` "Xem bói" nhìn từ góc độ tâm lý học - MaCi Care MaCi Care

8 tháng 2, 2023

2

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

"Xem bói" nhìn từ góc độ tâm lý học

  • Share on Facebook
  • Copy link
"Xem bói" nhìn từ góc độ tâm lý học

       Một trong những nhu cầu phổ biến nhất của con người là “biết trước tương lai”. Có nhiều động cơ để dẫn đến nhu cầu đó: có thể bạn đang đứng trước những sự lựa chọn khó khăn, trước những ngã rẽ cuộc đời, hoặc đơn giản hơn, bạn hi vọng về những điều tốt đẹp có thể xảy ra trong tương lai và muốn nghe được điều đó từ những lời tiên tri. Để đáp ứng nhu cầu này của con người, từ ngàn năm trước những hình thức bói toán đã xuất hiện, và cho đến nay vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển. Các cơ sở bói toán trên khắp cả nước đã và đang diễn ra thường xuyên, đều đặn, với đa dạng hình thức bói toán.

 

1. Tổng quan thực trạng dịch vụ bói toán 

 

       Theo Phạm Hoài Nam & Trần Mạnh Đức (1998), nghiên cứu mẫu khách thể tại Hà Nội cho thấy, có khoảng 10% -15% người được hỏi sùng bái bói toán, khoảng 50% - 60% nếu có điều kiện gặp “thầy hay” thì cũng xem cho biết, tin hay không còn tùy theo trường hợp cụ thể. Một nghiên cứu khác ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khoảng 86% người được hỏi tin và tin một phần vào bói toán (Võ Thanh Bằng, 2005). Về các loại hình bói, phổ biến nhất là xem bói bằng bài tây (20,8%), lá trầu quả cau (13,5%), gọi hồn (10,6%), bói vân tay (10,1%). Đặc biệt, hiện nay xem bói có xu hướng kết hợp nhiều hình thức cùng một lúc. Thường những thầy xem bài tây đôi khi cũng kết hợp cả xem tướng, xem tử vi. Những thầy xem lá trầu quả cau thường kết hợp bấm độn, xem về đất cát mồ mả hay gọi chung là phong thủy. Ngoài ra còn xuất hiện một số hình thức xem bói khác như: xem cành lộc, xem chân gà, xem bằng cách soi tiền, bằng chân hương, hoa hồng (Hoàng Thu Hương & Phạm Hương Giang; 2011).

 

       Những số liệu trên đã phần nào lột tả được bức tranh về lĩnh vực bói toán tại một số thành phố ở Việt Nam. Các hoạt động phục vụ tín ngưỡng, bao gồm bói toán đã trở thành một phần quan trọng, phổ biến, đa dạng về hình thức trong cuộc sống người Việt.

 

2. Tại sao hoạt động bói toán lại tồn tại và có sức cuốn hút với người đi xem bói?

 

         Trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến động, những thách thức và rủi ro liên tiếp xảy ra, cuộc sống của con người dường như cũng trở nên “bấp bênh” hơn, Con người tìm đến với tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động bói toán với mong muốn được chia sẻ, giãi bày, đôi khi cần có thêm niềm tin để “đặt cược” cho những dự định trong tương lai. Ở góc độ tâm lý học, điều gì khiến bói toán có sức hút đến vậy?

 

a. Về khuôn mẫu giao tiếp giữa thầy bói và những người đi xem bói

 

       Người hành nghề bói toán sẽ căn cứ trên cơ sở nghề nghiệp, đặc điểm gia đình, tuổi tác của người đến xem để phán. Dựa trên cơ sở nghề nghiệp của người đi xem bói, thầy bói sẽ có một số câu phán cơ bản với từng nhóm nghề nghiệp. Chẳng hạn, với nhóm công chức nhà nước, trong lời thầy phán bao giờ cũng đề cập tới vấn đề thăng quan tiến chức hay chuyển nơi làm việc... Đối với người buôn bán, kinh doanh, thầy sẽ phán về vấn đề tài lộc, được hay mất tiền. Đối với người đi xem bói đã có gia đình, tùy theo tuổi tác, thầy bói thường đề cập đến vấn đề con cái và mồ mả, đất cát. Đối với vấn đề con cái, theo nghiên cứu, có đến 97% những người đã kết hôn đến xem được thầy phán “đã bỏ 1 – 2 đốt”. 

 

       Như vậy, người hành nghề bói toán có thể dựa trên kinh nghiệm của mình để đưa ra lời phán với từng đối tượng. Những kinh nghiệm này có thể đúng với phần đông người đến xem, hoặc nếu thông tin thầy phán đưa ra không chính xác thì cũng không lệch hoàn toàn so với thực tế.

 

b. Chi phí cho hoạt động bói toán

 

         Có thể thấy, cái được của người đi xem bói là được thầy phán về tương lai – những điều họ đang băn khoăn, đem lại cho người xem cảm giác yên tâm tạm thời và những dự tính mới. Để nhận “cái được” nói trên, người đi xem cần bỏ ra, ngoài tiền bạc, còn phải kể đến thời gian, công sức.

 

         Người đi xem không chỉ phải chi trả một khoản kinh phí nhất định mà còn phải dành thời gian, công sức, sự chờ đợi... Thông thường, ở các điểm xem bói phổ biến tại Hà Nội vào năm 2023, chi phí cho một lần xem bói có thể giao động từ 200.000 VNĐ đến 800.000 VNĐ. Tuy nhiên, ngoài tiền đặt lễ xem bói, một số địa chỉ xem bói thường đưa ra những lời mời để người đi xem cúng lễ vì rất nhiều lý do (muốn cầu con, cầu tình duyên, cầu thăng tiến, cầu xuất ngoại...). Thời gian cho mỗi lần xem tùy thuộc vào từng thầy, vào khoảng từ 30 phút đến 60 phút. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi để đến lượt xem gấp nhiều lần như thế. Những địa điểm có đông người đến xem, người đi xem vẫn sẵn sàng chờ đợi, đi thật sớm để mong sao được thầy phán vì họ cho rằng những địa chỉ đó xem tốt hơn.

 

         Bên cạnh chi phí tiền bạc cúng lễ, chi phí về thời gian khá “cao” cũng là yếu tố khiến cho người xem càng đặt niềm tin mạnh vào những lời tiên tri, bởi họ đã bỏ ra nhiều điều và đã cố gắng thể hiện sự thành tâm.

 

c. Thái độ của người đi xem bói về bói toán

 

         Đối với những người đi xem bói, đa phần họ không tin tuyệt đối vào những điều thầy bói phán, song họ vẫn ghi nhận những điều đó và chiêm nghiệm xem liệu những điều thầy phán có thành hiện thực hay không. Theo số liệu thu thập được, có khoảng 56% số người được hỏi “bán tín bán nghi” với những lời phán của thầy bói, 34% người tin vào lời phán của thầy bói và chỉ có 2% rất tin, 8% không tin hoàn toàn (Hoàng Thu Hương & Phạm Hương Giang; 2011). Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng đây là số liệu thu thập được qua nghiên cứu tại một địa chỉ xem bói, người được hỏi là những người đi xem bói nên tỷ lệ rất ít những người không tin hoàn toàn là điều dễ hiểu.

 

         Xem bói vẫn được xem là một hoạt động mang tính chất mê tín, tuy nhiên trong xã hội đương đại, bói toán lại đang trở thành một nghề “siêu lợi nhuận”, bởi khách hàng sẵn sàng chấp nhận bỏ ra một khoản phí không nhỏ để nghe vài ba phút thầy bói phán về vận hạn hay tương lai. Dưới góc độ xã hội học, không thể khẳng định chắc chắn hoạt động xem bói là đúng hay sai. Ở góc độ tâm lý, con người luôn có xu hướng lý giải cho hành động của mình, nhất là những lúc hoang mang, chưa có định hướng. Họ đến với bói toán, chấp nhận “chi phí” thời gian và tiền bạc, công sức để được nghe những lời thầy phán mà theo họ “có lợi” cho mình.

 

         Trong quan điểm của nhiều người, họ không coi xem bói là một hoạt động mang tính mê tín, mà là “tín tâm”, bởi lẽ “đi xem bói để biết vận hạn, thậm chí để biết những việc mình làm có gì sai trái với người âm hay không là sống có tình có nghĩa, có trước có sau... lo phần mộ cho những người đã khuất cứ coi như mình tu sửa nhà. Người sống nhà cao cửa đẹp, người chết rồi cũng muốn yên thân (Hoàng Thu Hương & Phạm Hương Giang; 2011). 

 

3. Những kỹ thuật và hiệu ứng tâm lý 

 

         Vậy điều gì khiến cho lời các “thầy” phán rất ít khi sai khi bạn đi xem bói? Vào năm 1992, nhà vật lý Geofrey Dean đã đúc kết ra 10 nguyên lý và 26 kỹ thuật dự báo của các nhà chiêm tinh. Dưới đây là một số hiệu ứng và kỹ thuật tâm lý thường gặp nhất. 

 

* Hiệu ứng Barnum 

 

       Đây là hiệu ứng một cá nhân rất dễ dàng tiếp nhận những thông báo mơ hồ, chung chung. Hiệu ứng này được đặt tên theo các màn xiếc của P.T.Barnum. Năm 1949, một giáo sư tâm lý đưa ra một mô tả nhân cách tổng quát đến mức mọi sinh viên đều nhận đó là của chính mình, kiểu như: “Bạn có xu hướng phê phán bản thân” hay “Bạn thích một chút thay đổi”. Thông báo Barnum càng được thừa nhận khi: 1) Ngắn gọn, tổng quát, dễ được chấp nhận và được cho là chỉ đúng với bạn; 2) Là những điều dễ ưa, phù hơp với nhân cách bạn, tránh những thông báo khó chịu kiểu như: “Bạn không phải là người suy nghĩ độc lập”, 3) Đối tượng ngây thơ và dễ thay đổi.

 

* Hiệu ứng Tiến sĩ Fox

 

       Với hiệu ứng này, chúng ta bị đánh lừa bằng khoa học và sự hài hước. Khi cảm thấy ở trong một môi trường giàu trí tuệ, và tin rằng đang được nghe một người am hiểu vấn đề nói, ra sẽ thỏa mãn mà không để ý rằng, thực ra quan điểm có chưa hẳn đã đúng. Năm 1947, ba nhà giáo dùng một người đóng vai “Tiến sĩ Fox” thuyết giảng về “Lý thuyết Trò chơi trong Toán học”, ứng dụng trong giảng dạy vật lý trước 55 nhà tâm thần học, tâm lý học, giảng viên, quan chức trường phổ thông và nhà hoạt động xã hội. Khi điền phiếu thăm dò, 42 người cho rằng, bài giảng được tổ chức tốt, nhiều minh họa và kích thích tư duy, hầu hết cử tọa đều muốn nghe thêm về chủ đề này. Trên thực tế, không ai biết đó chỉ là một trò lừa gạt.

 

* Hiệu ứng vầng hào quang

 

        Hiệu ứng này sử dụng vai trò của ấn tượng ban đầu. Con người có xu hướng tin tưởng những thầy bói có tính cách nồng nhiệt hơn lạnh lùng, tự chủ hơn thiếu tự chủ, áo quần tươm tất hơn ăn mặc cẩu thả, ưa nhìn hơn là kém hình thức... Các thầy đều biết rõ những điều này.

 

* Hiệu ứng tương quan ảo

 

        Đây là quy luật vàng của tâm lý học: Ta sẽ thấy cái mà ta muốn thấy. Từ vô số sự kiện đã xảy ra trong đời, ta nhất định nhặt được một sự kiện phù hợp với dự báo của ông thầy mà ta ưa thích.

 

* Hiệu ứng “không sai lầm”

 

        Vì sao các “thầy” khó nói sai? Bởi lẽ, những lời tiên tri của các thầy thường khá chung chung nên khó có thể sai lầm. Nếu sai, thì thầy bói cũng có cách biện minh, đơn giản nhất là thừa nhận chưa hiểu hết thiên cơ. Ai mà không mắc sai lầm và ai có thể hiểu hết thiên cơ?

 

* Hiệu ứng giả dược (placebo)

 

        Đây là một hiệu ứng có thể gói gọn trong câu “Nó sẽ tốt nếu ta nghĩ rằng nó tốt đối với ta”. Rất ít người đi xem bói mà lại hi vọng thầy bói nói sai. Cái ước vọng muốn tin là một vũ khí lợi hại đối với thầy bói. Khi họ bói sai, ta sẵn sàng cung cấp những ám hiệu để giúp họ điều chỉnh.

 

* Hiệu ứng người phục vụ khách hàng

 

        Đây là một hiệu ứng buộc khách hàng phù hợp với điều dự báo. Có thể hình dung hiệu ứng này như sau: người phục vụ khách sạn có định kiến về một vị khách ít cho tiền tip, thế là anh ta phục vụ không ra gì, kết quả là tiền tip ít thật. Anh ta cho rằng đó là kết quả tiên tri đúng, mà không nghĩ rằng đó chỉ là hệ quả của sự phục vụ tồi.

 

* Hiệu ứng mong ước

 

        Những dự báo càng tốt đẹp thì càng dễ được đón nhận. Các thầy hiểu rõ điều này nên các dự báo thường là dễ chịu. Và sự xu nịnh sẽ đưa ra tới bất cứ đâu. Khi có ai tuyên bố ta tài giỏi, thông minh, sáng tạo, giàu trí tuệ, nhạy cảm, giao thiệp rộng, thăng tiền ào ào và sẽ giàu to, ta tức khắc xem đó là một thầy hay.

 

* Hiệu ứng ký ức chọn lọc

 

        Đây là hiệu ứng khiến con người chỉ nhớ những gì muốn nhớ. Khi thầy bói đưa ra hai dự báo đúng và tám sự báo sai, người đi xem hay say sưa kể lại cho mọi người nghe về hai dự báo “đúng một cách kỳ lạ”, mà quên mất rằng, độ chính xác chỉ là 20%. Trên thực tế, nhiều khi đoán mò cũng đạt độ chính xác tới 50% (thắng hay thua, trai hay gái...), thậm chí 70% (thời tiết ngày mai giống hôm nay).

 

* Kỹ thuật đọc nóng (Hot Reading)

 

        Đó là cách lấy thông tin trước khi bói toán hay "gọi hồn", việc chúng ta phải chầu chực cũng là vì vậy. "Thầy" sẽ quan sát nghe ngóng thông tin khi ta ngồi chờ đề lấy cơ sở “phán”! Thậm chí bạn sẽ phải hẹn trước vì “thầy” quá đông khách và sau đó khi bạn đến, ông thầy sẽ phán tường tận về hoàn cảnh, quan hệ… Còn bạn thì mắt tròn mắt dẹt mà không biết “thám tử” của thầy đã bám đuôi bạn đến tận nhà từ lúc nào.

 

* Kỹ thuật đọc nguội (Cold Reading)

 

        Ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò chính trong kỹ thuật này. Đầu thế kỷ 20 tại Berlin (Đức), chú ngựa Hans thông minh biết lựa theo phản ứng của người đối diện (nhướn mày, nhăn trán, hít vào hay thở nhẹ ra, vươn hay so vai...) để làm toán. Ngựa còn biết, thì tại sao thầy bói lại không? Không chỉ các thầy bói, mà giới đồng cốt cũng rất thạo “kỹ thuật lấy tin” này.

 

* Kỹ thuật đọc ấm (Warm Reading)

 

        Kỹ thuật này dùng để phán cho người có người thân đã qua đời. VD: nếu người thân của người xem qua đời vì đuối nước, thầy có nói họ cảm thấy rét, đau đầu, nhức chân tay...khi bị nhập.

 

       Xem bói là một hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đã tồn tại lâu đời. Có thể tin vào những lời tiên tri, bói toán hay không, có lẽ mỗi người trong chúng ta sẽ có một câu trả lời cho riêng mình. Những lời tiên tri sẽ luôn mang tính chất tham khảo, bởi lẽ mỗi hành động bạn làm, mỗi suy nghĩ bạn có vào ngay lúc nào sẽ kiến tạo ra vận mệnh của bạn. Chỉ cần bạn luôn sống và làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật, có đạo đức, có trách nhiệm, chắc chắn bạn sẽ nhận được những quả ngọt từ nhân đã gieo trồng. 

 

Tài liệu tham khảo.

1. Phạm Thị Hoài Nam, Trần Mạnh Đức (1998). Bước đầu tìm hiểu nghề bói toán ở Hà Nội, trong: “Về tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam hiện nay”. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Võ Thanh Bằng và tập thể tác giả (2005): Điều tra về tình hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 (dẫn theo Hoàng Thu Hương, Phạm Hương Giang, Hoạt động Bói toán: Tương tác xã hội giữa người hành nghề và người đi xem bói, 2011, trang 459).

3. Hoàng Thu Hương, Phạm Hương Giang (2011). Hoạt động Bói toán: Tương tác xã hội giữa người hành nghề và người đi xem bói. XBN Đại học Quốc Gia, Hà Nội.

 

Link.

https://tuvantamly.com.vn/ban-da-roi-vao-bay-cua-thay-boi-nhu-nao/

https://suckhoedoisong.vn/boc-me-ky-xao-lua-gat-cua-cac-tro-boi-toan-169103683.htm

 

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần