` Nguyên nhân của chứng lo âu - MaCi Care MaCi Care

20 tháng 11, 2022

0

KIẾN THỨC HỮU ÍCH

Nguyên nhân của chứng lo âu

  • Share on Facebook
  • Copy link
Nguyên nhân của chứng lo âu

     Nguyên nhân thực sự của lo âu là do con người được ban tặng khả năng tưởng tượng về tương lai. Đó là trạng thái tinh thần lo sợ về những gì có thể xảy ra hoặc không xảy ra ở phía trước, lo âu phản ánh sự không chắc chắn về các hoàn cảnh trong tương lai, cho dù liên quan đến sức khỏe, công việc, tình yêu cuộc sống của một cá nhân, sự thay đổi khí hậu hoặc suy thoái của nền kinh tế. Nó có thể được kích hoạt bởi các sự kiện trong thế giới thực, một cuộc gặp bác sĩ sắp tới, xung đột trong mối quan hệ, tăng tiền thuê nhà, hoặc nó hoàn toàn được hình thành bên trong, thông qua những suy nghĩ về các mối đe dọa thực sự hoặc tưởng tượng (chẳng hạn không biết phải nói gì khi sếp gọi bạn trong cuộc họp ).

 

Những cơn lo âu thỉnh thoảng thì hoàn toàn bình thường và là một trong những cái “giá” không thể tránh khỏi cho việc sống còn; lo âu cảnh báo về nguy hiểm, thu hút sự chú ý và thúc giục chúng ta chuẩn bị những gì cần thiết nhằm bảo vệ bản thân. Nhưng đôi khi lo âu ngày càng gia tăng hoặc dai dẳng, không ngừng làm chủ não bộ mà không tham gia vào các cơ chế giải quyết vấn đề, lấn át chúng và làm suy giảm khả năng hoạt động. Nhiều yếu tố góp phần dẫn đến việc nghiền ngẫm như sự lo lắng, phần nhận thức của lo âu. 

 

Những nguyên nhân phổ biến nhất của lo âu là gì?

 

Lo âu là một phản ứng đối với sự không chắc chắn và nguy hiểm, có thể kích hoạt hầu hết mọi giác quan, hoặc không biểu hiện cụ thể, chỉ là một cảm giác sợ hãi hay xui xẻo mang tính khái quát, mơ hồ. Trong danh sách các tình huống gây lo âu xếp vị trí đầu là việc phải nói chuyện, thuyết trình hay bị nêu tên trong lớp, nơi mọi người có nguy cơ mất vị thế xã hội do bị đánh giá tiêu cực.

 

Con người cảm thấy lo âu khi mạch thần kinh của họ trở nên nhạy cảm đến mức có thể nhận thức được mối đe dọa ở những nơi nó không tồn tại. Ngoài ra, có những chất như caffeine và các loại thuốc kích thích cảm giác thể chất giống như lo âu. Mọi người có mức độ nhạy cảm đối với lo âu khác nhau do cấu tạo sinh học của mỗi người, do di truyền từ cha mẹ, quá trình sống, các yếu tố tính cách và kỹ năng đối phó mà họ có được hoặc trau dồi.

 

 Căng thẳng có dẫn đến lo âu không?

 

Lo âu và căng thẳng có liên quan mật thiết với nhau, lo âu là một phản ứng của căng thẳng. Lo âu được định nghĩa là những cảm giác cảnh báo bên trong được tạo ra bởi phản ứng của cơ thể trước mối đe dọa về tinh thần hoặc thể chất. Các cảm giác được thiết lập chuyển động bởi hệ thống phản ứng căng thẳng (chống trả hay bỏ chạy), nhiệm vụ của nó là cảnh báo và bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm. Không cần đợi chúng ta đánh giá một cách tỉnh táo về bất kỳ mối nguy hiểm nào, nó nhanh chóng phát đi các tín hiệu cảnh báo hóa học, chẳng hạn như cortisol và adrenaline đến các cơ quan khác nhau. Sự khó chịu về thể chất của lo âu giống như một vệ sĩ, công việc của nó là bảo vệ chúng ta bằng cách thúc đẩy chúng ta hành động. Nhưng nó có thể tồn tại  bằng cách thay đổi chức năng của các mạch thần kinh trong não, lấn át khả năng kiểm soát hợp lý.

 

Vì sao tỷ lệ lo âu ngày càng gia tăng?

 

Có nhiều dạng lo âu như lo âu ám ảnh và lo âu xã hội, là bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Trong các cuộc khảo sát dựa trên dân số ở Hoa Kỳ cho thấy khoảng một phần ba số người trưởng thành phải vật lộn về sự bất lực với chứng lo âu tại một thời điểm nào đó.

 

Con số cao như hiện tại là bằng chứng cho thấy tỷ lệ lo âu (và cả trầm cảm) đang gia tăng, đặc biệt là ở những người trẻ. Một số yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Nhìn chung, khi tầng lớp trung lưu giảm đi do ngày càng có nhiều bất ổn kinh tế đối với phần lớn dân số. Chi phí chăm sóc sức khỏe cao cũng tạo ra gánh nặng lo âu mãn tính về việc mắc bệnh. Thêm vào đó, việc thiếu các kỹ năng đối phó, trong đó đáng chú ý là kỹ năng quản lí cảm xúc được cho là nguyên nhân khiến những người trẻ tuổi dễ mắc phải một số rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là lo âu và trầm cảm.

 

Mạng xã hội được chỉ ra có ảnh hưởng đặc biệt nguy hiểm đối với thanh thiếu niên, bởi vì chúng là một phương tiện so sánh xã hội liên tục và thông qua đó, sự nghi ngờ bản thân, thiếu tự tin thúc đẩy sử dụng mạng xã hội nhiều hơn nữa với những tác động tiêu cực phức tạp. Ngoài ra, việc hẹn hò và kết đôi trở nên ít có sự chặt chẽ hơn so với các thời đại trước,các hình thức giao tiếp kỹ thuật số tạo ra nhiều mơ hồ đến mức những người trẻ thường không biết họ đứng ở đâu trong các mối quan hệ lãng mạn. Sự mơ hồ thường sinh ra lo âu.

 

Sự khác biệt giữa sợ hãi và lo âu

 

Dựa trên một số yếu tố, lo âu khác với sợ hãi. Sợ hãi là một phản ứng đối với nguy hiểm hiện tại, nó thường tập trung cao độ, gắn liền với một sự vật hoặc hoàn cảnh rất cụ thể và có ý nghĩa thúc đẩy hành động nhanh chóng. Lo âu thì không đòi hỏi một kích thích bên ngoài, nó là một phản ứng đối với mối đe dọa thực tế hoặc tưởng tượng trong tương lai, nó thường mang tính lan tỏa hơn, phát ra tín hiệu cảnh giác liên tục để đề phòng một số thảm họa. Sợ hãi có tính lây lan, biểu hiện qua các triệu chứng đặc trưng như đồng tử mở rộng, da nhợt nhạt là dấu hiệu khác của sợ hãi. Lo âu mang tính chủ quan cao. Trong khi sự lo âu biểu hiện qua một số dấu hiệu sinh lý của nỗi sợ hãi như sự đề phòng cao hơn và nhịp tim nhanh được tạo ra tương tự bởi các kích thích tố của phản ứng căng thẳng, nó phản ánh nhận thức cao độ về sự lo âu, một hình thức suy ngẫm về những gì có thể xảy ra trong tương lai.

 

Lo âu có tốt không?

 

Tác động của lo âu giúp tổ tiên của chúng ta sống sót. Lo âu phản ánh những cảm giác được kích hoạt trong cơ thể và não bộ để phản ứng với việc nhận ra một mối đe dọa, chúng có tác dụng như một sự báo động nhằm đánh thức bạn chú ý và thực hiện hành động thích hợp để tránh xa nguy hiểm có thể xảy ra. Nói tóm lại, lo âu bảo vệ bạn. Về khía cạnh thận trọng, hệ thống được thiết lập để tránh phạm phải sai lầm, đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy lo âu ngay cả khi không có mối đe dọa thực sự. Độ nhạy của cảnh báo được cài đặt bằng trải nghiệm đau thương và nó luôn trong chế độ hoạt động. Hơn nữa, các mối đe dọa hoàn toàn có thể được tạo ra bởi trí tưởng tượng của bạn, những suy nghĩ về bất kỳ tình huống nào xảy ra cũng có thể dẫn đến sai lầm. Không có cơ chế nào trong hệ thống có thể làm giảm ý nghĩa của lo âu và điều đó là để giúp  bạn sống sót.

 

Đối tượng dễ bị lo âu?

 

Ở một mức độ tổng quát, những người mắc bệnh trầm cảm lâm sàng dễ bị lo âu. Các yếu tố của hai triệu chứng có nhiều đặc điểm chung. Đứng đầu trong số đó là có tiền sử trải qua thời thơ ấu bất lợi, chẳng hạn như lạm dụng hoặc bị bỏ rơi. Nguyên nhân là sự ngược đãi có thể làm thay đổi không thể xóa khỏi hệ thống căng thẳng mà nó khá nhạy cảm với nguy hiểm và phản ứng bằng cách phát ra các tín hiệu báo động lấn át khả năng xử lý cảm xúc. Đặc điểm tính cách của chứng loạn thần kinh cũng khiến một cá nhân rơi vào trạng thái lo âu. Chứng loạn thần kinh cho thấy xu hướng phản ứng với những trải nghiệm căng thẳng một cách dễ dàng và mãnh liệt nhất bằng những cảm xúc tiêu cực cũng như nhận thức những mối đe dọa mà chúng không tồn tại. Ngoài ra, những người thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc cũng dễ bị lo âu. Họ dễ dàng bị choáng ngợp bởi những tình huống gây nên sự không chắc chắn hoặc khuấy động bất kỳ cảm giác tiêu cực nào.

 

  

Nguyên nhân lo âu có phải do gen không?

 

Chưa ai xác định được “gen lo âu” và không chắc gen này sẽ xuất hiện. Lo âu được xem là một tình trạng phức tạp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số nghiên cứu ước tính rằng khả năng di truyền của chứng lo âu tổng quát là không quá 30%. Cũng giống như việc truyền dạy lối suy nghĩ dễ gây nên trầm cảm, các gia đình sẽ định hình lối suy nghĩ cho con cái họ bằng nhiều cách lâu dài. Ví dụ, người lớn thể hiện và bằng cách làm gương lặp đi lặp lại, âm thầm truyền cho con cái họ những kỹ năng đối phó với những trải nghiệm gây rối loạn cảm xúc dẫn đến lo âu, hoặc chúng có thể trở nên bối rối và không biết cách đối phó với những trải nghiệm như vậy. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng gen là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lo âu qua việc góp phần vào đặc điểm tính cách của chứng loạn thần kinh, được biểu hiện qua sự biến động của hệ thống cảm xúc tiêu cực. Bằng chứng là qua các tình huống thử thách chúng ta quan sát thấy sự sẵn sàng nhận thức những khía cạnh tiêu cực và phản ứng với chúng bằng những cảm xúc tiêu cực.

 

Sự không chắc chắn có gây ra lo âu không?

 

Sự không chắc chắn không gây ra lo âu nhưng nó là cơ sở hình thành lo âu và việc gia tăng sự không chắc chắn trong phần lớn cuộc sống xã hội (việc làm, an ninh quốc gia, đại dịch) và cuộc sống cá nhân (các mối quan hệ) là nguyên nhân dẫn đến lo âu trở thành bệnh tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Sự lo lắng, thành phần nhận thức của lo âu được kích hoạt bởi khả năng xảy ra một kết quả xấu và đối với nhiều mối quan tâm hiện đại, khả năng này gần như lúc nào cũng có thể xảy ra. Nhưng tất nhiên, có khả năng không có nghĩa sẽ hiển nhiên xảy ra. Lo âu cùng với tác động của lo âu được xem như một nỗ lực để tránh sự không chắc chắn xảy ra và gây khó chịu. Theo các chuyên gia, cách tiếp cận hiệu quả là nên học cách chịu đựng một số điều không chắc chắn và cần nhận ra rằng nhìn chung cuộc sống không phải là màu đen hay trắng mà là sắc thái của màu xám.

 

Liệu tính cách có liên quan gì đến lo âu?

 

Có một loại tính cách liên quan nhất quán đến chứng lo âu, đó là những người có đặc điểm biểu hiện của chứng loạn thần kinh. Một test gọi là Big Five mô tả một xu hướng phản ứng lại trải nghiệm với những cảm xúc tiêu cực và bị cuốn theo những cảm xúc đó.

 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chứng loạn thần kinh cho thấy khả năng dễ mắc lo âu và trầm cảm, ở mức độ thấp hơn tất cả các rối loạn tâm thần khác.

 

Các nhà khoa học tin rằng chứng loạn thần kinh phản ánh những cảm xúc đặc biệt phù hợp với mối đe dọa. Một số khía cạnh của chủ nghĩa loạn thần kinh như chủ nghĩa cầu toàn được xem là nguyên nhân gây nên lo âu.

 

Những người theo chủ nghĩa cầu toàn có vẻ như họ đang đi trên con đường dẫn đến thành công, nhưng trên thực tế họ chịu sự chi phối bởi không muốn gặp thất bại, kết quả là, phần lớn đời sống tinh thần của họ dành cho việc lo lắng về những sai lầm mà họ có khả năng mắc phải và tưởng tượng ra những hậu quả thảm khốc của những sai lầm đó.

 

Những yếu tố sinh học nào ảnh hưởng đến lo âu?

 

Tình trạng sức khỏe hiện tại hay trong quá khứ của một người đóng vai trò lớn trong việc gây ra lo âu. Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc bệnh tim có nguy cơ thường xuyên lo âu về việc bị ốm hoặc đột tử.

 

Trên thực tế, bị bệnh tim có thể làm tăng nguy cơ lo lắng về sức khỏe từ 20 đến 30%. Những người có vấn đề về hô hấp như hen suyễn hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với các chất thông thường có thể sống với nỗi lo âu mãn tính về việc tiếp xúc với các chất gây kích thích. Một số người rất nhạy cảm với các cảm giác bên trong cơ thể, họ dành rất nhiều năng lượng về mặt tinh thần để theo dõi nhịp tim của mình đến nỗi mọi biến đổi trong cơ thể đều trở thành mối nghi ngờ và lo lắng. Theo ước tính một số lượng lớn khoảng 20% ​​dân số được cho là rất nhạy cảm, có ngưỡng kích thích hệ thần kinh thấp, phản ứng quá mức với các kích thích bên trong và bên ngoài, dễ dàng bị choáng ngợp về mặt cảm xúc. Phản ứng của họ có liên quan đến đặc điểm tính cách tâm lý bất ổn, một trong những yếu tố có nguy cơ gây ra lo âu chủ yếu.

 

Có nhiều yếu tố nguy cơ cho chứng lo âu không?

 

Trong những hoàn cảnh căng thẳng có nhiều yếu tố có khả năng gây ra chứng lo âu. Ở cấp độ tâm lý thuần túy nó là khả năng điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực. Những người thiếu cân bằng cảm xúc có khả năng cao là vừa mắc lo âu lẫn trầm cảm. Những trải  nghiệm bất lợi thời thơ ấu chẳng hạn như từng bị ngược đãi nghiêm trọng hay trải qua thời gian bệnh nặng cũng khiến người ta dễ mắc chứng lo âu.  Nó không thay đổi cấu trúc gen nhưng có thể thay đổi vĩnh viễn sự hoạt động của chúng để não bộ liên tục theo dõi và nhận biết các mối đe dọa tiềm ẩn. Nguy cơ lớn nhất có thể gây ra lo âu là dấu hiệu của chứng loạn thần kinh. Nó dễ dàng kích hoạt những hệ thống có ảnh hưởng tiêu cực. Những người có dấu hiệu rối loạn thần kinh cao thường có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm đau buồn và lo lắng.

 

Điều gì xảy ra với não bộ người có chứng lo âu?

 

Các nghiên cứu liên quan đến hình ảnh trong hệ thần kinh cho thấy có những thay đổi trong chức năng não ở những người mắc chứng lo âu mãn tính, những thay đổi này có sự liên quan đến chứng rối loạn chức năng kết nối giữa các vùng não khi chúng hoạt động cùng nhau để cân bằng cảm xúc. Những trường hợp bình thường, vùng não được gọi là hạch hạnh nhân đánh dấu các mối đe dọa và khi nhận được nhiệm vụ bảo vệ, nó sẽ gửi tín hiệu đến các phần của não. Hệ thống thần kinh căng thẳng khởi động ngay lập tức, chuẩn bị cho cơ thể hành động. Trong quá trình phát các tín hiệu truyền đến thùy trán gọi là bộ não tư duy, nơi có thể đánh giá mối đe dọa và những lúc khẩn cấp, chúng hoạt động để giảm thiểu bất kỳ mối nguy hiểm tiềm ẩn nào. Tuy nhiên, trong những trạng thái lo âu thường do hạch hạnh nhân bị nhạy cảm hóa bởi trải nghiệm bất lợi trước đó, cho nên nó phản ứng quá mức, lấn át khả năng nhận diện trong việc đánh giá, kiểm soát một cách hợp lý tất cả mối đe dọa nào, dù là từ xa hay giả định.

 

Gần đây các nhà nghiên cứu đã xác định có một vùng não nhỏ được gọi là BNST, bộ phận chính trong vân tận cùng. Với kích thước bằng một hạt hướng dương nhỏ, nó được xem là phần mở rộng của hạch hạnh nhân. Chức năng chính của nó là theo dõi môi trường để tìm ra các mối đe dọa tiềm ẩn, xa cách về mặt tâm lý hoặc không thể đoán trước, giả sử nó tưởng tượng rằng bạn sẽ vấp ngã một cách tồi tệ hay khi đưa ra bài nói chuyện sắp tới sẽ khiến bản thân xấu hổ. Và khi được kích hoạt, nó sẽ phát ra các tín hiệu nhắc nhở cần cảnh giác trước nguy cơ tiềm ẩn, dấu hiệu của sự lo âu.

 

Tại sao lo âu thường xảy ra với trầm cảm?

 

Trầm cảm và lo âu có nhiều điểm chung như cả hai đều xuất phát từ phản ứng quá mức của hệ thống ảnh hưởng tiêu cực, một đặc điểm để phân biệt các triệu chứng của chứng loạn thần kinh. Những người có đặc điểm rối loạn thần kinh thường có xu hướng phản ứng nhanh nhất và dứt khoát nhất với những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như cáu kỉnh, phẫn nộ và thương hại. Nhiều vị trí não giống nhau gặp trục trặc trong cả hai tình trạng, nổi bật nhất là hạch hạnh nhân (bị kích hoạt quá mức) và thuỳ não trước (không được kích hoạt), đáng chú ý nhất là hạch hạnh nhân (hoạt động quá mức) và thuỳ não trước trán (không hoạt động). Nhưng có những điểm khác biệt quan trọng. Lo âu là một báo động nhằm cảnh báo cho con người để tránh nguy hiểm có thể xảy ra trong tương lai mà họ cảm nhận được, còn trầm cảm khiến mọi người suy sụp khi họ cảm thấy quá tải, ngăn cản họ tham gia các hoạt động đang diễn ra, hướng sự chú ý của họ vào những mất mát và những trải nghiệm tiêu cực khác trong quá khứ. Căng thẳng có thể kích hoạt cả hai phản ứng. Và chính lo âu có khả năng dẫn đến trầm cảm. Trên thực tế, gần 70 phần trăm những người bị trầm cảm cũng bị lo âu và 50 phần trăm những người mắc chứng lo âu bị trầm cảm lâm sàng.

 

Nguồn: The Causes of Anxiety - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link

Lớp học liên quan

Khám phá các lớp học sắp diễn ra

Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần