` Thưởng và phạt trong nuôi dạy trẻ - MaCi Care MaCi Care

21 tháng 11, 2022

0

HỌC LÀM CHA MẸ

Thưởng và phạt trong nuôi dạy trẻ

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thưởng và phạt trong nuôi dạy trẻ

Giữ kỉ luật

 

Cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con cái và dạy dỗ chúng hướng đến những hành vi phù hợp và an toàn. Để đạt được những điều đó chúng ta cần phải thiết lập mối quan hệ tích cực và tạo thói quen kỷ luật riêng với từng lứa tuổi của con. Nhìn chung khi đề cập đến kỷ luật trong gia đình, mọi người thường nghĩ đến sự trừng phạt như: thời gian tách biệt, cấm túc, tước bỏ đặc quyền. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy kỷ luật tích cực đối với trẻ, tập trung vào việc dạy bảo và khen thưởng hiệu quả hơn so với việc  bị trừng phạt.  

 

Việc cha mẹ kiểm soát con cái quan trọng như thế nào?
 

Hầu hết các mối quan hệ đều có những thời điểm xung đột nhưng sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thì không có ai là người thắng cuộc. Nuôi dạy con tốt không phải là kiểm soát chúng, cũng không phải là cố gắng thay đổi bản chất của chúng để phù hợp với hình mẫu “một đứa trẻ ngoan”. Thay vào đó, cha mẹ tốt sẽ biết cách đặt kỳ vọng và tiêu chuẩn cho các hành vi và dành thời gian giúp trẻ đạt được những điều đó. Họ cũng cố gắng lắng nghe và hiểu những khác biệt cơ bản giữa nhu cầu của bản thân và của con cái mình.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ nói “không” quá thường xuyên?

 

Nếu hành vi của trẻ em hoặc trẻ vị thành niên nguy hiểm cho bản thân hoặc những người khác, thì cha mẹ cần thuyết phục chúng thay đổi. Tuy nhiên, việc cha mẹ nói "không" quá nhiều lần và liên tiếp có thể gây tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ. Việc liên tục nhận được những phản hồi tiêu cực mà không có bất cứ sự củng cố tích cực nào có thể khiến trẻ hình thành những niềm tin tiêu cực vào bản thân và cảm thấy chúng sẽ không thể làm được bất cứ điều gì đúng. Điều này sẽ khiến trẻ ngừng cố gắng hoặc thậm chí có những hành vi tự làm hại bản thân. Các cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhận ra rằng lời nói của họ có ý nghĩa với trẻ lớn hơn những gì họ có thể tưởng tượng và những gì họ thấy ở bọn trẻ.

 

Thời gian tách biệt có phải là một hình thức kỷ luật hiệu quả không?

 

Thời gian tách biệt, có thể tốt cho người lớn, nhưng chúng có lẽ không có lợi cho trẻ em, đặc biệt là ở độ tuổi mà trẻ chưa phát triển các kỹ năng điều chỉnh những cảm xúc cao độ. Thời gian tách biệt tuy không mang tính bạo lực, nhưng chúng vẫn là một hình thức trừng phạt. Đứa trẻ bị phạt có thể cảm thấy bị từ chối hoặc cô lập với xã hội. Chúng cũng có thể tin rằng cha mẹ chỉ yêu chúng khi chúng có những hành vi tốt. Thời gian tách biệt làm giảm đi lòng tin giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ phải che giấu những cảm xúc tiêu cực, nếu không chúng sẽ không được ở cùng với cả gia đình. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái và lòng tự trọng của trẻ sẽ đều bị ảnh hưởng chỉ để ngăn chặn một hành vi không tốt của trẻ.


Giải pháp thay thế hiệu quả cho thời gian tách biệt là gì?

 

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con đồng thuận rằng, phương pháp thời gian tách biệt cần hạn chế được áp dụng. Thay vì cấm túc trẻ vào một phòng riêng, chúng ta nên tập trung vào những kỷ luật nhằm giới hạn trẻ, và hướng chúng đến cách phản ứng tích cực hơn tại thời điểm đó. Ví dụ chúng ta có thể dạy trẻ dùng lời nói để mô tả cơn tức giận của mình như: con đang rất căng thẳng, bực tức và mệt mỏi. Thậm chí nếu trẻ có những cảm xúc bùng nổ hơn, cha mẹ cũng có thể khuyên trẻ thể hiện bằng hành động tích cực như ra ngoài đi bộ, hoặc hét to ra phía cửa sổ. Điều này giúp trẻ học được cách trò chuyện ngay cả khi có những cảm xúc mãnh liệt, và cuối cùng là kiểm soát chúng tốt hơn.  Phương pháp kỷ luật này sẽ giúp giữ mối quan hệ của cha mẹ với con cái luôn gần gũi thân mật, gắn kết mạnh mẽ hơn là gây hại cho trẻ.

 

Cha mẹ nên phản ứng thế nào trước những lời than vãn của trẻ?

 

Chúng ta thường rất dễ tức giận hoặc khó chịu với một đứa trẻ hay than vãn. Thực ra, có những cách tốt hơn để đáp lại những lời than vãn của trẻ. Cần lưu ý một chút với những người mới tìm hiểu về vấn đề này, đó là trẻ than vãn vì những lý do khác nhau như: mong muốn được giúp đỡ, đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp, được người khác quan tâm hơn, thể hiện sự khó chịu, để được khen thưởng hay mong muốn sự quan tâm ngay lập tức của cha mẹ. Nếu cha mẹ hiểu được nhu cầu của trẻ phía sau những lời than vãn đó, họ có thể đáp ứng nhu cầu đó nhanh chóng và hiệu quả. Phản ứng tích cực và yêu thương của cha mẹ có thể giúp xoa dịu trẻ, duy trì mối quan hệ hơn là sự tức giận và thất vọng của họ.

 

Tại sao trẻ nổi loạn?

 

Nổi loạn là một phần tự nhiên trong quá trình lớn lên khi trẻ học cách xây dựng bản sắc riêng của mình, để không bị phụ thuộc vào cha mẹ hay anh, chị của chúng. Trẻ có thể nổi loạn khi chúng không muốn bị đối xử như trẻ con nữa và đang cố gắng tìm cách định nghĩa bản thân. Đến một mức độ tiêu cực, sự nổi loạn ở trẻ vị thành niên có thể khiến họ hành động chống lại lợi ích của bản thân, tham gia vào những hành vi tự huỷ hoại, tạo ra các tình huống có rủi ro cao, cho phép sự bốc đồng lấn át khả năng phán đoán tốt và đôi khi gây thiệt hại đến những mối quan hệ thân thiết của mình. Cha mẹ có thể giúp những đứa trẻ này bằng cách lắng nghe những gì chúng cần, cho phép chúng trải nghiệm những hậu quả mà chúng gây ra, đồng thời thể hiện sự quan tâm và liên tục chia sẻ với chúng những hiểu biết của bản thân.

 

Cha mẹ cần phản ứng thế nào với một đứa trẻ thích chống lại quy tắc.

 

Không có gì lạ khi trẻ không tuân theo những giới hạn và kết quả mà cha mẹ đã đặt ra một cách rõ ràng . Trẻ em sẽ rất tinh ý nhận ra sự không nhất quán của cha mẹ và chúng sẽ chấp nhận mạo hiểm khi nghĩ rằng mình có thể sẽ không bị phạt. Những người lớn khác bao gồm cả họ hàng và bảo mẫu của trẻ đều cần thống nhất những quy tắc và nhất quán khi áp dụng chúng với trẻ. Nếu trẻ vẫn không tuân thủ các quy tắc hay quan tâm tới hậu quả sau đó, cha mẹ có thể lập những bảng kế hoạch để trẻ dễ dàng sắp xếp các hoạt động và khen thưởng những hành vi tích cực của chúng. Cha mẹ cũng nên đánh giá kỹ lưỡng hơn những hệ quả của mỗi hành vi mà họ đã chọn và cân nhắc xem liệu nó có phù hợp hay tạo được động lực cho trẻ không?

 

Hình phạt hiệu quả dành cho trẻ vị thành niên là gì?

 

Nhiều cha mẹ chọn cách lấy đi một món đồ quan trọng với trẻ khi chúng làm sai (ví dụ: điện thoại di động hoặc máy tính…). Để hình phạt này được hiệu quả với trẻ vị thành niên, cha mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau: 

- Không tước bỏ mọi quyền tự do của trẻ

- Không cấm trẻ tham gia vào những hoạt động thúc đẩy lòng tự trọng như một sở thích đặc biệt của chúng, hay một hoạt động thể thao.

- Không cắt đứt mọi liên lạc xã hội của trẻ

- Chỉ duy trì những hình phạt ngắn hạn.

Việc yêu cầu trẻ đền bù bằng cách hoàn thành những nhiệm vụ trong nhà hoặc nơi công cộng cũng có thể đem lại hiệu quả. Và những hình phạt này sẽ chỉ có tác dụng nếu như sau đó, cha mẹ không nhắc lại những hành vi sai trái của trẻ nữa.

 

Cha và mẹ có nên đóng vai là một người kỷ luật tiêu cực và một người kỷ luật tích cực không?

 

Trẻ em cần một môi trường ổn định, an toàn với những quy tắc và hệ quả mà chúng đã hiểu rõ. Tuy nhiên nhiều gia đình hành xử theo cách một người thì hiền lành và chăm sóc trẻ nhiều hơn, còn một người kỷ luật nghiêm khắc hơn. Sự mâu thuẫn giữa cha mẹ trong cách tiếp cận với cảm xúc và hành vi của con có thể khiến trẻ cảm thấy khó hiểu và bực bội. Động lực nuôi dạy con cái tích cực có thể được tăng lên nếu các cha mẹ có cùng góc nhìn, chia sẻ các quan điểm và các phương pháp kỷ luật cũng như khen thưởng.

 

Khen ngợi và Phần thưởng

 

Mặc dù nghe có vẻ không đúng, nhưng việc thường xuyên khen thưởng hành vi tốt của trẻ dù bằng lời nói hay vật chất đều có xu hướng phản tác dụng. Khen ngợi và phần thưởng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy tình yêu của cha mẹ là có điều kiện — chúng có thể bị ám ảnh bởi thành tích, lười biếng hơn và tránh bất kỳ hoạt động nào có nguy cơ thất bại. Kết quả là, chúng sẽ bỏ lỡ các cơ hội để phát triển và thử sức với những điều mới.

 

Những lời khen ngợi và phần thưởng sẽ hiệu quả nhất khi chúng được dùng ít một hoặc chỉ để nhấn mạnh sự đặc biệt. Cha mẹ sẽ thấy sự khuyến khích và kỷ luật tích cực là những cách hiệu quả hơn để khiến con họ có hành vi tốt. Nhờ thế, trẻ sẽ phát triển trí thông minh và tự tin hơn vào kỹ năng của bản thân, giúp có ích cho chúng có khi trưởng thành.

 

Cha mẹ nên khen ngợi con cái ở mức độ nào?

 

Khuyến khích, động viên tích cực giúp thúc đẩy trẻ và thanh thiếu niên lặp lại hành vi hiệu quả hơn những lời chỉ trích và do đó, chúng nên được sử dụng thường xuyên hơn. Việc khen ngợi trẻ có thể trở nên phức tạp. Các bậc cha mẹ cần biết rằng lời khen ngợi có thể tốt ở hiện tại, nhưng chúng có thể hủy hoại trẻ về lâu dài nếu nó đưa ra đánh giá về khả năng tổng thể của trẻ (ví dụ: “Con là một thiên tài!”). Trẻ em có thể sợ sự phản đối của cha mẹ đến nỗi chúng sẽ ngừng thử sức với những điều mới và mất sự tự tin vào bản thân. Cách tốt hơn để khen ngợi là ghi nhận nỗ lực thay vì tập trung vào thành tích ( "Con thực sự đã rất nỗ lực để học những con số đó và hôm nay con đã đếm tốt hơn so với tuần trước!”); điều này cũng tạo điều kiện cho trẻ phát triển tư duy tốt khi chúng lớn lên.

 

Vì sao nên khen ngợi trẻ em?

 

Khen ngợi là một hình thức phổ biến để ghi nhận và khuyến khích trong nhiều mối quan hệ khác chứ không chỉ giữa cha mẹ và con cái. Ai cũng muốn người khác nghĩ tốt về mình và sự khen ngợi đáp ứng nhu cầu cơ bản đó của mỗi chúng ta. Nhiều chuyên gia tin rằng cha mẹ nên khen ngợi con gái để thúc đẩy mối quan hệ gia đình, các giá trị xã hội và động viên tinh thần cho trẻ.


Vì sao không nên khen ngợi trẻ?
 

Các nhà phê bình giáo dục như Alfie Kohn cho rằng khen ngợi trẻ em là một ý kiến ​​tệ, cho dù mục đích của nó có tốt đến đâu. Họ coi sự khen ngợi từ người lớn như một loại phần thưởng bên ngoài làm suy yếu tất cả động cơ bên trong để đứa trẻ thực hiện một hành vi nào đó. Trẻ sẽ chỉ hành động như kỳ vọng khi chúng chắc chắn mình sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi hơn. Do đó khen ngợi biến thành một hình thức kiểm soát trong mối quan hệ.


Điều gì khiến cho việc khen ngợi trở nên phản tác dụng?

 

Việc khen ngợi tính cách của một đứa trẻ ("con thật tuyệt vời") thay vì sự nỗ lực hay hành động của chúng ("con đã học tập chăm chỉ và làm rất tốt trong bài kiểm tra vừa rồi") liên kết sự thành công với ý thức về bản sắc cá nhân của trẻ. Vì vậy nếu bài kiểm tra tiếp theo khó hơn và chúng không làm tốt, chúng sẽ cảm thấy mình là một người thất bại. Việc khen ngợi với một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp có thể phản tác dụng bởi vì nếu chúng bị thất bại trong tương lai nhiều khả năng chúng sẽ cảm thấy xấu hổ và thất vọng về bản thân mình.

 

Cha mẹ có thể nói gì với trẻ thay vì khen ngợi chúng?
 

Trẻ em cần được động viên tích cực và hỗ trợ tinh thần mà không kèm theo điều kiện gì. Những bậc cha mẹ đang băn khoăn không biết nên nói gì với trẻ thay vì khen ngợi chúng có thể thử giải thích về sức ảnh hưởng của những việc chúng làm đến người khác ( ví dụ: "hãy nhìn xem bạn ấy thấy rất vui khi được chơi đồ chơi của con"). Ghi nhận sự nỗ lực của trẻ ("con đã học tập chăm chỉ vì thế mà con được điểm cao"), chia sẻ cảm xúc của bản thân về hành vi của trẻ ("hôm nay mẹ rất thích xem con đá bóng"). Cha mẹ cần tránh bày tỏ sự phán xét và động viên để trẻ nâng cao suy nghĩ chúng được khen ngợi vì đã cố gắng hết sức cho dù lần này chúng có thành công hay không.


Những lời chỉ trích của cha mẹ ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

 

Cha mẹ có thể thể hiện sự không đồng thuận với mục đích dạy cho con hiểu rằng hành vi đó không được chấp nhận hoặc giúp chúng tránh những sai lầm nhất định tuy nhiên đứa trẻ có thể có xu hướng coi những lời chỉ trích này như dấu hiệu rằng chúng sẽ không bao giờ đủ tốt để đạt được sự đồng thuận của cha mẹ chúng. Đứa trẻ sẽ trở nên nổi loạn khi bị chỉ trích quá mức khiến chúng từ bỏ việc cố gắng thay đổi và trở nên tức giận cãi lại hoặc thu mình hoàn toàn. Trường hợp nghiêm trọng đứa trẻ có thể có hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát. Sự chỉ trích không ngừng của cha mẹ có thể gây tác động lâu dài, khiến những đứa trẻ khó có mối quan hệ lành mạnh khi trưởng thành khi trưởng thành.

 

Cha mẹ nên dành phần thưởng cho trẻ khi nào?

 

Theo nghiên cứu, khen thưởng cho hành vi tốt có thể dẫn đến những hành vi xấu. Thay vì đưa ra những phần thưởng vật chất người lớn nên củng cố cho trẻ ý thức tự chủ và năng lực của chúng. Dựa vào động lực bên trong để giúp trẻ cư xử tốt và hòa đồng với mọi người sẽ đem lại kết quả tích cực hơn trong tương lai. Đó là cách mọi người học để làm những điều đúng đắn ngay cả khi không có ai kiểm tra mình. Tất nhiên mục tiêu là để giúp trẻ xây dựng được động lực từ bên trong nhưng đôi lúc những phần thưởng vật chất sẽ khuyến khích trẻ củng cố những hành vi tích cực đặc biệt là khi chúng còn bé.

 

Cha mẹ có nên lo lắng rằng phần thưởng là một cách mua chuộc con cái?

 

Những bậc cha mẹ đang lo lắng về khía cạnh đạo đức của phần thưởng, hãy yên tâm rằng bạn không mua chuộc con mình. Hối lộ mới là động cơ thúc đẩy ai đó thực hiện hành vi xấu. Trong khi đó phần thưởng được sử dụng để thúc đẩy các hành vi có ích cho xã hội. Cha mẹ có thể thông báo trước với con rằng đôi khi họ sẽ khen thưởng cho hành vi tốt hoặc sự chăm chỉ của con, nhưng chúng không nên mong đợi việc được quà bất cứ lúc nào. Bằng cách đó, mọi người sẽ có cùng suy nghĩ và phần thưởng sẽ được sử dụng để kỷ niệm một thành công hay một cột mốc đặc biệt
 

Vì sao không nên trao phần thưởng cho trẻ?

 

Các chuyên gia về nuôi dạy con cái khuyên rằng cha mẹ nên khuyến khích con cái mà không cần đến một phần thưởng nào vì lý do: bề ngoài phần thưởng làm cho hành vi đó có vẻ khó khăn hoặc khó chịu mà thực tế chúng không đến nỗi như vậy (ví dụ như ăn rau hay tập thể dục); trẻ em nên chấm dứt việc thỏa thuận để có động lực thực hiện một việc mà chúng lên làm (như chia sẻ đồ chơi với người khác hoặc nói chuyện với mọi người một cách tôn trọng). Do đó các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi có thể nuôi dạy những đứa trẻ lớn lên và biết điều chỉnh bản thân dựa vào những động lực bên trong hơn là phần thưởng bên ngoài.

 

Hình phạt đòn roi với trẻ

 

Giống như những hình thức trừng phạt liên quan đến cơ thể khác, việc đánh trẻ có liên quan đến một loạt những sự phát triển tiêu cực ở trẻ em. Việc đánh trẻ thường được định nghĩa là đánh một đứa trẻ bằng tay. Cha mẹ thường sử dụng biện pháp đánh đòn con khi cảm thấy quá sức và cần nhanh chóng bắt con sửa sai ngay lập tức. Nhưng việc đánh con không giải quyết được vấn đề về lâu dài mà chỉ làm gia tăng rạn nứt tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Nhìn chung việc nuôi dạy con sẽ dễ dàng hơn nếu cha mẹ biết sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực nhằm thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng của con thay vì làm cho chúng cảm thấy xấu hổ và bị sỉ nhục bằng những hình phạt thể xác.

 

Đánh trẻ có phải là một hình phạt hợp lý với những đứa trẻ không đáp ứng với những hình thức kỷ luật khác?
 

Vào tháng 12 năm 2018, Học viện nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo các cha mẹ không nên đánh con cái của họ. Tương tự như những hình thức trừng phạt cơ thể khác, khoa học chỉ ra đánh đòn không chỉ không hiệu quả trong việc thay đổi hành vi của trẻ mà còn gây phản tác dụng, làm gia tăng các hành vi tiêu cực khác như gây hấn. Các phương pháp khác hiệu quả hơn trong việc sửa đổi hành vi của trẻ mà không gây ra thiệt hại lâu dài.
 

Đánh đòn có ảnh hưởng gì đến trẻ em?

 

Đánh đòn làm tổn hại đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi cha mẹ đánh con tức là họ đang dạy đứa trẻ rằng người lớn có thể dùng bạo lực về thể chất để giải quyết vấn đề của chúng. Trẻ em bị đánh có thể phải chịu hậu quả lâu dài, bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, giảm lòng tự trọng, tăng lo lắng, rối loạn chức năng nhận thức và hành vi chống đối xã hội. Trẻ cũng có nhiều khả năng sử dụng đòn roi và các hình phạt thể xác khác để nuôi dạy con cái của chúng và tăng nguy cơ bị lạm dụng.

 

Đánh đòn có ảnh hưởng gì đến cha mẹ?

 

Đánh đòn, được định nghĩa là đánh trẻ bằng tay, không được khuyến khích như một hình thức trừng phạt đối với trẻ em. Các bậc cha mẹ đánh con vì họ lúng túng không biết làm thế nào để con họ có hành vi khác nhưng nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng việc đánh con không đạt được kết quả như mong muốn mà chỉ gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Điều thực sự xảy ra khi cha mẹ đánh con là họ đang tự đặt mình vào tình thế mất kiểm soát và làm tổn thương con mình nhiều hơn về thể chất.

 

Nguồn: Discipline, Punishment, and Rewards - Psychology Today

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần