` Vì sao một số người vẫn ở lại trong một mối quan hệ bạo hành? - MaCi Care MaCi Care

17 tháng 1, 2023

0

TÂM LÝ CẶP ĐÔI

Vì sao một số người vẫn ở lại trong một mối quan hệ bạo hành?

  • Share on Facebook
  • Copy link
Vì sao một số người vẫn ở lại trong một mối quan hệ bạo hành?

     Khi chúng ta biết một người nào đó đang ở trong một mối quan hệ bạo hành, chúng ta thường tự hỏi vì sao người đó không chấm dứt và rời đi. Tuy nhiên, thực tế thường không đơn giản như vậy. Rời khỏi một mối quan hệ bạo hành có thể rất đáng sợ, phức tạp và quá tải. Họ có thể đã từng cố rời đi rất nhiều lần rồi trước khi thực sự chấm dứt mọi thứ.

 

Những nguyên nhân vì sao việc rời đi lại khó như vậy?

 

Một số lý do khiến cho việc rời bỏ một mối quan hệ độc hại lại khó như thế:

 

  • Hi vọng rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn: Có thể họ vẫn còn thương đối phương và mong rằng mọi chuyện sẽ khá lên. Có thể đối phương đã hứa sẽ thay đổi và mong được trao cho cơ hội thứ hai. Bạo hành có thể diễn ra theo một chu kỳ, theo sau giai đoạn bạo hành có thể là giai đoạn trăng mật hạnh phúc. Người ta thường níu kéo với hi vọng rằng mối quan hệ sẽ một lần nữa quay về những giai đoạn đầu tiên. 

 

  • Trải qua sang chấn trong quá khứ: Những người đã từng chịu đựng sang chấn và bạo hành cả cuộc đời có thể sẽ có phản ứng đông cứng hoặc phân ly, từ đó khiến cho họ gặp khó khăn trong việc phản ứng nếu bạo hành xảy ra.

 

  • Bị thao túng/lạm dụng tâm lý: Họ có thể cảm thấy bối rối, hoài nghi về chính thực tại của mình, tự hỏi liệu bạo hành xảy ra là vì họ, cảm thấy không thể tự sống một mình vì kẻ bạo hành đã khiến họ cảm thấy vô vọng, vô dụng và vô giá trị. Điều này khiến họ cảm thấy không đủ tự tin để rời đi.

 

  • Có những vấn đề về sức khỏe: Họ có thể có những vết thương hoặc tình trạng sức khỏe mà đôi khi đến từ việc bị bạo hành, từ đó khiến việc rời đi vô cùng khó khăn.

 

  • Cảm thấy bị cô lập: Kẻ bạo hành thường cô lập họ khỏi bạn bè và người thân, làm cho họ cảm thấy không còn nơi nào để đi. Nếu không có những nguồn lực hỗ trợ thì sẽ rất khó để họ lựa chọn ra đi.

 

  • Có con với nhau: Việc chấm dứt sẽ không dễ vì họ có thể không muốn gây rối loạn đến cuộc sống của đứa trẻ, phá vỡ gia đình và chia tách con khỏi người cha/mẹ của nó. Điều này lại càng khó khăn hơn nếu đối phương là một người cha/mẹ tốt nhưng lại là một người chồng/vợ bạo hành. Họ cũng có thể lo sợ sẽ mất con, đặc biệt là khi bị người kia đe dọa rằng họ có thể dành quyền nuôi con.

 

  • Phụ thuộc về tài chính:
    Có thể họ không có nguồn thu nhập hoặc quỹ tiết kiệm, có thể đối phương kiểm soát nguồn tài chính của họ, không cho họ quyền tiếp xúc với tiền bạc, thẻ hoặc tài khoản ngân hàng.

 

  • Bị đe dọa: Kẻ bạo hành có thể đã đe dọa sẽ tổn thương họ nếu tìm cách rời đi. Mối đe dọa còn có thể liên quan đến người thân trong gia đình, bạn bè hoặc thú cưng.

 

  • Gặp nguy hiểm: Những mối quan hệ bạo hành thường có tính nguy hiểm rất cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 1 trong 5 vụ giết người là đến từ những người thân yêu. Bên CDC cũng lưu ý rằng hơn một nửa số nạn nhân nữ ở Hoa Kỳ đã bị giết bởi những người bạn đời cũ hoặc hiện tại của họ.

 

  • Không nhận ra sự bạo hành: Đôi khi sẽ rất khó để nhận ra bản thân đang bị bạo hành, nhất là khi họ đã sống chung với điều đó suốt nhiều năm. Nếu họ chưa từng trải qua những mối quan hệ lành mạnh và đầy sự tôn trọng thì có thể họ sẽ không nhận ra hành vi của đối phương là không thể chấp nhận được. Việc này lại càng đúng nếu sự bạo hành là về mặt cảm xúc chứ không phải bạo hành thể chất hay tình dục.

 

  • Áp lực phải ở bên nhau: Xã hội thường khích lệ con người không nên từ bỏ một mối quan hệ mà nên ở bên nhau dù có chuyện gì xảy ra. Việc ly hôn thường chịu những định kiến của xã hội, thậm chí việc chia tay cũng bị xem là thất bại của cá nhân ấy. Họ chịu rất nhiều áp lực phải có một mối quan hệ hoàn hảo.

 

  • Không muốn thừa nhận mình đang bị bạo hành: Người bị bạo hành có thể cảm thấy sợ hãi, xấu hổ và nhục nhã khi phải thừa nhận điều đó, nhất là khi các nạn nhân còn hay bị đổ lỗi trước việc bị bạo hành của mình. Khó khăn hơn nữa là khi kẻ bạo hành là một người quyền lực hoặc rất được yêu mến. 

 

  • Khó khăn về mặt luật pháp: Có thể họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng chính quyền đã chối bỏ và không xem đó là bạo lực. Hoặc họ đã thỏa thuận điều gì đó với đối phương khiến cho việc ra pháp luật trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn, có thể đối phương đã từng nộp đơn khiếu nại không đúng sự thật về họ, có thể họ là người nhập cư lo sợ sẽ bị trục xuất.

 

  • Đưa ra quyết định rời đi: Nếu bạn đang trong một mối quan hệ bạo hành và bạn muốn rời đi thì hãy lưu ý một số điều sau:

 

  • Đó không phải là lỗi của bạn: Có thể đối phương đã thuyết phục bạn tin rằng chính mình là người phải chịu trách nhiệm và xứng đáng bị bạo hành. Có thể bạn cho rằng bản thân phải là người sửa chữa tất cả và mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại nếu bạn thay đổi và đối xử tốt hơn với họ. Hãy nhớ rằng đó không phải là lỗi của bạn và bạn không phải chịu trách nhiệm cho hành động của kẻ bạo hành.

 

  • Bạo hành không phải là tình yêu: Đối phương có thể thuyết phục bạn rằng bạo hành, ghen tuông hoặc kiểm soát là cách thể hiện tình yêu và đam mê của họ dành cho bạn. Tuy nhiên, một mối quan hệ bạo hành không hề lành mạnh hay bình thường. Tình yêu luôn cần có sự quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. 

 

  • Bạo hành thường dễ leo thang: Bạo lực trong một mối quan hệ yêu đương thường dễ leo thang và trở nên cực kỳ tồi tệ. Thậm chí nếu lúc đầu chỉ là bạo hành về tinh thần thì dần nó có thể tiến đến bạo hành thể chất và càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn cần phải chấm dứt ngay khi xung quanh bạn đủ an toàn để rời đi.

 

  • Bạn không phải chịu trách nhiệm cho kẻ bạo hành: Nếu bạn quan tâm kẻ bạo hành, có thể bạn sẽ tìm cách thuyết phục họ đi tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc cho rằng bạn cần phải ở cạnh họ một khi họ cố gắng thay đổi. Kẻ bạo hành đôi khi sẽ thao túng đối phương ở bên mình bằng cách đe dọa, tổn thương bản thân hoặc làm cho đối phương cảm thấy không thể sống tự lập. Tuy nhiên, bạn không nợ họ bất cứ điều gì cả và bạn cần phải ưu tiên bảo đảm cho sự an toàn và hạnh phúc của mình.

Nguồn: Why It Can Be Hard to Leave an Abusive Relationship - Very Well Mind

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần