` Dấu hiệu của Rối loạn lo âu - MaCi Care MaCi Care

22 tháng 11, 2022

0

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

Dấu hiệu của Rối loạn lo âu

  • Share on Facebook
  • Copy link
Dấu hiệu của Rối loạn lo âu

     Mọi người đôi khi sẽ lo lắng, có những lúc là phản ứng với điều gì đó có thực, chẳng hạn như nguy cơ mắc COVID-19 nặng hoặc điều gì đó hoàn toàn do tưởng tượng, như khả năng bị phá sản khi vẫn đang khá giả. Tuy nhiên các phản ứng này có xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn. Ý nghĩa của sự lo lắng là để giữ cho bạn an toàn, và cơ thể sẽ ở trạng thái để không phạm phải sai lầm, ảnh hưởng đến sự sinh tồn. Lo âu được coi là một chứng rối loạn khi nỗi lo lắng quá mức vượt lên việc đảm bảo an toàn, kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, những ý nghĩ lo lắng khó kiểm soát và cản trở hoạt động hàng ngày. Trong chứng rối loạn lo âu lan tỏa, lo lắng có thể tập trung vào bất kỳ lĩnh vực chính nào trong cuộc sống như sức khỏe, công việc, gia đình hay cả những vấn đề nhỏ.
 

Lo âu có hai loại cơ bản: một là dòng suy nghĩ ám ảnh; hai là lo lắng, sợ hãi về một kết quả tồi tệ nào đó. Và có các triệu chứng về thể chất, đặc biệt như bồn chồn và phù nề, căng cơ, rối loạn giấc ngủ và khó tập trung. Giống như trầm cảm, sự lo âu có thể xuất hiện trên nhiều hệ thống trong cơ thể, làm gián đoạn quá trình tiêu hóa, tăng nhịp tim, gây ù tai. Số phụ nữ bị lo âu nhiều hơn nam giới, theo tỷ lệ 2:1. Trong suốt cuộc đời, người dân Mỹ có 10% nguy cơ mắc chứng lo âu. Nhưng tỷ lệ mắc rối loạn lo âu đã tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Tuổi khởi phát trung bình là 31. Các nghiên cứu cho thấy ở châu Âu và Trung Quốc, khả năng mắc chứng lo âu lan tỏa là ít hơn 6%.

 

Lo âu là vấn đề thể chất hay tâm lý?

 

Sự lo âu thể hiện ở cả tinh thần và thể chất. Khi một mối đe dọa xuất hiện, cho dù nó là thực tế, ví dụ như khả năng bị đuổi việc vì một hành vi phạm pháp hay chỉ là tưởng tượng, thì hạch hạnh nhân của não đều báo hiệu cho vùng dưới đồi, một vùng chỉ huy trung tâm, phát tín hiệu thông qua hệ thống thần kinh tự trị và tạo ra một loạt các hormone, bao gồm cả adrenaline. Sau đó, vùng dưới đồi kích thích các triệu chứng lo âu về thể chất. Tim bạn đập nhanh hơn và nhịp tim tăng lên. Huyết áp của bạn cũng vậy. Nhịp thở tăng tốc; bạn có thể cảm thấy khó thở. Các triệu chứng khác bao gồm:

 

• Chóng mặt

• Căng cơ

• Run tay hoặc chân

• Khô miệng

• Đổ mồ hôi

• Đau bụng

• Đau đầu.

 

Các nghiên cứu cho thấy rằng các triệu chứng cơ thể thường dẫn đến chẩn đoán sai  các triệu chứng xuất phát từ nguyên nhân thực thể và nguồn gốc thực sự của vấn đề vẫn chưa được tìm ra.

 

Mọi người dễ bị lo âu nhất ở độ tuổi nào?
 

Mặc dù trẻ em có thể mắc chứng lo âu, nhưng độ tuổi khởi phát trung bình của bất kỳ chứng rối loạn lo âu nào là 21,3 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi khởi phát đang giảm và Viện Y tế Quốc gia báo cáo rằng 32 phần trăm thanh thiếu niên từng mắc một dạng rối loạn lo âu: lo âu lan tỏa, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn lo âu xã hội. Các nhà quan sát cho rằng những áp lực văn hóa mới tạo ra sự lo lắng ở tuổi trẻ. Một số rối loạn lo âu xuất hiện sớm hơn những rối loạn khác: lo âu chia ly, ám ảnh sợ đặc hiệu và rối loạn lo âu xã hội thường bắt đầu trước tuổi 15. Rối loạn lo âu nói chung và các rối loạn lo âu khác bắt đầu trung bình từ 21,1 đến 34,9 tuổi.

 

Những dấu hiệu chính của sự lo âu là gì?

 

Rối loạn lo âu lan tỏa biểu hiện ở cả tâm lý và cơ thể. Những người bị lo âu thường xuyên lo lắng quá mức trong ít nhất sáu tháng và không thể kiểm soát được nỗi lo lắng. Họ cũng gặp một số triệu chứng thể chất. Sự xuất hiện của ít nhất ba dấu hiệu cơ thể cùng với sự lo lắng quá mức là tiêu chí để chẩn đoán lâm sàng.

 

• Bồn chồn hoặc cảm thấy khó chịu

• Dễ mệt mỏi

• Khó tập trung

• Cáu gắt

• Căng cơ

• Rối loạn giấc ngủ
 

Chứng sợ hãi là một chứng rối loạn lo âu phổ biến, trong đó nỗi sợ hãi tập trung vào một đối tượng hoặc tình huống cụ thể và lo lắng sẽ chỉ xuất hiện trong tình huống đó hoặc khi cá nhân dự đoán nó sẽ xảy ra trong tương lai.

 

Lo âu lâm sàng là gì?

 

Những cơn lo lắng thi thoảng xuất hiện là một phần bình thường của cuộc sống. Và mức độ lo lắng vừa phải trong một số tình huống, chẳng hạn như trước khi làm bài kiểm tra, thảo luận, tham gia vào một hoạt động mới hoặc làm điều gì đó mạo hiểm, sẽ là có ích. Nó nâng cao sự tỉnh táo và có thể thúc đẩy hiệu suất. Nhưng khi lo lắng dữ dội hoặc dồn dập, dai dẳng, vượt quá mức khó chịu, cản trở hoạt động hàng ngày hoặc các hoạt động quan trọng, và không tương xứng với những nguy hiểm thực sự phải đối mặt thì đó được coi là một rối loạn, hoặc trạng thái lâm sàng.

 

Tại sao tôi có cảm giác mình bị đau tim?

 

Khi lo lắng đặc biệt là trong cơn hoảng loạn, tim được thúc đẩy bởi các hormone là một phần của phản ứng căng thẳng, tăng tốc và tăng cường hoạt động cho tim nhằm nỗ lực nhanh chóng cung cấp oxy cho các cơ, trong khả năng xảy ra chiến đấu hoặc bỏ chạy. Bạn cảm thấy hồi hộp, cảm giác tim đập thình thịch, loạn nhịp hoặc thậm chí đập bất thường. Thở cũng nhanh và có thể tạo ra cảm giác không nhận đủ oxy. Những phản ứng tự động này tạo ra cảm giác như bị đau tim. Ở những người khỏe mạnh về thể chất, các triệu chứng này vô hại, mặc dù nỗi sợ bị đau tim có xu hướng gây lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh một cách nhanh chóng, các cảm giác này thường sẽ giảm dần.
 

Tại sao tôi cảm giác như một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra?

 

Cảm giác về sự diệt vong sắp xảy ra là nguyên nhân phổ biến đi kèm với những cơn lo lắng và đặc biệt là những cơn hoảng loạn. Nó không chỉ có vẻ bất thường mà còn có xu hướng làm trầm trọng thêm sự lo lắng. Cảm giác này được kích hoạt bởi phản ứng của cơ thể khi tâm trí cảm nhận được mối đe dọa. Các hormone được giải phóng như một phần của phản ứng căng thẳng của cơ thể khiến não bộ ở trạng thái cảnh giác cao độ, không ngừng tìm kiếm nguy hiểm và phản ứng căng thẳng cao độ có thể dẫn đến cảm giác thảm họa sắp đến.

 

Khi não bộ ở trạng thái này, sẽ khiến cho chúng ta có cảm giác những điều tồi tệ, khủng khiếp sắp đến. Các biện pháp để giảm bớt phản ứng căng thẳng, chẳng hạn như hít thở sâu trong vài phút, có thể làm giảm cảm giác diệt vong sắp xảy ra.

 

Tại sao cơ thể tôi run rẩy?
 

Sự lo lắng bộc phát trong cơ thể cũng như tâm trí. Nó đặt phần lớn hệ thống thần kinh vào tình trạng cảnh giác cao độ đối với nguy hiểm và sẵn sàng chiến đấu hoặc chạy trốn. Hệ thống thần kinh bị kích thích sẵn sàng tiêu hao năng lượng, và run rẩy là biểu hiện của sự căng thẳng đó. Sự căng thẳng thần kinh có thể biểu hiện là run tay hoặc thậm chí run toàn thân. Run tay và run cơ thể có thể xảy ra từng đợt hoặc có thể tương đối liên tục. Tuy chúng gây ra sự khó chịu, nhưng chúng không gây ra nguy hiểm gì và cuối cùng sẽ hết. Chúng ta có thể làm một số việc để giảm lo lắng như: hít thở sâu, đi bộ, chạy có thể giảm sự lo lắng hay chấm dứt cơn run.

 

Tại sao tôi không thể tập trung vào bất cứ điều gì?
 

Việc lo lắng về cơn lo âu của bản thân làm gián đoạn các chức năng nhận thức khác, và sự tập trung và trí nhớ đều bị ảnh hưởng không tốt. Lo lắng làm giảm trí nhớ đang hoạt động, do đó khó có thể lưu giữ thông tin được lâu; bạn cảm thấy như bạn không thể tập trung đủ lâu để hoàn thành mọi việc và các nhiệm vụ dường như trở nên khó khăn hơn. 

Sương mù não. Ngoài ra, sự thiên vị bình thường của bộ não để ghi lại các sự kiện tiêu cực được phóng đại trong cơn lo âu, và bộ não bận tâm đến việc quét tìm mối nguy hiểm. Một vấn đề phức tạp hơn, lo lắng làm gián đoạn giấc ngủ và thiếu ngủ sẽ làm giảm trí nhớ làm việc và khả năng tập trung nhiều hơn.
 

Tại sao đôi khi tôi cảm thấy như không thở được?

 

Khó thở là một triệu chứng phổ biến của lo lắng, và đặc biệt biểu hiện cực đoan nhất của nó là hoảng sợ. Cảm giác khó thở là do các hormone được cơ thể tiết ra trực tiếp gây ra, bất cứ lúc nào tâm trí cảm nhận được hoặc nhớ lại một mối đe dọa, bất cứ điều gì khiến bạn lo lắng. Liên quan đến phản ứng căng thẳng ở sâu trong cơ thể, khó thở là cảm giác bạn cảm nhận được khi cơ thể tăng tốc độ của nhịp tim và nhịp thở nhằm tăng tốc độ bổ sung oxy cho cơ bắp, để tự động chuẩn bị cho cơ thể chiến đấu hoặc bỏ chạy.
 

Trải nghiệm khó thở, đặc biệt là kết hợp với nhận thức về việc  tim đang đập mạnh, có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn, bản thân nó làm trầm trọng thêm sự lo lắng, dẫn đến khó thở hơn nữa. Khó thở có thể kéo dài 10 phút hoặc hơn, nhưng cuối cùng nó sẽ biến mất. Vượt qua tình trạng khó thở một cách trực tiếp bằng một hoặc hai phút tập thở sâu là một trong những biện pháp chống lo âu hiệu quả nhất, nó không chỉ đưa oxy đến bộ não làm việc quá sức của bạn mà còn kích thích dây thần kinh phó giao cảm, nhánh làm dịu của hệ thần kinh tự chủ.

 

Lo lắng có giống với sợ hãi không?

 

Sợ hãi là một phản ứng đối với nguy hiểm xuất hiện ngay lập tức. Nó thường diễn ra ở mức tập trung cao, được kích hoạt bởi một đối tượng hoặc hoàn cảnh rất cụ thể, và có thể huy động hành động nhanh chóng. Lo lắng có thể không có nguồn gốc từ bất kỳ tác nhân bên ngoài nào; nó là một phản ứng đối với mối đe dọa trong tương lai có thực hoặc tưởng tượng, và nó thường rộng hơn, tạo ra nhu cầu cảnh giác liên tục để đề phòng một số kết quả không mong muốn có thể xảy ra. Nó thường kích thích hành vi tránh né.

 

Điều này khiến những người bị lo âu sẽ rất chủ quan và mang đặc điểm riêng. Mặt khác, nỗi sợ hãi có đặc tính xã hội. Nỗi sợ hãi kích thích một loạt các thay đổi đặc biệt và được hiểu phổ biến trong biểu hiện trên khuôn mặt. Nỗi sợ hãi kích thích một loạt các thay đổi và thay đổi được biểu hiện ra ngoài nhiều nhất ở trên khuôn mặt, như là: đồng tử mở rộng, da nhợt nhạt, được cho là để âm thầm cảnh báo người khác rằng đây một mối nguy hiểm đang hiện hữu. Sự lo lắng cũng có một số dấu hiệu sinh lý tương tự sự sợ hãi như: sự tỉnh táo tăng cao và nhịp tim nhanh, được tạo ra bởi các hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng; nhưng đặc biệt là nó đặt một gánh nặng lo lắng lên não dưới dạng suy nghĩ lặp đi lặp lại về điều có thể xảy ra sai sót trong tương lai.

 

Diễn biến của lo lắng lâm sàng là gì?

 

Rối loạn lo âu lan tỏa có xu hướng trở thành một tình trạng mãn tính. Các triệu chứng lo lắng xảy ra khi hạch hạnh nhân của não xác định mối đe dọa và gửi tín hiệu để cơ thể và não bộ để chuẩn bị ứng phó với nguy hiểm. Bộ não hoạt động nhiều hơn để tìm kiếm những điều tồi tệ. Cơ thể sẽ cảnh báo các hệ thống cơ quan để chuẩn bị chiến đấu hoặc chạy trốn.

 

Các nghiên cứu cho thấy một số người được sinh ra với ngưỡng phản ứng của hạch hạnh nhân thấp, do đó nó liên tục bật hệ thống báo động. Ở những người khác, những trải nghiệm bất lợi trong thời thơ ấu sẽ thiết lập lại suốt đời mức độ phản ứng của hạch hạnh nhân khi chúng nỗ lực ngăn chặn khả năng bị tổn hại ở tương lai. Cả hai tình huống đều tạo ra sự tổn thương mãn tính đối với sự lo âu. Các nguyên nhân của sự lo âu có thể thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng xu hướng phản ứng với các tình huống khó khăn bằng sự lo lắng sẽ luôn tồn tại. 

 

Tại sao tôi không quan tâm đến tình dục?

 

Lo âu chắc chắn là thứ gây buồn tẻ. Lo lắng là một phản ứng ban đầu được thiết lập để thúc đẩy bản năng sống trong một môi trường nguy hiểm. Trung tâm não điều chỉnh các hành vi cơ bản như ăn uống và tình dục (vùng dưới đồi) ngừng hoạt động trong bất kỳ tính huống nào không liên quan đến sự sống còn ngay lập tức. Kết quả dẫn đến thiếu ham muốn tình dục hoặc ham muốn tình dục thấp. Ngoài ra, cảm giác lo lắng thường trực ngăn cản sự thư giãn cần thiết để cảm thấy hấp dẫn với những kích thích vật lý dẫn đến cực khoái. Riêng đối với phụ nữ, cực khoái đòi hỏi khả năng buông bỏ; trạng thái lo lắng thì hoàn toàn ngược lại. Ham muốn tình dục sẽ có trở lại khi não bộ cảm nhận được một môi trường an toàn.
 

Trẻ em có mắc rối loạn lo âu không?

 

Các nghiên cứu cho thấy chỉ hơn 7% trẻ em từ 3 đến 17 tuổi hiện đang có vấn đề lo lắng. Có khoảng 4,4 triệu trẻ em ở Mỹ. Ngày càng có nhiều trẻ em được chẩn đoán mắc chứng lo âu — tỷ lệ mắc bệnh đã tăng từ 5,5% lên 6,4% chỉ tính riêng từ năm 2007 đến năm 2012.

 

Các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố; nổi bật trong số đó là cách mà các bậc cha mẹ thường cố gắng che chắn cho con cái của họ khỏi cảm thấy tồi tệ trước những khó khăn và va chạm bình thường của cuộc sống. Ví dụ một cậu bé rất thất vọng vì không được chọn vào đội tuyển bóng đá. Thay vì giúp đứa trẻ hiểu những kỹ năng thể thao nào có thể cần rèn luyện nhiều hơn và giúp chúng xử lý khi bị từ chối, thì có phụ huynh lại phản đối nhà trường hoặc huấn luyện viên. Hậu quả thực sự là đứa trẻ không phát triển được kỹ năng ứng phó với những thất vọng nhỏ, và việc thiếu kỹ năng ứng phó sẽ biến những thách thức dù nhỏ thành nguồn gốc đáng kể tạo ra lo lắng. Theo cách đó, sự lo lắng của người lớn sẽ tạo ra những đứa trẻ dễ lo lắng .


Nguồn: Signs of Anxiety - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần