` Những điều cần biết về chi phí tham vấn trị liệu - MaCi Care MaCi Care

11 tháng 1, 2023

0

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

Những điều cần biết về chi phí tham vấn trị liệu

  • Share on Facebook
  • Copy link
Những điều cần biết về chi phí tham vấn trị liệu

     Tại Việt Nam, tham vấn trị liệu tâm lý là một dịch vụ gia tăng mạnh cả về cung và cầu trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, những thắc mắc xoay quanh chi phí tham vấn trị liệu đến từ thân chủ - những người đang tìm kiếm dịch vụ vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ và trọn vẹn. Qua bài viết này, MaCi Care hi vọng có thể cung cấp cho bạn thêm một số kiến thức về chi phí tham vấn trị liệu, đồng thời giải đáp các thắc mắc thường gặp liên quan đến vấn đề này.

 

1. Tôi cần chi trả bao nhiêu tiền cho dịch vụ tham vấn trị liệu? 

 

Trước khi đi vào chi tiết về số tiền bạn sẽ chi trả cho dịch vụ này, bạn cần hiểu rõ: dịch vụ tham vấn trị liệu tâm lý sẽ tính chi phí theo từng phiên hỗ trợ. 1 phiên tham vấn trị liệu sẽ kéo dài khoảng 60 đến 90 phút, tùy vào quy định của chuyên gia hoặc của trung tâm tâm lý. Đa số các chuyên gia tâm lý sẽ quy định 1 phiên tham vấn trị liệu là 60 phút. Nếu bạn mong muốn chuyên gia tâm lý kéo dài thời gian 1 phiên hỗ trợ, bạn cần hỏi thêm chuyên gia về phụ phí tính thêm theo số phút. Cả quá trình tham vấn trị liệu thông thường sẽ kéo dài từ 5 đến 10 phiên, hoặc nhiều phiên hơn, tùy vào từng thân chủ cụ thể và phác đồ trị liệu.

 

Cho dù bạn lựa chọn tham vấn trị liệu tâm lý tại Việt Nam hay ở nước ngoài, chi phí cho dịch vụ này cũng không hề rẻ. Mức giá trung bình cho 1 giờ tham vấn trị liệu ở nước ngoài dao động trong khoảng 60$ đến 200$ (tương đương 1.400.000 VNĐ đến 4.600.000 VNĐ). Tại Việt Nam, qua khảo sát, mức giá 1 phiên tham vấn trị liệu ở Hà Nội vào khoảng 500.000 VNĐ đến 3.000.000 VNĐ, dịch vụ này ở Thành phố Hồ Chí Minh có mức chi phí vào khoảng 900.000 VNĐ đến 5.000.000 VNĐ, tùy từng trung tâm. 

 

Trong bối cảnh áp lực cuộc sống gia tăng, chăm sóc sức khỏe tinh thần đang dần trở thành một nhu cầu thiết yếu và cấp bách. Với mức chi phí nêu trên, có thể nhiều người sẽ cho rằng: thà chi tiền cho những thú vui như ăn uống, mua sắm, đi du lịch để xoa dịu đi gánh nặng tâm lý, hơn là sử dụng dịch vụ tham vấn trị liệu. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, những hoạt động vui chơi giải trí nhất thời chỉ giúp bạn xao nhãng đi vấn đề tâm lý đang tồn tại. Đó không phải là cách thức bền vững để bạn lấy lại sự khỏe mạnh trong tâm trí. Vì những khó khăn tâm lý vẫn còn đó, nên các triệu chứng sẽ ngày càng tăng nặng nếu không bạn được trợ giúp kịp thời. Dần dần, sức khỏe tinh thần của bạn có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn và mất kiểm soát. Vì vậy, sử dụng dịch vụ tham vấn trị liệu tâm lý khi bạn cảm thấy “không khỏe” về mặt tinh thần là một hành động hợp lý, thiết thực và bình thường trong cuộc sống hiện đại.

