thường rút lui và không giao tiếp với xã hội; còn những người đau buồn sẽ muốn ở bên mọi người.


Các chu kỳ kéo dài bao lâu?

 

Trầm cảm thường là một rối loạn có tái phát, trong đó các đợt bệnh có thể kéo dài hàng tuần hoặc nhiều tháng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thời gian trung bình của đợt trầm cảm đầu tiên là 17,3 tuần hoặc khoảng 4 tháng. Khả năng hồi phục rất cao trong những tuần đầu của giai đoạn trầm cảm. Mức độ cơ thể bị suy giảm chức năng hoặc ở chế độ ngừng hoạt động trong đợt trầm cảm đầu tiên dường như có ảnh hưởng đến khả năng bị tái phát.

 

Quá trình của bệnh trầm cảm là gì?

 

Trầm cảm là một chứng rối loạn tái phát và khoảng 50% những người từng bị trầm cảm sẽ tái phát. Các nghiên cứu chỉ ra rằng số tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống mà một người trải qua ảnh hưởng đến khả năng họ bị tái phát. Họ cũng chỉ ra rằng khả năng hồi phục càng giảm khi các đợt trầm cảm bị kéo dài - một lập luận mạnh mẽ để bệnh nhân nên có phương pháp điều trị kịp thời. Có một số bằng chứng cho thấy rằng bản thân bệnh trầm cảm làm thay đổi não bộ, làm giảm khả năng hình thành các kết nối tế bào thần kinh mới và giảm dự trữ của não, do đó làm giảm khả năng phục hồi.

 

Mọi người dễ bị trầm cảm nhất ở độ tuổi nào?

 

Trầm cảm có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi trung niên, từ 45 đến 65 tuổi. Tuy nhiên, bằng chứng chỉ ra rằng mọi người đang trải qua giai đoạn trầm cảm lâm sàng trong đời sớm hơn so với trước đây. Thật đáng lo là những người thuộc Thế hệ Z (sinh từ 1995 đến 2015) đặc biệt dễ bị trầm cảm và lo lắng vì họ được cha mẹ bảo bọc quá mức và không có cơ hội phát triển các kỹ năng ứng phó với những căng thẳng vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống.
 

Mọi người có dễ bị trầm cảm hơn trong cuộc sống sau này không?

 

Trầm cảm không phải là một phần bình thường trong quá trình lão hóa; rối loạn này ít phổ biến hơn ở người lớn tuổi so với người trẻ tuổi, nhưng nó vẫn là một vấn đề nghiêm trọng, vì trầm cảm cuối đời thường liên quan đến việc tự tử, bỏ bê bản thân và suy giảm nhận thức. Khi trầm cảm xảy ra ở những người trên 60 tuổi, nhiều khả năng đó không phải là cơn đầu tiên. Những người mắc bệnh trầm cảm khởi phát muộn ít có tiền sử gia đình bị trầm cảm hơn những người khác; có bằng chứng cho thấy việc cắt giảm các hoạt động hàng ngày ở người cao tuổi là một yếu tố đáng kể tạo ra căn bệnh này.

 

Trẻ em có bị trầm cảm không?

 

Trẻ em có thể bị trầm cảm, và nghiên cứu đã ghi nhận chứng trầm cảm lâm sàng ở trẻ em dưới 3 tuổi. Rối loạn có xu hướng biểu hiện ở trẻ em khác với thanh thiếu niên hoặc người lớn. Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác cực kỳ khó chịu. Các dấu hiệu quan trọng khác là sự thu mình lại với xã hội, buồn bã và giảm khả năng cảm nhận khoái cảm (anhedonia) hay cảm giác tội lỗi. Trầm cảm ở trẻ em có thể là một phản ứng đối với các vấn đề trong gia đình, nhưng nó cũng có thể tạo ra các vấn đề về cách thức vận hành của một gia đình. Một số nhà quan sát cho rằng sự xuất hiện của chứng trầm cảm ở trẻ em có liên quan đến việc ít được vui chơi.


Nguồn: Depression and Suicide - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần