` Phải làm gì khi đối phương là một người nghiện công việc? - MaCi Care MaCi Care

17 tháng 1, 2023

0

TÂM LÝ CẶP ĐÔI

Phải làm gì khi đối phương là một người nghiện công việc?

  • Share on Facebook
  • Copy link
Phải làm gì khi đối phương là một người nghiện công việc?

     Nếu bạn kết hôn với một người luôn bận rộn với công việc, có thể bạn sẽ thấy như thể đối phương không còn chung thủy với bạn nữa vậy. Cái cảm giác ở một mình, những lời thất hứa, tức giận, thất vọng và niềm tin rằng bạn không còn quan trọng với họ, tất cả đều tương tự với cảm giác vợ/chồng mình ngoại tình với người khác. Khi một bên dành nhiều thời gian cho công việc dù là do cần thiết hay lựa chọn thì họ cũng sẽ có ít thời gian để vun đắp cho cuộc hôn nhân hơn. Việc duy trì một cuộc sống thiếu cân bằng như vậy không những không lành mạnh mà còn có thể dẫn đến tình huống như ngoại tình hay ly dị. Đôi lúc họ sẽ cần có một hồi chuông cảnh tỉnh, chẳng hạn như khủng hoảng về cá nhân hoặc sức khỏe vì không ngừng làm việc, từ đó mới có sự thay đổi để mang lại sự cân bằng hơn. Tuy nhiên có những việc mà bạn có thể thực hiện ngay bây giờ để tạo nên những thay đổi tốt mà không cần phải đợi có sự kiện đáng tiếc nào xảy ra.

 

Thuật ngữ "nghiện công việc" được đặt ra vào năm 1971 bởi Wayne Oates - nhà tâm lý học người Mỹ chuyên về tôn giáo và tâm linh. Ông đã viết hàng chục cuốn sách khác nhau, một trong số đó là cuốn “Confessions of a Workaholic”.

 

Thực hiện các bước để cải thiện mối quan hệ

 

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trước nỗi ám ảnh về công việc của vợ/chồng bạn, hãy thực hiện một số bước sau để giúp cải thiện mối quan hệ của mình.

 

Giữ góc nhìn đa chiều và lý trí

 

Mặc dù có một người bạn đời "tham công tiếc việc" có thể sẽ khiến bạn bực bội, việc kết hôn với một người dành nhiều thời gian cho công việc không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực. Ví dụ: nếu làm việc vì đam mê thì công việc ấy sẽ giúp họ hài lòng hơn trong cuộc sống và thậm chí hài lòng hơn khi ở nhà.
 

Ngược lại, nếu họ làm việc bất kể thời gian thì có nghĩa rằng họ sẵn sàng làm mọi thứ để đảm bảo gia đình mình được chăm lo chu đáo về mặt tài chính. Và nếu phải thường xuyên xa nhà vì điều đó thì họ sẽ hoàn toàn chấp nhận vì họ đã đạt được điều mình muốn rồi.

 

Cố gắng hiểu lý do của họ

 

Cho rằng họ làm việc nhiều vì họ không muốn dành thời gian với bạn thì quá dễ rồi. Tuy nhiên cứ vậy mà kết luận sẽ dẫn đến nhiều vấn đề hơn trong mối quan hệ của bạn vì có khả năng kết luận ấy vốn xuất phát từ những định kiến sai lầm trước đó thôi.


Để hiểu rõ hơn lý do, hãy hỏi đối phương điều gì đã thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ như vậy. Câu trả lời có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân dẫn họ đến hành vi này và giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết rằng đó không phải là vì họ không quan tâm đến việc dành thời gian cho bạn.


Tránh sự so sánh

 

Bạn đang có những người bạn luôn làm mọi việc cùng người yêu của họ, khiến bạn ước rằng mình và người vợ/chồng luôn “tham công tiếc việc” của mình cũng giống như thế? So sánh như vậy thì dễ đấy (đặc biệt là khi bạn ghen tị với điều đó) nhưng làm thế chỉ có thể khiến bạn thêm căng thẳng và lo lắng, thậm chí cảm thấy tồi tệ hơn trước tình hình của mình.
 

Hãy nhớ rằng mọi mối quan hệ đều khác nhau. Thậm chí khi vợ/chồng của bạn làm việc nhiều hơn bạn muốn, mối quan hệ của bạn vẫn sẽ có những điểm mạnh mà những mối quan hệ kia không có. Hãy trân trọng những gì mà cuộc hôn nhân của bạn đã mang lại bất kể xung quanh có ra sao.

 

Nhìn nhận liệu bạn có phải là người đã cho phép điều đó xảy ra

 

Nếu đối phương làm việc liên tục nhưng không phải vì họ muốn thế thì có thể bạn đã vô tình cho phép hành vi ấy diễn ra. Nói cách khác, bạn đã có những hành động góp phần khiến cho họ đi làm nhiều hơn và dành ít thời gian ở nhà hơn.

 

Sự cho phép này thường đi kèm với cơn nghiện, nó giống như một cơ chế mà những người thân thương của bạn sử dụng để đối phó với nỗi đau và hỗn loạn mà họ đang trải qua.
 

Bạn có thể tạo điều kiện khiến cho đối phương chìm trong công việc nếu:

  • Trì hoãn bữa ăn gia đình cho đến khi họ trở về
  • Giữ con cái thức cho đến khi họ về nhà 
  • Hoãn các hoạt động vui chơi cho đến khi họ rảnh để tham gia cùng
  • Chi tiêu tiền vào những việc củng cố hành vi này (chẳng hạn như đặt đồ ăn thì họ về tới nhà)

 

Thay vì làm những điều này, hãy cân nhắc để họ tự nhìn ra hậu quả khi làm việc quá nhiều. Ví dụ, hãy ăn bữa tối vào thời gian thường ngày. Nếu họ không có ở thời điểm đó thì họ có thể ăn thức ăn thừa khi về đến nhà sau.
 

Trò chuyện với đối phương bằng lòng trắc ẩn và sự tích cực

 

Khi bạn không đồng ý với quan điểm về mức độ làm việc của họ, cả hai có thể đều sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ. Vì vậy những cuộc nói chuyện về việc họ đi làm quá nhiều nên được trao đổi một cách thận trọng và trắc ẩn.

 

Thêm nữa, việc la mắng họ vì điều đó thì dễ đấy nhưng sẽ không thay đổi được gì đâu. Thay vì vậy hãy dùng tông giọng tích cực và nói cho họ biết rằng họ đã bỏ lỡ những gì khi về trễ cũng như khi mang công việc về nhà làm mà không quan tâm tới các con và với bạn.

 

Cần lập ra những giới hạn nếu làm việc tại nhà

 

Nếu đối phương làm việc tại nhà (partime và fulltime) thì việc lập ra những ranh giới rõ ràng sẽ hạn chế làn ranh mập mờ giữa “công việc” và “nhà”, có thể kể đến như:

  • Có một khu vực làm việc chu đáo và yêu cầu họ không làm việc ngoài khu vực ấy
  • Đặt khung thời gian làm việc cụ thể hoặc ngừng công việc vào một thời gian mà cả hai cùng chấp nhận được
  • Đặt điện thoại dùng cho công việc trong văn phòng làm việc vào những giờ rảnh 
     

Nhắm đến chất lượng hơn số lượng

 

Thay vì bực bội vì bạn không có nhiều thời gian cho họ, hãy tận dụng thời gian mà bạn có một cách hiệu quả. Bỏ qua chuyện công việc và tập trung vào gia tăng kết nối giữa bạn và đối phương.


Nghiên cứu cho thấy chất lượng thời gian mà các cặp đôi dành cho nhau có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ ly hôn, đặc biệt khi thời gian đó tập trung vào các tác nhân gây căng thẳng thay vì tập trung vào việc vui vẻ.

 

Để có khoảng thời gian bên nhau chất lượng, hãy cùng đặt điện thoại sang một bên khi tham gia một hoạt động nào đó cùng nhau. Điều này giúp chúng ta hiện diện trong khoảnh khắc, từ đó tạo ra những kỷ niệm mà bạn có thể trân trọng trong nhiều năm về sau.

 

Tìm kiếm các hoạt động mà cả hai bạn đều thích

 

Bạn có thể lôi kéo họ ra khỏi chế độ làm việc bằng cách đề xuất một hoạt động mà cả hai cùng yêu thích. Có thể một buổi tối spa tại nhà, tham quan nhà máy nấu rượu hoặc thử đến một nhà hàng địa phương mới.

 

Tham gia hoạt động mà họ thích cũng có thể giúp giảm bớt căng thẳng giữa cả hai đồng thời tạo cơ hội thảo luận một cách trung thực về những lo lắng của bạn về công việc của đối phương.

 

Tiếp tục sống cuộc sống của chính mình

 

Việc đối phương làm việc suốt ngày cũng dễ khiến bạn có xu hướng ở nhà chờ họ trở về. Tuy nhiên, nếu không sống cuộc sống của chính mình thì bạn có thể bực bội trước vấn đề làm việc suốt ngày của họ còn nhiều hơn nữa, bởi lẽ đó là lý do khiến bạn bỏ lỡ nhiều điều bạn ưa thích mà.

 

Nếu họ không muốn mất thời gian làm để đi xem phim với bạn, hãy đi với bọn trẻ. Nếu họ quá bận rộn để có thể nghỉ vài ngày liên tiếp, hãy dành một chuyến du lịch cuối tuần để thăm gia đình mà không có họ. Đừng đặt cuộc sống của bạn và con cái trong thế luôn chờ đợi người khác dành thời gian cho mình.

 

Hỗ trợ đối phương trước những giờ làm việc không mong muốn

 

Không phải người chồng hoặc vợ "tham công tiếc việc" nào cũng đi làm nhiều vì họ muốn vậy. Cấp trên có thể yêu cầu làm thêm giờ do đang trong mùa cao điểm, hoặc họ có thể được yêu cầu phải làm thêm trong thời gian ngắn để đạt đúng những deadline quan trọng.

 

Trong những trường hợp như thế, câu thần chú "rồi mọi chuyện cũng sẽ qua" sẽ rất hữu ích cho chính bạn. Việc lặp đi lặp lại câu thần chú này thường xuyên sẽ nhắc nhở bạn rằng tình hình hiện tại chỉ là tạm thời, từ đó giúp bạn vượt qua một cách dễ dàng hơn vì bạn biết rằng việc đó sẽ không kéo dài lâu.

 

Những ngày làm việc kéo dài như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến họ nữa. Vì vậy hãy hỗ trợ và động viên để mang lại sức mạnh và khích lệ cho họ tiếp tục công việc của mình. Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách:

 

  • Lập kế hoạch đi chơi vui vẻ khi lịch trình của họ thay đổi, giúp cả hai cùng có sự mong chờ vào ngày ấy.
  • Giảm giờ làm của bạn nếu có thể, hoặc trút bỏ một số trách nhiệm khác để có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình hơn.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc đảm đương các công việc nội trợ mà đối phương không có thời gian để làm, có thể là từ các thành viên trong gia đình, bạn bè hay dịch vụ hỗ trợ khác.
  • Quan trọng nữa là bạn phải có những thói quen phù hợp để không bị kiệt sức. Giữ tinh thần lành mạnh để có thể chăm sóc gia đình và đối phương tốt hơn.
     

Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

 

Giải quyết các vấn đề về hôn nhân liên quan đến lịch trình làm việc quá nhiều có thể khiến bạn cảm thấy như một nhiệm vụ quá sức và không thể làm được một mình. Rất may là các nhà tâm lý học và nhà tham vấn về hôn nhân sẽ luôn hiện diện và sẵn sàng giúp bạn cùng đối phương có những cuộc đối thoại cởi mở hơn.
 

Đôi khi chỉ cần đưa họ tham gia buổi trị liệu đầu tiên là đã có thể giúp họ hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và ảnh hưởng của nó lên mối quan hệ của cả hai rồi.
 

Trong các phiên trị liệu này, điều quan trọng là phải thảo luận về việc thiết lập ranh giới mà cả hai đều chấp nhận được. Điều đó sẽ không chỉ giúp thay đổi hành vi của họ mà còn giúp bạn giao tiếp một cách cởi mở, trắc ẩn và thấu cảm hơn. Chẳng hạn chỉ việc đồng ý "không sử dụng điện thoại trong bữa ăn tối" cũng có thể làm giảm đáng kể những căng thẳng liên quan đến công việc.


Nguồn: What to Do When Your Partner Works All the Time - Very Well Mind

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần