` Việc học ở lứa tuổi trẻ thơ - MaCi Care MaCi Care

21 tháng 11, 2022

0

HỌC LÀM CHA MẸ

Việc học ở lứa tuổi trẻ thơ

  • Share on Facebook
  • Copy link
Việc học ở lứa tuổi trẻ thơ

Trí tuệ của trẻ bị hạn chế phát triển như thế nào trong suốt thời thơ ấu?

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với các từ ngữ, sách truyện có ích lớn đến việc học tập và kỹ năng xã hội của trẻ em. Đọc truyện thành tiếng sẽ giúp trẻ cảm thấy được gắn bó và an toàn. Tuy nhiên nếu tin rằng trí thông minh của trẻ đã hoàn thiện sau ba năm đầu đời thì chưa phản ánh hết tính linh hoạt của não bộ. Cả trí thông minh và nhân cách đều không bị cố định khi trẻ còn bé, thậm chí chúng vẫn có thể phát triển tốt sau đó với một tuổi thơ bị bỏ rơi, hoặc trưởng thành mạnh mẽ dù lúc nhỏ được nuông chiều. Vì vậy khả năng phát triển trí tuệ của trẻ không nhất thiết bị giới hạn bởi yếu tố từ phía cha mẹ.

 

Liệu tiếp xúc sớm với âm nhạc có giúp trẻ đạt kết quả học tập tốt hơn không?

 

Khoa học đã chứng minh lợi ích của việc học chơi một loại nhạc cụ nhất định khi còn trẻ. Chúng giúp chức năng điều hành của não bộ tốt hơn, nhận thức linh hoạt hơn, tăng khả năng tập trung, trí nhớ làm việc, hay chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, niềm tin rằng nghe nhạc cổ điển khi trẻ còn trong bụng mẹ hay giai đoạn sơ sinh, giúp nâng cao trí thông minh- được gọi là hiệu ứng “Mozart” đã được bác bỏ hoàn toàn.

 

Điều gì sẽ giúp các chương trình mẫu giáo có chất lượng tốt hơn?

 

Một luồng tranh luận từ lâu về việc liệu các chương trình mầm non và mẫu giáo nên tập trung vào lý thuyết hay thực hành. Nhưng rất nhiều nghiên cứu ủng hộ quan điểm rằng việc dạy trẻ về mặt lý thuyết quá sớm sẽ tạo ra những tác hại lâu dài. Ví dụ một nghiên cứu đã chỉ ra những trẻ em được học chương trình mẫu giáo thiên về học thuật có lợi thế ban đầu so với các bạn ở trường tiểu học nhưng đến khi lên lớp 4, thì những đứa trẻ được vui chơi nhiều lúc bé lại bắt đầu đạt điểm cao hơn. Khoa học cũng chỉ ra, dù học chương trình gì ở trường, nhưng nếu trẻ được bố mẹ chú trọng việc vui chơi, kỹ năng xã hội hay sự tự lập ở độ tuổi mẫu giáo, thì sẽ có xu hướng phát triển tốt hơn những trẻ khác khi lớn lên.

 

Trẻ em có nên học cách đánh máy và sử dụng máy tính sớm?

 

Giới trẻ hiện nay có lợi thế hơn rất nhiều khi được tiếp xúc sớm với máy tính cùng các phần mềm hỗ trợ đọc viết và sáng tạo. Nhưng một nghiên cứu cũng chỉ ra các học sinh ghi nhớ tốt hơn khi họ viết kiến thức ra giấy so với việc đánh máy. Nhiều trường học hiện nay đã không còn bắt học sinh phải ghi chép bài vở nữa nhưng sẽ rất tốt nếu như các cha mẹ khuyến khích con cái làm việc này.

 

Sự tham gia của cha mẹ đến việc học của con

 

Đặc điểm tâm lý nào của trẻ sẽ giúp chúng đạt kết quả học tập tốt?

 

Khả năng và nhu cầu tự học là những yếu tố quan trọng để giúp một người học tốt. Đó là lý do vì sao các cha mẹ cần nhắc nhở trẻ tự học và kiểm soát bản thân, hạn chế can thiệp vào bài vở của con. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự tự kỷ luật ở một đứa trẻ là rất quan trọng và ít nhất nó cũng ảnh hưởng đến thành tích ở trường của trẻ giống như trí thông minh. Động cơ bên trong hay việc học tập vì lợi ích của chính nó thay vì làm hài lòng cha mẹ, thầy cô- cũng là điều cần thiết với trẻ. Những động lực này cũng sẽ giảm nếu như cha mẹ quá quan tâm đến thành tích, và kỳ vọng cao vào con cái.

 

Những cách tốt nhất để trợ giúp học sinh ở lứa tuổi tiểu học là gì?

 

Nghiên cứu đã chỉ ra cha mẹ giữ được vai trò tích cực của mình trong việc giáo dục con cái sẽ giúp trẻ đạt thành tích học tập ở trường cao hơn so với các bạn khác. Phương pháp hiệu quả nhất là tạo ra mục tiêu học tập cho trẻ, truyền đạt tầm quan trọng của giáo dục bằng cách trò chuyện thường xuyên khi chúng đi học về, trao đổi với giáo viên,tham gia các hoạt động của trường, kiểm tra bài tập về nhà mà không tự ý sửa chúng. Nhìn chung cần để đứa trẻ tự lập càng nhiều càng tốt cho dù đôi khi chúng vẫn mắc sai lầm. Điều đó sẽ giúp trẻ hình thành sự tự tin vào khả năng của chính bản thân mình.

 

Cha mẹ nên tham gia vào việc học của trẻ như thế nào?

 

Từ lâu đã có những câu hỏi về vai trò của cha mẹ như: liệu chúng ta có đang tham gia quá nhiều vào việc học của trẻ khiến chúng bị kìm hãm sự phát triển hay ta đang chưa đủ quan tâm khiến trẻ có những vướng mắc không được hỗ trợ. Ngoài ra chúng ta cũng thắc mắc phụ huynh có thể can thiệp ở mức độ nào đến việc học của con. Và liệu áp lực kinh tế hay các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sự quan tâm của cha mẹ đến con cái, khiến trẻ có thể bị thiếu đi các quyền lợi học tập. Mặc dù các thầy cô mong rằng phụ huynh sẽ đảm bảo trẻ làm đủ bài tập về nhà, nhưng nếu trực tiếp hỗ trợ con không chỉ khiến gia đình bị căng thẳng mà còn không có lợi cho trẻ


Giáo dục tại nhà có phù hợp với gia đình bạn không?

 

Gia đình mong muốn cho con học tại nhà vì lý do cá nhân, tôn giáo, hoặc để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ. Những người quan tâm đến phương pháp này vì tin rằng nó sẽ có lợi cho việc học của con. Nhưng một phong cách học tập của trẻ cần phải cân nhắc giữa ưu và nhược điểm. Giáo dục tại nhà có thể hiệu quả vì nó giúp loại bỏ những rắc rối tại trường học, an toàn, dễ chăm sóc cho trẻ, linh hoạt, cho phép trẻ khám phá sâu chủ đề mà trẻ quan tâm, đồng thời có sẵn các nguồn lực dồi dào để hỗ trợ việc học và sắp xếp các hoạt động xã hội hoặc ngoại khóa cho trẻ. Nhưng phụ huynh cũng cần cân nhắc liệu họ có thể hoàn thành tốt vai trò của cả cha mẹ và giáo viên hay không. Hãy chuẩn bị để luôn động viên con cái của chúng ta đồng thời ý thức về việc có thể bị quá tải và kiệt sức. 

 

Tại sao sự hỗ trợ của người cha đến việc học của con cái lại quan trọng?


Nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra sự quan tâm tích cực của người cha vào cuộc sống của trẻ dù họ có sống chung hay không đều khiến trẻ phát triển nhận thức tốt hơn. Các nghiên cứu về những cặp đôi đã ly hôn đặc biệt chỉ ra rằng khi họ vượt qua những thách thức (như ngại giao tiếp với nhau) và vẫn tiếp tục tham gia vào việc giáo dục con cái, chúng sẽ đạt kết quả học tập tốt hơn, ít bỏ dở việc học hay bị lưu ban, và cũng đạt kết quả cao hơn ở những cấp học trên.


Thành công ở trường trung học và tương lai.

 

Cha mẹ có thể giúp trẻ kiểm soát căng thẳng trong học tập bằng cách nào?

 

Đầu tiên, hãy ghi nhận những căng thẳng mà trẻ đang có chứ không gạt bỏ nó. Khuyến khích trẻ nói về những tác nhân gây căng thẳng của chúng và lắng nghe mà không phán xét. Sau đó nói chuyện từng bước một về cách quản lý những căng thẳng của trẻ, cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, giáo viên hoặc chính cha mẹ. Khuyến khích những học sinh bị căng thẳng nên vận động nhiều hơn, đặc biệt là duy trì thói quen tập thể dục, thực hành chánh niệm và ngủ đủ giấc.

 

Làm thế nào để phát triển kỹ năng lãnh đạo của trẻ.

 

Khi trẻ bước vào trường trung học và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ngoại khóa, chúng có thể bắt đầu mong muốn được làm trưởng nhóm nhưng không biết xử lý mọi việc thế nào. Cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ bằng cách tổ chức những buổi họp gia đình và để con cái đặt ra mục tiêu cũng như điều hành buổi họp đó, vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng đặt mục tiêu là một yếu tố then chốt dẫn đến thành công ở trường học và cả khi lớn lên.

 

Môi trường trường học có hỗ trợ để trẻ phát triển ở mọi nghề nghiệp không?

 

Các bậc cha mẹ nên nhớ rằng có nhiều con đường dẫn đến thành công, và những người đã thành công cũng không bắt đầu từ một con đường. Ví dụ một nghiên cứu cho rằng những sinh viên có điểm số cao nhất thường có mức độ thành công trung bình trong khi những học sinh có khả năng cải thiện điểm số nhanh chóng, kỹ năng xã hội, khả năng sáng tạo cao khi đi làm sẽ phát triển mạnh hơn cho dù chỉ đạt điểm số trung bình khi ở trường.

 

Việc giúp trẻ đỗ vào một trường đại học được xếp hạng cao quan trọng như thế nào?

 

Điều đó không quan trọng như nhiều phụ huynh nghĩ, và họ thường đặt nặng vấn đề này hơn so với học sinh. Việc ghi danh vào các trường đại học đã trở thành một áp lực lớn đối với nhiều người trẻ, và thường bị tác động bởi kỳ vọng của cha mẹ của họ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng sự khác biệt giữa các trường top đầu và những trường khác có mối tương quan nhiều hơn là nhân quả. Cụ thể là học sinh trung học đạt kết quả cao thường tụ tập ở các trường ưu tú, nhưng không phải ai theo học ở những trường đó đều có thể thành công trong tương lai. Những ngôi trường mà chúng ta đã theo học không ảnh hưởng nhiều đến việc liệu cuối cùng chúng ta có tìm được một công việc yêu thích hay hài lòng về cuộc sống của mình hay không.

 

Nguồn: Supporting Children's Education - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần