` Vì sao các mối quan hệ thất bại? - MaCi Care MaCi Care

19 tháng 11, 2022

0

TÂM LÝ CẶP ĐÔI

Vì sao các mối quan hệ thất bại?

  • Share on Facebook
  • Copy link
Vì sao các mối quan hệ thất bại?

Có nhiều lý do khiến các mối quan hệ không đi đến đâu. Những lý do chính làm cho các mối quan hệ thất bại là mất niềm tin, giao tiếp kém, thiếu tôn trọng, khác biệt trong sự ưu tiên và ít thân mật. Bài viết này thảo luận về nguyên nhân tại sao khiến một mối quan hệ kết thúc.

 

Mất niềm tin

 

Một trong những nền tảng cần thiết trong một mối quan hệ bền vững là cảm giác an toàn. Khi bạn thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần hoặc nhận thấy bạn đời không đáng tin cậy sẽ làm bạn mất niềm tin. Nếu người bạn đời không rõ ràng hoặc khó hiểu được cũng sẽ làm bạn lo lắng. Các mối quan hệ xây dựng trên sự hoài nghi sẽ không đi được lâu dài.

 

Lừa dối

 

Giả sử bạn phát hiện ra người bạn đời nói dối bạn. Dối trá có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Đó có phải là lời nói dối lịch sự hay lời nói dối được nói ra để bảo vệ người đang nói? Những lời nói dối lịch sự thường nhỏ nhặt hay vụn vặt trong khi những lời nói dối thật sự sẽ gây ảnh hưởng xa hơn.

 

Có tính sở hữu

 

Nếu bạn đang sống với người bạn đời có tính chiếm hữu quá mức, nên tự hỏi bản thân, "Dường như điều này có lành mạnh không? Người bạn đời của bạn có cô lập bạn khỏi bạn bè hay liên tục kiểm tra bạn không?"

 

Thái độ ghen tuông

 

Ghen tuông một chút có lợi cho sức khỏe và là dấu hiệu cho thấy hai bạn không đánh giá thấp đối phương. Nhưng nếu ai đó có tính sở hữu quá mức và có dấu hiệu của sự ghen tuông bệnh lý, thì đây là vấn đề đáng báo động.

 

Không chung thủy

 

Khi bạn nghi ngờ người bạn đời của mình không chung thủy, bạn cảm thấy những gì hai bạn đã cùng nhau xây dựng đang bị phá hủy. Bạn không tin người này nữa. Thậm chí bạn nghĩ là họ lại là những người như vậy sao? Các mối quan hệ xây dựng trên sự thiếu sự tin tưởng, đầy sự lừa dối, ghen tuông và ngoại tình thì sẽ không bền vững.

 

Giao tiếp kém

 

Nếu cả hai bạn chỉ trò chuyện xoay quanh vấn đề lịch trình của bọn trẻ hoặc danh sách làm công việc nhà vào cuối tuần, thì cuộc giao tiếp chỉ là giao tiếp đơn thuần. Giao tiếp đúng nghĩa nên bàn về nhiều chủ đề khác nhau. Ngay cả khi nếu bạn giao tiếp tốt, thì có bất đồng cũng không sao. Tranh cãi là điều không thể tránh khỏi và có nhiều cách kiểm soát sự tranh cãi bằng kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Giao tiếp cần được chú trọng đến sự đồng cảm, thấu hiểu và tích cực lắng nghe. Thật đáng tiếc, nhiều cặp vợ chồng cảm thấy khó giao tiếp theo cách này. Mặc dù nghe có vẻ trái ngược, nhưng khi một cặp đôi khoe rằng họ không bao giờ tranh luận, đó không phải là điều đáng hoan nghênh. Thực tế nó phản ánh cả hai đang né tránh tranh luận. Họ không muốn làm lung lay cuộc sống vợ chồng hay làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn. Tốt hơn hết là các cặp đôi nên thẳng thắn bày tỏ sự thất vọng của mình và tìm cách nói chuyện với nhau hơn là không tranh luận bất cứ điều gì. Trong một nghiên cứu gần đây các nhà khoa học đã phân tích cách giao tiếp đòi hỏi /rút lui giữa các cặp vợ chồng. Phong cách này mô tả những gì xảy ra khi đối phương yêu cầu hoặc cằn nhằn về điều gì đó và để tránh đương đầu người kia sẽ bỏ đi.

 

Nghiên cứu cho thấy rằng khi khó khăn về tài chính gia tăng, thì phong cách đòi hỏi / rút lui này cũng gia tăng. Hơn nữa, điều này cũng tương quan với mức độ hài lòng trong hôn nhân thấp hơn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nằm ở phát hiện thú vị này: các cặp vợ chồng sẽ bày tỏ lòng biết ơn và rất cảm kích khi khắc phục được vấn đề này trong giao tiếp. 

 

Thiếu tôn trọng

 

Các cặp vợ chồng thường bất đồng quan điểm nhiều vấn đề khác nhau, nhưng yếu tố về tài chính thường là nguồn gốc của sự bất đồng. Có thể một người tiêu tiền còn người kia thì tiết kiệm. Họ không chú trọng việc chi tiêu hay tiết kiệm dù rất trái ngược nhau, vấn đề là cách họ giải quyết các cuộc tranh luận về tiền bạc. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem cách người này đối xử với người kia ra sao khi xảy ra bất đồng về tiền bạc hay bất kỳ vấn đề nào. Nửa kia của bạn có tôn trọng bạn không? Họ có đùa giỡn với bạn về điều này không? Hay họ hạ thấp, tức giận và đối xử với bạn bằng sự coi thường? Đây là những dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Theo tiến sĩ John Gottman, một nhà tâm lý học nổi tiếng với chuyên môn nghiên cứu về tính bền vững trong hôn nhân và xác suất ly hôn cho biết, coi thường là điều hủy diệt lớn nhất trong các mối quan hệ. Ông cho rằng sự coi thường cũng là yếu tố lớn nhất dự đoán về việc ly hôn. Nếu nửa kia coi thường bạn, chế nhạo hay chống đối bạn, đó là dấu hiệu của việc chán ghét nhau. Sự thiếu yêu thương và tôn trọng có khả năng dẫn đến rạn nứt không thể sửa chữa trong một mối quan hệ. Nghiên cứu cho thấy mâu thuẫn dẫn đến ly hôn gây căng thẳng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.

 

Sự khác biệt trong các điều cần ưu tiên

 

Nếu bạn nhận thấy người bạn đang hẹn hò hoặc người bạn chung sống một thời gian mong muốn có một mối quan hệ hay mục tiêu cuộc sống rất khác với bạn, thì đó là lúc mối quan hệ bắt đầu có dấu hiệu tan vỡ.

 

Mục đích về mối quan hệ khác nhau

 

Đôi khi cả hai bạn có những ưu tiên khác nhau trong chính mối quan hệ này. Ví dụ: sau một tháng hẹn hò, một người mới góa vợ muốn tổ chức một chuyến đi chơi xa vui vẻ với bạn và giữ mối quan hệ không ràng buộc. Tuy nhiên bạn thì sẵn sàng việc giới thiệu họ với gia đình của mình trong những ngày lễ sắp tới và có ý định cho một cam kết nghiêm túc hơn.

 

Mục tiêu trong cuộc sống khác nhau

 

Có thể cả hai bạn đều có những mục tiêu lâu dài khác nhau cho tương lai. Nếu không dành thời gian thảo luận về vấn đề này, thì bạn sẽ thấy lo ngại khi biết rằng ước mơ và mục tiêu của người kia khác với bạn. Chẳng hạn, bạn muốn được tiếp tục làm việc ở thành phố thêm năm năm nữa. Trong khi đó người bạn đời của bạn đã sẵn sàng để ổn định cuộc sống vào năm tới và bắt đầu cuộc sống gia đình ở nông thôn. Khi bạn không thể dàn xếp hay đồng tình đi theo một con đường, mối quan hệ của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Không phải lúc nào mối quan hệ cũng tan vỡ khi cả hai có những mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn như mục tiêu của bạn có khả năng ảnh hưởng đến mục tiêu của người bạn đang chung sống. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên The Journals of Gerontology đã điều tra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các mục tiêu của các cặp vợ chồng. Nghiên cứu khảo sát trên 450 cặp vợ chồng cho thấy về lâu dài người bạn đời gây ảnh hưởng lẫn nhau khi nói đến các mục tiêu. Đây là nền tảng giúp cho mối quan hệ bền vững hơn. Tuy nhiên, không nên xem việc gây ảnh hưởng đến người khác như một giải pháp. Nếu một trong hai người muốn có con còn người kia thì không, hoặc một trong hai người muốn sống kiểu nay đây mai đó còn người kia muốn tiếp tục sinh sống ở nơi từ thời thơ ấu với hàng xóm cho đến già, thì vấn đề này không phù hợp với nhau. Có lẽ bạn nên tìm người khác hợp với mình hơn.

 

Tình dục và sự thân mật không đủ

 

Oxytocin đôi khi được gọi là "hormone tình yêu" hoặc "hóa chất âu yếm". Cơ thể chúng ta sản xuất ra hormone oxytocin khi chúng ta ôm, chạm, hôn và thể hiện tình cảm với người khác. Tăng oxytocin cũng có liên quan đến việc giảm mức độ căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc. Khi các cặp vợ chồng không gần gũi nhau nhiều, và tình trạng thiếu gần gũi ngày càng trầm trọng hơn do ít giao tiếp thân mật và đụng chạm khiến các mối quan hệ trở nên xấu đi. Khi nửa kia của bạn không hứng thú với tình dục, đôi khi sẽ làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng. Sự không phù hợp về ham muốn tình dục gây rạn nứt trong mối quan hệ cùng với các yếu tố khác là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ. Với mối quan hệ vợ chồng tình dục rất quan trọng. Theo một nghiên cứu gần đây, trung bình một người trưởng thành quan hệ tình dục mỗi tuần một lần. Có rất nhiều ích lợi khi quan hệ tình dục thường xuyên, đó là những lợi ích về cảm xúc, tâm lý và thể chất.

 

Yếu tố nào tạo nên một mối quan hệ lâu bền?

 

Brian Ogolsky, Giám đốc nghiên cứu sau đại học, Phó Giáo sư, Phát triển Con người và Nghiên cứu Gia đình tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, đã phân tích hơn 1.100 nghiên cứu về các mối quan hệ lãng mạn. Trong nghiên cứu của mình, ông cho biết đâu là yếu tố thực sự góp phần duy trì các mối quan hệ. Ông nhận thấy điều ngăn chặn các cặp đôi chia tay và có thể tìm thấy trong các mối quan hệ tốt đẹp là: người bạn đời luôn coi trọng nửa kia của họ ngay từ lúc bắt đầu. Trong mối quan hệ này hai bên giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp và thể hiện sự tin tưởng của mình với đối phương, dù cho có chút nghi ngờ về điều gì đó. Còn trong những mối quan hệ không như ý muốn thì ngược lại.

 

Tóm lại

 

Có nhiều lý do dẫn đến mối quan hệ không bền vững. Nhưng yếu tố tác động đáng kể đến việc đổ vỡ của các cặp đôi liên quan đến niềm tin, giao tiếp, sự tôn trọng, những ưu tiên và thân mật. Tất nhiên, không có mối quan hệ nào là hoàn hảo, nhưng khi bạn thấy cuộc sống hôn nhân đang trải qua khó khăn nhiều hơn những điều tốt đẹp, có lẽ đã đến lúc nên đánh giá lại mối quan hệ này. Nếu bạn và nửa kia muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hãy thử liên hệ với chuyên gia trị liệu cặp đôi để được hỗ trợ thêm.

 

Nguồn: Reasons Why Relationships Fail - Very Well Mind

Chia sẻ bài viết

  • Share on Facebook
  • Copy link
Thắc mắc

Vui lòng liên hệ maci.tamly@gmail.com

hoặc Tổng đài

024 8889 6868
Tâm sự & Chia sẻ

Gửi tin nhắn cho chúng tôi

qua Zalo

0797 715 211
Tham vấn & Trị liệu

Nhận hỗ trợ tâm lý

từ các chuyên gia hàng đầu

Xem thêm

Đăng ký nhận thư điện tử

Những thông tin chăm sóc sức khỏe tinh thần hữu ích sẽ được gửi đến quý khách hàng hằng tuần