 

2. Những yếu tố nào gây ảnh hưởng đến phí dịch vụ tham vấn trị liệu?

 

  • Cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn trị liệu: Mỗi cơ sở cung cấp dịch vụ tham vấn trị liệu khác nhau sẽ niêm yết bảng tính phí dịch vụ khác nhau. Phí dịch vụ ở các cơ sở cũng có thể thay đổi theo thời gian. Điều quan trọng là bạn cần tìm hiểu và hỏi thật kỹ lưỡng trước khi bắt đầu đăng ký sử dụng dịch vụ tham vấn trị liệu tại cơ sở đó. Hiện nay, các cơ sở tham vấn trị liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh thường có mức phí cao hơn so với các cơ sở ngoài Hà Nội từ 100.000 VNĐ - 500.000 VNĐ. 

 

  • Loại hình tham vấn trị liệu: Loại hình tham vấn trị liệu phổ biến nhất là tham vấn trị liệu trực tiếp (thân chủ gặp và tiếp nhận dịch vụ từ chuyên gia tâm lý tại văn phòng riêng của chuyên gia). Đây cũng là loại hình tham vấn trị liệu hiệu quả nhất và có mức giá cao nhất. Các loại hình khác như tham vấn qua thư điện tử, qua hotline, qua cuộc gọi video… sẽ có mức giá trung bình từ 200.000 VNĐ đến 500.000 VNĐ hoặc miễn phí, tùy vào tổ chức cung cấp dịch vụ. 

 

  • Chuyên gia tâm lý: Các chuyên gia tâm lý với trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm khác nhau sẽ có quy định khác nhau về mức phí dịch vụ cho 1 phiên tham vấn trị liệu. Thông thường, chuyên gia có trình độ học vấn và số năm kinh nghiệm càng cao, mức phí dịch vụ sẽ càng cao. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc giá dịch vụ càng cao thì chất lượng sẽ càng tốt. Bạn hãy nhớ, khi lựa chọn một chuyên gia tâm lý, điều quan trọng nhất là chuyên gia đó phù hợp với nhu cầu của bạn. Bạn có thể lựa chọn một chuyên gia có trình độ học vấn ở bậc Cử nhân hoặc Tiến sĩ, bạn có thể chọn chuyên gia yêu cầu mức phí dịch vụ 300.000 VNĐ 1 phiên hoặc 2 triệu đồng 1 phiên, miễn là trong quá trình tiếp nhận dịch vụ, bạn cảm thấy an toàn, tin cậy và hiệu quả.

 

  • Một số trường hợp đặc biệt: Trường hợp thân chủ là người nước ngoài và mong muốn được chuyên gia tâm lý người Việt hỗ trợ bằng ngôn ngữ tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ khác); trường hợp thân chủ là người Việt và mong muốn được chuyên gia tâm lý là người nước ngoài hỗ trợ…vv..vv. Các trường hợp này sẽ thường có phí dịch vụ cao hơn so với mức giá gốc từ 200.000 VNĐ - 500.000 VNĐ.

 

3. Vì sao chi phí tham vấn trị liệu lại đắt như vậy?

 

  • Lý do thứ nhất: Chuyên gia tâm lý phải trải qua quá trình đào tạo và rèn luyện lâu dài

 

Về mặt chuyên môn, việc tham vấn trị liệu theo đúng tiêu chuẩn không dựa theo kinh nghiệm sống cá nhân và đưa ra lời khuyên. Chuyên gia tâm lý thực hành nghề đều dựa theo các kiến thức, lý thuyết khoa học đã được nghiên cứu, công bố và đúc kết. Họ cũng phải được đào tạo tại các cơ sở được cấp phép như các khoa tâm lý trong trường đại học.

 

Các chuyên gia tâm lý đa phần đều có bằng thạc sĩ trở lên với thời gian học trung bình là 6 năm. Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho 6 năm cũng không nhỏ, khoảng 160 tới 900 triệu tùy trường đào tạo. Còn chi phí du học nước ngoài sẽ khoảng 160.000 tới 350.000 đô la. Nhà tâm lý cũng cần liên tục tự trau dồi chuyên môn qua các khóa đào tạo, các buổi tập huấn cũng như tìm hiểu những kiến thức bổ trợ cho việc thực hành nghề của họ như kiến thức về văn hóa, xu hướng kinh tế, xã hội hay triết học.

 

Không những cần trau dồi về học vấn, một nhà tâm lý cũng cần phải có một nền tảng sức khỏe tinh thần vững vàng và lành mạnh. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng trên thực tế, phần lớn các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp chia sẻ rằng: họ từng gặp ít nhất 1 vấn đề tâm lý và vượt qua nó trước khi trợ giúp người khác. Bản thân mỗi nhà tâm lý đều cần rất nhiều thời gian để tự chữa lành chính mình, đồng thời tự rèn luyện những phẩm chất quan trọng như: kiên nhẫn, trung thực, thấu cảm, không định kiến và tin tưởng vào bản thân. “Bạn không thể cho đi một thứ mà bạn không có” - để trở thành một chuyên gia tâm lý, sở hữu một đời sống tinh thần ổn định, tích cực là điều kiện tiên quyết cần đạt được. 

 

  • Lý do thứ hai: Tham vấn trị liệu - không chỉ là lắng nghe

 

Để quá trình trợ giúp diễn ra hiệu quả, chuyên nghiệp và đạt chuẩn, công việc của chuyên gia tâm lý không đơn thuần chỉ gặp mặt và nói chuyện với thân chủ. Ở những phiên gặp mặt đầu tiên, chuyên gia tâm lý cần quan sát và sử dụng kỹ thuật lắng nghe chủ động, kỹ thuật thấu cảm trong tham vấn nhằm mục đích tạo cho thân chủ cảm giác an toàn, thoải mái và tin cậy. Đồng thời, những phiên làm việc đầu tiên cũng là thời điểm chuyên gia sử dụng những thang đánh giá tâm lý và các kỹ thuật khác nhau nhằm xác định chính xác vấn đề thân chủ đang gặp phải, từ đó xây dựng phác đồ hỗ trợ thích hợp.

 

Các buổi gặp mặt trực tiếp chỉ là một phần nhỏ trong công việc của nhà tâm lý. Sau buổi gặp mặt, họ có thêm một loạt tác vụ khác cho thân chủ như: tổng hợp và sắp xếp những điểm chính diễn ra trong phiên, viết báo cáo chuyên môn, phân tích tâm lý, xây dựng phác đồ trị liệu, nghiên cứu tài liệu liên quan…Qua mỗi phiên, nhà tâm lý lại hiểu thân chủ thêm một chút. Vì vậy, họ cần liên tục phân tích và cập nhật những thông tin mới trong quá trình làm việc. Kết quả là họ sẽ phải thường xuyên đánh giá các vấn đề của thân chủ, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch trị liệu nếu cần thiết. Bên cạnh đó, đôi khi nhà tâm lý sẽ phải chuẩn bị các tài liệu bổ sung kiến thức cho thân chủ tự tìm hiểu. Họ cũng cần gửi báo cáo ngắn gọn về tình trạng cũng như hướng dẫn hỗ trợ cho người nhà thân chủ nếu họ mong muốn tham gia.

 

Do đó, chi phí trị liệu tâm lý cao bởi khối lượng công việc của nhà tâm lý nhiều hơn chúng ta tưởng. Như thế, có thể nói chi phí cho một phiên không chỉ bao gồm việc gặp mặt trực tiếp, mà còn là cho những đầu công việc ở trên. Đó đều là những đầu việc rất quan trọng, phục vụ trực tiếp cho lợi ích quá trình tham vấn và trị liệu của thân chủ.
 

 

  • Lý do thứ ba: Chuyên gia tâm lý cần giám sát chuyên môn để đảm bảo chất lượng

 

Giám sát chuyên môn là cách thức giúp nhà tâm lý xem xét và đánh giá lại quá trình làm việc với thân chủ. Vì vậy, dù mới vào nghề hay là người thực hành lâu năm thì việc được giám sát với những nhà tâm lý nhiều kinh nghiệm hơn luôn là điều không thể thiếu. Bởi với sự phức tạp của tâm lý con người và tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội, vô vàn tình huống mới có thể phát sinh trong quá trình tham vấn trị liệu mà không sách vở nào nói đến. Khi ấy, nhà tâm lý luôn cần phải học hỏi thêm để hỗ trợ thân chủ hiệu quả. Đồng thời, trách nhiệm của nhà tâm lý là đảm bảo quyền lợi cho thân chủ cũng như hạn chế hết mức những điều có thể gây hại. Vì vậy, việc được giám sát bởi một người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn hơn, hoặc bởi những đồng nghiệp đồng đẳng cho phép các nhà tâm lý có một không gian an toàn để vừa hỗ trợ thân chủ, vừa phát triển năng lực nghề. Chi phí để trả cho giám sát chuyên môn có thể là trung tâm tâm lý chi trả, hoặc chính chuyên gia tâm lý sẽ phải tự chi trả.

 

Với các lý do trên, có thể thấy, để trở thành một chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp là không hề dễ dàng. Công việc của một nhà tâm lý không đơn giản chỉ là “kiếm tiền từ một vài lời khuyên”. Trở thành một nhà tâm lý là cả một hành trình kiên nhẫn, học tập, rèn luyện và nỗ lực không ngừng nghỉ, để từ đó, nhà tâm lý có thể mang trái tim trắc ẩn trợ giúp cho mọi người.

 

4. Nếu điều kiện tài chính khó khăn, làm sao để tôi có thể hưởng mức chi phí rẻ hơn hoặc miễn phí cho dịch vụ tham vấn trị liệu?

 

Nếu tình hình tài chính của bạn đang gặp khó khăn, hoặc mức thu nhập của bạn khó có thể đáp ứng được quá trình tham vấn trị liệu lâu dài. Bạn có thể cân nhắc một số cách thức như sau:

 

  • Tìm kiếm dịch vụ tham vấn trị liệu miễn phí tại cơ sở trường học hoặc nơi làm việc: Hiện tại, ở một số cơ quan, công ty và trường học đã có Phòng Tham vấn Tâm lý hay Phòng Tâm lý Học đường. Các dịch vụ này trong khuôn khổ cơ quan, công ty, trường học đều được cung cấp miễn phí cho người lao động hay học sinh, sinh viên. Bạn có thể thử tìm hiểu xem tại nơi làm việc hoặc ngôi trường bạn đang theo học có Phòng Tâm lý hay không. Nếu có, bạn hoàn toàn có quyền đến tiếp nhận dịch vụ tại Phòng và không mất bất kỳ chi phí nào.

 

  • Tìm kiếm các đường dây nóng hỗ trợ tâm lý miễn phí: Tại Việt Nam có một số đường dây nóng hỗ trợ tâm lý miễn phí có thể kể đến như:

- Đường dây ấm lắng nghe và sơ cứu tâm lý miễn phí MaCi Care Warmline: 0797 715 211

- Hỗ trợ tham vấn và trị liệu tâm lý miễn phí: 0909 65 80 35 (Dự án Chăm sóc Sức khỏe Việt BKLN, DaviPharm)

- Đường dây nóng thuộc Chi hội Hoa Súng: 0789 959 987 

- Hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, buôn bán, bỏ rơi, sang chấn tâm lý: 111 (Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em, Cục Trẻ Em)

- Hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, buôn bán, sang chấn (tiếp nhận cả những trường hợp cần nhà tạm lánh): 0943111967 (tổ chức Hagar) hoặc 1900969680 (Ngôi nhà Bình Yên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). 

- Hỗ trợ cộng đồng LGBTQI+ và bạo lực giới: 024 3333 55 99 (Trung tâm CSAGA).

 

  • Thỏa thuận lại mức phí dịch vụ với chuyên gia tâm lý: Trong trường hợp bạn mong muốn tiếp dịch vụ tham vấn trị liệu từ một chuyên gia cụ thể đã có mức giá niêm yết, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước chi phí cho phiên gặp mặt đầu tiên và đặt lịch hẹn gặp chuyên gia. Trong phiên đầu tiên này, nếu bạn có nguyện vọng tiếp tục làm việc với chuyên gia, bạn có thể trình bày về điều kiện tài chính hiện tại của bạn và đề xuất mức phí dịch vụ phù hợp. 

 

Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình sử dụng dịch vụ tham vấn trị liệu! MaCi Care chúc bạn luôn mạnh khỏe và an vui!

 

Nguồn tài liệu tham khảo: 

(1) How Much Does Therapy Cost? - Very Well Mind

(2) Here's How Much You Should Expect to Pay for Therapy in 2022 - CNET

(3) Chi phí trị liệu tâm lý cao do đâu? - Vietcetera

(4) Trị liệu tâm lý không phải là những lời khuyên sách vở - Vietcetera

(5) Tham khảo chi phí tham vấn trị liệu từ một số trung tâm tâm lý tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần