` Hiểu về sự tức giận - MaCi Care MaCi Care

22 tháng 11, 2022

0

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

Hiểu về sự tức giận

  • Share on Facebook
  • Copy link
Hiểu về sự tức giận

     Giận dữ là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, bao gồm hạnh phúc, buồn bã, lo lắng hoặc ghét bỏ. Những cảm xúc này gắn liền với sự sống còn cơ bản và được mài dũa trong suốt tiến trình lịch sử của loài người. Giận dữ có liên quan đến phản ứng “chiến đấu, bỏ chạy hoặc đóng băng” của hệ thần kinh giao cảm; nó chuẩn bị sự sẵn sàng chiến đấu cho con người. Nhưng chiến đấu không nhất thiết là tung ra những cú đấm. Nó có thể thúc đẩy chúng ta chống lại sự bất công bằng cách thay đổi luật lệ hay thực thi những quy tắc mới. Tất nhiên, tức giận một cách dễ dàng hoặc thường xuyên nóng nảy có thể phá hoại các mối quan hệ hoặc tổn hại sức khỏe thể chất về lâu dài. Việc giải phóng các hormone căng thẳng kéo dài kèm theo sự tức giận có thể phá hủy các tế bào thần kinh trong các khu vực của não liên quan đến khả năng phán đoán và trí nhớ ngắn hạn, đồng thời làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Với những người phải đấu tranh với cơn giận dữ liên tục hoặc những người thường xuyên bộc phát sự nóng nảy, việc học các kỹ năng để xác định và điều khiển loại cảm xúc mạnh này có thể tạo ra sự thay đổi và tiến bộ.
 

Trải nghiệm của sự tức giận

 

Mọi người đều biết loại cảm giác này. Đó là cơn thịnh nộ dâng lên khi tài xế bị kẹt xe trên đường cao tốc hoặc một nhân viên bị sếp của họ hạ bệ. Mọi người thường gặp khó khăn trong việc quản lý sự tức giận và những cảm xúc tiêu cực khác. Tuy nhiên, việc bộc phát cơn tức giận không tạo ra cảm giác thanh tẩy mà mọi người mong muốn, mà sự bộc phát đó còn có xu hướng “đổ thêm dầu vào lửa”. Con đường nhanh nhất để thay đổi tốt hơn chỉ có thể là hiểu được gốc rễ của sự tức giận, tác nhân gây ra nó, hậu quả của nó và từ đó gia tăng khả năng quản lý nó.
 

Điều gì gây ra sự tức giận?


Câu hỏi về lý do tại sao một số người lại chịu đựng sự khó chịu trong khi những người khác lại bùng nổ cơn thịnh nộ là một câu hỏi thú vị. Một mô hình về sự tức giận, do nhà tâm lý học Jerry Deffenbacher đưa ra, cho rằng sự tức giận là kết quả của sự kết hợp giữa việc một sự kiện  kích hoạt, các đặc điểm phẩm chất của cá nhân và sự đánh giá của cá nhân về tình huống đó.


Điều kích hoạt là sự kiện gây ra cơn tức giận, chẳng hạn như bị kẹt xe hoặc bị cha mẹ la mắng. Các đặc điểm phẩm chất của cá nhân bao gồm các đặc điểm nhân cách, chẳng hạn như lòng tự ái, tính cạnh tranh,khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp và trạng thái trước khi tức giận như mức độ lo lắng hoặc kiệt sức. Có lẽ quan trọng nhất là khả năng tự đánh giá; ví dụ như đánh giá một tình huống là đáng lên án, không cần quan tâm lý lẽ, đáng trừng phạt, v.v. Sự kết hợp của các thành phần này xác định khi nàovà tại sao mọi người nổi điên.

 

Những đặc điểm tính cách nào có liên quan đến sự tức giận?

 

Nghiên cứu cho thấy xu hướng dễ dàng trở nên tức giận có liên quan đến chứng loạn thần kinh cao và khả năng chịu đựng thấp. Bên ngoài các đặc điểm tính cách của Big Five, một vài thói quen và thái độ sau đây có thể liên quan đến sự tức giận, bao gồm như:
 

• Quyền lợi (  tin rằng các quyền lợi và đặc quyền của họ vượt trội hơn so với của người khác)
 

• Tập trung chú ý vào những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân (chẳng hạn như hành vi của người đối diện) 

 

• Điều chỉnh yếu tố bên ngoài của cảm xúc (cố gắng điều chỉnh cảm xúc của một người bằng cách kiểm soát môi trường của họ)

 

• Kiểm soát những yếu tố bên ngoài (tin rằng hạnh phúc được kiểm soát bởi các nguồn yếu tố bên ngoài bản thân)
 

• Từ chối nhìn nhận vấn đề theo các hướng khác (coi các quan điểm khác như những sự đe doạ)

 

• Khả năng chịu đựng sự khó chịu thấp

 

• Khả năng chịu đựng sự mơ hồ thấp

 

• Tập trung thái quá cho việc đổ lỗi 
 

• Cái tôi mỏng manh 

 

Có nhiều loại tức giận khác nhau không?

 

Giận dữ là một cảm xúc cốt lõi, nhưng nó có thể biểu hiện khác nhau khi xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Sự tức giận chính đáng là sự phẫn nộ về mặt đạo đức trước những bất công trong xã hội, chẳng hạn như sự áp bức nhân quyền hoặc một mối quan hệ bị lạm dụng. Sự tức giận chính đáng có thể có lợi trong ngắn hạn vì cường độ của nó có thể được chuyển thành hành động để thay đổi vấn đề.

 

Sự tức giận không hợp lý có thể phát sinh từ nhiều tình huống khó chịu trong cuộc sống hàng ngày. Cơn giận dữ gây hấn xuất hiện trong các tình huống mà một cá nhân cố gắng thực hiện quyền thống trị, đe dọa, thao túng hoặc kiểm soát đối với người khác. Cơn thịnh nộ là những cơn giận dữ bộc phát, không hợp lý, xuất hiện khi mong muốn và nhu cầu của một cá nhân không được đáp ứng, cho dù điều đó vô lý và không phù hợp đến mức nào.

 

Đàn ông và phụ nữ trải qua cơn giận có khác nhau không?
 

Mối quan hệ giữa giới tính, sự giận dữ và bạo lực phức tạp hơn mọi người có thể nhận thấy, và những quan niệm thông thường, chẳng hạn như đàn ông tức giận hơn phụ nữ là không đúng sau khi được nghiên cứu kỹ lưỡng.

 

Tuy nhiên, một điều dễ hiểu là mối liên hệ giữa giới tính nam, sự giận dữ và hung hăng. Các nghiên cứu cho thấy giới tính nam có liên quan đến sự tức giận. Khi bản lĩnh đàn ông bị đe dọa, họ sẽ phản ứng lại một cách tức giận hơn. Thử nghiệm với chất testosterone của trong cơ thể nam giới cũng cho kết quả tương tự. Và dường như sự nam tính ngầm ẩn dường như sẽ nổi dậy khi đàn ông say xỉn.
 

Tại sao đôi khi tức giận lại cảm thấy dễ chịu?

 

Trái ngược với sự tức giận phát sinh từ xung đột giữa các cá nhân (do sự vi phạm hay phản bội); sự phẫn nộ mang tính đạo đức tập trung vào việc thổi phồng cảm giác của bản thân hơn là hành vi có vấn đề của người khác  là. Loại phẫn nộ này, được gọi là “dấu hiệu đức hạnh” hoặc sự vĩ đại về đạo đức, cụ thể là nó nhấn mạnh các thuộc tính đạo đức của một người bằng cách chỉ ra các thuộc tính không có đạo đức ở người khác. Hiểu đơn giản đó là khi đặt người khác xuống vô tình sẽ nâng bản thân mình lên.
 

Từ quan điểm tiến hóa, con người sẽ mong muốn đạt được và duy trì vị thế xã hội vững chắc trong các nhóm nhỏ. Bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi của người khác một phần có thể giúp nâng cao vị thế của người đó, điều này có thể giải thích tại sao sự phẫn nộ thường đem lại cảm giác dễ chịu như vậy.

 

Tại sao mọi người lại có những ý nghĩ trả thù?

 

Trả thù liên quan đến sự tức giận, cảm giác bị thất vọng hoặc trở thành nạn nhân, tạo ra mong muốn “ăn miếng trả miếng”. Cảm giác bất lực không làm gì được sẽ dẫn đến ý tưởng trả thù hoặc gây hấn. Ý nghĩ báo thù có thể xuất hiện khi một người muốn bảo vệ bản thân, giữ vững sự tự tin và hãnh diện về bản thân, xoa dịu cảm giác thất vọng, bị sỉ nhục và xúc phạm. Họ sẽ tìm cách lấy lại quyền lực như ban đầu bằng cách gây đau khổ cho đối phương tương ứng với những gì mình đã phải trải qua. Ý nghĩ trả thù đặc biệt có khả năng xảy ra ở những cá nhân đã từng là nạn nhân và bị tổn thương bởi những người khác. Chúng có nhiều khả năng xảy ra ở những người được chẩn đoán mắc PTSD .

 

Tại sao mọi người lại không bỏ qua hận thù?

 

Lời khuyên phổ biến là hãy “tha thứ và quên đi” có thể là ý tốt nhưng khó thực hiện. Nhiều người giữ mối hận thù sâu sắc, ngay cả khi họ không muốn. Điều này có thể xảy ra bởi vì sự hận thù sẽ đi kèm với một bản sắc cá nhân nào đó. Người giữ hận thù trong lòng ý thức được điều đó là sai nhưng lại rất khó bỏ và có niềm tin cố hữu vào nó.

 

Tuy nhiên, mối hận thù không có xu hướng khiến cho mọi người cảm thấy tốt hơn, chữa lành nỗi buồn hay sự tức giận của chúng ta. Không chú trọng nhiều đến người bị cho là tội phạm hay hậu quả của vấn đề,  có thể giúp mọi người có thêm trải nghiệm khi vượt qua câu chuyện của họ và giải phóng mối thù hận.

 

Hậu quả của việc liên tục tức giận là gì?

 

Sự tức giận khiến cho nguồn năng lượng tăng lên. Khi điều đó xảy ra, các hóa chất như adrenaline sẽ đi vào máu. Nhịp tim và lưu lượng máu tăng lên, các cơ căng ra. Điều này có thể làm tổn hại đến hệ miễn dịch và hệ tim mạch, thậm chí có thể rút ngắn tuổi thọ nếu nó duy trì lâu dài.

 

Sự tức giận quá mức và không kiểm soát được có thể gây ra rạn nứt trong các mối quan hệ quan trọng, thách thức ở nơi làm, các vấn đề pháp lý và tài chính. Sự tức giận có thể lấy đi khả năng tư duy rành mạch, dẫn đến khả năng phán đoán và ra quyết định kém . Đó thường là căn nguyên của rối loạn lạm dụng chất, bạo lực gia đình , lạm dụng và các tình trạng khác.
 

Làm thế nào để quản lý sự tức giận

 

Sự tức giận, giống như tất cả các cảm xúc khác, nên được theo dõi bằng sự tự nhận thức. Điều này có thể ngăn chúng nó trở thành hành vi gây hấn, hung hăng hoặc bạo lực đối với người khác hoặc bản thân.

 

Các nhóm hỗ trợ quản lý cơn giận có thể giúp mọi người hiểu được sự tức giận, xác định các yếu tố gây ra nó và phát triển các kỹ năng quản lý cảm xúc của họ. Trong các nhóm hoặc phòng trị liệu cá nhân, tái cấu trúc nhận thức có thể  huấn luyện bệnh nhân kiềm chế những suy nghĩ không lành mạnh, kích động.

 

Ngoài liệu pháp trên, các kỹ thuật như hít thở sâu và đặt tên cho cảm xúc đến áp dụng tư duy giải quyết vấn đề có thể giúp mọi người học cách tự điều hướng cơn giận.

 

Làm thế nào tôi có thể quản lý cơn giận của mình?
 

Nếu bạn thường xuyên bị cơn giận cuốn đi, có thể sẽ hữu ích nếu bạn hiểu các tình huống kích động bản thân. Bạn có thể can thiệp vào những điểm khác nhau trong quá trình giải quyết cơn giận một cách hiệu quả.

 

1. Ngủ: Thiếu ngủ khiến bạn khó kiểm soát những cơn tức giận, vì vậy giấc ngủ đều đặn, lành mạnh có thể giúp bạn không bị kích động.

 

2. Cân nhắc các cách giải thích thay thế: và tự hỏi bản thân xem sự tức giận mà bạn đang có có cơ sở nào hay không. Thử nhìn nhận vấn đề trên các quan điểm khác nhau.

 

3. Hít thở sâu: Hít thở dài, chậm, sâu, sử dụng cơ hoành thay vì lồng ngực.

 

4. Trút cơn tức giận, hành động gây hấn và xem văn hoá phẩm có nội dung gây hấn không có xu hướng giải tỏa cơn giận một cách hiệu quả.

 

5. Nghĩ rằng mình được phép nổi khùng lên. Nếu bạn bị đối xử bất công, hoặc bị khiêu khích, bạn có thể trở nên nổi giận, nhưng hãy thể hiện nó một cách quyết đoán thay vì hung hăng.

 

Làm thế nào tôi có thể kiềm chế cơn giận một cách lịch sự?

 

Trong trường hợp bị tức giận với người ngoài, chẳng hạn như một đồng nghiệp không bao giờ đóng góp vào các dự án, bạn có thể muốn sử dụng một bộ mẹo quản lý cơn giận khác. Trong những tình huống đó, hãy

 

1. Tách bản thân khỏi tình huống tức giận. Điều này sẽ giúp bạn ngừng suy ngẫm và  tạo ra con đường khác để đi về phía trước.

 

2. Dành thời gian để suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề gốc rễ, để nó không xảy ra nữa.

 

3. Bày tỏ sự tức giận của bạn một cách quyết đoán, với cách tiếp cận theo định hướng đưa ra giải pháp, thay vì gây hấn.

 

Tôi có thể điều chỉnh các tình huống để ngừng nổi điên bằng cách nào?

 

Tức giận thường là kết quả của việc hiểu sai hành động của người khác và gán ý nghĩ của chúng ta cho họ. Ví dụ, một người đang vật lộn với cơn tức giận có thể nói, "Anh ta cố tình cắt đứt tôi! Anh ta ra ngoài để bỏ tôi!" hoặc "Cô ấy đã đối đầu với tôi, chỉ tay và la mắng tôi. Cô ấy đáng bị đánh!" Những suy nghĩ này thúc đẩy một cơn kỳ thịnh nộ; nếu “thủ phạm” tấn công một cách cố tình và ác ý, “nạn nhân” không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa.

 

Tuy nhiên, xem xét vấn đề từ các góc độ khác và điều tiết cảm xúc có thể quản lý cơn tức giận. Thay vì cho rằng điều đó quá tồi tệ, bạn có thể cân nhắc, “Họ có lẽ không nên không gặp mình, hoặc có thể họ đã có một ngày tồi tệ. Nó không liên đến cá nhân mình.”

 

Làm thế nào tôi có thể giao tiếp với những người đang tức giận?

 

Những biểu hiện khác nhau của cơn giận giận dữ sẽ gợi ra những phản ứng khác nhau, nhưng một số mẹo có thể giúp chúng ta ứng phó với những người tức giận đang hung hăng, có lời nói lăng mạ hoặc thậm chí đe dọa:

 

1. Tự hỏi bản thân xem cơn tức giận có chính đáng không. Có thể bạn có thể làm gì đó để giúp giải quyết tình hình không?

 

2. Hãy bình tĩnh. Tránh la hét, chửi thề hoặc cao giọng, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Nói chậm và trực tiếp, đồng thời giữ cho giọng nói của bạn bình tĩnh và mềm mại.
 

3. Tránh hành hung với nhau. Khi đang có một cuộc trao đổi giận dữ, đó không phải là lúc để thảo luận về những vấn đề lớn hơn.

 

4. Biết khi nào nên ngắt lời. Nếu không thể có một giải pháp nào khả quan, bạn có thể nên kết thúc cuộc trò chuyện hoặc rời đi.

 

5. Giữ an toàn. Một người tức giận chưa chắc đã là một người bạo lực. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mình đang gặp nguy hiểm, hãy thoát khỏi tình huống ngay lập tức.

 

Mọi người học được gì trong quản lý cơn giận?

 

Quản lý sự tức giận, có thể được dạy trong các buổi học cá nhân hoặc nhóm, bao gồm việc học cách hiểu sự tức giận của một người và phát triển các kỹ năng để ứng phó với nó. Quá trình này liên quan đến việc xác định những gì gây ra sự tức giận, các chiến lược để ngăn ngừa và giảm thiểu, cũng như các kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.

 

Quản lý cơn giận không phải là cố gắng từ chối cơn giận của một người. Giận dữ là một cảm xúc để bảo vệ chúng ta. Nhưng nó thường có chức năng bảo vệ cái tôi mỏng manh, có thể liên quan đến cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo lắng. Một kỹ thuật để giảm sự tức giận là làm cho nó trở nên không cần thiết bằng cách nâng cao giá trị bản thân bằng cách củng cố các giá trị cá nhân.

 

Các nhà trị liệu hỗ trợ với những bệnh nhân có vấn đề tức giận nghiêm trọng như thế nào?

 

Những bệnh nhân có biểu hiện tức giận nghiêm trọng và có hành vi lạm dụng hoặc bạo lực có thể gặp khó khăn khi tiếp cận liệu pháp. Để vượt qua cơn tức giận đòi hỏi họ thường phải phải thừa nhận những cảm xúc dễ bị tổn thương nhất của bệnh nhân, điều này trái ngược với tính cách hành động, tách rời cảm xúc mà họ có thể đã áp dụng để bảo vệ bản thân. Bệnh nhân có thể có hành vi gây hấn bạo lực và đe dọa nhà chị liệu, để kiểm soát tình hình và tránh thương tích nhà chị liệu cần giữ khoảng cách xa với thân chủ. 

 

Nhà trị liệu có thể hướng tới sự kiên trì, nhẫn nại và tránh bị kích động. Với đủ thời gian, bệnh nhân có thể trở nên đủ thoải mái để chia sẻ những tổn thương có thể đã thúc đẩy những cơn giận dữ và hành vi lạm dụng.

 

Tình trạng sức khỏe tâm thần và sự tức giận

 

Mọi người đều trải qua sự tức giận tại một số thời điểm. Tuy nhiên, nó trở nên có vấn đề khi tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn tức giận ảnh hưởng đến các mối quan hệ, hiệu quả công việc, tư cách pháp nhân hoặc sức khỏe tâm thần.

 

Mặc dù không có “rối loạn tức giận” chính thức, nhưng sự tức giận và gây hấn đến mức rối loạn chức năng có thể là một triệu chứng của Rối loạn bùng phát ngắt quãng, Rối loạn chống đối, Rối loạn hành vi và Rối loạn nhân cách ranh giới . Nó cũng có thể đóng một vai trò trong các giai đoạn hưng cảm, ADHD và tự ái.

 

Sự tức giận khi không được chẩn đoán sẽ chỉ là hành vi gây rối, hoặc đem lại lợi ích nếu biết quản lý nó 

 

Rối loạn bùng phát ngắt quãng

 

Rối loạn bùng nổ ngắt quãng (IED) là một chứng rối loạn kiểm soát xung động được đặc trưng bởi những cơn bộc phát tức giận lặp đi lặp lại, biểu hiện sự thất bại trong việc kiểm soát những xung động hung hãn. Những hành động bộc phát này có thể liên quan đến hành vi gây hấn bằng lời nói hoặc thể chất và dẫn đến thiệt hại về tài sản hoặc thương tích về thể chất. Những phản ứng này cũng hoàn toàn trái ngược với sự kiện xảy ra tình huống.
 

Trong số các rối loạn khác nhau liên quan đến sự tức giận, có lẽ IED mô tả chính xác nhất các vụ bùng nổ bạo lực ngày càng leo thang mà chúng ta đang chứng kiến ​​ngày nay, chẳng hạn như các vụ xả súng hàng loạt. Nó có thể xuất hiện từ việc không nhận ra và giải quyết một cách có ý thức sự tức giận khi nó phát sinh, trước khi nó trở thành bệnh lý và nguy hiểm, có thể bắt đầu từ thời thơ ấu .

 

Rối loạn thách thức chống đối

 

Rối loạn thách thức chống đối (ODD) là một chứng rối loạn hành vi gây rối liên quan đến một kiểu tâm trạng tức giận cáu kỉnh và các hành vi thách thức hoặc thù hận. Những người mắc chứng rối loạn thách thức chống đối có thể mất bình tĩnh, bốc đồng, trở nên bực bội, tranh cãi với các nhân vật có thẩm quyền, từ chối thực hiện các yêu cầu, cố ý làm phiền và đổ lỗi cho người khác.

 

Hai phần não liên quan đến phản ứng gây hấn này bao gồm hạch hạnh nhân hoạt động quá mức và vỏ não trước trán kém hoạt động, khu vực giúp điều chỉnh các xung động và ức chế sự hung hăng. Thuốc men và trị liệu, đặc biệt là một phương pháp mới hơn được gọi là Giải pháp Hợp tác và Chủ động, có thể làm giảm sự thách thức và tức giận cũng như dạy các kỹ năng đối phó lành mạnh.

 

Rối loạn cư xử

 

Rối loạn cư xử (CD) là một chứng rối loạn có hành vi gây rối liên quan đến việc vi phạm các chuẩn mực, quy tắc và các quyền cơ bản của người khác. Những cá nhân mắc chứng rối loạn ứng xử có thể bắt nạt, đe dọa hoặc làm tổn thương thể chất người khác. Họ có thể tàn nhẫn với động vật, nói dối, trộm cắp hoặc phá hoại tài sản. Trong khi Rối loạn thách thức chống đối liên quan đến sự hung hăng phản ứng, bùng nổ, Rối loạn cư xử có xu hướng tạo ra các hành vi chống lại xã hội chủ động, có tính toán. Một số người mắc chứng rối loạn này sẽ tiếp tục được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

 

Rối loạn nhân cách ranh giới

 

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một tình trạng đặc trưng bởi sự bất ổn và bốc đồng, bao gồm cả những cơn giận dữ hoặc bạo lực. Sợ hãi vì bị bỏ rơi, những người mắc chứng BPD bám vào những người thân thiết của họ, khao khát được trấn an và xác nhận, và vô cùng khó chịu trước những thay đổi tưởng như nhỏ nhặt. Sự hỗn loạn này có thể liên quan đến sự bộc phát tức giận, thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, tuyệt vọng, hoang tưởng, tự làm hại bản thân và tự tử .

 

Cơn thịnh nộ bị thổi phồng quá mức ở những người có rối loạn này có thể xuất phát từ các vấn đề về lòng tin, chẳng hạn như dần trở nên không tin tưởng cha mẹ hoặc người chăm sóc do không đáng tin cậy, bỏ bê và chỉ trích. Sự tức giận có thể hoạt động như một biện pháp bảo vệ chống lại nỗi sợ hãi về khả năng bị bỏ rơi và bị từ chối.

 

Trầm cảm

 

Trầm cảm được đặc trưng bởi tâm trạng thường xuyên thấp thỏm và cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc tuyệt vọng. Niềm vui giảm đi trong khi những bất thường về giấc ngủ và cảm giác thèm ăn xuất hiện  .

 

Cả nghiên cứu và quan sát lâm sàng đều đã xác định được mối liên hệ giữa trầm cảm và tức giận. Giận dữ thường là một phản ứng và cũng là sự đánh lạc hướng đối với những đau khổ bên trong cá nhân, những cảm giác như buồn bã, bất lực, xấu hổ, lo lắng, bất cập và cô lập. Sự tức giận có thể vừa là sự bộc phát, vừa là sự phân tâm có ý nghĩa từ nỗi đau dữ dội bên trong của căn bệnh trầm cảm . Tương tự như vậy, nhiều người đi trị liệu vì chứng trầm cảm đã nhận ra cách mà cơn giận hướng vào bên trong góp phần tăng chứng trầm cảm của họ, chẳng hạn như tự phê bình dữ dội, đổ lỗi và không thấy hài lòng,.

 

Nguồn: Anger - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần