` Stress của những bậc cha mẹ đơn thân: Làm thế nào để vượt qua sự kiệt sức? - MaCi Care MaCi Care

17 tháng 1, 2023

0

HỌC LÀM CHA MẸ

Stress của những bậc cha mẹ đơn thân: Làm thế nào để vượt qua sự kiệt sức?

  • Share on Facebook
  • Copy link
Stress của những bậc cha mẹ đơn thân: Làm thế nào để vượt qua sự kiệt sức?

     Việc nuôi con một mình đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, càng có nhiều cha/mẹ/ông/bà/người chăm sóc nuôi nấng con cháu của họ một mình. Theo một khảo sát của trung tâm Nghiên Cứu Pew, gần ¼ trẻ em dưới 18 tuổi ở Mỹ đang sống trong một gia đình chỉ có một người nuôi dưỡng. Cha mẹ đơn thân thường gặp phải những căng thẳng rất riêng dẫn đến cảm giác kiệt sức. Có nhiều cách mà các bậc cha mẹ đơn thân có thể làm để quản lý stress và tránh được bị kiệt sức. Với những người mới bắt đầu, điều quan trọng là phải dành ra một khoản thời gian riêng tư, chẳng hạn như có những lúc được ngồi nghỉ ngơi trong ngày hay lên kế hoạch tham gia những hoạt động ngoài trời. 


Bài viết này đề cập đến những dạng stress phổ biến của cha mẹ đơn thân và cách để quản lý chúng, tránh bị kiệt sức. 

 

Stress ở cha mẹ đơn thân

 

Cha mẹ đơn thân cũng có những nỗi lo giống với các bậc cha mẹ khác. Con cái của mình có phát triển bình thường không? Ở trên trường con có bạn bè chứ? Cho con ăn như vậy là đã đủ lành mạnh chưa? Chúng có đang dành quá nhiều thời gian online hay không? Những nỗi lo này sẽ càng gây căng thẳng hơn khi họ phải gánh chúng và buộc đưa ra những quyết định khó khăn một mình. Cha mẹ đơn thân phải quán xuyến nhiều vai trò khác nhau cùng nhiều thử thách như sắp xếp quyền nuôi con với người còn lại, những bận tâm về tài chính và mối quan hệ gia đình phức tạp. 

 

  • Thiếu sự hỗ trợ của xã hội: Cha mẹ đơn thân thường có thể cảm thấy bị cô lập, đặc biệt là khi hầu hết thời gian của họ đều dành ra để chăm con nên gần như không có thời gian tương tác với các người khác. Việc này có thể gây ra cảm giác cô đơn và trầm cảm.

 

  • Sắp xếp quyền nuôi con: Khi cha mẹ đơn thân phải chia sẻ quyền nuôi con, họ có thể gặp khó khăn sắp xếp thời gian và trách nhiệm nuôi dưỡng với người còn lại.

 

  • Stress về tinh thần: Trong trường hợp nếu họ được toàn quyền nuôi con hoặc không có người đồng chăm sóc, những cha mẹ đơn thân thường gánh trách nhiệm nuôi con một cách trọn vẹn. Thử thách dành cho họ không những là về việc giáo dục con trẻ mà còn là những vấn đề cá nhân khi không có sự hỗ trợ của một người cha mẹ nữa. 

 

  • Những bận tâm về tài chính: Cha mẹ đơn thân thường chịu trách nhiệm tài chính mà không có sự đóng góp của đối phương. Mặc dù một số người có thể nhận được khoản cấp dưỡng nuôi con, một số người thì không. Nghiên cứu đã chỉ ra cha mẹ đơn thân thường có nguy cơ gặp khó khăn tài chính cao hơn, từ đó dễ chịu tác động tiêu cực lên sức khỏe tinh thần, gia tăng nguy cơ bị cô lập, lo âu và trầm cảm.


Ly dị, ly thân và tang chế vốn đã gây căng thẳng rất nặng nề. Nếu vừa làm cha mẹ đơn thân vừa trải qua những sự kiện đó sẽ còn gây stress tồi tệ hơn nữa. Nếu họ không đối phó được với stress gây ra bởi việc làm cha mẹ đơn thân thì họ sẽ có nguy cơ bị kiệt sức. Đây là một tình trạng phổ biến có thể dẫn đến gia tăng lo âu, trầm cảm và những ảnh hưởng thể chất khác. Cha mẹ bị kiệt sức cũng có thể phải đối mặt với sự cô đơn hoặc những vấn đề về mối quan hệ khác.

 

Tóm tắt: Cha mẹ đơn thân gặp phải những áp lực như bao bậc cha mẹ khác, nhưng thêm vào đó còn có những vấn đề về việc chia sẻ quyền nuôi con, hạn chế về sự hỗ trợ của xã hội, căng thẳng về mặt tài chính cùng nhiều khó khăn khác.

 

Ảnh hưởng của stress lên các bậc cha mẹ đơn thân

 

Stress có thể là một nguồn động lực, nhưng nếu không được lưu tâm thì nó có thể trở thành triệu chứng lâu dài và gây hại lên sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chúng ta. Mỗi người sẽ chịu những ảnh hưởng khác nhau, tuy nhiên sẽ vẫn có những vấn đề phổ biến như sau:

 

  • Khó chịu, lo âu hoặc trầm cảm
  • Giảm chức năng hệ miễn dịch dẫn đến việc cơ thể thường xuyên đau ốm
  • Ít động lực và khả năng sáng tạo
  • Giảm năng lượng và hiệu suất công việc
  • Triệu chứng thể chất như đau đầu, căng cơ, đau nhức cơ thể và chóng mặt
  • Các vấn đề về hệ tiêu hóa
  • Khó khăn về giấc ngủ
  • Thay đổi tâm trạng và cảm giác ngon miệng

 

Stress mãn tính nếu đi kèm với những yếu tố nguy cơ như hút thuốc và uống rượu bia sẽ có thể để lại nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Nghiên cứu chỉ ra rằng stress ở các bà mẹ đơn thân càng tăng thì những hành vi không tốt cho sức khoẻ như hút thuốc sẽ càng tăng theo. Một số ảnh hưởng sức khỏe nặng nề có liên quan đến stress bao gồm tiểu đường, béo phì, bệnh tim, loét da, suy giáp và rối loạn chức năng tình dục. Nghiên cứu cũng cho thấy stress ở cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của con trẻ. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí về các Rối loạn cảm xúc đã chỉ ra trầm cảm ở người mẹ gây ra bởi stress sẽ gia tăng nguy cơ phát triển những triệu chứng lo âu và trầm cảm ở con trẻ.

 

Tóm tắt: Thật không dễ để có thể nhận ra khi nào thì bản thân đang bị stress. Quan trọng là phải biết stress ảnh hưởng lên sức khỏe thể chất và tinh thần của cha mẹ đơn thân như thế nào để có thể đưa ra những cách thức giảm thiểu tác động của nó.

 

Làm sao để quản lý stress ở các cha mẹ đơn thân?

 

Nếu việc chăm con và quản lý nhà cửa một mình khiến bạn cảm thấy quá tải thì việc quan trọng cần làm chính là tìm kiếm sự trợ giúp. Những mẹo sau đây có thể giúp bạn đối phó với stress và giữ tinh thần được lành mạnh:

 

  • Dành cho bản thân thời gian riêng tư: Bạn nên làm điều này ngay cả khi chỉ đâu đó trong một khoảng thời gian ngắn, làm những việc mình thích như đọc sách hay đến thăm nhà bạn. Dù vậy, cho bản thân thời gian một mình khi nuôi con một mình cũng không dễ dàng chút nào. Có lẽ bạn nên nhờ bạn bè hay thành viên gia đình trông con khi bạn nghỉ ngơi hoặc để trẻ xem phim còn bạn thì vừa thư giãn vừa đọc sách. Hãy làm bất cứ việc gì phù hợp với hoàn cảnh gia đình của bạn.
     
  • Đừng cảm thấy tội lỗi: Hãy cố gắng đừng cảm thấy tội lỗi khi không chăm con dù chỉ một chút. Với những bậc cha mẹ đơn thân đang trải qua khó khăn tinh thần thì việc tham gia những hoạt động vui vẻ và thư giãn mà họ yêu thích sẽ mang lại cho họ trạng thái cân bằng và thỏa mãn.

 

  • Đừng nghĩ rằng những hoạt động đó là đặc quyền mà bạn đã tước đi khỏi con của bạn. Sức khỏe tinh thần của bạn cũng sẽ ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của con bạn đấy. Bảo vệ hạnh phúc của chính mình cũng sẽ bảo vệ được hạnh phúc của con trẻ.

 

  • Có góc nhìn tích cực: Những suy nghĩ tiêu cực sẽ để lại tác động rất nặng nề lên sự tự tin trong việc làm cha mẹ và hủy hoại sức khỏe tinh thần của bạn. Theo nghiên cứu thì những bậc cha mẹ có lo âu thường hay để ý đến những mối đe dọa và thông tin tiêu cực. Sự lo âu và tiêu cực này có thể tác động lên tương tác giữa bạn và con cái. Hãy nỗ lực tránh xa những điều tiêu cực, dù là từ chính bạn hay những ảnh hưởng xung quanh.

 

  • Xây dựng cho chính mình một hệ thống nguồn lực hỗ trợ: Cha mẹ đơn thân có thể xây dựng một hệ thống kết nối hỗ trợ xã hội bằng cách trao đổi với bạn bè, các thành viên trong gia đình hay những nhóm hỗ trợ trực tuyến. Sẽ rất tốt nếu bạn có thể trò chuyện với những người hiểu được các khó khăn riêng của cha mẹ đơn thân. Bạn cũng có thể tìm kiếm các nhóm và trang hỗ trợ dành riêng cho các cha mẹ đơn thân. Đây cũng là một cách tuyệt vời để kết nối với những người có chung trải nghiệm với bạn.

 

  • Đặt ra ranh giới: Các bậc cha mẹ đơn thân cần lưu ý nên đặt ra những giới hạn mà bạn có thể chấp nhận được hoặc không. Đừng để người khác lợi dụng thời gian và năng lượng của bạn. Cha mẹ đơn thân đôi lúc hay bị đánh giá nhiều hơn dù họ đưa ra lựa chọn gì, vì vậy bạn cần thể hiện rõ rằng bạn sẽ không chấp nhận những sự soi mói như vậy. Đặt ra những giới hạn cho bản thân sẽ giúp bạn quản lý được thời gian và năng lượng, từ đó giúp bạn không cảm thấy bị quá tải, đồng thời mang lại sự cân bằng trong cuộc sống.

 

Tóm tắt: Để tránh bị kiệt sức, quan trọng là bạn cần phải tìm được cách quản lý stress. Dành thời gian cho bản thân, tránh xa sự tiêu cực, lập ra những ranh giới và có một hệ thống hỗ trợ là chỉ là một số cách đối phó mà thôi.

 

Chiến lược quản lý stress

 

Các kỹ thuật quản lý stress có thể mang lại nhiều lợi ích cho các cha mẹ đơn thân đang trải qua stress và lo âu. Bên cạnh những kỹ thuật thư giãn và tự chăm sóc bản thân (self-care) và quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bản thân cũng là việc vô cùng cần thiết.

 

Đưa ra những lựa chọn sinh hoạt lành mạnh

 

Trước áp lực khi trở thành cha mẹ đơn thân, chúng ta thường dễ bỏ mặc sức khỏe của chính mình. Chúng ta vẫn nên nỗ lực ăn uống đầy đủ, hoạt động tích cực và ngủ nghỉ đầy đủ. Giữ những thói quen lành mạnh sẽ giúp đảm bảo rằng bạn vẫn chăm sóc bản thân dù cuộc sống có bận rộn như thế nào.

 

Tạo ra một thói quen thư giãn

 

Đưa những kỹ thuật thư giãn hiệu quả vào cuộc sống hàng ngày cũng là một việc hữu ích. Khi bạn stress vì những khó khăn trong cuộc sống hay trong việc nuôi dạy con thì bạn cũng có thể sử dụng chiến lược sau để xử lý chúng. Một số chiến lược hữu ích bao gồm:

 

  • Thở sâu
  • Kỹ thuật hình dung hình ảnh
  • Thiền
  • Chánh niệm
  • Thư giãn cơ cấp tiến
  • Yoga
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần
     

Mức độ stress càng tăng cũng có thể đồng nghĩa rằng bạn dễ trải qua lo âu, trầm cảm cùng nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần khác. Nếu bạn đang vật lộn với điều đó, hãy cân nhắc tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các cha mẹ đơn thân, bao gồm tham vấn, trị liệu nhóm và sử dụng thuốc nếu cần.

 

Nguồn: Single Parenting Stress: How to Beat Burnout - Very Well Mind 

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần