` Nguyên nhân của bệnh trầm cảm - MaCi Care MaCi Care

21 tháng 11, 2022

0

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm

  • Share on Facebook
  • Copy link
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm

     Tình trạng trầm cảm hiện nay vẫn phổ biến - cứ 10 người thì có một người bị trầm cảm trong một năm bất kỳ được điều tra- nhưng căn bệnh này vẫn chưa được mọi người hiểu biết cặn kẽ. Tác nhân gây ra bệnh trầm cảm hầu như có thể là bất kỳ trải nghiệm tiêu cực hoặc khó khăn nào. Các yếu tố khởi phát có thể là bên ngoài — mất cha mẹ (đặc biệt là khi còn bé), mất việc làm, mắc bệnh nan y — hoặc có thể là bên trong và vô hình, chẳng hạn như sự nghiền ngẫm về những trải nghiệm phổ biến trên hay một mối quan hệ thất bại. Mọi người khác nhau bởi tính đặc thù của mỗi cá nhân như sự  nhạy cảm, gen di truyền, cách nuôi dạy con cái, cách suy nghĩ, kỹ năng ứng phó mà mỗi người có được hoặc tự trau dồi, và tuỳ mức độ của từng  tình huống cho phép mỗi người có khả năng kiểm soát số phận của riêng mình.

 

Những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh trầm cảm là gì?

 

Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng trầm cảm có liên quan nhiều nhất đến số lượng các tác nhân gây căng thẳng xuất hiện trong cuộc sống và tác động này có tính chất tích lũy - càng nhiều căng thẳng tích tụ theo thời gian, thì khả năng bị trầm cảm càng lớn. việc mất đi một mối quan hệ quan trọng như sự qua đời hoặc ly hôn mà hầu như ai cũng phải trải qua là một căng thẳng lớn cần được điều chỉnh đáng kể.

 

Cô đơn là một tác nhân gây căng thẳng cả về thể chất và tinh thần, tỷ lệ cô đơn, giữ mức cao ở người già, đang tăng mạnh ở những người trẻ tuổi - những người cho biết họ ngày càng không có bạn thân. Mất việc hoặc có nguy cơ bị mất việc gần như luôn luôn là những nguyên nhân gây lo lắng thường trực. Khi không có đủ các kỹ năng ứng phó, ngay cả những va chạm nhỏ trong hành trình cuộc đời cũng có thể trở thành những yếu tố gây căng thẳng đáng kể.

 

Liệu trầm cảm có một số nguyên nhân tiềm ẩn?

 

Mặc dù trầm cảm thường phát sinh khi xuất hiện một số loại thất bại, nhưng trầm cảm dường như có thể phát sinh bất ngờ mà không có lý do rõ ràng. Nó thậm chí có thể phát sinh khi cuộc sống dường như đang diễn ra vô cùng tốt đẹp. Những điều ẩn giấu trong vô thức như niềm tin cơ bản về cuộc sống, tình yêu và công việc, hoặc cách nhìn về những biến cố trong cuộc sống, mà phần lớn trong số đó được học từ gia đình trong những năm đầu đời.

 

Ngoài ra, mọi người có thể có được mục tiêu mà họ đã theo đuổi trong một thời gian dài nhưng nhận thấy chúng không mang lại sự khích lệ tinh thần như họ mong đợi. Trong những trường hợp như vậy, mọi người có thể cảm thấy họ không được phép bị trầm cảm và thậm chí có thể cảm thấy xấu hổ vì bị trầm cảm. Liệu pháp nhận thức hành vi có hiệu quả cao trong việc khai phá và chỉnh sửa những quan điểm có vấn đề như vậy.

 

Căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm không?

 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng một yếu tố liên quan mật thiết đến trầm cảm là số lượng và mức độ của những căng thẳng lớn mỗi người phải trải qua trong cuộc sống. Ví dụ, nghèo đói là một yếu tố gây căng thẳng nghiêm trọng, lâu dài, không dễ thay đổi, có liên quan rất lớn đến nguy cơ trầm cảm. Nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn đang được nghiên cứu và thái độ đóng một vai trò quan trọng trong nhận thức về căng thẳng.

 

Một vài sự căng thẳng là cần thiết để giữ cho mọi người cảnh giác. Không chỉ mức độ khác nhau của từng tình huống khiến chúng có thể gây căng thẳng cho con người; mà còn phụ thuộc nhiều vào cách mọi người đối mặt với tình huống đó — ví dụ như bài kiểm tra cuối kỳ. Những người coi căng thẳng là một thách thức thay vì một “bệnh dịch” sẽ có những cảm xúc tích cực thay vì tiêu cực. Không chỉ thế, họ không gặp tác hại của hormone căng thẳng đối với cơ thể và não bộ.

 

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm như thế nào?

 

Nghiền ngẫm về những sai lầm hoặc trải nghiệm khó chịu; quy chụp kết quả tồi tệ chỉ từ một hoặc hai lần thất bại, tổng quát hóa quá mức từ các bằng chứng ít ỏi— tất cả đều là sai lầm trong suy nghĩ hoặc nhận thức sai lệch, có liên quan chặt chẽ đến chứng trầm cảm. Cách suy nghĩ đó sẽ khiến bộ não chìm trong tiêu cực và nếu không được kiểm soát sẽ tạo ra sự nghi ngờ bản thân và tuyệt vọng. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy rằng các phong cách suy nghĩ cực đoan tiêu cực thực sự thay đổi tâm sinh lý. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng tăng cường phản ứng với kích thích đau đớn và nâng cao mức độ của hormone căng thẳng cortisol và của các tác nhân gây viêm trong máu. Phản ứng viêm mang đến những thay đổi hành vi thường liên quan đến cả bệnh tật và trầm cảm - mệt mỏi, phản ứng chậm, nhận thức trì trệ và chán ăn.

 

Có phải những trải nghiệm bất lợi luôn dẫn đến trầm cảm không?
 

Các tài liệu nghiên cứu cho thấy trải nghiệm bất lợi trong thời thơ ấu, như lạm dụng bằng lời nói, thể chất hoặc rối loạn chức năng gia đình do cha mẹ bị bệnh tâm thần có mối quan hệ chặt chẽ với nguy cơ trầm cảm suốt đời. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bạo hành bằng lời làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh trầm cảm suốt đời. Trải nghiệm bất lợi là một nguồn gây căng thẳng đáng kể.

 

Nhưng việc mỗi người có thể huy động các nguồn lực để ứng phó thành công hay tuyệt vọng một phần phụ thuộc vào tình huống và một phần vào bản thân họ. Một đứa trẻ phải đối mặt với sự bạo hành bằng lời nói hoặc thể chất tại nhà hoặc trường học mà không có cách nào để thoát khỏi sự tổn thương liên tục có nguy cơ cao bị trầm cảm. Các tình huống có thể không thay đổi - nhưng thái độ, cách nhìn nhận và ý nghĩa của trải nghiệm luôn tùy thuộc vào mỗi người,  nó có thể tạo ra sự đề kháng với  chứng trầm cảm và các rối loạn khác.

 

Chủ nghĩa hoàn hảo dẫn đến trầm cảm như thế nào?

 

Chủ nghĩa hoàn hảo giống như một sự tiêu cực kéo dài. Những người như vậy không chỉ giữ tiêu chuẩn cao cho bản thân, mà còn luôn tự phê bình bản thân, luôn đánh giá bản thân một cách khắc nghiệt. Họ tập trung vào điều họ muốn tránh nhất - sự đánh giá tiêu cực và thất bại. Chủ nghĩa hoàn hảo khiến mọi người hoàn toàn thu mình lại, luôn tìm ra lỗi với bản thân, một dạng tư duy ngăn cản họ chấp nhận những thử thách quý giá.

 

Ngay cả khi những người cầu toàn kết thúc một nhiệm vụ, họ không thể tận hưởng cảm giác đạt thành quả; mối quan tâm không ngừng với những sai lầm khiến họ bị ám ảnh về hiệu suất của bản thân. Sự tập trung vào điều tiêu cực thường dẫn đến cái nhìn méo mó tiêu cực về bản thân, thiếu tự tin, cảm thấy mình kém cỏi và vô giá trị. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo dễ bị trầm cảm vì giá trị bản thân của họ phụ thuộc vào việc họ có đạt được đầy đủ các mục tiêu - một tiêu chuẩn mà theo lý thuyết, họ không bao giờ có thể đáp ứng được.

 

Tự cảm thấy bất lực góp phần vào chứng trầm cảm như thế nào?

 

Tự cảm thấy bất lực là trạng thái tâm trí mà mọi người tin rằng (thường là do trải qua thời thơ ấu bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi), họ không có cách nào thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hoặc đau khổ, do đó không nỗ lực để thay đổi tình huống khó khăn ngay cả khi họ có thể làm được. Vì thế sự thụ động có thể khiến mọi người không thể thực hiện được bất kỳ biện pháp nào để tránh những vấn đề hoặc giúp đỡ bản thân khi rắc rối xảy ra, hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác; làm tăng thêm đau khổ cho chính họ và dẫn đến những cảm giác như tuyệt vọng - dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Bởi vì đã quen với những trải nghiệm bất lực, nên niềm  tin răng "dù làm gì cũng vô ích" có thể được hình thành. Một phần của việc chữa bệnh là có được sự hiểu biết thực tế về những gì có thể và không thể kiểm soát trong cuộc sống.

 

Vai trò của chứng viêm trong bệnh trầm cảm là gì?

 

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trầm cảm làm phát sinh chứng viêm và phản ứng viêm tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm. Các nhà khoa học thần kinh biết rằng có rất nhiều nhiễu xuyên âm trong não giữa các mạch thần kinh và các đường dẫn viêm nhiễm. Suy nghĩ tiêu cực là nguồn gốc của nỗi đau tâm lý.

 

Giống như tất cả các dấu hiệu của chấn thương, nỗi đau huy động các tế bào miễn dịch khác nhau để giúp điều chỉnh nguyên nhân và sự huy động đó tạo ra viêm. Căng thẳng được biết là nguyên nhân kích hoạt phản ứng viêm. Sự hiện diện của các tế bào viêm trong não có thể là một lý do khiến nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc điều trị trầm cảm không thành công, vì chúng không làm tiêu viêm.

 

Cô đơn dẫn đến trầm cảm như thế nào?

 

Sự cô đơn tấn công cơ thể và tâm trí theo nhiều cách. Bản thân nó được coi là một căng thẳng lớn và có liên quan đến việc giải phóng các hormone căng thẳng, được biết là làm giảm các hoạt động của não như học tập và trí nhớ. Hơn nữa, sự cô đơn còn phóng đại nhận thức về tất cả những căng thẳng khác. Nó làm giảm chức năng của hệ thống miễn dịch và dễ dẫn đến viêm, một con đường dẫn đến trầm cảm.
 

Cảm giác khó chịu về cảm xúc của sự cô đơn khiến chúng ta cảm thấy buồn, và nỗi buồn sẽ lấy đi năng lượng của chúng ta và làm chậm hoạt động của tất cả các cơ quan của cơ thể. Tình bạn là một bước đệm mạnh mẽ cho mọi khó khăn của con người, nỗi cô đơn được cho là có tác động xấu đến sức khỏe hơn cả hút thuốc lá.
 

Điều gì xảy ra trong não với bệnh trầm cảm?
 

Nhiều người tin rằng trầm cảm là do “mất cân bằng hóa học” trong não. Các chuyên gia giải thích rằng trầm cảm phức tạp hơn rất nhiều và việc coi trầm cảm là một bệnh lý về não chủ yếu là bệnh sinh học là không hiệu quả.

 

Thay vào đó, trầm cảm có thể là một tín hiệu "tạm ngưng hoạt động" để phản ứng lại với những tình tiêu cực quá mức mà bạn không thể tự kiểm soát được, thiếu nguồn lực để xử lý nó và có quá ít sự hỗ trợ từ bên ngoài. Phản ứng được thể hiện trong nhiều hoạt động của não, chẳng hạn như khó ghi nhớ, suy nghĩ chậm chạp, không thể cảm nhận được khoái cảm, chán ăn và giảm hứng thú với tình dục, và tăng khả năng nhận biết về cơn đau.

 

Các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh thực sự cho thấy những thay đổi trong chức năng não ở những người trầm cảm và chúng thường liên quan đến sự suy giảm khả năng kết nối giữa các vùng não thường hoạt động cùng nhau. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những thay đổi đó có thể đảo ngược khi bệnh trầm cảm được loại bỏ.
 

Có các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm không?
 

Trong khi di truyền học được cho là yếu tố tạo ra tính nhạy cảm, không có gen đơn lẻ hoặc tập hợp gen liên quan; cho đến nay, có vẻ như một số lượng rất lớn các gen — có khả năng thay đổi được bằng chế độ ăn uống hoặc hành vi — mỗi gen đóng góp một mức độ tổn thương rất nhỏ có thể dẫn đến trầm cảm trong điều kiện căng thẳng. Mọi người cũng có thể có nguy cơ bị trầm cảm vì các đặc điểm tính cách của họ, đặc biệt nếu họ có xu hướng lo lắng nhiều, tự ti, cầu toàn, nhạy cảm với những lời chỉ trích cá nhân, hoặc tự phê bình và tiêu cực. Trong lý thuyết nhân cách Big Five, khía cạnh nhất quán liên quan đến tính dễ bị trầm cảm là đặc điểm của kiểu loạn thần kinh. Nó biểu thị mức độ dễ dàng kích hoạt hệ thống cảm giác tiêu cực. Những người có kiểu loạn thần kinh cao thường có xu hướng cảm thấy đau khổ, lo lắng và nghi ngờ bản thân không tương xứng với hoàn cảnh của họ, bên cạnh các vấn đề tài chính, nghề nghiệp.
 

Nếu mẹ hoặc bố tôi bị trầm cảm thì tôi có bị trầm cảm không?

 

Trầm cảm có thể lây truyền trong gia đình theo một số cách. Cha mẹ và con cái có thể giống nhau một số các gen tạo ra sự nhạy cảm với bệnh trầm cảm. Thậm chí, tinh vi hơn, cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và giải thích về trầm cảm mà trẻ em vô tình tiếp thu được trong không khí mà chúng hít thở hàng ngày ở nhà khi lớn lên.

 

Có bằng chứng đáng kể cho thấy khi các bà mẹ mới sinh bị trầm cảm, họ không kết nối với con mình. Kết quả là, trẻ sơ sinh không có được mối liên kết tình cảm mạnh mẽ giúp chúng phát triển, chịu được căng thẳng, tăng khả năng điều tiết cảm xúc và trở nên dễ đối đầu với người khác. Điều trị các bà mẹ bị trầm cảm thường là cách tốt nhất để điều trị các vấn đề ở trẻ em.

 

Trầm cảm liên quan đến lo lắng như thế nào?
 

Trầm cảm và lo lắng được coi là hai mặt của cùng một đồng tiền. Cả hai đều liên quan đến việc nghiền ngẫm trải nghiệm — trong trầm cảm, họ nghiền ngẫm về những điều đã xảy ra trong quá khứ; và trong sự lo lắng, họ nghĩ về những điều có thể xảy ra trong tương lai. Trầm cảm cũng được cho là kết quả của sự lo lắng kéo dài. Hơn một nửa số người bị trầm cảm nặng cũng bị lo lắng dai dẳng. Hai tình trạng này có nhiều triệu chứng, bao gồm mất ngủ, khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực và chán ăn. Nhiều phương pháp điều trị làm giảm chứng trầm cảm cũng làm giảm lo lắng.

 

Tại sao tỷ lệ trầm cảm lại tăng?
 

Tỷ lệ trầm cảm đang gia tăng, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Trong khi nguy cơ mắc bệnh trầm cảm suốt đời là khoảng 20%, đối với dân số nói chung, tỷ lệ cao nhất hiện nay xảy ra ở những người trẻ tuổi, những người trong độ tuổi từ 18 đến 29, trong khi những người trên 65 tuổi có tỷ lệ thấp nhất.

 

Các chuyên gia đưa ra một số lý do tại sao người trẻ đặc biệt dễ mắc bệnh. Chúng bao gồm các yếu tố xã hội, chẳng hạn như giảm khả năng sẵn có của những công việc có ý nghĩa, đến các yếu tố cá nhân, chẳng hạn như thiếu kỹ năng ứng phó do bao bọc con quá mức. Yếu tố văn hóa cũng có mặt. Mọi người ngày càng quan tâm về an toàn và giảm khả năng chịu đựng rủi ro, gây hạn chế cơ hội được chơi tự do của trẻ em, mà trẻ em cần được trải nghiệm niềm vui, kết bạn và học các kỹ năng xã hội cũng như khám phá cách kiểm soát cuộc sống của chính mình.

 

Phụ nữ có dễ bị trầm cảm hơn nam giới không?
 

Trên thế giới, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 1,7 lần so với nam giới và sự khác biệt về mức độ nhạy cảm xuất hiện ở tuổi vị thành niên. Ở phụ nữ trẻ, khoảng cách giới tính về tỷ lệ mắc trầm cảm thậm chí còn lớn hơn, mặc dù trước tuổi dậy thì, nam và nữ có tỷ lệ trầm cảm ngang nhau. Các nghiên cứu xác định các lý do là yếu tố xã hội, văn hóa cũng như các lý do sinh học.

 

Phụ nữ thường gặp các vấn đề nội tâm hơn, thể hiện bằng nỗi đau thể xác và sự than phiền, thu mình lại với xã hội và tự trách bản thân, trong khi nam giới biểu hiện bằng các hành vi hướng ngoại, phản ánh qua sự cáu kỉnh, tức giận, hung hăng và sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, việc sinh con có liên quan đến một dạng trầm cảm cụ thể. Sự nhạy cảm tăng lên đáng kể được cho là một phần liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố nhanh chóng xảy ra sau khi sinh kết hợp với vai trò làm mẹ


Nguồn: Causes of Depression - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần